Tuesday, December 15, 2009

ĐẤT NƯỚC trước hết là ĐẤT và NƯỚC

Thư Toà Soạn báo Tổ Quốc số 77 (15/12/2009)
Đất nước trước hết là đất và nước

Trung tuần tháng 12 này, đại diện của 192 quốc gia, nghĩa là hầu như tất cả mọi nước trên thế giới, gặp nhau tại Copenhargen để cùng tìm giải đáp cho một lo âu chung: sự nóng lên của bầu khí quyển.

Sự nóng lên của trái đất chỉ là một phần của một nguy cơ lớn hơn: môi trường xuống cấp. Không khí không phải chỉ nóng lên mà còn bị ô nhiễm, đe doạ trực tiếp sức khỏe của con người và mọi sinh vật. Rừng bị phá ở một vận tốc báo động. Các đại dương bị ô nhiễm, nguồn hải sản suy giảm nặng về cả luợng lẫn phẩm. Sông hồ và các thảm nước ở nhiều quốc gia không còn uống được nữa, ngay cả tôm cá cũng bị tiêu diệt. Các nước nghèo nhất là những nước nguy ngập nhất nhưng cũng là những nước mà sự tàn phá môi trường đang tăng lên thay vì giảm đi.

Nhưng dù đến trễ sự lo âu cho môi trường cũng là một may mắn lớn cho nhân loại, nó giúp con người trở thành khiêm tốn. Chúng ta là chỉ những sinh vật vô cùng nhỏ bé sinh ra và sống một cách rất mong manh trong một thời gian rất ngắn ngủi. Chúng ta, những con người đương thời, không là chủ trái đất, chúng ta chỉ muợn trái đất của muôn vàn thế hệ mai sau; chúng ta có bổn phận trả lại một trái đất ít nhất nguyên vẹn, nếu không đẹp và lành sạch hơn. Nhận thức khiêm tốn đó cho chúng ta cái nhìn đúng đắn về cuộc sống và xã hội: chúng ta tình cờ gặp nhau trong một thời gian ngắn rồi vĩnh viễn trở về với cát bụi, thái độ thông minh nhất là sống với nhau một cách hiền hòa trong sự liên đới và tương kính trong cuộc sống chốc lát này. Những tham vọng quyền lực, đàn áp, thống trị đều chỉ là phù phiếm, u mê. Và khi đất nước đã trở thành cằn cỗi, nước không còn uống được và không khí không còn thở được nữa, thì cũng không còn gì để nói. Đất nước trước hết là đất và nước.

Việt Nam là một trong những nước bị đe doạ nhất vì sự nóng lên của trái đất. Điều này hiện nay mới chỉ là một nguy cơ mà chúng ta không phải là nguyên nhân và cũng ít khả năng đối phó; thảm kịch thực sự là chính chúng ta đã tàn phá thẳng tay môi trường của chính mình. Hơn một nguy cơ, đó là một thực tại khủng khiếp.

Nhưng làm thế nào để bảo vệ môi trường nếu người dân nghĩ rằng đất nước đã bị một thiểu số cướp đoạt làm của riêng? Đất nước đã không phải của họ thì họ cũng không có trách nhiệm phải gìn giữ. Không phải là một sự tình cờ mà các nước dưới ách độc tài cũng là những nước mà môi trường bị tàn phá nhất.

Ban biên tập
báo Tổ Quốc số 77 (15/12/2009)
http://www.to-quoc.net/

Bản in báo TỔ QUỐC số 77




No comments: