Tuesday, December 15, 2009

KHÔNG BIẾT CÁCH NÓI hay là KHÔNG BIẾT ĐÁNH GIÀU BẰNG LƯỠI

Không “biết cách nói” hay là không biết đánh giày bằng lưỡi
Lê Diễn Đức
15/12/2009 2:00 chiều
7 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=15280

Bài viết của Nguyễn Hữu Liêm về Đại hội Việt kiều được mọi người chiếu cố, sắp sửa đạt mức kỷ lục trên talawas blog. Và không chỉ trên talawas blog.
Tôi cũng tham gia cuộc luận chiến này bằng ý kiến dưới bài của anh ta trên talawas blog với câu: “Tôi cảm thấy buồn nôn vì tởm lợm”. Tôi nghĩ thế là đủ.
Tôi suy ngẫm, tức anh ách. Nhưng rồi cười khẩy. Hết cười khẩy thì cười bạt mạng!
Những chuyện xót xa, vỡ mộng, té ngửa, tả hoá tam linh của các thế hệ Việt kiều về xây dựng Tổ quốc quê hương xã hội chủ nghĩa, hẳn đến mùa quýt kể cũng không hết. Thế nhưng vẫn chưa đủ làm chiếc gương cho Việt kiều thế hệ sau 1975 soi nhìn lại chính mình.

Nhắc lại vài vụ trong những năm gần đây vậy.

Trần Văn Trường, một Việt kiều “yêu nước” can đảm, dám treo cả cờ đỏ sao vàng và ảnh Hồ Chí Minh tại Orange County, thủ đô của người Việt tị nạn cộng sản ở California. Trong năm 2005 anh ta đã bán tài sản trên đất Mỹ cùng vợ và 2 con trở về Việt Nam làm ăn. Cứ tưởng bở, sẽ được tiếp đón đặc ân như một anh hùng! Anh ta không biết rằng, với giới chức đương quyền, anh ta chẳng có vị gì, thậm chí còn bị cho là ngu ngốc. Muốn làm ăn hả? OK! Nhưng phải biết học luật chơi. Vị “anh hùng” từ miền Bolsa đã quá ư kém cỏi, không thuộc bài. Chia chác, lót tay chưa đủ, không đúng người, đúng chỗ, nên quan chức địa phương ở Lai Vung, Đồng Tháp đã phải dạy cho bài học nhớ đời. Anh ta bị toà án tỉnh phong tỏa hết tài sản và giữ luôn cả số tiền bán cá 1.054.490.000 đồng. Ước mơ “xây dựng quê hương” như một cục đá ném xuống hồ. Chìm nghỉm. Tắt lịm.

Vụ thứ hai khá ồn ào và được người trong nước chú ý nhiều vì liên quan tới cựu hoa hậu Hà Kiều Anh. Trong năm 2005 toà án đã xử phu quân của nàng, Nguyễn Gia Thiều, Việt kiều Pháp, 20 năm tù về tội buôn lậu, trốn thuế, và nộp phạt 130 tỉ đồng.
Điều đáng nói là trong vụ án này có đến 10 bị cáo nguyên là cán bộ hải quan chống hàng lậu, những kẻ xúi giục, tiếp tay cho việc làm ăn của Nguyễn Gia Thiều, nhưng vì không nói chuyện phải quấy đúng nghĩa với thượng cấp nên cùng lãnh đủ.
Hơn nữa, theo tôi biết, vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ, Nguyễn Gia Thiều hoắng huýt, không biết thân phận Việt kiều, chỉ là kẻ lạ, ngoại đạo. Vợ là hoa hậu ư? Sẽ cho thành hoa héo, nói theo ngôn ngữ của các anh chị ăn chơi bậc nhất trong đám CCCC (Con Cháu Các Cụ) mà tôi có nhiều cơ hội tiếp cận. Dám nhảy vào lãnh vực truyền thông ư? Đây là lãnh thổ béo bở, sân chơi với biên độ rất hẹp chỉ dành cho giới elite quyền lực, giống như lãnh vực xuất nhập vũ khí. “Việt kiều là cái đéo gì?” – Một cựu thái tử của triều đại Ba Đình đã nói với tôi như thế – Láo lếu, chết là phải.

Cũng trong năm 2005 vụ án Trịnh Vĩnh Bình sôi động dư luận người Việt trên toàn thế giới, vì bị kiện tới Toà án quốc tế tại Thụy Điển. Ông Việt kiều Hà Lan đã mang về Việt Nam đầu tư khoảng 4 triệu đôla (số tiền rất lớn vào cuối thập kỷ 80, đầu 90). Khi số tài sản của ông Bình lên đến khoảng 20 triệu đôla, thì công an cài bẫy. Ông bị vào tù và tài sản bị cướp trắng. Đám khác trong vụ tranh chấp này mở khoá cửa sau nhà tù cho ông Bình thoát hiểm về lại Hà Lan. Vụ án liên đới tới cả Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, dính líu đến cả Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Mạnh Cầm, Phan Văn Khải, Lê Minh Hương. Nghe chừng khó nuốt nổi cục xương trước Toà án quốc tế và để tránh muối mặt trước dư luận, Hà Nội đã tìm cách thoả hiệp chuyện đền bù ông Bình số tiền thiệt hại hơn 100 triệu đôla để chấm dứt tranh tụng.

Thằng bạn học cùng lớp thời phổ thông hiện đang giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước ở Hà Nội, gần đây tâm sự với tôi rằng, trong tất cả các đề án đầu tư lớn ở Việt Nam đều phải có người bảo kê, nếu không nguy cơ sập tiệm không biết sẽ đến vào lúc nào.

Người đứng ra bảo kê hoặc là trực tiếp các “đại ca” hoặc đệ tử có quan hệ gần gũi với một trong các “đại ca”, tức là thành viên của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Hắn nói, hầu như ai cũng nhìn thấy sự thối nát, suy đồi đạo đức của công chức nhà nước Việt Nam hiện nay. Trong hàng ngũ đảng viên chỉ khoảng 20% có chức vị là được hưởng đặc quyền, đặc lợi, còn lại có cuộc sống rất bình thường, nếu không nói khó khăn. Cái khó cho sự đổi thay là dù bất mãn, đại bộ phận thụ động ngồi chờ thời của một cuộc cách mạng nào đó, không ai dám làm lính tiên phong, luôn sống trong sợ hãi bị đè bẹp và văn hoá nô lệ. Phần còn lại thì tận dụng thời cơ tranh tối tranh sáng để chụp giật, đầu cơ, vơ vét làm giàu.

Hắn cho tôi biết, chuyện mua quan bán chức ở Việt Nam bây giờ phổ biến, dư luận công khai trên cả diễn đàn Quốc hội. Giá cao nhất là Bộ trưởng Giao thông, 50 tỷ đồng, bởi vì nơi đây tập trung nhiều dự án lớn nhất về xây dựng hạ tầng từ tiền của các quỹ tài trợ phát triển và tiền vay các ngân hàng quốc tế. Tất nhiên không phải có tiền là mua được, tiền phải nộp đã đành, mà còn phải có đủ độ tin cậy để được nộp cả mạng nữa, tức là mày ăn thì phải biết nôn ra cho tao với, ăn hết, bội thực là có ngày chết. Con cái các quan chức được gửi ra nước ngoài học (nhưng rất ít ai gửi con đi Trung Quốc) để tránh xa môi trường đạo đức bị huỷ hoại và nền giáo dục tệ hại (do chính họ gây nên). Không những gửi con học mà họ còn mua luôn nhà cửa cho con ở nước ngoài.

Một môi trường chính trị xã hội nhơ nhuốc dưới sự cai trị độc quyền bởi một băng nhóm lưu manh và mafia đúng nghĩa!
Bản thân người trong cuộc còn ghê tởm, vậy mà, thật hết sức ngạc nhiên, tại sao lại vẫn có những Việt kiều tiếp tục ngu ngốc ngộ nhận.

Thực ra nếu ngộ nhận thật thì họ đáng thương hại hơn là đáng trách. Tiếc thay, đại đa số trong phường giá áo túi cơm này là những tay thích đánh giày bằng lưỡi cho các quan chức cộng sản. Loại người này thuộc loại cơ hội đến mức bẩn thỉu, trong bụng nhiều khi chửi rủa còn ác độc hơn cả những tay được gọi là “phản động” như tôi, nhưng ngoài mặt thì xun xoe, đi bằng đầu gối, bắt tay với lũ ma quỷ trong thời bát nháo để kiếm ăn, mánh mung, chụp giật bất chính.

Trong
bài phỏng vấn hôm 12/12/2009 trên talawas blog, trả lời nhà văn Phạm Thị Hoài, “triết-gia-hụ-còi” Nguyễn Hữu Liêm nói:
“Tôi đã từng về nước và gặp nhiều nhân vật trong chính quyền và Đảng, từ Tổng Bí thư xuống cấp xã, và đã từng phân tích, đề nghị thay đổi, bằng lời nói và văn bản, về những chính sách, quy chế. Có lần tôi nói chuyện với ông Đỗ Mười, lúc ông đang là Tổng Bí thư, tại trụ sở Trung ương Đảng ở Hà Nội. Thời gian tôi được gặp chỉ 20 phút, nhưng tôi và ông đã bàn luận nhiều vấn đề đến hơn 1 giờ 30 phút. Nhiều lúc tôi và ông tranh luận, đến độ ông đã cầm tay tôi đè xuống và nói, “Anh phải để tôi nói…” Người cộng sản sẽ lắng nghe, nếu chúng ta biết cách nói”.
Tôi không cắt nghĩa nổi “biết cách nói” theo “triết-gia-hụ-còi” Nguyễn Hữu Liêm là làm sao.
Nhà văn Phạm Thị Hoài đã phản biện bằng các câu hỏi tương phản qua những con người cụ thể rồi. Tôi không muốn nhắc lại. Chỉ nêu vụ bauxite gần nhất đây.

Đại tướng công thần lập quốc như Võ Nguyên Giáp, các trí thức-đại biểu Quốc hội, như Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Minh Thuyết, rồi hàng ngàn các trí thức khác trong và ngoài nước ký tên kiến nghị hợp tình, hợp đạo lý trong thư thỉnh nguyện của giáo sư Nguyễn Huệ Chi – có phải là họ là những trí thức không “biết cách nói” không.
Cứ nghĩ gặp được Đỗ Mười, Tổng Bí thư, là tưởng mình đã bước vào được hậu cung để trở thành mưu sĩ bàn việc nước!

Tôi biết một cựu Việt kiều Nga, doanh nghiệp thứ thiệt, tầm cỡ đại bàng, về nước ra vào các biệt thự ở khu Ba Đình dễ như thò tay vào túi lấy đồ vật. Đó là Lê Ngọc Hường, sinh năm 1960, một trong các ông chủ chợ Vòm ở Moscow, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nga, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Liên bang Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TTTM Quốc tế Moscow. Ngày 31/03/2009, Toà đại sứ Việt Nam ở Moscow đăng tin chia buồn sâu sắc cái chết của anh ta vì bệnh nặng. Thông tin về cái chết có nhiều mâu thuẫn. Có người nói anh ta bị bắn chết với 16 phát đạn. Sinh thời, anh ta khoái khẩu, tự mãn với tấm ảnh to tổ bố, chụp với cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được đóng khung trang trọng, treo trong phòng làm việc. Đã có lần tôi nói, chụp với những thằng cha này là tự hạ thấp mình. Thế nhưng bài này của các nhà doanh nghiệp Việt kiều dọa được khối thằng!
Đỗ Mười nổi tiếng dốt nát và tham quan. Công ty Hàn quốc tặng chơi một triệu đôla tiền mặt trong một chuyến công du là vì cái gì? Có thánh biết! Còn khoản được chuyển vào các trương mục thì bao nhiêu?
Chính sách hợp tác hoá và cải tạo công thương nghiệp miền Nam sau năm 1975 của ông ta đã làm dân miền Nam gần chết đói, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi. Con rể ông ta, Phương “Phò mã” làm ăn phát đạt với những mối lợi độc quyền, như cỗ dọn sẵn, chỉ ngồi thu tiền.
Mà rồi từ ngày nghe “triết-gia-hụ-còi” Nguyễn Hữu Liêm diễn thuyết đã có cái gì lọt tai ông ta? Hay là càng tuổi cao càng đổ đốn, mất tư cách đạo đức, già khú đế còn dâm đãng, sờ mó lung tung ôsin thế nào mà bị cô ta bắt phải lấy làm vợ.

Trong một bài gần đây trên BBC (ngày 9/12/2009) viết về giáo sư toán học nổi tiếng Ngô Bảo Châu, người vừa được tạp chí Time của Mỹ bình chọn có công trình khoa học là một trong 10 phát minh tiêu biểu của thế giới năm 2009.
Trong bài có đoạn:
“Mặc dù làm việc ở nước ngoài trong suốt nhiều năm qua, Giáo sư Châu, người từng được mời làm Giáo sư tại Pháp khi mới 32 tuổi, vẫn theo dõi sát tình hình phát triển ở Việt Nam.
Ông cho biết đã hơn nửa năm, bức thư của ông ngày 29/5 từ Mỹ, gửi Quốc hội Việt Nam, kiến nghị về dự án Bauxite vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Trong bức thư gửi Quốc hội Việt Nam, ông Châu đề cập tới chính sách mà ông gọi là “thực dân mới” của chính quyền Trung Quốc liên quan tới khai thác khoáng sản trên quy mô toàn cầu và cảnh báo về dự án Bauxite tại Tây Nguyên: “phần có hại thì cầm chắc, phần có lợi thì mong manh”.

Cứ như “triết-gia-hụ-còi” Nguyễn Hữu Liêm thì giáo sư trẻ này chắc cũng không “biết cách nói” nốt.
Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười hay Đỗ Mười Một, ông nào cũng thế thôi. Các “đại ca” này chỉ nghe những người họ thích nghe. Đừng ảo tưởng! Đến khi phải bỏ của chạy mất dép, cứu lấy mạng thì mới trắng mắt ra!

Trên talawas blog có lần tôi đã nhắc lại câu của ông Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Liêm phóng (Công an) Hà Nội đầu tiên thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một người có quan hệ rất gần với Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, đi theo cách mạng từ những năm 30 của thế kỷ trước. Ông Chu Đình Xương là thân phụ của giáo sư Chu Hảo trong nhóm IDS vừa tự giải tán. Ông đã từng căn dặn con cháu trong nhà (trong đó có tôi): “Các con ạ, đừng bao giờ chơi với cộng sản, chúng nó bạc như vôi!”

Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Xuân Ẩn, tình báo viên thượng thặng, người có công lớn với chính quyền cộng sản trong việc giành được toàn quyền cai trị Việt Nam năm 1975, về cuối đời đã sống trong thất vọng, cay đắng và có người viết rằng, trước khi chết (năm 2006) ông trăn trối: “Đừng bao giờ chôn gần những người cộng sản”.
Tiếc thay vẫn còn lắm kẻ mơ muội lao vào trận đồ bát quái, tráo trở, lá mặt lá trái và vô ơn bội nghĩa này của những tay mafia đội lốt cộng sản thời nay.

Tôi hoàn toàn tôn trọng và cảm thông với tất cả những ai có nguyện vọng trở về thăm quê hương, thậm chí làm ăn hoặc ở lại sống hẳn. Mỗi người có một hoàn cảnh sống riêng và có quyền tự do lựa chọn cho mình một cách mưu sinh.
Thế nhưng, đã phải chịu bao nhiêu hiểm nguy bỏ nước ra đi và qua 35 năm trải nghiệm, sống trong những đất nước đã cưu mang mình, đã cho mình cơ hội trưởng thành, đã hiểu thế nào là giá trị dân chủ, nhân quyền, đã chứng kiến sự phá sản của khối cộng sản châu Âu – khi về Việt Nam, nếu không làm được gì cho tiến trình dân chủ của đất nước, tốt nhất, muốn yên phận, ăn chơi, kiếm tiền thì đừng ăn nói linh tinh. Một Nguyễn Cao Kỳ, một Phạm Duy là đã quá đủ, quá ê chề, ngán ngẩm rồi! Đừng bao giờ đánh mất nhân cách và quan điểm chính trị đúng đắn trong cuộc tranh đấu chống lại chế độ toàn trị đang bán rẻ quyền lợi của đất nước cho ngoại bang, chà đạp lên các quyền tự do cơ bản nhất của dân tộc Việt.
Nhất là với người trí thức. Bởi vì “với người trí thức, chính trị là sự lựa chọn đạo đức” – Adam Michnik, nhà dân chủ đối lập của Ba Lan thời cộng sản đã nói như thế. Và ông nói chính xác.

Những chiếc giày của các ông chủ Ba Đình sẽ chẳng bóng lên bằng nước miếng và cái lưỡi của những tên xu nịnh. Hãy coi chừng, nếu không muốn bị đá giày vào mõm. ■

© talawas blog



No comments: