Monday, December 7, 2009

QUAN ĐIỂM của HOÀNG NGỌC TUẤN về VIỆC XUẤT BẢN TÁC PHẨM

Quan điểm của tôi về việc xuất bản tác phẩm
Hoàng Ngọc-Tuấn
05.12.2009
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=5AD6935C23C02EE6D236F74E01DCB440?action=viewArtwork&artworkId=9557
Tôi không hề chống đối bất kỳ tác giả nào muốn xuất bản tác phẩm của mình ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Đó là quyền của mỗi tác giả. Tôi cho rằng bất kỳ tác phẩm nào có giá trị thì nên được xuất bản rộng rãi chừng nào tốt chừng ấy, nghĩa là nên in thật nhiều, nên được dịch ra tất cả những thứ ngôn ngữ có thể dịch được, và nên xuất bản ở tất cả những quốc gia nào có thể xuất bản được.
Tuy nhiên, tôi xem quyền tự do tư tưởng và tự do diễn đạt là điều quý báu hơn cả. Vì thế, tôi không ủng hộ và không tham gia vào những sự xuất bản ở bất kỳ nơi nào mà tác phẩm phải chịu bị kiểm duyệt, cắt xén, sửa đổi, ngược lại với ý muốn của chính tác giả.


Tất nhiên khi một cá nhân tác giả sẵn sàng thoả hiệp hay nhượng bộ với một hệ thống kiểm duyệt, chấp nhận tác phẩm của mình bị cắt xén, sửa đổi theo ý muốn của nhà cầm quyền, thì đó là quyền của cá nhân tác giả ấy. Riêng tôi, tôi không bao giờ thoả hiệp hay nhượng bộ như thế.[*]

Có những người cho rằng cần phải thoả hiệp hay nhượng bộ như thế thì tác phẩm của mình mới có thể được phổ biến đến nhiều độc giả hơn. Riêng tôi, tôi có quan niệm khác.

Tôi cho rằng ngay cả nếu một tác phẩm tiếng Việt được dịch sang Trung văn và xuất bản tại Trung quốc, nơi có dân số hơn một tỷ người, thì tác giả cũng không nên vì thế mà sẵn sàng thoả hiệp và nhượng bộ với hệ thống kiểm duyệt của chính quyền Trung quốc và chấp nhận để những tư tưởng tự do của mình, những chữ, câu, đoạn văn của mình, bị gọt bỏ và sửa đổi cho vừa với cái khuôn ý thức hệ của chính quyền Trung quốc.

Năm 2002, một nhà xuất bản ở Hà Nội ngỏ ý muốn tái bản cuốn Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết của tôi vì họ thấy cuốn sách này rất cần thiết cho giới nghiên cứu và sinh viên khoa văn chương. Tôi đồng ý, nhưng đưa ra điều kiện rằng họ phải tái bản nguyên vẹn đúng như nội dung của ấn bản lần thứ nhất năm 2001 do nhà Văn Nghệ xuất bản tại California, và họ không được cắt xén hay sửa đổi bất kỳ chi tiết nào. Vài tháng sau, nhà xuất bản ấy ở Hà Nội gửi cho tôi một bản đề nghị những chi tiết cần cắt xén và sửa đổi. Tôi không đồng ý.

Thế rồi cuốn sách được một số người hảo tâm chuyển sang một nhà xuất bản thứ nhì ở Hà Nội. Vài tháng sau, nhà xuất bản thứ nhì cũng gửi cho tôi một bản đề nghị những chi tiết cần cắt xén và sửa đổi, kèm một lá thư thuyết phục tôi rằng những chi tiết ấy nhất thiết phải được “biên tập” thì mới có thể được giấy phép xuất bản. Tôi vẫn không đồng ý.

Cuốn sách lại được chuyển cho một nhà xuất bản thứ ba ở Hà Nội. Cũng thế, tôi lại nhận được những đề nghị cắt xén và sửa đổi cụ thể, kèm một lá thư thuyết phục. Tuy nhiên, tôi vẫn không đồng ý. Và hôm nay, tại tư gia của tôi ở Sydney, tôi còn giữ một hộp đựng những bản đề nghị “biên tập” kèm những lá thư thuyết phục ấy như một vật kỷ niệm khá khôi hài.

Điều thú vị là hầu như cả ba nhà xuất bản ấy đều đề nghị cắt xén và sửa đổi những chi tiết trùng hợp với nhau, chứng tỏ họ đều tuân theo những qui định bất khả di dịch của một hệ thống kiểm duyệt chặt chẽ. Ngoài ra, chỉ có một vài điểm khác biệt nho nhỏ (nhưng khá buồn cười) giữa các nhà xuất bản ấy. Đó là: mỗi nhà xuất bản lại đề nghị tôi bỏ bớt một hai câu văn khác nhau, không phải vì lý do chính trị, mà vì những câu văn ấy đụng chạm đến người này hay người nọ có quan hệ trong công việc với mỗi nhà xuất bản! Một điều buồn cười khác là mỗi nhà xuất bản lại tự ý sửa đổi một vài thuật ngữ mới mà họ không hiểu, vì họ chưa từng gặp, và họ thay thế vào đó bằng những chữ rất khác nội dung!

Có phải chỉ vì không chịu để cho họ xoá bỏ, cắt xén, sửa đổi một số chữ, câu, đoạn văn trong sách của tôi mà tôi nhất định không đồng ý xuất bản? Đúng như thế, vì những chữ, câu, đoạn văn ấy lại chính là những chi tiết biểu lộ quyền tự do tư tưởng và tự do diễn đạt của tôi. Đó là những chi tiết mang tính phê phán quyết liệt và thẳng thắn đối với những thế lực trói buộc tư duy và cản trở sự sáng tạo nghệ thuật, và nội dung phê phán ấy được diễn đạt bằng chính văn phong của tôi. Thật vậy, nếu tôi chấp nhận để cho họ xoá bỏ, cắt xén, sửa đổi những chi tiết ấy, thì cuốn sách của tôi chỉ còn là một cuốn sách thuần tuý học thuật mà một tác giả khác cũng có thể viết được, và trong đó không còn dấu vết của những quan điểm của cá nhân tôi — những quan điểm về văn hoá, văn học và nghệ thuật nhưng không thể tách rời khỏi những bối cảnh chính trị, xã hội và lịch sử được diễn dịch qua lăng kính và bút pháp của riêng tôi.
Liệu tôi có nên hy sinh một điều như thế để cho cuốn sách của tôi được xuất bản ở Việt Nam hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới? Không đời nào. Vì hy sinh điều ấy thì, trước hết, tác phẩm ấy không còn là chính nó và, trầm trọng hơn nữa, tôi cảm thấy hy sinh điều ấy là hy sinh chính cái phẩm cách của tôi như một người cầm bút với quyền tự do tư tưởng và tự do diễn đạt.

Đúng ra, tôi nghĩ rằng quyền tự do tư tưởng và tự do diễn đạt còn quan trọng hơn cả cái chức nghiệp của một người cầm bút. Đó là những quyền căn bản của mọi con người trên mặt đất. Ngày nào tôi đánh mất quyền tự do tư tưởng và tự do diễn đạt thì ngày đó tôi không thể sống đúng nghĩa như một con người.

Vài hình ảnh:

Một trong những “Hồ sơ bản thảo” mà tác giả đã nhận được từ một nhà xuất bản
http://www.tienve.org/home/images/sach1.jpg

Nhà biên tập đã cẩn thận săn sóc từng câu, từng chữ
http://www.tienve.org/home/images/sach2.jpg

Hơn nửa trang 448 bị cắt bỏ vì đụng chạm đến Hồ Chí Minh
http://www.tienve.org/home/images/sach3.jpg

Hai trang 449 và 450 bị cắt bỏ hoàn toàn vì phê phán “trí thức” của chế độ
http://www.tienve.org/home/images/sach4.jpg

Hoàng Ngọc-Tuấn
Sydney, 05/12/2009


_________________________

[*]Trong trường hợp xuất bản một cuốn sách có sự đóng góp của nhiều tác giả, người đại diện cho tập thể tác giả ấy phải được sự đồng ý của từng cá nhân tác giả về từng chi tiết bị cắt xén, sửa đổi có liên quan đến cá nhân tác giả ấy. Nếu tất cả các tác giả đều đồng tình thoả hiệp và nhượng bộ với sự cắt xén, sửa đổi ấy, thì người đại diện mới có thể đồng ý cho nhà xuất bản ấn hành cuốn sách. Nếu chưa có sự đồng tình tuyệt đối của tập thể tác giả, mà người đại diện vẫn cho phép xuất bản, thì đó là một sự sai lầm trầm trọng, vi phạm đến quyền tự do tư tưởng và cả phẩm cách của tác giả liên hệ.

----------------

Bấm vào đây để đọc tất cả những tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn đã đăng trên Tiền Vệ




No comments: