Friday, December 11, 2009

20 NĂM NHÌN LẠI GIẤC MƠ của NƯỚC NGA

20 năm nhìn lại giấc mơ của nước Nga
04/12/2009 09:17:42
http://bee.net.vn/channel/1984/200912/20-nam-nhin-lai-giac-mo-cua-nuoc-Nga-1731470/
- Năm 1989 tại Đông Âu là năm được đánh dấu bằng một bước ngoặt chính trị, với việc chấm dứt sự tồn tại của Liên Xô. Hai mươi năm qua và Nhà nước Liên Xô đã mãi mãi đi vào dĩ vãng, còn linh hồn của nước Nga đã thực sự trở lại dưới thời nắm quyền của Putin.
Tuy nhiên, nước Nga thời kỳ hậu Xô Viết lựa chọn con đường nào, con đường từ Liên Xô đến nước Nga, đó là sự tiến bộ hay bước đi giật lùi, là sự thoát khỏi thời kỳ đen tối tiến tới tương lại tươi sáng hay là sự trở lại thời kỳ sơ khai? Đây vẫn luôn là vấn đề nhiều người quan tâm, ngay cả tại thời điểm này, 20 năm sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Nước Nga đang đề cao hình tượng Stalin
Nhìn lại lịch sử, ngay sau khi Gorbachov lên nắm quyền, những cái tên như Trotsky, Kirov, Bukharin và nhiều người khác bị quy kết là “kẻ thù của nhân dân” dưới thời Brezhnev, và cả những “lão thành cách mạng” bị trừ khử dưới thời Stalin, đã được minh oan.
Người dân Nga đã bắt đầu nhìn lại quá khứ và hướng về tương lai, khi tỏ ý hoài nghi về ý nghĩa của Cách mạng tháng Mười Nga và đặt ra câu hỏi: Nước Nga đã nhận được gì sau 70 năm cách mạng.
Mới đây, Tờ tạp chí bằng tiếng Anh của Nga History Today đã đăng tải bài báo viết riêng về vấn đề này. Tác giả bài báo là Catherine Merridale đã từng học ở Moscow năm 1986 và có thể quan sát tận mắt những biến đổi về tâm trạng trong xã hội Nga vào thời gian Liên Xô sụp đổ.
Thời điểm đó, nữ nhà văn này đã hoàn toàn tin rằng, Liên Xô sau khi sụp đổ sẽ đi theo con đường phát huy nền dân chủ nghị viện như ở phương Tây.

Sau 20 năm, Merridale, bây giờ đã là một phụ nữ trung niên, quyết định trở lại nước Nga. Đất nước mà bà đang chứng kiến đã trở thành một nước Nga có quyền lực hùng mạnh dưới sự lãnh đạo của Putin. bà đã viết lên cảm xúc của mình như sau:
"Hai mươi năm trôi qua, những thay đổi diễn ra ở nước Nga là rất lớn, không những về chính trị mà còn cả về đời sống vật chất. Những thành phố của nước Nga đang được xây dựng lại theo phong cách mới, trở nên hiện đại hơn.
Chủ nghĩa tư bản đã làm thay đổi bộ mặt nước Nga: Khắp nơi các cửa hàng mở cửa trở lại với đầy ắp người ra vào và mua toàn đồng hồ Thụy Sĩ, trang sức kim cương và quần áo thời trang mang nhãn hiệu châu Âu. Còn tầng lớp trung lưu Moscow thì đi đâu? Đơn giản là họ cũng hòa vào xu thế đó.
Hai mươi năm trước, giới trí thức Nga từng mơ về một điều hoàn toàn khác, đó là tìm ra sự thực trong lịch sử nước nhà, hiểu sâu hơn về quá khứ và tiến hành xây dựng lại hệ thống xã hội và kiến thức nhân văn, nhưng giờ đây tất cả những điều đó đã không còn nữa. Những chương trình phổ biến nhất trong các trường đại học là công tác hành chính, nền kinh tế và hoạt động marketing.
Các khoa sử và khoa văn trong các trường đại học thì hoạt động sa sút, không còn ai quan tâm nhiều đến việc nghiên cứu chi tiết những sự kiện vừa mới xảy ra. Giới quan chức Nga vẫn giữ toàn bộ những công trình nghiên cứu về lịch sử mới nhất dưới sự kiểm soát chặt chẽ.
Bằng mọi cách họ chỉ nhấn mạnh và tôn lên những trang sử hào hùng và vẻ vang nhất của nước nhà, bởi lẽ có như thế thì mới giáo dục được thế hệ sau tự hào về đất nước mình. Sự tuyên truyền như vậy đã tỏ ra có hiệu quả, và người Nga đã bắt đầu gợi nhớ về “thời kỳ sung túc” dưới thời Stalin.
Nước Nga thời Putin đã chuyển trọng tâm vấn đề dưới thời Stalin sang việc tôn vinh những chiến công trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, và Stalin lại được tôn lên thành “anh hùng dân tộc”
Những cuộc đại “thanh lọc” và nạn đói trong những năm 1930 được giấu đi, và việc xây dựng lại hình tượng Stalin được nhân cách hóa bằng mức độ chọn lọc cao từ các tư liệu lịch sử.
Mục đích chính cần được khám phá là sử dụng di sản của quá khứ vì lợi ích hiện tại. Cơ sở trong chiến lược của Putin về việc thiết lập quyền uy của mình là dựa trên việc xem xét lại hoàn toàn về vai trò lịch sử của Stalin.

Họ đã để vuột mất cơ hội tìm thấy sự thật
Merridale gọi thời gian nắm quyền của Gorbachov và Eltsin là “kỷ nguyên suy nghĩ lại”. Quốc hội các nước SNG mới thành lập đã thông qua luật lưu trữ cho phép những nhà nghiên cứu trẻ từ nay trở về sau được tiếp cận những tài liệu mật dưới thời Stalin và tìm kiếm bằng chứng xác minh những sự kiện đã xảy ra trong lịch sử thời Liên Xô một cách xác thực.
Những người may mắn trải qua và sống sót trong một thời gian ngắn đã kịp để lại những câu chuyện truyền miệng có giá trị nhất, còn những đền thờ chính thống giáo trên khắp cả nước đã trở thành địa điểm, để những người bị điều tra và còn sống sót dưới thời Stalin có thể tưởng niệm những người đã hy sinh vì tư tưởng và nhận được sự minh oan về tinh thần.
Merridale cho rằng: "Mặc dù Eltsin trong sự nghiệp chính trị của mình đã phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong 70 năm, nhưng ông không thể giải quyết một cách thích đáng được vấn đề đó và cũng không truy cứu trách nhiệm với những người kế tục Stalin.
Người Nga đã không dám nhìn thẳng vào mặt trái của mình. Tại Nga, gần như mỗi gia đình đều có những câu chuyện về quá khứ, mà họ không muốn kể ra...
Khi những người da đen ở Nam Phi giành được tự do và Nelson Mandela đặt dấu chấm hết cho sự trị vì của tộc người da trắng tại đất nước mình, thì một “Ủy ban khôi phục sự thật và hòa giải” đã được lập nên nhằm cho phép làm sáng tỏ và công bố toàn bộ những tội ác của chính sách phân biệt chủng tộc.
Trong những năm 1992 và 1993, Eltsin đã có thể tìm ra những người phản bác sự thật, tuy nhiên giới lãnh đạo Nga và người dân đã để tuột mất khả năng này. Ngày nay linh hồn Stalin đang được hồi sinh, và điều này là hoàn toàn không ngẫu nhiên".
Một nhà nghiên cứu người Anh đã lý giải, hai mươi năm trước,những người theo đường lối Xã hội Chủ nghĩa tại Nga đã phải chứng kiến sự sụp đổ của Nhà nước Liên Xô, và nhiều người còn lo sợ rằng, ngày cùng tháng kiệt của nước Nga cũng đã đến. Tuy nhiên, đến nay thì những nỗi lo sợ này là không cần thiết.
Bởi nước Nga ngày nay có lịch sử đế chế của mình rất hùng mạnh và dòng máu dưới thời Stalin có ý nghĩa rất lớn. Nước Nga đang hồi sinh và vấn đề dân chủ sẽ không buộc nước Nga phải đi theo các giá trị phương Tây một cách mù quáng. Liên Xô đã sụp đổ, nhưng nước Nga vẫn vững tin tiến lên phía trước.

Q.Khánh (Theo báo Nanfeng Chuang, Trung Quốc)


No comments: