Saturday, December 19, 2009

NỢ ODA : VAY và TRẢ

NỢ ODA : VAY và TRẢ
Thứ Bảy, 19/12/2009, 20:41 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=354058&ChannelID=119
TTCT - “Các nhà tài trợ cam kết ODA dành cho Việt Nam với con số kỷ lục: 8 tỉ USD”. Thông tin trên website của Bộ Kế hoạch - đầu tư được các bạn đọc trên weblog của đại sứ Anh tại Việt Nam phản hồi như sau: “Nước Anh viện trợ. Xin chân thành cảm ơn!... Song, sẽ hạnh phúc hơn khi Việt Nam có thể trả hết số nợ đã vay và không phải vay trở lại...”.
So với năm ngoái chỉ hơn 5 tỉ USD, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn và vốn vay hạn chế, con số 8,063 tỉ USD quả là một nỗ lực lớn của những người lãnh trách nhiệm đi vay nợ. Tuy nhiên, cần bình tĩnh nhìn ra món nợ ODA theo đúng bản chất của nó.

Khi đồng yen và euro tăng giá
Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, từ khi các nhà tài trợ quốc tế tái khởi động chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam từ năm 1993 đến nay, đã có 22 tỉ USD được giải ngân trong tổng số 42,5 tỉ USD vốn cam kết.
Nếu tính thêm số ODA vừa được hứa sẽ giải ngân gần 50% trong thực tế, hết năm 2010 Việt Nam sẽ nhận ODA khoảng 26 tỉ USD. Tạm lấy số ODA cam kết trong ba năm qua, số thực chi 11,070 tỉ USD, trong đó viện trợ không hoàn lại chỉ 0,927 tỉ USD, số còn lại là nợ phải trả đã vay trong ba năm qua lên đến 10,143 tỉ USD (nguồn: Bộ Kế hoạch - đầu tư).
Trong thực tế, số nợ tính bằng USD đó là bao nhiêu? Số tiền 1,640 tỉ USD mà Nhật Bản cam kết cuối năm 2009 thật ra chỉ đổi được 145 tỉ yen (tỉ giá hôm 14-12-2009: 100 USD=8.866 yen), trong khi cũng số tiền đó năm 2006 là 196,8 tỉ yen (tỉ giá: 100 USD=12.000 yen)! Cũng thế, món vay từ khối Liên minh châu Âu (EU), trong đó Ủy ban châu Âu (EC) cam kết 331 triệu USD, khối các nước EU là 1,082 tỉ USD, trong thực tế trị giá là bao nhiêu khi đồng euro của khối này nay đã đổi đến 1,4677 USD, trong khi năm ngoái mới chỉ ở ngưỡng 1,2 USD?
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã khuyến cáo khi vay nợ nước ngoài hãy cẩn thận tính toán độ chênh lệch trong giỏ ngoại tệ và tỉ giá (1). Đó là một trong những lý do khiến chi phí tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên từ khi được duyệt ban đầu là 1,1 tỉ USD nay lên đến 2,071 tỉ USD (2). Đáng nói là ODA bằng đồng yen đại đa số là nợ vay phải trả và kèm lãi suất không nhẹ, như món ODA viện trợ tiểu vùng Mekong mở rộng mới nhất. Vốn vay bằng euro xây tuyến xe điện ở Hà Nội cũng lâm vào cảnh đội tỉ giá euro như thế.

Xuất khẩu gì, bao nhiêu để trả nợ?
Nếu biết rằng số nợ vay bằng yen và euro ít hơn sẽ “mua” được ít hàng hóa hay dịch vụ của Nhật và EU hơn, thì con số 8 tỉ USD ODA không phải là kỷ lục để tự hào. Trái lại, đó là một bài toán băn khoăn sẽ lấy gì để trả các khoản nợ bằng đồng tiền đang tiếp tục tăng giá như yen hay euro.
Bất trắc ở chỗ là hiện có nhiều yếu tố cùng hội tụ trong bối cảnh sau: 1/ xuất khẩu giảm do khủng hoảng trong khi vẫn nhập siêu; 2/ tỉ giá yen và euro tăng cao; 3/ giá hàng hay dịch vụ nhập khẩu từ Nhật và EU (tỉ như metro hay xe điện mua của Nhật hoặc Pháp) do đó cũng tăng cao; 4/ trong khi giá các hàng xuất khẩu thanh toán bằng USD (tỉ như dầu thô) mất giá do đồng USD rớt giá.
Bên cạnh đó, vẫn còn một bất ổn nội tại là giá trị thặng dư không cao của một số mặt hàng gia công xuất khẩu. Lâu nay nghe nói đến các ngành hàng tham gia “Câu lạc bộ 1 tỉ USD”, song giá trị thặng dư của mỗi ngành hàng có khác nhau. Một tỉ USD hàng may mặc thật ra đem lại bao nhiêu USD phí may gia công? Giá gạo xuất khẩu đầu năm sang Philippines trung bình 48-490 USD/tấn là thấp so với giá gạo trúng thầu xuất sang Philippines cuối năm với giá trên 600 USD/tấn là một thí dụ của giá trị thặng dư trong xuất khẩu ngay trong cùng một ngành hàng và mặt hàng.
Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu còn chưa dứt, các khách hàng lớn còn chưa sẵn sàng tiêu dùng nhiều trở lại, nhập siêu còn kéo dài và gánh nặng tỉ giá một số ngoại tệ còn đó, có thể hiểu tại sao lần này bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư phải trấn an răng vẫn đủ năng lực thanh toán nợ nước ngoài.
Khi có những khoản vay không sinh lợi phải trả gốc và lãi hăng ngày thì kinh phí xóa đói giảm nghèo hay dân sinh, y tế, giáo dục sẽ bị ảnh hưởng. Đó là lý do tại sao trong khi đang có những háo hức đề ra mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình, thì điều phối viên Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam Jesper Morch lưu ý điều này: “Một trong ba trẻ em Việt Nam thuộc diện nghèo về các nhu cầu căn bản như giáo dục, vệ sinh hay hội nhập và bảo trợ xã hội”.
Một vấn đề đang nổi lên là những người nhập cư không đăng ký tại các thành phố không được hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản đầy đủ và miễn phí chỉ vì họ không được đăng ký hộ khẩu, đồng thời họ trở nên vô hình trong con số thống kê về đói nghèo của cả nước.
Đây là mặt trái “bẫy của thu nhập trung bình” tại Việt Nam - sự cách biệt ngày càng lớn với một số nhóm dân cư ngày càng bị tụt lại phía sau và một chương trình chưa hoàn thiện liên quan tới dinh dưỡng, vệ sinh, giáo dục và tử vong ở người mẹ và trẻ sơ sinh tại một vài vùng miền của đất nước.
DANH ĐỨC
______________

(1) Composition de la dette extérieure, Utilisation des données de la dette extérieure, p.194.
(2)
http://congbao.vn/vi/bvct/id829/TP.HCM--%5C-Cay-dua-than%5C--chong-tac-duong-lai-cham-vi...-vuong-du-thu/.



No comments: