Monday, December 7, 2009

CHUYỆN XUẤT BẢN TRONG NƯỚC

Chuyện xuất bản trong nước, đừng vào “vùng nhạy cảm”
Bùi Văn Phú
08/12/2009 1:00 sáng
1 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=14740
Tôi chưa bao giờ có tác phẩm xuất bản, tuy đã viết nhiều trên báo giấy và báo mạng.

Năm 1993 tôi có gửi cho báo Thanh Niên một bài kí về thời sinh viên và những ngày dạy học ở Togo, một quốc gia châu Phi nhỏ bé, vì tôi nghĩ rằng chuyện một người gốc Việt du hành qua những vùng đất xa xôi hẻo lánh là điều lạ, sẽ được toà soạn chú ý và có thể thu hút độc giả. Quả thực bài của tôi được đăng trên tạp chí Thanh Niên, nhưng bị cắt một khúc, chỗ tôi nhắc đến ngày còn là sinh viên Đại học Berkeley tôi đã tham gia biểu tình cho thuyền nhân, cho nhân quyền Việt Nam.

Sau khi đăng bài, toà soạn gửi biếu tôi một tờ báo. Tổng thư kí là nhà văn Vũ Đức Sao Biển có viết thư cho biết ban biên tập muốn trả tiền nhuận bút vài trăm đô-la. Tôi trả lời nhờ toà soạn dùng số tiền đó cho việc từ thiện như giúp các học sinh nghèo.

Nhưng cũng từ đó tôi ngại không còn gửi bài cho báo trong nước nữa, vì không muốn có những chuyện bị cắt bỏ, kiểm duyệt như trên.

Đầu năm ngoái, tôi viết bài “Nét văn hoá Việt ở Togo”
[talawas.org 22.02.2008]. Bài báo là chuyện kể về những món ăn Việt, những cái Tết ở châu Phi thuần tuý mang tính văn hoá. Tờ Lao Động Cuối Tuần [Số 10, 09.03.2008] lấy đăng lại, cắt bỏ một vài đoạn mà tôi chẳng hiểu vì sao. Tờ báo có ghi nguồn là từ talawas.org, nhưng ghi nhầm ngày là 28.02.2008.

Với chính sách kiểm soát thông tin, văn hoá trong nước thì khó biết được những chỗ nào là “vùng nhạy cảm” đối với chính sách hiện thời của Việt Nam.

Thường theo dõi sinh hoạt văn hoá thông tin ở quê nhà, tôi đã hai lần điểm qua những gì mà quan chức nhà nước muốn tuyên truyền đến cho người dân. Một lần về bản dịch bài viết của Jordan Ryan do VietNamNet thực hiện liên quan đến chính sách kinh tế của Việt Nam
[talawas.org 18.01.2006]. Lần thứ hai về sự kiện báo Wall Street Journal đăng 4 trang quảng cáo Việt Nam dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công du Hoa Kỳ năm 2007 [talawas.org 03.10.2007].

Bây giờ nhân việc trong nước xuất bản tập sách Thơ đến từ đâu, gồm những bài phỏng vấn nhiều tác giả trong và ngoài nước do Nguyễn Đức Tùng thực hiện. Theo ý riêng của tôi, từng tác giả đã được ông Nguyễn Đức Tùng phỏng vấn có quyền đồng ý, hay không đồng ý và với điều kiện biên tập như thế nào về nội dung những câu trả lời của họ để bài phỏng vấn được xuất hiện trong tác phẩm phát hành trong nước. Đó là sự lựa chọn của từng người.

Cho đến giờ vì chưa được đọc bản in trong nước để so sánh với bản trên mạng talawas nên tôi không có ý kiến, chỉ chờ sự lên tiếng của chính những tác giả liên hệ.

Ông Hoàng Ngọc-Tuấn đã làm việc với mấy nhà xuất bản và cuối cùng ông quyết định không cho tác phẩm của mình in trong nước vì yêu cầu của nhà xuất bản đòi cắt bỏ những chỗ mà ông không muốn. Thật đáng trân trọng quyết định thẳng thắn của ông.

Tuy nhiên tôi được biết có hai tác giả hải ngoại đã xuất bản tác phẩm của họ trong nước. Đó là nhà văn Nguyễn Mộng Giác với bộ trường thiên tiểu thuyết 4 tập Sông Côn mùa lũ do Nxb Văn học & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản năm 1998. Tác giả thứ nhì là nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc với Trịnh Công Sơn: Ngôn ngữ & những ám ảnh nghệ thuật do Nxb Văn hoá Sài Gòn ấn hành năm 2008. Không biết kinh nghiệm làm việc của hai tác giả nêu trên với các nhà xuất bản trong nước như thế nào? Nếu được họ chia sẻ những kinh nghiệm này thì đây là một điều đáng quý cho độc giả khắp nơi và nhất là cho những ai muốn cộng tác với trong nước để xuất bản tác phẩm của mình.

Tôi còn thấy một tác giả có nhiều sách bán chạy ở hải ngoại là nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, tuy không có sách in trong nước nhưng ông đã bị kiểm duyệt thường xuyên khi con buôn ở Việt Nam sao chép những DVD ca nhạc “Paris by Night” và bán với giá rẻ dăm ba chục nghìn đồng một dĩa. Tôi nghe kể rằng muốn sao chép DVD Thuý Nga thì cứ vô tư, nhưng phải cắt bỏ rốt ráo phần giới thiệu do em-xi Nguyễn Ngọc Ngạn soạn.

Như thế nhà nước không chỉ kiểm duyệt những điều nói ra hay được viết xuống có chạm đến “vùng nhạy cảm” mà những con buôn văn nghệ trong nước cũng tự kiểm duyệt cả hình bóng, tên tuổi những người “có vấn đề” nữa.

Ngày xưa ở miền Nam Việt Nam sinh hoạt văn hoá, thông tin cũng bị kiểm duyệt. Chính phủ đã nhiều lần tịch thu sách báo không hợp với chính sách, đưa ra toà phạt tiền, kết án tù những nhà báo, những chủ báo vi phạm. Nhưng đã có nhiều người làm văn hoá, văn nghệ, làm báo, viết báo rất can đảm. Báo Sóng Thần, Điện Tín, Đại Dân Tộc hay tạp chí Đối Diện là những trường hợp điển hình.

© Buivanphu

06.12.2009




No comments: