Wednesday, December 23, 2009

TẶNG QUÀ KHÔNG PHÍ PHẠM

Tặng quà không phí phạm
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, December 22, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=105904&z=7
Không cần biết ngày sinh tháng đẻ cũng có thể bấm lá số đoán được rằng, nếu quý vị đang sống ở nước Mỹ, tuần này sẽ đầy xao xuyến âu lo, băn khoăn, ân hận. Quý vị không cần phải băn khoăn về các cuộc chiến tranh ở Afghanistan hay Iraq, hoặc lo âu về dự luật cải tổ y tế sẽ được Thượng Viện thông qua. Phần lớn những người lớn tuổi ở Mỹ đang mang một mối lo giản dị: Không biết có kịp mua quà Giáng Sinh tặng cho đủ mọi người trong thân bằng quyến thuộc hay không! Và sau ngày 25 tháng 12 nhiều người lại ân hận vì mình đã bỏ quên một vài người thân chưa tặng quà.

Bây giờ một người có thể giúp quý vị gạt bỏ những âu lo và ân hận đó. Giáo Sư Joel Waldfogel thuộc trường Quản trị Wharton trong Ðại Học Pennsylvania sẽ giúp quý vị quên hết những suy tư thắc mắc khi chọn quà, và không cần phải ân hận nếu bỏ quên không tặng quà cho một bà cô họ hoặc cho người phụ tá ông giám đốc ở trong sở.
Bởi vì ông Waldfogel đang thuyết phục tất cả mọi người rằng chúng ta không nên tặng quà cho nhau. Quá khích hơn nữa, ông nói ai tặng quà cho người khác là “hủy hoại giá trị kinh tế,” làm phí phạm những của cải bao nhiêu người mất công làm ra! Ông đã cổ động cho lý thuyết đó từ hàng chục năm nay.

Vậy tại sao chúng ta không nên mua quà tặng trong những dịp như Lễ Giáng Sinh này? Vì Giáo Sư Joel Waldfogel đã khám phá ra rằng một món quà tặng bao giờ cũng giảm giá trị, trung bình mất khoảng 20% so với số tiền đem trả để mua. Nói cách khác, chúng ta đem 100 đồng trả cho một món hàng làm quà tặng; nhưng đối với người nhận món quà đó thì trung bình nó chỉ đáng giá nhiều nhất là 80 đồng! Hai chục đồng bạc đã tan ra mây khói!

Mỗi năm dân Mỹ tiêu khoảng 65 tỷ đô la vào việc tặng quà, trung bình mỗi người Mỹ xài 600 đô la. Ðem 600 đồng đi mua quà mà những người nhận quà thấy chỉ đáng giá 480 đồng thôi, quý vị đã “hủy hoại” đi 120 đồng đô la Mỹ! Sự mất mát còn có thể còn cao hơn nữa, nếu chúng ta tính rằng nếu số tiền 600 đồng đó được đem đầu tư với lợi suất 4.5% một năm, trong 10 năm sẽ thành 930 đồng! Nhưng mỗi năm ta để ra 600 đồng đầu tư với mức lời đó thì trong 10 năm sẽ dành dụm được 7,700 đồng, và trong 35 năm sẽ thành 51,000 đồng tiền tươi! Có ai muốn để dành mỗi năm 600 đô la để khi con trai lớn đến 35 tuổi thì tặng nó một món tiền mua nhẫn cưới cho vợ nó hay không? Cứ việc ngưng tặng quà, để ngân sách đó đầu tư cho con trai lấy vợ!

Theo nhật báo Wall Street tường trình vào đầu tháng này thì các cửa hàng như Nordstrom và Neiman Marcus đều được lời sổi 35% trên giá bán; còn tiệm Tiffany ở New York kiếm lời tới 57% trước khi trừ các chi phí. Ông Joel Waldfogel cho biết đối với các cửa hàng bán nữ trang và quà tặng vào dịp Lễ Giáng Sinh, riêng trong Tháng Mười Hai thường họ thu được một phần sáu số bán cho cả năm. Cho nên, nếu quý vị bỏ không tặng quà cho nhau nữa thì kinh tế Mỹ sẽ còn trì trệ rất lâu mới hồi phục được! Nhưng ông Waldfogel vẫn không sờn lòng trước mối đe dọa cho nền kinh tế. Vì ông không tin rằng việc chi tiêu về quà tặng trong những ngày lễ này có đủ ích lợi đến mức bù lại được với những “mất mát kinh tế” vì chúng ta phí phạm khi mua quà tặng nhau hay không! Nói cách khác, nước Mỹ chi 65 tỷ vào việc mua quà, làm phí mất 130 tỷ vì những người nhận quà thấy nó không đáng giá đó. Con số bị mất mát về kinh tế là 130 tỷ, thì liệu việc tặng quà có tạo ra được 130 tỷ ích lợi thêm cho nền kinh tế hay không? Ông Waldfogel cho là không chắc!

Ông trình bày lý luận của ông như vầy: Một người bỏ ra đồng mua một món hàng nếu thấy giá trị của nó “ít nhất” cũng bằng 50 đồng, nếu cảm thấy giá trị nó cao hơn thì người mua được hưởng một thứ giá trị “thặng dư.” Ông cho một thí dụ: Con trẻ đang khóc vì tai bị nhiễm trùng, bạn lo sợ cho con, mua thuốc về trị bệnh, mất mấy đồng bạc. Cháu khỏi bệnh, không khóc nữa mà cười tươi như hoa, trong lòng bạn thấy liều thuốc đó đáng giá hàng trăm hay hàng ngàn đồng. Giá trị thặng dư trong trường hợp này rất lớn!

Khi tặng quà thì khác. Bạn có thể bỏ ra 500 đồng mua một bức tranh làm quà, nhưng người nhận được món quà đó không treo nó vào đâu cho hợp với cách trang trí trong nhà người ta, cuối cùng thấy nó chỉ đáng treo trong ga ra để xe thôi. Một bức tranh treo ở ga ra thì người ta thường trả 50 đồng là cùng. Như vậy là bạn đã “hủy diệt” mất 450 đồng, 90% số tiền đã trả rồi! Ðây là một thí dụ “quá khích” cho dễ hiểu. Nhưng khi bạn mua chiếc áo hay món nữ trang tặng người khác mà không biết sở thích hay nhu cầu người nhận quà thì bạn cũng có thể “hủy hoại” một tỷ lệ 20% số tiền đã bỏ ra mua!

Nhưng còn “giá trị tinh thần” của món quà tặng nhau thì sao? Giáo Sư Waldfogel cho biết ông có tính toán rồi. Ông cho một thí dụ: Bà cô Sally mua cái áo mất 50 đô la để tặng tôi (Waldfogel), nhưng tôi không thích kiểu áo, mầu áo cho nên nếu tự mình bỏ tiền ra mua tôi thấy chỉ trả tối đa 10 đô la. Cái áo trị giá 10 đô la đối với tôi. Giả thiết rằng khi cô Sally tặng quà cho cháu, lòng cô vui sướng, niềm vui đó trị giá 20 đô la; và khi thấy tình yêu của cô đối với mình, tôi cũng vui sướng trong lòng, tính thêm 20 đô la cho niềm vui đó. Cộng lại, trị giá món quà tặng là đủ 50 đô la, mua mất 50 đô la thì coi như “huề vốn!”

Nhưng nếu bà cô cho cháu 50 đô la để tự mua lấy một món vừa ý, trị giá của món quà có thể lên tới 55 đô la, thặng dư 5 đô la ngay! Sau đó, nếu cộng thêm 20 đô la là niềm vui của bà cô, và 50 đô la nữa là niềm vui của ông cháu, tổng cộng giá trị của món quà đã lên tới 95 đô la! Giá trị thặng dư có thể đạt được là 45 đô la, cao hơn số tiền thực sự bỏ ra để mua quà! Cho nên, tặng quà mà không biết đúng sở thích và nhu cầu người nhận quà vẫn làm cho kinh tế “kém hiệu quả!”

Cuối cùng thì chúng ta không nên tặng quà cho nhau một cách miễn cưỡng, tặng cho đúng phép. Chỉ nên tặng quà cho những người mà mình biết chắc nhu cầu, sở thích. Còn đối với những người khác thì gửi lời chúc nhau trong dịp lễ, Tết cũng tốt rồi. Trừ khi quý vị muốn tham dự vào một cuộc chơi thử đoán xem ai là người hiểu mình, biết mình và quan tâm, chú ý đến mình. Cứ coi cách người đó tặng cho mình món quà thế nào. Nếu món quà đúng là thứ mình đang cần, đem sử dụng thấy hoàn toàn hợp với ý thích của mình, thì đó là một người “tri kỷ, tri âm.” Ngược lại, thì bạn biết ngay rằng người tặng quà không thèm chú ý đến mình, không quan tâm tìm hiểu nhu cầu và sở thích của bạn, chỉ tặng quà bạn vì áp lực xã hội mà thôi! Cả xã hội vẫn tham dự vào trò chơi này mà không biết đấy thôi!

Cho nên những lời khuyên của ông Waldfogel rất đáng suy ngẫm trong dịp lễ Giáng Sinh cũng như trong dịp Tết sắp tới. Ðừng lo kinh tế nước Mỹ sẽ suy thoái nặng nề hơn nếu quý vị không mua quà tặng cho ông “boss” hoặc bà cô họ xa. Hãy lo lắng rằng nếu mình tặng một món quà để rồi những người đó lại phải tìm cách “tống nó đi” bằng cách đem tặng người khác ngay lập tức, thì không những người đó biết người tặng quà là kẻ rất “vô tình” mà còn mắc tội “Phá hủy giá trị kinh tế” của hàng hóa nữa! Trừ khi có người đi mua quà tặng cả họ hàng, vì thấy cần phải giúp cho nền kinh tế Trung Quốc sớm hồi phục! Vì hầu hết những món người ta mua tặng nhau ở các cửa hàng năm nay đều có viết “Made in China!”

Một tháng trước ngày Lễ Giáng Sinh ông Waldfogel mới xuất hiện trên báo chí lần nữa để quảng cáo cho cuốn sách của ông: “Scroogenomics: Why You Should not Buy Presents for the Holidays,” tức là “Kinh tế học của Scrooge: Tại sao quý vị không nên mua quà tặng trong những ngày lễ hội.” Scrooge là tên một nhân vật trong truyện Christmas Carol của Charles Dickens, nhân vật này nổi tiếng về tánh rất hà tiện.

Các cửa hàng bán lẻ không bầy bán cuốn sách này, điều đó có thể hiểu được! Ðiều đáng ngạc nhiên là bao lâu nay chưa thấy chủ nhân các cửa hàng bán quà tặng tổ chức biểu tình trước cửa Ðại Học Wharton để tố cáo ông một tội nặng nào đó. Chẳng hạn, họ có thể ghép ông vào tội khủng bố, tội đồng tính ái, hoặc là tội thân Cộng, rồi yêu cầu nhà trường phải sa thải ông, nếu không sẽ biểu tình vĩnh viễn không nghỉ!
Nhưng cho tới nay Giáo Sư Waldfogel vẫn bình an nghiên cứu và dậy học! Thế mới biết dân Mỹ họ tôn trọng quyền tự do phát biểu của mọi người. Ở một quốc gia tự do, ai cũng có thể trở thành giáo sư kinh tế học!



No comments: