Tân ‘Tam Quốc Diễn Nghĩa’
Lê Duy Nhân
Wednesday, December 16, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=105622&z=157
Quan hệ Quốc Phòng giữa Việt Nam, Hoa Kỳ và Nga không phải ngẫu nhiên mà “nóng” lên. Nó là quan hệ an ninh vùng biển Ðông giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và là quan hệ thương mại quốc phòng giữa Nga và Việt Nam.
Cái nhìn chiến lược của Hoa Kỳ về Thái Bình Dương trong đó Việt Nam là một mắt xích quan trọng sau chiến tranh Việt Nam có thể bắt đầu từ chuyến đi của Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ William Cohen vào năm 2000 và ba năm sau được đáp lễ cho “phải phép” bởi Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phạm Văn Trà.
Mặc dầu Hoa Kỳ mong muốn có ảnh hưởng sâu đậm với Quốc Phòng Việt Nam nhưng cũng không muốn Trung Quốc “động lòng” trong khi Việt Nam cũng chỉ muốn “dựa hơi” Hoa Kỳ để lên “gân” với Trung Quốc.
Do đó quan hệ Quốc Phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chỉ “lình xình như lục bình trôi sông.” Việt Nam nhận tham gia chương trình giáo dục và huấn luyện quân sự không tác chiến như Anh ngữ và cứu thương, một chương trình dành cho nhiều quốc gia khác được coi như là xã giao hơn là có thực chất “quốc phòng.”
Trong mấy tháng gần đây, dưới áp lực mỗi ngày một gia tăng của chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc trên biển Ðông, Việt Nam buộc phải nhìn qua phía bên kia Thái Bình Dương để thoát hiểm.
Còn ai “hữu hảo” hơn Hoa Kỳ. Cho nên sự hiện diện của quân lực Mỹ tại Việt Nam mỗi ngày một dày đặc hơn. Các chiến hạm Mỹ cặp bến Việt Nam đều đều. Thứ trưởng Quốc Phòng Mỹ đến Việt Nam, rồi Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tới Mỹ, khiến người ta có cảm tưởng rằng Việt Nam và Hoa Kỳ sắp trở thành “huynh đệ chi binh” đến nơi.
Nhưng quan hệ quốc phòng giữa hai kẻ cựu thù, cho dù có quan trọng và thắm thiết bao nhiêu, thì nó vẫn còn phải “chờ thời” vì cái bóng sừng sững đe dọa của Trung Quốc. Hoa Kỳ chỉ dám rao bán các thiết bị phòng thủ không đụng chạm đến một sợi lông chân Trung Quốc như hệ thống radar duyên hải và máy bay tuần tra. Việt Nam im thin thít về các thành quả của chuyến đi Mỹ của Tướng Phùng Quang Thanh. Báo chí trong nước, kể cả các báo Nhân Dân, Quân Ðội Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng,... nghĩa là những tờ báo lớn của Ðảng không có lấy một chữ về cuộc hội đàm ngày 15 Tháng Mười Hai, 2009 giữa Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates và Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh.
Phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Thiếu Tá Maureen Schumann, cũng tuyên bố rất nhẹ nhàng về hợp tác quân sự giữa hai nước là ở mức “gìn giữ hòa bình, cứu trợ thiên tai, hỗ trợ nhân đạo.” Nếu chỉ nhằm đạt được những mục tiêu này thì đâu cần đến Bộ Trưởng Quốc Phòng VN qua Hoa Kỳ để gặp gỡ Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, hội kiến TNS Jim Webb, TNS John MacCain, những nhà lập pháp nặng ký của Mỹ về Quốc Phòng. Tướng Phùng Quang Thanh đi bang giao quân sự với Mỹ mà y hệt như người đi ăn vụng.
Còn Hoa Kỳ thương thảo bán vũ khí cho Việt Nam thì giống như kẻ lén vợ đi cặp bồ. Ai nhục hơn ai?
Báo chí trong nước nín thinh về bang giao Quốc Phòng với Mỹ nhưng lại khua chiêng gõ trống về những mậu dịch quân sự với Nga. Phía Nga cũng chẳng thèm che đậy việc sẽ bán các vũ khí cho Việt Nam, mà các vũ khí do Việt Nam đặt hàng toàn là những thứ nhắm vào mục tiêu chống “xâm lược” Trung Quốc như tàu ngầm, chiến đấu cơ hiện đại.
Trong khi Tướng Phùng Quang Thanh sang Mỹ đi đêm với “thiện chí bảo vệ hòa bình” của Mỹ thì Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Nga ký các thỏa ước mậu dịch quân sự với Thủ Tướng Putin và trình làng một cách rất “thoải mái.” Vì mua vũ khí của Nga thì Trung Quốc chả có lý do gì để hoạnh họe Việt Nam, “ấy chúng tôi chỉ tiếp tục cái việc đã làm từ mấy chục năm nay.” Trung Quốc cũng chẳng nắm được yếu huyệt nào của Nga để buộc Nga phải e dè. Hai bên như nước sông với nước giếng, không ai đụng vào ai.
Cái khó của Việt Nam trong nỗ lực tăng cường và hiện đại hóa khả năng chống lại áp lực quân sự của Trung Quốc là ngân sách quá eo hẹp. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền.
Chỉ khi nào dám đứng thẳng dậy chống lại sức uy hiếp của Trung Quốc thì Việt Nam mới tìm được sinh lộ. Chỉ nội việc cho Mỹ thuê Cam Ranh làm căn cứ hậu cần để có tiền mua vũ khí mà còn sợ ông làng giềng “bất hảo” thì nói chi đến chuyện thách thức dã tâm chiếm đất đoạt biển của Bắc Kinh.
Có thể tự hào rằng ta có “Ðộc Lập” không?
No comments:
Post a Comment