Sunday, December 6, 2009

THUỶ ĐIỆN Ở MIỀN TRUNG

Thủy điện ở miền Trung
Ðiện trị giá 800 tỷ, gây lụt thiệt hại 4000 tỷ
Saturday, December 05, 2009

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=105144&z=2
QUẢNG NAM 12-5 (TH) - Những con số không có mắt, không có tình cảm nhưng nói thật rõ nghĩa về cách tính toán lợi hại xây dựng thủy điện ở tỉnh Quảng Nam .

Theo các con tính được nêu ra
trên báo Tuổi Trẻ ngày Thứ Bảy 5 Tháng Mười Hai 2009, đến năm 2015 tức chỉ 6 năm nữa, có tất cả 50 nhà máy thủy điện ở tỉnh Quảng Nam đi vào hoạt động. Những nhà máy thủy điện này “tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách của tỉnh Quảng Nam hằng năm khoảng 800 tỉ đồng”.

Nhưng, chỉ cộng các con số thiệt hại do lũ mà nhà đập thủy điện A Vương góp phần khi xảy ra cơn bão số 9 hồi cuối Tháng Chín vừa qua, “Quảng Nam bị thiệt hại giá trị hơn 4,000 tỉ đồng, trong đó riêng huyện Ðại Lộc là 650 tỉ đồng”.

Những tin tức gần đây được tiết lộ cho thấy tỉnh Quảng Nam có tới 110 dự án thủy điện cõng trên lưng nhau trên hệ thống hai con sông Vu Gia và Thu Bồn chỉ dài có 200 km. Trước những lời chỉ trích thậm tệ về thủy điện xả lũ giết dân, thiệt hại tài sản quá lớn, nhà cầm quyền địa phương mới loan báo hủy bỏ 9 dự án thủy điện “kém hiệu quả”. Tức là ít nhất còn tổng cộng 101 dự án thủy điện trước sau sẽ thực hiện.
Ngày 4 Tháng Mười Hai 2009 vừa qua, “Tỉnh ủy Quảng Nam “ mới tổ chức “hội nghị chuyên đề phát triển thủy điện”. Trong cuộc họp này “nhiều đại biểu cho rằng thủy điện trên địa bàn đã phá rừng, không cắt lũ hạ du khiến dân giờ cứ nghe báo lũ là bỏ chạy”, báo Tuổi Trẻ tường thuật.

Nhờ có bài báo của tờ Tuổi Trẻ, mọi người mới biết một số lượng nhiều như vậy nhà máy thủy điện đang trên đường gấp rút hoàn thành, bất chấp tới những hệ quả mà người dân ở hạ lưu các con sông có hệ thống đập thủy điện phải gánh chịu.

Trong hội nghị nói trên, ông Mai Anh Súy, phó chủ tịch UBND huyện Ðại Lộc, kêu điện A Vương xả lũ khiến “cả huyện bị ngập nặng nề nhất trong 100 năm qua”. Tờ Tuổi Trẻ thuật lời ông Súy nói: “đang mưa bão, lũ lên báo động 3, dân tình hoang mang. Ðùng một cái thủy điện A Vương xả hơn 100 triệu m3 nước trong vài giờ lúc đêm khuya. Hàng vạn hộ dân trở tay không kịp, mất mát rất lớn.”
Ông Súy kêu là “Lũ đã lớn còn xả nước thủy điện, lại chồng thêm lũ ‘nhân tạo’ thì thiếu trách nhiệm quá”.
Có mặt trong cuộc họp, ông Lê Hữu Thuần - phó cục trưởng Cục Quản Lý Tài Nguyên Nước của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường CSVN nhìn nhận “hầu hết thủy điện khi quy hoạch đều chưa có đánh giá tác động môi trường chiến lược theo luật định”.

Nhưng tại sao làm trái luật như vậy lại không bị chế tài? Nhờ có bôi trơn rất tốt? Ông này chỉ nêu ra để chỉ trích là các dự án thủy điện “nhiều khiếm khuyết” như các quy trình vận hành hồ chứa khi xảy ra sự cố nghiêm trọng chưa có, chưa có yêu cầu phòng và chống lũ. Lại còn không có các hệ thống giám sát và đo đạc sử dụng nước.

Trần Quang Hoài - phó cục trưởng Cục Quản Lý Ðê Ðiều và Phòng Chống Lụt Bão - của Hà Nội cũng xác nhận, qua hai cơn bão lũ số 9, 11 đã bộc lộ “một số nhà máy thủy điện chưa quan tâm đến vấn đề cắt lũ hạ du. Hầu hết chủ đầu tư năng lực còn hạn chế, thiếu trách nhiệm quản lý, muốn giảm giá thành đầu tư nên không đầu tư hết các nhiệm vụ của hồ đập”.

Sau khi có những chuyện thiệt hại vật chất và nhân sự lớn lao, người ta mới thấy xuất hiện những lời đả kích và để lộ những khuyết tật của cả hệ thống quyền lực.

Ngày 24 Tháng Mười Một 2009, Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật VN (VUSTA) đã tổ chức một buổi tọa đàm “Lũ lụt tại miền Trung, Tây nguyên: ý kiến của các nhà khoa học”. Trong cuộc họp mặt này “Hàng loạt lý giải về lũ miền Trung đã được đưa ra, trong đó thủy điện được nhận định là một trong những yếu tố quan trọng gây tăng mức lũ”, theo tin báo Tuổi Trẻ.

Từ đây đến 6 năm nữa, 50 nhà máy thủy điện theo nhau chận nước mùa khô hạn, dân hạ lưu sẽ không có nước uống hay trồng cấy, rồi hối hả xả lũ khi bão tới, con số thiệt hại sẽ nhiều đến đâu so với thiệt hại chỉ do đập thủy điện A Vương xả lũ hồi cuối Tháng Chín, không thấy ai trong các cuộc họp nói trên đưa ra các con số ước lượng.

Một tỉnh có 50 thủy điện: ghê quá!
Thủy điện khiến lũ hung dữ hơn

Kiến nghị giải quyết nguy cơ mất nhà của dân





No comments: