Như sống lại từ cõi chết
Trần Văn Sang
Cựu Đại Uý Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Wednesday, December 16 @ 15:28:47 EST
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1762
Xin Giám Đốc Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển SOS, Nguyễn Đình Thắng, cho đăng tải rộng rãi trên Báo Mạch Sống để quý vị đồng hương và cựu tù nhân chính trị có dịp cùng chung niềm vui mừng vô tận với tôi.
Tôi là Trần Văn Sang, Nguyên Đại Uý của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sống tại Cần Thơ thuộc Miền Tây. Tôi đến Hoa Kỳ với lý do thăm gia đình vợ chồng người em tại Louisville, Kentucky vào năm 2007. Tôi có ý định xin tỵ nạn và sau khi thông qua ý kiến với Giám Đốc Nguyễn Đình Thắng, cô Hà Minh Tuyền ở Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển Louisville, KY tìm luật sư di trú, Shane L. Parker chuyển về giúp tôi xin tỵ nạn. Từ đó được sự giúp đỡ của Cha Anthony Ngô Đình Chính, Chánh Xứ Nhà Thờ St. John Vianney đưa đến văn phòng gặp luật sư và bắt đầu mở hồ sơ xin tỵ nạn chính trị.
Ngày 2 tháng 10 năm 2008 tôi được văn phòng tỵ nạn chính trị thuộc Sở Di Trú Chicago phỏng vấn. Rồi vào ngày 4 tháng 6 năm 2009 luật sư Shane Parker báo tin mừng là tôi đã đậu phỏng vấn. Quyết định này đã đem lại sự đổi đời cho tôi.
Sau khi biết đơn xin tỵ nạn chính trị của tôi được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận, tôi vui mừng, sung sướng như người chết được sống lại. Gần 35 năm qua, tôi và gia đình sống ở Việt Nam như những cái xác không hồn. Sau khi đi tù 2 năm 4 tháng 15 ngày về địa phương, tôi còn bị quản thúc thêm một năm nữa. Sau đó tôi bị theo dõi và phải trình diện đồn Công An hàng tuần. Không được đi ra khỏi địa phương nếu không có phép của Công An sở tại, vì lúc đó tôi và gia đình tạm nương tựa sống bên quê vợ. Tôi không xin được việc làm dù thấp nhất trong các cơ quan do CSVN quản lý, nên phải làm bất cứ việc gì khác như vá xe đạp, phu khuân vác, bửa củi, vét mương, đào cống rãnh thuộc phạm vi tư nhân để có tiền tạm đủ sống, nuôi vợ con qua những ngày tháng đau khổ. Ba đứa con tôi chỉ được học hết cấp một vì có cha là sĩ quan bị tù cải tạo. Hai con trai lớn làm nghề chạy xe ôm, và đứa con gái út phụ bán hàng với má nó ngoài chợ.
Ước mơ của tôi là làm bất cứ việc gì có thể lấy mồ hôi đổi bát cơm để có tiền bảo lãnh vợ con còn bị kẹt lại được sum họp cùng tôi nơi siêu cường quốc Hoa Kỳ, được hít thở không khí dưới bầu trời của một đất nước biểu tượng cho tự do cho dù chỉ một lần rồi chết cũng mãn nguyện. Đó là lời tâm sự của tôi với nữ tác giả Triều Giang trong lúc phỏng vấn và được sự đồng ý của tác giả, tôi xin trích lược bài viết này đã đăng trên báo Ngày Nay.
Tôi và gia đình đã phải gánh chịu quá nhiều bất hạnh vì tôi là sĩ quan chế độ cũ và thời gian bị tù không đủ để được hưởng quy chế tỵ nạn nhân đạo qua chương trình HO như hàng chục ngàn cựu sĩ quan Miền Nam Việt Nam.
Phải nói đây là một trường hợp hiếm có và có lẽ chưa từng xảy ra. Phần lớn khi phỏng vấn để cấp chiếu khán cho người Việt Nam vào Hoa Kỳ, các viên chức Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ thường rất kỹ lưỡng. Điều kiện tiên quyết của họ vẫn là tìm hiểu để xác quyết rằng những người này sẽ không tìm cách ở lại bằng bất cứ hình thức nào. Do đó, việc cho người vào Hoa Kỳ để rồi xin tỵ nạn chính trị là một điều rất hiếm có. Trong quá khứ có một vài trường hợp như ca sĩ Thanh Lan. Hầu như trường hợp của tôi là trường hợp đầu tiên của một sĩ quan từng bị tù đày, nay được hưởng ân huệ này.
Luật sư Shane Parker, một luật sư trẻ, tài cao, chuyên về luật di trú của Hoa Kỳ với tấm lòng nhân đạo sẵn có; luật sư phục vụ vì lương tâm chức nghiệp đã giúp cho biết bao thân chủ của mình thành công mỹ mãn, trong đó có trường hợp của tôi.
Luật sư cho biết “có nhiều lý do, nhưng lý do chính là nhờ vào tài liệu lấy từ thư khố về cựu tù nhân chính trị Việt Nam của hội Bảo Tồn Di Sản Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation - VAHF) tại Trung Tâm Việt Nam và Lưu Trữ (Vietnam Center and Archive) ở tiểu bang Texas. Sự sốt sắng giúp đỡ của cô Anna Mallett, người quản thủ thư khố này, cộng với sự cương quyết trước sau như một của tôi là tìm tự do tại Hoa Kỳ khi được phỏng vấn, và Trát Truy Nã tôi là bằng chứng rõ ràng nhất.
Điều khó khăn mà luật sư Shane Parker thấy là phải làm sao có thể chứng minh được tôi bị hành hạ nặng nề trong những năm tháng tù đày, và nếu về lại Việt Nam thì tôi rất có thể bị tù và bị hành hạ tiếp. Hơn thế nữa, luật sư phải chứng minh rằng những thay đổi ở Việt Nam chỉ là hình thức về kinh tế, còn về chính trị chưa có gì bảo đảm cho sự an toàn của tôi. Nhưng làm thế nào để chứng minh được những sự hành hạ mà tôi đã phải gánh chịu là có thật?
Luật sư cố gắng tìm tài liệu tham khảo về tù nhân chính trị Việt Nam. Ông đặc biệt chú ý đến bộ sưu tập về tù nhân chính trị Việt Nam (Vietnamese political prisoner collection) của hội Bảo Tồn Di Sản Người Mỹ Gốc Việt - Vietnamese American Heritage Foundation (VAHF). Luật sư liên lạc với trung tâm Việt Nam (Vietnam Center and Archives) Thư Khố Viên Amy Mondt và sau đó tới cô Anna Mallett, người phụ trách bô sưu tập này và được cô ta tận tình giúp đỡ.
Luật sư có tất cả giấy tờ của tôi. Những giấy tờ này phù hợp với tài liệu của một tù nhân chính trị trong bộ sưu tập. Điều này chứng minh được tôi đã trải qua những nhục hình trong tù cải tạo Việt Nam.
Điều may mắn cho tôi là công an địa phương thấy tôi quá lâu không ra trình diện theo định kỳ nên gởi giấy Truy Nã tới gia đình tôi và kêu vợ con tôi lên điều tra nhiều lần cũng như hăm dọa đủ điều thậm tệ. Vợ con tôi quá sợ hãi nên lập tức gởi giấy Truy Nã cho tôi biết mà phòng thân vì đại họa đã xảy đến cho gia đình tôi; sự chết chóc đang cận kề trong gang tấc ám ảnh tôi. Nếu bị trục xuất về Việt Nam thì nhà tù đang đợi tôi. Luật sư, khi bào chữa cho tôi, đã trình bày thật chi tiết với đầy đủ bằng chứng cho viên chức văn phòng tỵ nạn chính trị và quả quyết rằng những thay đổi ở Việt Nam không giúp ích được gì cho tôi. Do đó, luật sư đã thuyết phục được văn phòng tỵ nạn Chicago.
Cô Anna Mallett phát biểu: “Tôi rất hãnh diện về công việc của hội VAHF và thấy vui được phụ trách bộ sưu tập của hội về tài liệu tù nhân chính trị Việt Nam. Một bộ sưu tập vô giá. Rất nhiều lần tự hỏi, nếu tôi ở trong trường hợp của những tù nhân chính trị can đảm này, liệu tôi có đủ nghị lực và khả năng thích ứng như họ để vượt qua những gian khổ mà lập lại cuộc sống hay không.
Tôi xin tạ ơn Chúa Jesu KiTô và Thánh Maria Mẹ Đức Chúa Trời đã ban hồng ân cho tôi và gia đình.
Tôi trân trọng biết ơn vô vàn chính phủ Hoa Kỳ, thông qua văn phòng tỵ nạn chính trị, đã mở rộng lòng nhân đạo, cải tử hoàn sanh cho tôi và gia đình.
Tôi xin chân thành cám ơn tất cả quý vị ân nhân đã giúp đở tôi trong những ngày tháng qua:
Cha Anthony Ngô Đình Chính, Chánh Xứ Nhà Thờ St. John Vianney
Luật sư Shane L. Parker chuyên về luật nhập cư Hoa Kỳ
Giám Đốc Điều Hành UBCNVB Nguyễn Đình Thắng
Cô Hà Minh Tuyền (Brooke), Quản lý chi nhánh UBCNVB Louisville, KY
Bà Khúc Minh Thơ, Chủ tịch Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam (FVVPA)
Hội Bảo Tồn Di Sản Người Mỹ Gốc Việt (VAHF)
Đa tạ nữ tác giả Triều Giang qua bài viết trên Báo Ngày Nay.
Vợ chồng em Trần Văn Mẫn. Nhờ sự bảo lãnh của hai em cho anh sang du lịch mà anh và gia đình mới có hy vọng như ngày hôm nay.
Cùng tất cả đồng hương và cựu tù nhân chính trị khắp đó đây chung vui với tôi niềm vui vô tận.
Tin vui mới, vợ tôi, Mai Thị Thu Cúc, sẽ sang Hoa Kỳ đoàn tụ với tôi vào ngày 14 tháng 1 năm 2010. Vợ tôi cho biết rất sung sướng vì được sum họp với tôi. Các con tôi cũng mơ ước sớm được nối gót theo mẹ thì không còn hạnh phúc nào hơn.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]
No comments:
Post a Comment