Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế theo dõi sát vụ xét xử các nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam
Đức Tâm
Bài đăng ngày 23/12/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 23/12/2009 16:15 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/120/article_6198.asp
Về vụ xét xử sắp tới đối với các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, ông Vũ Quốc Dụng, tổng thư ký Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (ISHR) cho biết là Hiệp Hội đã đưa những bị cáo này vào danh sách ưu tiên để vận động các chính phủ can thiệp trả tự do cho họ. ISHR sẽ theo dõi sát những diễn biến của vụ án này để thông tin đến công luận
Anh nghĩ gì sau khi nghe tin chính quyền Việt Nam đã ra bản cáo trạng đối với những người nói trên?
Ông Vũ Quốc Dụng : Trước hết cần nói ngay rằng tôi chưa được đọc bản cáo trạng này mà chỉ mới thu thập thông tin qua nhiều nguồn khác nhau cho nên tôi chỉ có 1 vài nhận xét sơ khởi.
Tôi thấy là sau nhiều năm trời, bây giờ chính quyền Việt Nam mới dùng lại điều 79 về “Tội lật đổ chính quyền nhân dân” để khởi tố những người bất đồng chính kiến. Sự cáo buộc này cho thấy Việt Nam hiện chính thức công nhận đang có ít nhất một tổ chức hoặc một đảng phái đối lập đang hoạt động tại Việt Nam và uy tín của đảng Cộng sản không còn là tuyệt đối nữa.
Điều làm tôi ngạc nhiên là tuy Việt Nam công nhận rằng đảng Dân Chủ Việt Nam đã có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền từ năm 2006, nhưng mãi đến năm 2009 mới ra tay bắt giữ các thành viên của đảng này. Ai cũng biết đảng này đã hoạt động chính thức tại Việt Nam cho đến năm 1988. Như vậy đảng này vẫn hoạt động mặc dù Hiến pháp Việt Nam thời đó cũng như thời nay ghi rõ rằng đảng Cộng sản Việt Nam là "lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước”. Nội dung hiến pháp không thay đổi vậy thì tại sao bây giờ lại cấm? Sự kiện Việt Nam đến bây giờ mới buộc tội các đảng viên đảng Dân Chủ cho thấy thái độ bất nhất hay ít nhất luật pháp đã không rõ ràng dứt khoát ngay từ đầu.
Khi đọc những thông tin được báo Thanh Niên trích từ cáo trạng, tôi không thấy những hoạt động của các bị cáo vi phạm bất cứ điều nào trong Công ước Quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị. Ngược lại, họ đã thực hiện một cách ôn hoà những quyền tự do căn bản như quyền tự do tư tưởng, quyền tự do lập hội, quyền tự do phát biểu quan điểm và quyền tham gia điều hành đất nước được ghi trong công ước này. Họ đã không có những hành vi bạo động, không kêu gọi dùng bạo lực để chiếm chính quyền.
Như vậy nếu đem họ ra xử thì Việt Nam sẽ mâu thuẫn với việc Việt Nam đã tham gia và hứa thực hiện công ước này. Việc vi phạm này sẽ rất nặng vì mức án đối với các bị cáo trong tội nói trên cao nhất là tử hình, còn thấp nhất cũng là 5 hoặc 12 năm.
Anh nghĩ gì về việc chính quyền Việt Nam thay đổi tội danh và giờ đây truy tố những người nói trên với tội danh “lật đổ chính quyền nhân dân”?
Ông Vũ Quốc Dụng : Mấy tuần trước, chúng tôi đã ngạc nhiên khi nghe Việt Nam định thay đổi tội danh, từ tuyên truyền sang hoạt động lật độ. Tại sao lại thay đổi tội danh sau khi đã dàn dựng công phu cho các bị cáo đọc lời thú nhận tội truyền hình? Thông thường, việc thay đổi tội danh cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là đối với các tù nhân chính trị vì họ là người được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.
Theo dõi các vụ án chính trị trước đây, tôi nhận xét thấy Việt Nam rất tuỳ tiện trong việc cáo buộc. Cáo buộc thế nào và ở mức độ nào bị phụ thuộc vào đánh giá tình thế chứ không thực sự nghiêm chỉnh tuân theo luật pháp. Thành ra chứng cứ và cáo buộc rất chỏi nhau. Nói chung người ta khó tin vào sự công minh và công bằng của nền tư pháp Việt Nam.
Việc thay đổi tội danh lần này rất khó hiểu, nhất là từ một tội nhẹ sang một tội nặng trong một vụ án chính trị nổi tiếng.
Tôi chỉ có thể phỏng đoán. Tôi nghĩ có thể là vì luật sư Định là người đã từng cãi cho luật sư Đài và Công Nhân trong vụ án về tuyên truyền nên đã nắm rất vững các lý luận dựa trên cơ sở luật quốc tế để tự biện hộ. Trong một phiên toà mà tôi chắc chắn sẽ có nhiều phóng viên và nhân viên ngoại giao các nước đến quan sát thì công tố viên sẽ rất yếu thế so với luật sư Định.
Cũng có thể Việt Nam không muốn bị quốc tế chú ý quá đáng trong việc sử dụng tội tuyên truyền để đàn áp có hệ thống những người bất đồng chính kiến. Tôi biết Liên Hiệp Quốc đã nhận được khá nhiều đơn khiếu nại Việt Nam về việc này.
Cũng có thể Việt Nam muốn răn đe những nhà hoạt động dân chủ trong nước để họ đừng gia nhập đảng Dân Chủ hoặc một đảng nào khác.
Về vụ này tổ chức của anh đã có những hoạt động gì để vận động công luận quốc tế?
Ông Vũ Quốc Dụng : Tôi muốn khuyên Việt Nam nên tôn trọng những cam kết với quốc tế về mặt nhân quyền và cần tôn trọng nhân quyền của công dân Việt Nam, kể cả quyền tự do tham gia vào việc nước. Vì chỉ có tôn trọng nhân quyền mới làm cho các công dân Việt Nam không bị đẩy đến đường cùng và phải dùng đến biện pháp nổi dậy để chống lại sự chuyên chế và đàn áp. Điều này đã được ghi ngay trong lời mở đầu Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế của Liên Hiệp Quốc.
Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (ISHR) đã đưa những bị cáo trong vụ án này vào danh sách ưu tiên để vận động các chính phủ can thiệp trả tự do cho họ. ISHR sẽ theo dõi sát những diễn biến của vụ án này để thông tin đến công luận.
ISHR sẽ vận động các toà đại sứ ở Việt Nam cử người đến giám sát các phiên toà sắp tới đây. Chúng tôi để lập hồ sơ gửi lên Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là cơ quan giám sát các thành viên của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị.
NGHE : Ông Vũ Quốc Dụng
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/120/article_6198.asp
Việt Nam truy tố luật sư Lê Công Định và thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung về tội hoạt động lật đổ chính quyền (RFI)
No comments:
Post a Comment