Tổ Chức Ân Xá quốc tế làm được gì cho Việt Nam
Ỷ Lan, thông tín viên RFA
2009-12-23
http://anonymouse.ru:8000/cgi-bin/nph-proxy2.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.esn.bet/ivrganzrfr/va_qrcgu/Nzarfgl-vagreangvbany-npgvivgvrf-fcrpvnyyl-va-ivrganz=2520-12232009082050.ugzy
Người dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước từ mấy chục năm nay, trước cả thời Cộng Sản nắm chính quyền trên toàn cõi Việt Nam, đã nghe đến những hoạt động của một tổ chức nhân quyền hoạt động rất hữu hiệu, mang tên Tổ Chức Ân Xá quốc tế, Amnesty International. Tổ chức này đã được hình thành trong hoàn cảnh nào, do đâu, và đã làm được những gì cho Việt Nam? Phóng viên Ỷ Lan của đài Á Châu Tự Do phỏng vấn bà Janice Beanland, thuộc Amnesty International.
Lo ngại cho nhân quyền ở VN
Ỷ Lan : Xin chào bà Janice Beanland, Ân xá Quốc tế (Amnesty International) là tổ chức nổi danh trong thế giới qua những hoạt động hữu hiệu bênh vực và giải thoát cho tù nhân chính trị. Nhưng vẫn còn số người chưa hiểu rõ lắm về tổ chức và hoạt động của Ân xá Quốc tế. Xin bà vui lòng giới thiệu sơ lược cho thính giả Đài Á châu Tự do được biết về tổ chức Ân xá Quốc tế ?
Janice Beanland : Ân xá Quốc tế là một nhóm hoạt động cho nhân quyền quốc tế, do một Luật sư người Anh, ông Peter Benenson, thành lập hơn bốn mươi lăm năm trước, năm 1961, sau sự kiện ông viết một bài báo được đăng tải trong thế giới kêu gọi trả tự do cho những sinh viên tại Bồ Đào Nha. Bức thư biến thành một cuộc nâng cốc chúc mừng cho tự do. Từ một động thái đơn giản như vậy, Ân Xá Quốc tế đã lớn mạnh suốt 45 năm qua. Hôm nay chúng tôi có hai triệu hai trăm ngàn thành viên trong hơn 140 quốc gia trên thế giới. Điều quan trọng cần nhấn mạnh, Ân xá Quốc tế là một tổ chức độc lập, không phe phái, nguồn tài trợ độc nhất đến từ các tặng dữ hay đóng góp. Chúng tôi không nhận tiền từ các nguồn chính phủ hay đảng phái chính trị.
Ỷ Lan : Bà đánh giá thế nào về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm qua ?
Janice Beanland : Tôi nghĩ đang có nhiều vấn đề nghiêm trọng về nhân quyền tại Việt Nam. Tôi muốn nói rằng, trong năm qua, chúng tôi nhận thấy tình hình nhân quyền đang xấu đi, đặc biệt trong lĩnh vực tự do ngôn luận. Đây là lĩnh vực mà Ân xá Quốc tế lấy làm tiêu điểm. Theo cái cách con người gọi là được phát biểu tự do và công khai ở Việt Nam, thì tự do ngôn luận đang bị giới hạn đáng kể trong 12 tháng vừa qua.
Ỷ Lan : Ân xá Quốc tế có mở chiến dịch gì để bảo vệ tự do ngôn luận tại Việt Nam không, thưa bà ?
Janice Beanland : Ân xá Quốc tế đang hoạt động theo nhiều mức độ và bằng nhiều phương cách. Ân xá Quốc tế đặt tiêu điểm chủ yếu vào những trường hợp cá nhân và vận động cho quyền cá thể. Ở Việt Nam, chúng tôi đang tập trung trên một số trường hợp cá nhân. Chúng tôi kêu gọi các nhóm của chúng tôi quanh thế giới viết thư cho chính quyền Việt Nam cũng như cho chính quyền sở tại nước họ nêu lên những trường hợp này, rồi chúng tôi tổ chức hằng loạt hoạt động chung quanh những trường hợp ấy.
Ỷ Lan : Bà có thể cho biết một vài trường hợp ?
Janice Beanland : Một vài trường hợp thích đáng có thể kể qua cuộc phỏng vấn hôm nay là trường hợp Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, hai luật gia cho nhân quyền, bị bắt bỏ tù tháng 5 năm 2007. Hai người này nằm trong chiến dịch “Viết để đòi hỏi Quyền” (Write for Rights), là hành động chúng tôi tung ra mỗi năm chung quanh thời điểm Ngày Quốc tế Nhân quyền. Qua hành động này chúng tôi mời gọi các thành viên tổ chức chúng tôi quanh thế giới tập trung vào một số trường hợp để viết thư đòi hỏi trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho những tù nhân vì lương thức, đồng thời biên thư hậu thuẫn gửi thẳng đến cho họ trong nhà tù. Đó là hành động của những thành viên chúng tôi ở Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Nhật bản, Thái Lan, các nước Đông Âu, các nước ở Châu Phi. Mọi nơi đều tham gia chiến dịch này, làm dấy lên hàng nghìn nghìn bức thư gửi đến chính quyền Việt Nam.
Ỷ Lan : Bà có biết những thư này tới tay các tù nhân vì lương thức ở trong tù hay không ?
Janice Beanland : Điều này chúng tôi không biết. Những gì nghe được, thì chắc chắn những bức thư như thế khó tới tay người tù. Nhưng chúng tôi tin rằng việc này vẫn thật bõ công, và chúng tôi khuyến khích các thành viên của chúng tôi tiếp tục gửi thư đi, bởi việc này báo hiệu cho giới quản lý nhà tù Việt Nam - cũng như cho chính quyền Việt Nam - biết rằng thế giới đang quan tâm tới những trường hợp này, và đây là điều quan trọng.
Họat động đấu tranh không ngừng
Ỷ Lan : Chúng tôi biết Ân xá Quốc tế còn vận động thúc đẩy các chính quyền trong thế giới có hành động bênh vực cho những tù nhân vì lương thức. Theo bà áp lực quốc tế có quan trọng đối với những quốc gia như Việt Nam không ?
Janice Beanland : Rất quan trọng. Một phần công tác rất quan trọng của Ân xá Quốc tế là tiếp cận các chính phủ có cơ hội gặp gỡ chính quyền Việt Nam trong những hội nghị ở cấp vùng hay quốc tế, hoặc xuyên qua những cuộc đối thoại nhân quyền, chẳng hạn như giữa Liên Âu và Việt Nam. Chúng tôi tin rằng điều tối ư quan trọng là các chính phủ này biết rõ những điều Ân xá Quốc tế quan tâm, và chúng tôi thúc đẩy các quốc gia này nêu lên các trường hợp đặc biệt tại Việt Nam.
Ỷ Lan : Bà nhắc tới đối thoại nhân quyền giữa Liên Âu và Việt Nam. Theo bà cuộc đối thoại này có mang lại hiệu quả gì không ?
Janice Beanland : Những cuộc đối thoại nhân quyền vô cùng khác nhau giữa các quốc gia. Ân xá Quốc tế nhận xét rằng đối thoại nhân quyền là điều tốt khi gặp gỡ để trao đổi các trải nghiệm, nhưng điều cần yếu là phải nêu ra các tiêu chuẩn tiến hành, phải vạch ra một số điểm chuẩn. Ví dụ như cuộc đối thoại Việt Nam – Liên Âu, chúng tôi muốn được thấy minh bạch các điểm chuẩn mà Liên Âu đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện.
Ỷ Lan : Ví dụ những điểm chuẩn nào ?
Janice Beanland : Chắc chắn phải là trả tự do cho các tù nhân vì lương thức, cải thiện chế độ nhà tù, quyền được xét xử công minh, bãi bỏ những hạn chế về tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.
Ỷ Lan : Bà có thể cho biết tên một số tù nhân vì lương thức được Ân xá Quốc tế can thiệp ?
Janice Beanland : Vâng, những người như Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trương Quốc Huy, Trần Quốc Hiền và một số người hoạt động Công đoàn. Đây tôi chỉ nhắc tới một số người tiêu biểu.
Ỷ Lan : Xin bà một câu hỏi chót. Bà cho biết có nhiều thành viên Ân xá Quốc tế trải qua nhiều năm bênh vực cho một số trường hợp, chẳng hạn như các thành viên ở Canada đòi hỏi trả tự do cho Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang suốt 16 năm ròng nhưng chẳng hề được nhà cầm quyền Việt Nam hồi đáp. Bà có thể cho biết những trường hợp thành công không ? Điều gì làm cho bà tin rằng Ân xá Quốc tế đã đóng góp cải thiện Quyền Con Người ?
Janice Beanland : Đúng thế, có một số trường hợp khác thường, không chỉ riêng tại Việt Nam, mà có những người được trả tự do nhờ Ân xá Quốc tế và nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của những thành viên trong tổ chức chúng tôi. Trong vài trường hợp, các tù nhân này cho biết những thư từ chúng tôi gửi tới đã làm thay đổi rất nhiều chế độ giam cầm họ. Thật vô cùng ấm lòng được nghe những lời kể như thế, làm cho những nỗ lực của chúng tôi thật chẳng uổng công, khi nghĩ rằng các thành viên Ân xá Quốc tế đã hoạt động, và sử dụng những phương tiện nhỏ nhoi mà đã làm cho tình trạng giam giữ trong tù dễ chịu được đôi phần.
Ỷ Lan : Xin cám ơn bà Janice Beanland.
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment