Monday, December 7, 2009

NHÀ VÂN PHẠM ĐÌNH TRỌNG GIẢI THÍCH LÝ DO BỎ ĐẢNG CỘNG SẢN

Nhà văn Phạm Ðình Trọng giải thích lý do bỏ Ðảng: ‘Ðảng ngày càng tiến sâu vào sai lầm’
Lữ Tống (riêng cho Người Việt)
Sunday, December 06, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=105177&z=1

Trả thù người miền Nam khiến ‘đất nước kiệt quệ’

LTS: Mới đây, nhà văn Phạm Ðình Trọng công khai từ bỏ đảng tịch Ðảng Cộng Sản Việt Nam sau gần 40 năm tham gia sinh hoạt. Nhà văn Phạm Ðình Trọng cũng là một thiếu tá Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam, từng là cây viết của Binh Chủng Thông Tin Liên Lạc, sau đó về tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội. Ông là học viên khóa 1 trường viết văn Nguyễn Du, làm biên kịch cho xưởng phim Quân Ðội và có nhiều sáng tác đã được xuất bản. Lữ Tống có cuộc phỏng vấn đặc biệt với nhà văn, thiếu tá quân đội Phạm Ðình Trọng để tìm hiểu thêm lý do khiến ông đi tới quyết định này. Người Việt xin giới thiệu cùng độc giả sau đây.
--------------------------------------

Lữ Tống: Thưa ông, xin cảm ơn thời gian mà ông dành cho chúng tôi trong cuộc phỏng vấn này. Trước nhất xin được hỏi, là một đảng viên 40 tuổi Ðảng, thời gian có thể kể là dài, đủ để đặt niềm tin vào một việc gì đó so với cả một đời người. Xin ông cho biết tại sao cuối cùng ông quyết định từ bỏ Ðảng, tức là từ bỏ niềm tin mà ông đã đặt vào?
Nhà văn Phạm Ðình Trọng: Tôi là Phạm Ðình Trọng, nhà văn, đảng viên Cộng Sản lớp Hồ Chí Minh từ ngày 19 Tháng Năm, 1970. Từ lúc tự nguyện tham gia hàng ngũ cộng sản, cho đến khi tự rút ra khỏi đảng chỉ thiếu vài tháng là đủ 40 năm; cả một quá trình chuyển biến trong tôi. Ðây là sự thay đổi về nhận thức, từ nhận thức bằng tình cảm chuyển dần sang nhận thức bằng lý trí. Nhận thức này đi cùng với nhận thức về quá trình chuyển biến của chính đảng Cộng Sản, từ ý chí vì dân vì nước trong giai đoạn ban đầu, đã chuyển sang sang ý chí chỉ vì sự tồn tại của đảng vào ngày hôm nay.
Trong lúc cả nước còn nghèo, thậm chí có nơi còn đói, còn phải nhờ vào thế giới giúp đỡ, thực tế vẫn tồn tại các quan chức, đảng viên giàu có vượt cả sự tưởng tượng của người dân. Có đảng viên mang cả triệu đô la đi đánh bạc và sống sa đọa nhưng ở chi bộ họ vẫn được xét là đảng viên “bốn tốt!” Bên cạnh đó, những việc hồi gần đây cho thấy đảng đang tiến ngày càng sâu vào những sai lầm và không có dấu hiệu gì thay đổi mặc cho nhiều đảng viên lẫn trí thức đưa ra hàng trăm kiến nghị yêu cầu đảng tự sửa chữa các lỗi lầm từ trong quá khứ và đang kéo dài mãi tận ngày nay.

Lữ Tống: Ông có thể đưa ra một vài dẫn chứng cái mà ông gọi là sai lầm tồn tại và vẫn kéo dài?
Phạm Ðình Trọng: Ðấy là chuyên chính vô sản đã gây ra Cải Cách Ruộng Ðất, Cải Tạo Công Thương Nghiệp Tư Bản Tư Doanh. Ðấy là các vụ án chưa bao giờ công khai ra trước ánh sáng công lý, như vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, vụ án Xét Lại Chống Ðảng, đã chà đạp lên số phận bao người trung thực, tài giỏi, gây nỗi kinh hoàng cho dân tộc, gây thiệt hại vô cùng to lớn cho đất nước. Ðấy là những cuộc bắt bớ, đấu tố đang diễn ra như cuộc cải cách ruộng đất kinh hoàng năm nào vẫn đang âm thầm tái diễn đến tận hôm nay! Ðấy là những cuộc đàn áp người tranh đấu cho dân chủ, tức là tranh đấu cho quyền lợi nhân dân, nhưng đảng lo sợ và đảng đã đàn áp họ thẳng tay.
Còn về sự kiện năm 1975, những người sáng suốt đều nhìn thấy đây không phải là chiến thắng của ý thức hệ Cộng Sản. Nếu đảng biết đặt dân tộc lên trên, đất nước sẽ có một tiềm lực vô cùng to lớn. Cơ sở vật chất kỹ thuật và lực lượng lao động cao cấp còn ở lại miền Nam là một vốn quí, một bệ phóng thuận lợi cho nền kinh tế nước nhà nhưng đảng đã không sử dụng tiềm lực này mà ngược lại đã tiêu diệt thẳng tay bằng nhiều cách, khiến cho đất nước kiệt quệ cả nhân lực lẫn cơ sở vật chất.

Lữ Tống: Thưa ông, có người nói đó là “tâm lý chung,” tức là, hành động tịch thu, trả đũa sau bao nhiêu năm chiến tranh?
Phạm Ðình Trọng: Ðảng đã giành hết vinh quang về cho đảng. Người cộng sản trở nên kiêu ngạo, tự mãn, và càng tự tin vào tín điều cộng sản! Ðảng say sưa đấu tranh giai cấp! Ðảng cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh! Ðảng hủy hoại khối lượng lớn của cải, làm tan hoang những cơ sở vật chất của một nền sản xuất công nghiệp tương đối phát triển! Ðảng gây hận thù dân tộc, đẩy hàng vạn người từng tham gia với chính quyền cũ vào những trại cải tạo, gây chia rẽ, ly tán trong lòng dân tộc! Thời cơ mất đi! Tiềm lực vô cùng quý giá để phát triển đất nước cũng mất đi! Ðất nước bị đẩy đến tận cùng quẫn bách.
Nỗi đau ly tán của dân tộc Việt Nam còn âm ỉ, nhức nhối đến hôm nay là hậu quả tất yếu của kiên trì tín điều Cộng Sản đưa giai cấp lên trên dân tộc, là trách nhiệm không thể chối bỏ của đảng Cộng Sản.

Lữ Tống: Ông đưa ra nhận định về năng lực lãnh đạo, với ý cho rằng đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến đất nước bị mất dần đường biên giới. Xin được nghe chi tiết hơn?
Phạm Ðình Trọng: Tôi cho là lãnh đạo đảng ở cấp cao không có sự nhạy bén, năng động. Không có sự mẫn cảm và sáng láng của trí tuệ và tài năng tạo ra bước ngoặt cần có cho dân tộc. Ngược lại, đảng vẫn kiên trì với những tín điều cộng sản. Những người lãnh đạo đảng ở cấp cao đã có những nhượng bộ, thỏa hiệp để Trung Quốc vạch lại biên giới, phân chia lại vùng biển, chiếm đất, chiếm biển của ta. Trong thư ngỏ gửi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 3 Tháng Ba, 2009, tôi đã dẫn chứng về việc mất đất mất biển. Những hợp đồng kinh tế dễ dãi, ưu ái dành cho Trung Quốc. Dự án bauxite gây lo lắng cho cả dân tộc về môi trường, văn hóa, lẫn an ninh quốc phòng. Quan trọng hơn hết, là đảng không lắng nghe sự góp ý chân thành của những người trí thức. Ðảng luôn tuyên bố là vì lợi ích dân tộc nhưng trong dự án bauxite tôi cho rằng là vì lợi ích của ai kia chứ không phải cho dân tộc như đảng nói.

Lữ Tống: Ông từng viết “Ăn Mày Dĩ Vãng,” nhằm chống lại những điều mà ông gọi là sử dụng tư tưởng Hồ Chí Minh một cách giả dối, thần thánh hóa lãnh tụ. Xin ông chia sẻ thêm?
Phạm Ðình Trọng: Trong đời sống chính trị của nước ta hiện nay, từ ngữ có tần số sử dụng cao nhất là từ Hồ Chí Minh. Thần thánh hóa Hồ Chí Minh, đảng Cộng Sản Việt Nam luôn luôn nói đi theo con đường Hồ Chí Minh đã chọn, rầm rộ học tập tư tưởng đạo đức ấy. Trong bài viết “Ăn mày dĩ vãng - Thực Chất Cuộc Vận Ðộng Học Tập Tư Tưởng Ðạo Ðức Hồ Chí Minh,” tôi đã thẳng thắn nêu ra sự làm trái đó.

Lữ Tống: Bài viết ấy, theo dư luận, đã gây khó khăn cho ông rất nhiều phải không, thưa ông?
Phạm Ðình Trọng: Trong cuộc họp vào ngày 13 Tháng Mười Một, 2009, Ðảng ủy nơi tôi sinh hoạt đã kết luận bài viết của tôi là “phủ định chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đã thể hiện rõ rằng tôi không còn trung thành với Ðảng, với tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, đã xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh.”

Lữ Tống: Ông suy nghĩ về những kết án này như thế nào?
Phạm Ðình Trọng: Ðó là kết luận áp đặt, khiên cưỡng, thiếu thiện chí với tôi và né tránh, không đủ dũng khí nhìn vào sự thật.

Lữ Tống: Ông có tâm sự gì muốn chia sẻ thêm với chúng tôi?
Phạm Ðình Trọng: Tôi xin nói thêm ba điều như thế này. Thứ nhất, đây không phải là hành động chống đối đảng Cộng Sản. Thứ hai, về hình thức thì việc từ bỏ Ðảng Cộng Sản, nếu xét theo vận động cơ học thì đây là việc làm bình thường của bất cứ tổ chức nào. Có vào thì phải có ra, rất bình thường. Thứ ba là bản chất sự việc, ra khỏi đảng là thức tỉnh của nhận thức, sự thức tỉnh này không phải chỉ riêng cá nhân tôi mà nó mang tính thời cuộc. Thời này tôi nghĩ là thời của tự thức tỉnh. Có rất nhiều anh em lớp trước hay cùng lứa với tôi, đều có chức vụ đại tá, thượng tá cả, và họ đã từ khước việc sinh hoạt đảng sau khi về hưu tại nơi các anh ấy sống bằng cách không nộp giấy sinh hoạt đảng cho các tổ chức đảng tại địa phương. Giống như các anh ấy, chúng tôi đều thấy là có sự thất vọng và hụt hẫng vô cùng to lớn. Vì thế tiếng nói từ bỏ đảng của tôi không phải là tiếng nói lẻ loi hay duy nhất, mà là một trong những tiếng nói chung của rất nhiều người như tôi mà thôi.

Lữ Tống: Xin cám ơn về thời gian ông dành cho chúng tôi.

-------------------------


Nhà văn Phạm Đình Trọng: Thông báo về việc từ bỏ đảng tịch đảng viên Đảng Cộng sản (bauxite Vietnam)

Tuần kí số 29
THƯ NGỎ GỬI NHÀ VĂN PHẠM ĐÌNH TRỌNG (nhac si Tô Hải)







No comments: