Sunday, December 6, 2009

CHÀNG TRAI GỐC VIỆT ĐẠP XE VÒNG QUANH THẾ GIỚI VÌ MÔI TRƯỜNG

Chàng trai gốc Việt đạp xe vòng quanh thế giới vì môi trường
Nguyễn Trung
05/12/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-12-05-voa29.cfm
Thưa quý vị, Kim Paul Nguyễn, một công dân Australia gốc Việt, đã đạp xe qua một chặng đường dài hơn 18 nghìn kilomét để nâng cao nhận thức của mọi người về tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đối với các nước đang phát triển. Sau khi khởi hành từ thành phố quê nhà Brisbane, hơn một năm qua, chuyến đi dài ngày đã đưa chàng trai 28 tuổi qua hàng chục quốc gia. Anh Kim trả lời VOA Việt Ngữ từ Berlin, chặng áp chót trước khi anh đặt chân tới thủ đô Copenhagen của Đan Mạch vào ngày 6/12, tức một ngày trước khi khai mạc Hội nghị về biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc – nơi các nhà lãnh đạo trên thế giới thảo luận để tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng tăng nhiệt của trái đất. Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi của Nguyễn Trung với nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

VOA: Lý do nào khiến anh quyết định đạp xe từ thành phố Brisbane của Australia qua hàng chục nước để tới thủ đô Copenhagen của Đan Mạch?
Anh Kim Paul Nguyễn: Lâu nay tôi đã nghe nhiều về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và cảm thấy ngày càng quan ngại, lo lắng về vấn đề này. Chính bởi thế, tôi luôn muốn làm một điều gì đó để mang lại một sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ của mọi người. Tôi là người thích chu du đây đó, nhưng cũng đồng thời muốn các chuyến đi khám phá thế giới của mình ít gây ảnh hưởng tới môi trường nhất.
Khi biết
Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra ở Copenhagen, tôi nghĩ đó là một cơ hội tuyệt vời để kết hợp niềm đam mê đi du lịch đồng thời hành động để bảo vệ môi trường. Thế nên, tôi đã quyết định đạp xe qua nhiều quốc gia và thu thập ý kiến của người dân ở các nước đó để mang tới Copenhagen.

VOA: Trong hành trình hơn một chục nghìn kilomét đó, khó khăn lớn nhất anh vấp phải là gì?
Anh Kim Paul Nguyễn: Trong suốt hành trình của tôi, tôi đã phải đối mặt với không ít thách thức cả về thể chất lẫn tinh thần. Tôi đã phải nhập viện một số lần vì bị kiệt sức, bị mất nước và sốt. Có lần tôi bị ngã xuống mặt đường gồ ghề, và đã phải khâu vài mũi trên mặt. Các bộ phận khác như đầu gối và lưng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hành trình dài ngày này.
Không ít lần tôi bị lạc trên đường đi, nhất là tại Mông Cổ, vì đường xá ở đó ít có biển báo. Tôi còn hết lương thực và nước uống khi băng qua sa mạc Gobi (Mông Cổ) và phải ở lại đó vài ngày. Rất may là người dân đã hỗ trợ lương thực và nước uống để tôi vượt sa mạc, tiếp tục hành trình. Đôi khi tôi cũng bị mất tinh thần, khi nghĩ rằng tôi không thể đi tới đích, và rằng tôi nên dừng lại rồi quay trở về Australia nghỉ ngơi.
Nhiều lúc tôi cũng nghĩ liệu công sức mình bỏ ra có đáng hay không, vì có thể không ai quan tâm tới những gì tôi làm cũng như tới vấn đề biến đổi khí hậu. Nhưng rốt cuộc tôi cũng vượt qua được mọi thách thức đó và hiện giờ (ngày 30/11) tôi chỉ còn cách biên giới Đan Mạch khoảng 30 km nữa thôi.

VOA: Anh đã làm gì để vượt qua những thách thức đó?
Anh Kim Paul Nguyễn: Trước những khó khăn đó, tôi phải luôn nghĩ tới mục đích của chuyến đi, cũng như nghĩ về bất kỳ ai dõi theo hành trình của tôi. Tôi muốn chứng tỏ rằng chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua một chặng đường dài như vậy mà không gây hại tới môi trường. Tôi cũng muốn mọi người thấy rằng nếu quyết tâm và bền bỉ nỗ lực, chúng ta có thể theo đuổi bất kỳ mục tiêu nào. Cũng như với vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta có thể ngăn chặn tình trạng này trên toàn cầu nếu mọi người có quyết tâm chung.
Nếu bản thân tôi bỏ cuộc giữa chừng, hành động đó sẽ phát đi một thông điệp tiêu cực rằng cá nhân tôi và rộng hơn là cộng đồng không thể hành động ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Chính điều đó đã khiến tôi tiếp tục hành trình. Tôi cảm thấy có trách nhiệm với những ai theo dõi hành trình của tôi, với gia đình tôi và với chính bản thân mình.

VOA:
Người dân ở các nước anh đạp xe qua chia sẻ với anh những gì?
Anh Kim Paul Nguyễn: Phần lớn các nước tôi đi qua nằm ở khu vực Châu Á và đa số là các quốc gia đang phát triển. Ở mỗi nước, tôi đều phát đi thông điệp về vấn đề biến đổi khí hậu, và những ảnh hưởng của tình trạng đó đối với cuộc sống của người dân. Tại những nơi như Đông Timor, Indonesia, Mông Cổ và Kazakstan, có nhiều người dân nghèo khổ sống dựa nhiều vào thiên nhiên xung quanh.
Cuộc sống của họ phụ thuộc vào mưa, vào ánh nắng mặt trời hay sông suối để tồn tại. Giờ thì lối sống truyền thống của họ bị tác động mạnh bởi tình trạng biến đổi khí hậu. Tôi cũng thu thập các thông điệp của họ để gửi tới các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu ở Copenhagen.
Nói chung, những nạn nhân của tình trạng ấm nóng toàn cầu mà tôi đã gặp mong muốn các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị Copenhagen cùng với Hoa Kỳ, Australia, các nước phương Tây, Trung Quốc và các quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất phải làm một điều gì đó để đảm bảo rằng chúng ta không để lại cho các thế hệ tương lai môi trường và khí hậu bị hủy hoại. Tổng cộng tôi thu thập được khoảng 1.000 – 1.500 thông điệp gửi tới hội nghị Copenhagen.

VOA: Anh có nghĩ rằng các thông điệp đó sẽ có một tác động nào đó tới các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị ở Copenhagen hay không?
Anh Kim Paul Nguyễn: Tôi thực sự nghĩ rằng những thông điệp của người dân sẽ có tác động, nhưng tác động mạnh mẽ như thế nào thì chưa biết được. Có nhiều nhóm vận động từ các ngành công nghiệp khác nhau thúc ép các nhà lãnh đạo không nên thay đổi, không nên giới hạn, điều chỉnh hoạt động kinh doanh và sản xuất công nghiệp vì vấn đề môi trường. Mà nếu các nhà lãnh đạo không hành động, khí thải vẫn tiếp tục gây ô nhiễm.
Bởi thế, tôi thực sự hy vọng rằng các thông điệp đó sẽ nhận được sự cộng hưởng từ những người đón nhận chúng. Hiện có một chiến dịch lớn vì môi trường, từ việc người dân ký thỉnh nguyện thư đến biểu tình đòi chính phủ hành động chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Dù các nhà lãnh đạo cuối cùng có đạt được một sự đồng thuận ở Copenhagen hay không, tôi không chắc. Nhưng tin rằng mọi hoạt động trên đều có tác động nhất định nếu không ở Copenhagen thì ở một nơi nào đó trên thế giới.

VOA: Sắp tới Copenhagen sau khi trải qua nhiều khó khăn và thách thức, giờ anh cảm thấy thế nào?
Anh Kim Paul Nguyễn: Giờ tôi thực sự phấn chấn vì mình sắp tới đích. Tôi cùng với nhiều người từ Đức, Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha và nhiều nước khác đạp xe trong chặng cuối cùng tới Copenhagen.
Tôi cũng cảm thấy vui vì sắp chứng kiến một sự thay đổi nào đó ở Copenhagen, không phải chỉ vì các nhà lãnh đạo có thể đạt được một thỏa thuận buộc các quốc gia trên thế giới tuân thủ, mà còn vì nỗ lực bảo vệ môi trường của nhiều cá nhân khác nhau. Tôi cũng chờ đợi một sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng và xã hội sau hội nghị Copenhagen.

VOA: Hành trình kéo dài hơn một năm đó đã thay đổi nhận thức của bản thân anh ra sao?
Anh Kim Paul Nguyễn: Sau khi trải qua chặng đường dài như vậy, giờ tôi cảm thấy thực sự tự tin và lạc quan hơn trước về mọi chuyện. Giờ tôi có thể đối phó với các tình huống căng thẳng và khó khăn. Tôi đã vượt qua một thử thách lớn trong cuộc đời mình, và giờ tôi có thể tự tin đối mặt với các thách thức mới.
Từ chỗ tôi không chắc mình có thể hoàn thành hành trình hay không, tới nay tôi đã gần tới đích. Giờ tôi thực sự nghĩ rằng mọi chuyện đều có thể thực hiện được. Tôi tin rằng nếu ai đó quyết tâm và nỗ lực, họ có thể hoàn thành mục tiêu đề ra. Trong chuyến đi này, cả một thế giới rộng lớn mở ra trước mắt tôi.
Tôi cảm thấy vui và lạc quan hơn trong chiến dịch chống lại tình trạng biến đổi khí hậu, vì tôi đã gặp những con người tuyệt vời trong suốt hành trình của mình, những người đang hành động vì trái đất của chúng ta. Chính điều đó truyền cảm hứng cho tôi, khiến tôi nghĩ rằng nếu cả thế giới cùng đóng góp công sức, chúng ta có thể thực hiện bất kỳ điều gì.


Chàng trai Việt đạp xe xuyên lục địa vì Trái đất. (ABC)
Tóm lược
Xuất phát ngày 10/8/2009, hơn 16 tháng liên tục, Kim đã vượt qua chặng đường dài đến 25 ngàn cây số bằng xe đạp, băng qua bao nhiêu sa mạc, núi cao, vượt Hymalaya, khám phá Tây Tạng, nếm trải đủ mọi loại thời tiết từ lạnh giá đến nóng bức, từ bão lụt đến khô hạn, chứng kiến cuộc sống ở những vùng đất xa xôi và khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa.






No comments: