Friday, December 18, 2009

TTX VIETCATHOLIC NEWS tiếp xúc với QUỐC HỘI VICTORIA về trường hợp CHA LÝ

VietCatholic tiếp xúc với Quốc Hội Victoria - Australia về trường hợp cha Lý - Phần I
J.B. An Dang
VietCatholic News (17 Dec 2009 15:57)
http://vietcatholic.net/News/Html/74555.htm
Bất chấp áp lực của cộng đồng thế giới bao gồm cả 37 dân biểu và thượng nghị sĩ tại Hoa Kỳ, và các tổ chức nhân quyền, nhà cầm quyền Việt Nam đã từ chối trả tự do cho cha Tađêô Nguyễn Văn Lý.

Ngày 14/11 vừa qua, cha Lý đã bị tai biến mạch máu não lần thứ hai và bị liệt một phần thân thể. Dù thế, nhà cầm quyền Việt Nam đã kiên quyết từ chối lời thỉnh cầu của Tòa Giám Mục Huế và gia đình xin đưa cha Lý về nhà chăm sóc.
Ngày 11/12, nhà cầm quyền Việt Nam đã đưa cha Lý trở lại trại tù Ba Sao để tiếp tục giam cầm một linh mục Công Giáo đã 63 tuổi nhưng vẫn bị coi là nguy hiểm cho sự tồn vong của chế độ cộng sản tại Việt Nam.

VietCatholic đã có cuộc tiếp xúc với Quốc Hội tiểu bang Victoria, Úc Đại Lợi để thông báo về tình trạng của cha Tađêô Nguyễn Văn Lý. Dưới đây là bài phỏng vấn ông Luke Donnellan, dân biểu Quốc Hội Victoria và đồng thời cũng là thư ký của thủ hiến tiểu bang do anh Châu Xuân Hùng thực hiện.
Từ năm 2005, dân biểu Luke Donnellan đã yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải để cho ông thăm viếng cha Lý nhưng nhiều lần tòa đại sứ Việt Nam tại Canberra đã từ khước. Tháng 3/2006, dân biểu Luke Donnellan đã tìm cách lọt được vào Việt Nam trong tư cách một người đi du lịch, và ông đã gặp được cha Lý.

Châu Xuân Hùng: Chào ông Luke. Ông đã biết Cha Lý tại Việt Nam. Ngài là một tù nhân lương tâm đến nay cũng đã lâu. Tôi biết tháng 3/2006, ông đã có gặp cha Lý. Tình trạng của ngài lúc bấy giờ về thể lý và tâm lý như thế nào thưa ông?
Dân biểu Luke Donnellan: Sức khoẻ của cha Lý lúc ấy rất tốt. Ngài khoẻ và rất kiên cường, rất quyết tâm tiếp tục cuộc chiến cho nguyên tắc dân chủ của tự do tín ngưỡng tại Việt Nam. Tôi rất có ấn tượng với hùng khí xung quanh cha Lý. Trong thời gian tôi thăm ngài ở tổng giáo phận [Huế] tôi thấy ngài bị theo dõi thường trực. Nhưng dường như ngài chẳng quan tâm gì đến chuyện đó. Trái lại, ngài và cha Phêrô [Phan Văn Lợi] cả hai đều rất quyết tâm theo đuổi công việc của các ngài. Tôi thấy nơi ngài một tinh thần rất cao.

Châu Xuân Hùng: Xin ông cho biết trong hoàn cảnh nào trường hợp của cha Lý đã gây sự chú ý nơi ông?
Dân biểu Luke Donnellan: Qua cộng đồng địa phương, qua các Websites địa phương, qua Website Công Giáo. Cộng đồng địa phương rất mạnh ở đây tỏ ra rất mến mộ cha Lý. Con đường đấu tranh dân chủ của cha Lý làm tôi xúc động một phần từ ý nghĩa là ngài đang theo đuổi một hình thức thần học giải phóng của mình tại Việt Nam. Ngài đang thực hiện một công việc thật tuyệt vời.

Châu Xuân Hùng: Giờ đây, chúng ta hãy đề cập đến tin tức tệ hại này. Tháng trước ngài bị tai biến, rất tệ, liệt cả một bên. Từ đó, ngài được đưa đi điều trị tại một bệnh viện do Bội Nội Vụ quản lý. Giáo Phận Huế và gia đình yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho ngài để họ có thể chăm sóc cho ngài tại nhà. Nhưng hôm 11/12, chỉ vài ngày mới đây, nhà nước lại đưa ngài trở vào tù. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Dân biểu Luke Donnellan: Chủ nghĩa cộng sản không phải là một hình thức nhà nước tôn trọng phẩm giá đúng nghĩa. Nó không đối xử với con người theo phẩm giá của họ. Khó mà trông đợi các viên chức cộng sản đối xử với cha Lý đàng hoàng vì cha Lý là một mối nguy cho họ. Tôi không dám mơ tới chuyện là chế độ đó có chút lòng trắc ẩn đối với tình cảnh cha Lý. Tôi không hề dám mơ đến chuyện là họ trả tự do cho cha Lý. Tôi nghĩ là họ sẽ tiếp tục giam cầm ngài. Giống như trong cái show tòa án vừa qua khiến họ nhục nhã ê chề khi các máy thu hình thu được cảnh họ đang bịt miệng cha Lý. Ngài là một mối nguy quá lớn cho họ. Chẳng may, ngài có tên trong hàng ngũ những người Công Giáo Việt Nam và những nhà lãnh đạo Phật Giáo bị coi là nguy hiểm cho chế độ. Tôi nghĩ nếu ngài thiếu quyết tâm trên con đường đấu tranh dân chủ thì có lẽ họ đã thả ngài rồi.

Châu Xuân Hùng: Tháng 6 năm nay, 37 dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ gởi thư cho chủ tịch nước Việt Nam yêu cầu trả tự do cho cha Lý. Tháng 12 này, chỉ vài ngày mới đây, ông chủ tịch đó đã gặp Đức Thánh Cha tại Rôma. Tòa Thánh đã hứa với tổng giáo phận Huế để nhân dịp quan trọng này đưa ra trường hợp cha Lý và yêu cầu Việt Nam trả tự do cho ngài. Chúng tôi tin chắc là Tòa Thánh đã thực hiện điều đó. Nhưng tới nay vẫn chưa có gì xảy ra. Theo ý kiến của ông, thì còn điều gì chúng ta có thể làm được để giúp cha Lý?
Dân biểu Luke Donnellan: Tôi nghĩ là Tòa Thánh nên công khai hơn ước vọng của mình muốn thấy cha Lý được tự do. Tôi không giải thích được tại sao Vatican Radio và các phương tiện truyền thông của Tòa Thánh không mạnh mẽ kêu đòi tự do cho cha Lý nêu lý do rằng ngài chỉ đấu tranh cho những nguyên tắc rất cơ bản của tự do tín ngưỡng, và đến cuối đời của ngài, hãy để cho ngài được sống đúng phẩm giá con người, bị tai biến như thế có lẽ cái ngày cuối đời của ngài cũng không xa. Tôi nghĩ Giáo Hội phải áp lực mạnh cho ngài được sống đúng phẩm giá con người. Tôi nghĩ Giáo Hội tại địa phương cũng phải gây áp lực bằng cách nêu vấn đề trong nội bộ mình và đưa ra các thỉnh nguyện thư. Về chiến dịch tại đây. Tôi nghĩ một cách thiết thực là nhà nước cộng sản ở Việt Nam phải hiểu cảm giác mạnh mẽ của chúng tôi ở đây, Australia này, trước trường hợp của cha Lý. Chuyện này sẽ ảnh hưởng đến du lịch vì nếu quý vị biết những chuyện xấu xa như thế thì còn gì hứng thú để thăm viếng những nơi như thế. Tôi nghĩ là một chiến dịch tại địa phương sẽ gởi một thông điệp mạnh mẽ không phải chỉ từ cộng đồng Việt Nam nhưng từ các giáo xứ Công Giáo địa phương. Nếu những người Công Giáo tại đây biết đến trường hợp cha Lý họ hiểu rõ hơn cha là một trong số ít người đấu tranh cho tự do tôn giáo.

Châu Xuân Hùng: Ở đất nước Úc chúng ta, các vị dân biểu và thượng nghị sỹ có thể làm gì không thưa ông?
Dân biểu Luke Donnellan: Tại sao không? Tôi nghĩ thật là sai lầm khi để cho cha Lý sống hết kiếp trong nhà tù.

Châu Xuân Hùng: Ông có điều gì muốn thưa với quý khán thính giả VietCatholic?
Dân biểu Luke Donnellan: Tôi chỉ hy vọng cha Lý được sống xứng phẩm giá con người vì ngài rõ ràng là đã trải qua 17-18 năm tù tội. Thật là khủng khiếp. Ngài là một chiến sĩ cổ võ cho dân chủ và tự do tôn giáo. Ngài đã làm một công việc tuyệt vời cho đất nước. Tôi mong ngài được khỏe mạnh và được chăm sóc thỏa đáng. Tôi yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải đối xử với con người này với phẩm giá cao trọng vì ngài là một con người cao cả, mạnh mẽ và đầy ấn tượng.
J.B. An Dang


VietCatholic tiếp xúc với Quốc Hội Victoria - Australia về trường hợp cha Lý - Phần II
J.B. An Dang
VietCatholic News (18 Dec 2009 01:17)
http://vietcatholic.net/News/Html/74570.htm
Trong chuyến viếng thăm thành phố Melbourne (Úc) của phái đoàn VietCatholic, chúng tôi đã được hân hạnh tiếp xúc với một số dân biểu Quốc Hội Úc tại tiểu bang Victoria để thông báo và bàn bạc với họ về những đợt đàn áp giáo hội tại VN mới đây. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn với dân biểu Muray Thompson thuộc tiểu bang Victoria của Châu Xuân Hùng, mời độc giả theo dõi:

Châu Xuân Hùng: Xin cảm ơn ông Murray đã dành thời giờ cho cuộc phỏng vấn chiều nay. Xin ông vui lòng cho biết, vụ của cha Lý xảy ra như thế nào theo như ông được biết?
Dân biểu Murray Thompson: Quý dân biểu trong nội bộ Quốc Hội Victoria đã hội họp với sự khích lệ của một vài nhân vật trọng yếu trong cộng đồng người Việt để vận động cho việc trả tự do cho những tù nhân chính trị. Đã có một lá thơ vận động gởi cho chủ tịch nước VN và vài nhân vật quan yếu nhằm vận động cho những tù nhân chính trị này. Kết quả tốt đẹp năm 2005 đã đạt được khi giáo sư Huy được trả tự do. Cha Lý cũng là người đã bị bắt vì quan điểm chính trị của mình. Cũng giống như nhiều người dân Úc, chúng tôi tin vào những nhân quyền cơ bản và quyền tự do phát biểu, tự do thờ phượng cũng như tự do bày tỏ ý kiến, và điều quan trọng là những vấn đề như thế cần phải được theo đuổi.

Châu Xuân Hùng:
Bây giờ là đến một tin buồn, mới tháng 11 đây thôi, cha Lý đã bị một cơn đột quỵ khá nặng khiến cho nửa người của ngài bị liệt. Từ đó cha Lý mới được chữa trị tại bệnh viện trong trại giam, là nơi được chính Giám đốc sở công an Hà Nội điều khiển. Gia đình của ngài đã xin chính phủ VN trả tự do cho ngài, để cho gia đình được đưa ngài về nhà chăm sóc. Tuy nhiên vào ngày 11 tháng 12 mới đây, nhà cầm quyền VN lại trả ông về trại giam. Nếu thế thì quan điểm của ông ra sao?
Dân biểu Murray Thompson: Cộng đồng thế giới rất quan tâm đến hoàn cảnh của cha Lý và họ nghĩ rằng thật không may cho một người ở giữa lứa tuổi 60 bị đột quỵ phải ở trong đó (trại tù) chỉ vì quan điểm chính trị của ông ta.

Châu Xuân Hùng: Vào tháng 6 năm nay, 37 thượng nghị sĩ Mỹ đã gởi một lá thơ đến chủ tịch nước của VN hối thúc việc trả tự do cho cha Lý. Vào tháng 12, chỉ vài ngày sau khi chủ tịch nước gặp gỡ Đức Giáo Hoàng tại Roma, Tòa Thánh đã hứa với tổng giáo phận Huế sẽ lợi dụng cơ hội này để nêu vấn đề cha Lý và kêu gọi chính phủ VN. Chúng tôi tin rằng Tòa Thánh đã làm chuyện đó. Tuy nhiên chẳng thấy gì xảy ra. Chúng tôi chưa nghe thấy gì hết cả. Theo ý kiến của ông, thì chúng ta trong vụ này còn làm gì được nữa để giúp cha Lý?
Dân biểu Murray Thompson: Tôi nghĩ rằng việc lôi kéo cộng đồng chính trị thế giới vào vụ án và quyền tự do của cha Lý là việc quan trọng.
Và tôi tin rằng Liên Hiệp Quôc lẫn các quốc gia dân chủ trên thế giới sẽ vận động mạnh mẽ để cha Lý được thả ra.
Hồi nãy tôi có nói về tự do phát biểu và tự do tôn giáo. Cha Lý là một thí dụ điển hình khi những quyền (tự do ) đó bị vi phạm. Tại Úc chúng tôi được quyền làm bất cứ những gi chúng tôi muốn. Theo quan niệm của chúng tôi phải làm thêm nhiều nữa để gây thêm áp lực chính phủ VN phải tuân thủ.
Điều cần thiết là tôi đã kêu gọi những đồng viện của tôi ở Victoria này viết thơ đến chính phủ VN cũng như tích cực vận động qua trung gian Bộ Ngoại Giao Úc cũng như những nhân vật cao cấp trong chính phủ hãy làm việc về vụ của cha Lý, một người đang phải chịu đựng tình trạng sức khỏe yếu kém và là người chỉ có một tội là phát biểu ý kiến dân chủ, hợp pháp của mình liên quan đến những vấn đề tự do ngôn luận và tôn giáo, tôi thấy rằng việc ông bị giữ lại tại nhà tù VN là một việc thật vô lương tâm.

J.B. An Dang



No comments: