Monday, December 7, 2009

KÊNH RẠCH SÀIGÒN HẤP HỐI VÌ Ô NHIỄM

TP.HCM: Kênh rạch hấp hối vì ô nhiễm
SGTT
Ngày 07.12.2009 Giờ 11:25
http://www.sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=60296&fld=HTMG/2009/1206/60296
Những năm qua dù TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm ô nhiễm nguồn nước tại các hệ thống kênh rạch, nhưng những “lời kêu cứu” từ những con kênh này vẫn chưa dứt.
Theo thống kê của cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, có khoảng 70% chiều dài (trong tổng 76km) các tuyến kênh rạch trong nội thành bị ô nhiễm. Bên cạnh các hệ thống kênh rạch chính như Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hoá – Lò Gốm, Tàu Hủ – kênh Đôi, kênh Tẻ – Bến Nghé, Tham Lương – Bến Cát – Vàm Thuật, ô nhiễm đã lan trầm trọng đến các nhánh con, len lỏi sâu vào khu dân cư.

Kênh thúi
Ông Tư, sống ở xóm “tạm” bên cầu Băng Ky phường 13, quận Bình Thạnh đã 50 năm kể: “Cách đây khoảng 10 năm, khúc sông này trong vắt, trẻ con người lớn lội xuống tắm đùng đùng, đông nghẹt. Cứ nước lớn là thấy cá đối lội vô nhiều, tha hồ bắt…” Nhưng hiện tại, con rạch nước đen kịt, mùi hôi ứ đặc cổ họng. Chiều về tối, muỗi ruồi vo ve liên hồi. Cô bé Sông Thương, đang học lớp sáu nói: “Muỗi chích nhiều đến không buồn đập, có nhúc nhích muỗi cũng không thèm bay”. Trẻ con trong xóm vừa rồi hết tám đứa bị sốt xuất huyết. Bệnh giời leo, ghẻ…gần như bám chặt với người dân ở đây. Ngay quần áo giặt sạch và dùng nước xả nhưng khi mặc vẫn “mang mùi kỳ kỳ, thum thủm”. Ông Tư cho biết: “Nhà máy nhuộm và nuôi heo gần đây vẫn lén xả nước thải thẳng ra rạch, có hôm lông, ruột, máu heo xả đỏ cả khúc sông”. Cũng không giấu, ông Tư nói: “Dân ở đây chủ yếu xả rác, vệ sinh thẳng xuống rạch”.

Tương tự, tại cầu Tôn Thọ Tường trên đường Phan Văn Hân (phường 17, quận Bình Thạnh), rác sinh hoạt đặc quánh con rạch. Đi sâu vào các con hẻm cụt, mới phát hiện nhiều nhà đang sống trên nền rác. Rác nhiều nơi ứ đầy con rạch đến nỗi có thể đi lên được mà không bị lún. Mấy cây bàng, trứng cá còn mọc được trên rạch này nhờ “nền đất” rác thải. Mỗi khi có gió, mùi thối không còn thoảng qua mà xộc thẳng vào mũi, choáng váng. Nhiều nhà lấn ra kênh, mọi sinh hoạt, phơi phóng đều diễn ra trên mặt nước ô nhiễm. Vào những đợt triều cường, dân tại đây đã khổ vì ngập nước thì càng khổ hơn vì nước rác. Bà Bảy sống tại đây lâu ngày tỏ ra bình thản: “Riết rồi quen”. Còn một nhân viên làm trên phường cho biết: “Vẫn thường xuyên tổ chức nạo vét con rạch này, nhưng mới dọn rác tuần trước thì tuần sau rác lại ngập ngụa!”
Rác thải sinh hoạt cũng tập trung nhiều ở rạch Ụ Cây (phường 8, 9, 10, quận 8), những nơi có ghe, thuyền buôn bán như kênh Đôi (bến Bình Đông ), kênh Tẻ, bến đò Lương Văn Can (phường 15, quận 8)…

Hấp hối
Thời gian qua, dù thành phố đã nhiều dự án cải tạo kênh rạch của thành phố như Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hoá – Lò Gốm… nhưng theo kết quả quan trắc mới nhất, quý 3/2009, của chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, chất lượng nước các hệ thống kênh rạch nội thành “dù có cải thiện” so với những năm trước nhưng ô nhiễm vẫn không giảm. Ô nhiễm vi sinh vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần trên tất cả các kênh, thậm chí còn tăng so với các đợt quan trắc trước, tăng từ 2,56 – 447 lần so với quý 2/2009, tại hệ thống kênh Tham Lương – Vàm Thuật cao gấp 580 lần so với quy chuẩn Việt Nam, Tàu Hủ – Bến Nghé cao từ 43 – 903 lần, Tân Hoá – Lò Gốm cao từ 430 – 23.000 lần…

Theo PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, hiệu trưởng trường cao đẳng Tài nguyên và môi trường TP.HCM, có khoảng 70 – 80% trong hàng triệu mét khối nước cung cấp cho người dân mỗi ngày, biến thành nước thải đi ra môi trường, về cơ bản chưa xử lý, góp phần không nhỏ (chiếm hơn 50%) gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hiện nay, các dự án xử lý ô nhiễm nước hệ thống kênh rạch trong nội thành chỉ mới dừng lại ở việc cải tạo, cải thiện, nạo vét dòng kênh…, chứ chưa có hệ thống xử lý nước thải trước khi ra sông. Dự án kênh Thị Nghè hiện cũng chỉ mới thu gom nước thải sau đó xả thẳng ra sông mà không qua xử lý.

Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan do con người gây ra ô nhiễm thì mạng lưới kênh rạch chằng chịt cộng thêm chế độ bán nhật triều không đều của Biển Đông đã gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước trong phạm vi thành phố, làm ảnh hưởng đến sự chuyển tải các chất bẩn và tăng thêm mức độ ô nhiễm do việc ứ đọng rác thải vào những giờ nước lên lớn nhất.

Bài và ảnh: Lê Quỳnh


No comments: