2009: Thâu tóm đất đai xứ người để nuôi dân xứ mình
9h:4' - 18/12/2009
http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Ho-So-Quoc-Te/2009-Thau-Tom-Dat-Dai-Xu-Nguoi-De-Nuoi-Dan-Xu-Minh.html
(Toquoc)-Lương thực trở thành thứ "dầu mỏ" mới, thúc đẩy quá trình một số nước dùng tiền "vơ vét" đất đai canh tác tại các nước nghèo để nuôi dân nước mình - một hình thức “chủ nghĩa thực dân hiện đại”.
Cách đây không lâu, ba cơ quan quốc tế công bố báo cáo đầu tiên về một hiện tượng rất mới, đó là nhiều quốc gia thiếu nông sản đã mua hoặc thuê đất của xứ khác, tại châu Phi, châu Á, hay Trung Nam Mỹ, để khai thác và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp về nước. Hiện tượng ấy được các giới quan sát đánh giá khác nhau: có thể gọi hay là cơ hội phát triển cho các nước nghèo vốn thừa đất canh tác nhưng thiếu vốn hoặc kỹ năng sản xuât nông sản, nhưng cũng có quan điểm cho là một kiểu “cướp đất” của nông dân nghèo hoặc một hình thức của “chủ nghĩa thực dân hiện đại”.
15-20 triệu hécta đất bị thâu tóm
Kể từ năm 2007, cuộc khủng hoảng đẩy giá nông phẩm thế giới đột nhiên tăng cao đã thúc đẩy một xu hướng mới trên thế giới: Các quốc gia giàu có, đông dân, đất đai canh tác không đủ đảm bảo an ninh lương thực trong nước đã đổ đi thuê mua đất canh tác ngoài lãnh thổ nước mình. Đối với với một số chính phủ, việc tìm kiếm những mảnh đất màu mỡ để phát triển nông nghiệp ở hải ngoại đã trở thành ưu tiên hàng đầu và một quốc sách lâu dài.
Giáo sư Hubert Cochet, nhà nông học giảng dạy tại Trường Nông học Paris AgroParisTech, cho rằng hiện tượng cho thuê hay bán đất canh tác trên thực tế là một tai họa đối với ngành nông nghiệp quốc gia và nhất là đe dọa trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực đối với một phần nhân loại. Đối với các quốc gia mang đất đi bán hay ít ra là cho thuê, ngoài đe dọa về an ninh lương thực khi trao cả vựa lúa cho nước ngoài, còn đặt ra vấn đề chủ quyền quốc gia.
Nhân Hội nghị cấp cao thế giới về An ninh Lương thực diễn ra tại Roma của Italia, tờ Le Figaro (ngày 16/11) đề cập đến xu hướng đang nổi lên trên thị trường đất nông nghiệp thế giới. Theo báo này, chưa bao giờ cuộc đua tìm kiếm đất canh tác lại sôi động như bây giờ. Do không thể nuôi sống dân số đông chỉ bằng nguồn lương thực sản xuất trong nước, một số quốc gia đang lao vào các chiến dịch mua những diện tích đất trồng khổng lồ ở nước ngoài. Trước xu hướng giá cả các mặt hàng nông nghiệp tăng mạnh dẫn đến những cuộc bạo loạn vì nạn đói hoành hành, kể từ năm 2007 một số nước đông dân đã coi việc tìm kiếm, thuê hoặc mua lại đất có thể canh tác như một chính sách ưu tiên hàng đầu, nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Không ai biết chắc chắn bao nhiêu diện tích đất đang bị đe dọa. Số liệu theo trích dẫn của Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) là 30 triệu hécta, song không ai kiểm chứng được con số này. Thậm chí các tổ chức của Liên hợp quốc (LHQ) đã phải viện đến những trích dẫn từ các bài báo, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) lại cố tìm cách thuyết phục nhiều nước quan tâm hơn bằng các bản tin in. Klaus Deininger, một chuyên gia kinh tế thuộc lĩnh vực chính sách đất đai của WB ước tính từ 10-30% đất nông nghiệp thế giới có thể đã bị đem bán, dù chỉ một phần nhỏ con số đó được ký kết trên giấy tờ.
Theo Viện nghiên cứu Chính sách lương thực của Mỹ, tính từ năm 2006 đã có khoảng từ 15-20 triệu hécta đất canh tác của các nước nghèo do người nước ngoài làm chủ. Riêng Trung Quốc, Hàn Quốc, Arập Saudi và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) hiện làm chủ 8 triệu hécta ruộng đất ở nước ngoài.
Trung Quốc đi đầu
Với 9% đất trồng trọt của thế giới, Trung Quốc phải nuôi hơn 20% dân số địa cầu và giải quyết việc làm cho 40% nông dân trên toàn thế giới. Điều này khiến Bắc Kinh ưu tiên đưa nông nghiệp “vươn ra bên ngoài”.
Một văn bản được coi là quan trọng nhất năm 2007 đã nhấn mạnh đến sự cần thiết đưa nông nghiệp của nước đông dân nhất này nhanh chóng “vươn ra bên ngoài”. Theo quan điểm của Bắc Kinh đây không chỉ là chiến lược xuất khẩu nông phẩm của Trung Quốc mà còn phải bao gồm nhiều khoản đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ở nhiều nơi trên thế giới. Theo Axel Martens, chuyên gia tư vấn về nông nghiệp Pháp, để giải quyết sự thiếu hụt nông sản, chính quyền Trung Quốc đã phát động phong trào đi mở mang những miền đất mới trên thế giới.
Hiện hơn 40 tập đoàn nông nghiệp của Trung Quốc đã chen chân vào hơn 30 quốc gia ở khắp các châu lục. Từ năm 2007 đến nay, Bắc Kinh đã chi 2,2 tỷ USD mua đất canh tác của châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á với mục tiêu cung cấp những mặt hàng mà Trung Quốc không sản xuất đủ trong nước để cung ứng nhu cầu nội địa như gạo, đậu nành hay ngô.
Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh chính sách ngoại giao để tìm kiếm những nông trại mới ở hải ngoại đặc biệt là ở Brazil, Sudan... Kazactan đã nhượng quyền khai thác 400 km2 đất cho Trung Quốc. Bộ trưởng Nông nghiệp nước này còn tuyên bố vẫn còn nhiều khoảng đất rộng gấp rưỡi diện tích của Israel đang chờ các nhà đầu tư nước ngoài. Đối với Nga, Trung Quốc đã mua lại hơn 80.000 hécta với giá chưa đầy 22 triệu USD. Trên thực tế từ lâu nay, Bắc Kinh đã coi nhiều vùng đất của Nga nằm sát biên giới hai nước là “một tỉnh miền Bắc” của Trung Quốc. Ngày càng có nhiều tiếng nói ở Nga cũng như Kazactan chỉ trích chính quyền mang những "mảnh đất của tổ tiên để lại" dâng cho Trung Quốc để rồi tự biến mình phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Đã có một số trường hợp chính quyền địa phương sở tại lạm dụng quyền hạn để tư lợi. Ngày 25/8, ông Tursunbek Akun, đại biểu Ủy ban lập pháp Quốc hội Kyrgyzstan đã họp báo về kết quả điều tra thư khiếu nại của nhân dân quận Djeti-Oguzsk về việc chính quyền địa phương đã cho công ty khai thác quặng sắt Trung Quốc thuê đất một cách bất hợp pháp để khai thác mỏ sắt lớn của Kyrgyzstan trên vùng đèo Gietim Too. Trong quá trình điều tra, cơ quan luật pháp Kyrgyzstan đã phát hiện quận trưởng Tynchtyk Chekiev tùy tiện cho công ty Trung Quốc thuê 34.000 hécta đất trong khi trên giấy tờ chỉ ghi Trung Quốc thuê 13.000 hécta. Ngoài ra Chekiev còn thông đồng với hai xã trưởng xã “Dobolu” và “Ortok” làm giả mạo biên bản xác nhận cuộc họp và sự đồng ý của dân hai xã cho công ty Trung Quốc thuê đất. Phía công ty Trung Quốc đã vượt quá diện tích thuê và lấn sâu vào khu vực vườn cấm quốc gia tới 5 km. Qua kiểm tra phía Kyrgyzstan đã phát hiện nhiều công dân Trung Quốc hết hạn thị thực, cư trú bất hợp pháp ở Kyrgyzstan.
Ông Tursun bek Akun đề nghị truy tố và trừng trị những kẻ đã chuyển giao đất cho các doanh nghiệp Trung Quốc và phải trục xuất các công dân cư trú bất hợp pháp. Tòa án Kyrgyzstan đã ra quyết định hủy các hợp đồng cho công ty trên thuê đất, đưa vụ việc lên Viện kiểm sát, các cuộc điều tra đang tiếp tục.
Người dân phẫn nộ. Đầu mùa hè, dân hai làng trên đã biểu tình phản đối chặn giao thông trên quốc lộ chiến lược Torugart - Bishkek, tuyến vận chuyển chính hàng hóa nhập từ Trung Quốc, khi được tin chính quyền địa phương cho phép lùi trạm kiểm soát đường biên sâu 50 km vào lãnh thổ Kyrgyzstan. Như ông Akun nói, “Người dân muốn đập phá các phương tiện kỹ thuật của công ty Trung Quốc”.
Tại châu Á, từ năm 2000, nhiều tập đoàn nông nghiệp của Trung Quốc đã đẩy mạnh các chương trình hợp tác tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Myanmar, Campuchia và Việt Nam. Riêng đối với Philippines, chính sách thuê mua đất của Trung Quốc đi xa hơn hết: Bắc Kinh và Manila đã ký nhiều thỏa thuận cho phép các tập đoàn của Trung Quốc sử dụng đến 1,24 triệu hécta đất đai tại nước này.
Tại châu Phi, nhiều tập đoàn nông nghiệp Trung Quốc đã coi Mozambique, Zambia là “sân nhà” của họ, Trung Quốc đang có kế hoạch đưa khoảng 100 triệu nhân công: từ nông dân đến các nhà nghiên cứu Trung Quốc sang châu lục này từ nay đến cuối năm 2010. Các dự án đầu tư của tư nhân dường như chiếm ưu thế hơn và được chính phủ hỗ trợ một cách gián tiếp. Trung Quốc đã đầu tư vốn vào trồng cây dầu cọ để lấy nhiên liệu sinh học trên diện tích 2,8 triệu hécta tại Congo. Tại Zambia, đối tác Trung Quốc cũng đang đề nghị được tăng diện tích trồng cây dầu cọ lên 2 triệu hécta.
Thoạt nhìn, mô hình đầu tư ra ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp này có vẻ như mang lại lợi ích cho cả hai bên, trong đó bên cho thuê hoặc bán đất, thường là những nước nghèo, cũng mong được hưởng lợi từ các khoản đầu tư. Song về thực chất, không hẳn như vậy. Theo nhận xét của tổ chức phi chính phủ Grain của Tây Ban Nha, “Trung Quốc thường mang nhân công và hạt giống của đất nước họ đến những vùng đất mới này. Họ khai thác đất đai triệt để, nhưng lại ít tính đến yếu tố bảo tồn sự đa dạng sinh học của vùng bản địa”.
Nhật Bản, Arập Saudi và các nước khác ganh đua
Chính phủ Nhật Bản sẽ xây dựng chiến lược đầu tư để sản xuất lương thực ở nước ngoài nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt lương thực trong tương lai. Thông tin này được công bố tại cuộc gặp ngày 28/7 giữa các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản với các đại diện các công ty thương mại hữu quan để thảo luận chiến lược lương thực của nước này.
Tại cuộc gặp nói trên, những người tham dự nhất trí cho rằng chính phủ và khu vực tư nhân cần hợp tác để triển khai các dự án nông nghiệp ở nước ngoài nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực cho Nhật Bản - nước vẫn phụ thuộc nhiều vào lương thực nhập khẩu. Theo kế hoạch, các bên sẽ phối hợp để soạn thảo chiến lược đầu tư này vào tháng tới.
Chiến lược có thể tập trung vốn đầu tư vào khu vực Trung và Nam Mỹ, Trung Á và Đông Âu để sản xuất đậu tương và ngũ cốc. Chiến lược còn đề xuất việc thương lượng về thỏa thuận đầu tư với các nước đang phát triển - nơi các doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch kinh doanh, đồng thời sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của chính phủ để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc xuất khẩu.
Trong khi Nhật Bản “quan tâm” đến đến Ai Cập, nguồn ung cấp dầu thực vật và đường quý giá, Hàn Quốc đã mua lại đất của Argentina để chăn nuôi. Ấn Độ “nhòm ngó” đến vựa dầu cọ của Malaysia.
Arập Saudi là một trong những nước mua nhiều nhất và “mạnh tay” nhất. Mùa Xuân vừa qua, nhà Vua nước này đã tham dự nghi lễ tiếp nhận những hạt gạo xuất khẩu đầu tiên, được sản xuất để dành riêng cho “triều đình” ở Etiopia, nơi nạn đói đang hoành hành. Mỗi năm Arập Saudi đã chi 800 triệu USD thúc đẩy các công ty nước ngoài trồng các loại cây lương thực chiến lược như gạo, lúa mỳ, lúa mạch, ngô, sau đó nước này sẽ nhập khẩu. Arập Saudi lại là nước xuất khẩu lúa mỳ đứng thứ sáu thế giới vào những năm 1990. Tuy nhiên, do thiếu nước và để bảo vệ nguồn tài nguyên này, họ đã làm như vậy. Xuất khẩu lương thực cũng có nghĩa là xuất khẩu nước.
Chuyên gia Jean-Philippe Audinet thuộc Quỹ phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tuyên bố: "Các nước giàu đang đánh đổi tiền của, dầu lửa và cơ sở hạ tầng để lấy lương thực, nước uống và thức ăn chăn nuôi. Nhìn thoáng qua, dường như đó là cách giải quyết cho rất nhiều vấn đề". Trên nguyên tắc, ông Audinet hài lòng với sự đầu tư vào nông nghiệp, và nói rằng ông đã đấu tranh cho điều đó trong nhiều năm. Ông tuyên bố: Thật tồi tệ khi mà thị trường tràn ngập hàng nông sản giá rẻ!
Sudan là một quốc gia châu Phi khác tận dụng tốt các nguồn đầu tư từ châu Á. Mặc dù các nhà đầu tư châu Á đã đem đến hạt giống tốt, thêm công ăn việc làm, giúp xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng chính các nước châu Phi lại thiếu cơ chế bảo vệ quyền lợi cho người nông dân. Từ việc thiếu minh bạch và cơ chế kiểm soát dẫn đến các hợp đồng được ký kết đã không mang lại lợi ích gì cho người dân địa phương.
Mới đây, công ty đầu tư liên doanh Kuwait-Trung Quốc (KCIC) của Kuwait thông báo kế hoạch mua đất nông nghiệp ở châu Á. Không giống như những quốc gia và doanh nghiệp thâu tóm được nhiều đất nông nghiệp tại các nước nghèo để sản xuất lương thực đáp ứng nhu cầu của chính mình, KCIC muốn sản xuất và bán nông sản cho bất cứ người mua nào. Ahmad al-Hamad, Giám đốc điều hành KCIC, tuyên bố: “Việc kinh doanh nông sản sẽ giúp châu Á trở thành vựa lương thực của thế giới. Về lâu dài, an ninh lương thực toàn cầu sẽ được bảo đảm hơn với những hoạt động hợp tác đầu tư ở châu Á, loại hình trái ngược với đầu tư chỉ nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho một quốc gia”.
Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng với động cơ vì bản thân hay vì lợi nhuận của các nhà đầu tư, tình trạng thôn tính đất nông nghiệp này cũng đáng báo động. Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), Jacques Diouf cảnh báo rằng việc các nước nhập khẩu lương thực giàu có tăng cường mua đất nông nghiệp ở những nước nghèo đang có nguy cơ hình thành một “hệ thống nông nghiệp theo chủ nghĩa thực dân”.
Nguyễn Nguyên (Theo các báo nước ngoài)
Kỳ sau: Sự "vơ vét" đất thời hiện đại - bất cập và bi kịch
No comments:
Post a Comment