Tuesday, September 1, 2009
DỊCH CÚM A-H1N1 ĐÃ XUẤT HIỆN VÀO MÙA THU
ĐẠI DỊCH CÚM HEO H1N1 ĐÃ XUẤT HIỆN VÀO MÙA THU
BS Vũ văn Dzi
Aug 30th, 2009
http://nguoivietboston.com/?p=14299
Đúng như lời tiên tri của các nhà dịch tễ học là cơn đại dịch cúm heo, swine flu H1N1 sẽ trở lại vào mùa Thu năm nay thì tại các thành phố lớn đã có nhiều trường hợp cúm heo xảy ra. Các báo cáo về tình hình cúm heo trên cả nước đã xác nhận là tại các trường Trung, Đại Học ở New York, Chicago đã xuất hiện nhiều trường hợp cúm heo tuy rằng chưa có ai chết.
Ngay cả tại trường Võ Bị Không Quân tại Colorado Springs cũng có hàng trăm khóa sinh bị lây bệnh làm cản trở việc đào tạo các phi công cho quân đội Mỹ.
Nguyên do là sau khi xuất phát từ một ngôi làng tại Mexico trong tháng 4/2009 thì siêu vi cúm heo H1N1 đã lan sang Mỹ rồi từ đó bay đi khắp thế giới nhưng chỉ làm chết một số ít bệnh nhân tuy rằng mức độ lan tràn rất mau lẹ khiến cơ quan WHO phải công nhận đây là một cơn đại dịch, pandemic..
Nhưng vì dịch cúm heo nổ ra vào mùa Xuân nên đã lắng dịu trong mùa Hè vì siêu vi cúm H1N1 không có cơ hội lây lan khi nhiệt độ lên cao và mọi người không tụ họp đông đảo như vào mùa Đông hàng năm.
Sau khi xuất hiện trên khắp thế giới thì siêu vi bắt đầu tràn xuống các nước Nam Bán Cầu như Úc, Tân Tây Lan, Nam Mỹ, Nam Phi đang ở vào mùa Thu và Đông. Quả nhiên các nước này bị một dịch cúm heo rất lớn hoành hành khiến các chuyên viên Y tế công cộng lo ngại rằng khi các nước tại Bắc Bán cầu đi vào mùa Thu và Đông thì khi đó sẽ gây tai họa cho tất cả. Vì thế chính phủ Mỹ và các nước Âu châu gấp rút đặt mua hàng triệu liều thuốc chủng để chuẩn bị chủng ngừa cho cả nước phòng cơn đại dịch sắp đến.
Điều đáng lo ngại nhất là siêu vi H1N1 chỉ gây tử vong cho những phụ nữ mang thai, trẻ em và thanh niên khoẻ mạnh ví dụ như tại Chicago trẻ em dễ bị lây bệnh gấp 14 lần những người cao niên. Nguyên do là hệ thống miễn dịch của người cao niên trước đây đã từng tiếp xúc với những siêu vi H1N1 nên vẫn còn một ít kháng thể ( antibody ) còn giới trẻ thì hoàn toàn không có kháng thể chống lại siêu vi H1N1. Phụ nữ đang mang thai thì hệ thống miễn dịch bị suy yếu nên cũng dễ bị lây bệnh. Ngoài ra các sắc dân da đen, Mễ, Á châu cũng dễ lây hơn là khối đa số, nguyên nhân chưa rõ.
Chiến lược chống lại siêu vi H1N1 hiện nay của BỘ Y tế là tập trung vào trẻ em và phụ nữ mang thai sẽ được ưu tiên chủng ngừa sớm nhất khi thuốc chủng bắt đầu được tung ra trên thị trường vào đầu tháng 10 và trong khi chờ đợi thì tất cả phải áp dụng những biện pháp phòng ngừa thông thường như rửa tay sạch, tránh tiếp xúc với người bệnh, tránh bắt tay, ôm ấp với người bệnh, giảm thiểu các hoạt động ngoài công cộng tuy rằng các trường học chưa có lệnh phải đóng cửa. Các chính khách cũng được khuyến cáo không nên ôm hôn nhau theo kiểu “ xã hội chủ nghĩa “ ví dụ như Tổng Thống nước Costa Rica đã bị lây bệnh cúm heo sau khi tiếp đón khách tại phi trường..
Bộ Y tế cũng trấn an rằng tuy WHO xác nhận đây là một cơn đại dịch, pandemic, nhưng siêu vi H1N1 không có ác tính như loại siêu vi cúm gà H5N1 và ít khi làm chết người.
Đại dịch là gì ?
Định nghĩa của một cơn đại dịch pandemic là có sức lây lan rất mau và rất mạnh trên khắp thế giới nhưng không nhất thiết có ác tính ( malignancy ) nghĩa là nguy hiểm làm chết nhiều người. Ngoài ra khi đã là một cơn đại dịch thì không thể nào ngăn cản bằng những biện pháp cách ly, đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại vì siêu vi đã có mặt tại khắp nơi, mọi biện pháp ngăn ngừa giữa các nước đều vô ích.
Những dịch cúm thường niên trước đây, seasonal flu, cũng là những cơn đại dịch không phân biệt biên giới. Riêng dịch cúm H1N1 năm nay có một sức lây lan rất mau vì hoàn toàn mới xuất hiện trong những năm gần đây nên các giới trẻ mới dễ bị lây vì không có đủ kháng thể chống lại. BS Pascal Imperato thuộc Đại Học New York xác nhận là những người cao niên trước đây thường đã bị nhiễm phải những giống cúm heo H1N1 tương tự nên tương đối được bảo vệ một phần nào và tỷ lệ tử vong rất ít. Chính phủ Mỹ tiên đoán khoảng 90 triệu dân chúng Mỹ sẽ bị lây phải siêu vi H1N1 tuy rằng tỷ lệ tử vong rất ít, phần lớn mọi người chỉ bị cảm xoàng, hắt hơi, xổ mũi, nóng sốt nhẹ, ho khan nhưng không nặng như các trường hợp cúm thường niên mỗi năm làm cho khoảng 36000 người bị chết vì các biến chứng, nhất là những người cao niên có bệnh mãn tính trong người như tiểu đường, tim mạch, suy thận. Khoảng 50 % những người bị lây cúm heo có lẽ sẽ không có triệu chứng, sinh hoạt bình thường ( asymptomatic ) nhưng vẫn có thể truyền bệnh cho người thân.
Cơ quan CDC cho biết là dựa trên các khảo sát tại Chicago, New York thì những thành phần bị đe dọa nặng nhất là những trẻ em từ 1 đến 4 tuổi sau đó là những trẻ từ 5 đến 14 tuổi và sau đó là những thành phần sắc tộc da đen, da đỏ và Á châu.
Hiện nay các công ty chế tạo thuốc chủng ngừa như Novartis, Glaxo đang gấp rút sản xuất ra hàng triệu liều thuốc chủng ngừa H1N1 và các thí nghiệm sơ khởi cho biết là kết quả rất tốt nhưng mỗi người phải được chủng hai liều thuốc, cách nhau 2 tuần lễ. Trung Quốc cho biết là đã chế tạo thành công một loại thuốc chủng H1N1 chỉ cần có một liều cũng đủ tạo nên một số lượng kháng thể đủ sức bảo vệ cho khỏi bị lây bệnh.
Nhưng vì một trở ngại kỹ thuật tại công ty Novartis khiến siêu vi được cấy trong phòng thí nghiệm đã tăng trưởng chậm hơn bình thường nên phải đợi đến đầu tháng 10 thuốc chủng mới được bán ra ngoài thị trường mặc dù chính phủ đã phải gấp rút bãi bỏ những biện pháp kiểm tra sự an toàn của thuốc chủng.
Trước đây trong thập niên 70 đã có một dịch cúm heo swine flu nổ ra tại New Jersey và khi thuốc chủng được đem ra dùng thì đã làm cho một số người đưoơc chủng đã bị mắc phải hội chứng Guillain Barré syndrome ( GBS) làm cho bị tê bại khá nguy hiểm, khoảng 700 người.
Chính phủ trấn an rằng lần này thì việc chế tạo thuốc chủng H1N1 được kiểm tra rất kỹ và rất tinh khiết nên sẽ tránh được hội chứng này do việc chê tạo trước đây bị ô nhiễm bởi một loại hóa chất dùng để giữ cho thuốc chủng không bị hư hỏng..
Nhưng có lẽ phải chờ đợi một thời gian sau này mới biết rõ được mức độ an toàn của thuốc chủng và chứng GBS có xảy ra hay không nhưng dù sao thì nguy cơ bị đau nặng vì cúm heo vẫn quan trọng hơn.
Vì thể một cuộc thăm dò dư luận quần chúng cho biết thì có lẽ khoảng 40 % dân chúng Mỹ sẽ không chịu chủng ngừa chống lại dịch cúm heo vì họ lo ngại chứng GBS hơn là bị mắc phải bệnh cúm.
Bên cạnh dịch cúm heo thì Bộ Y tế khuyến cáo tất cả mọi người nên được chủng ngừa bệnh cúm thường niên như mọi năm vào cuối tháng 9 khiến năm nay mỗi người cần phải được chủng ngừa 3 mũi thì mới có thể tránh được các bệnh cúm. Hiện nay thuốc chủng cúm thường niên đã có đày đủ cho tất cả như mọi năm và sẽ được bán ra vào cuối tháng 9 hay đầu tháng 10.
Khi nào cúm heo gặp cúm gà ?
Nói chung là cơn đại dịch sắp tới sẽ bùng nổ vào tháng 10 năm nay, tuy rằng không làm chết nhiều người nhưng con số 90 triệu người sẽ bị lây và khoảng 90000 người bị chết vì cúm heo cũng rất đáng lo ngại.
Ngoài ra còn phải kể đến 36000 người chết vì cúm thường niên như mọi năm. Vì thế cơn đại dịch sắp tới sẽ gây ra nhiều xáo trộn trong đời sống người dân, các trường học, các công tư sở và đời sống xã hội, kinh tế. Các bệnh viện sẽ bị tràn ngập bởi con số khoảng gần 2 triệu người sẽ phải nằm bệnh viện vì các biến chứng như viêm phổi, viêm họng. Ảnh hưởng lên nền kinh tế vẫn còn đang ọp ẹp, có thể sẽ rất tai hại và có thể làm cho thị trường Wall Street bị lao đao và chưa chắc đã có sự hồi sinh kinh tế vào mùa Giáng Sinh năm nay.
Một điều mà các nhà dịch tễ học lo ngại nhất là hai giống siêu vi cúm heo H1N1 tuy dễ lây nhưng không có ác tính sẽ tiếp nối với giống cúm gà H5N1 có rất nhiều ác tính tuy rằng không lây. Nếu hai giống siêu vi này có cơ hội pha trộn trao đổi genes với nhau thì sẽ tạo nên một giống siêu vi lai ( hybrid ) vừa có ác tính của cúm gà và mức lây lan của cúm heo thì khi đó cả thế giới sẽ phải đối diện với một cơn đại dịch to lớn như vào năm 1918 gọi là Spanish flu làm chết hàng trăm triệu người trên khắp thế giới.
Các chuyên viên dịch tễ tiên đoán là nếu giống siêu vi lai gà/heo thành hình thì sẽ xuất phát từ những nơi mà người nông dân sống lẫn lộn với gia súc, gia cầm như tại Nam Dương, Việt Nam, Trung Quốc, Phi luật Tân.. nên các chuyên viên của WHO đang theo rõi rất kỹ tình hình cúm heo tại những quốc gia này. Tin mới nhất cho biết là đã có một vài trường hợp cúm heo tại một trại nuôi gà tây tại Chile và tại một vài nơi đã có một vài trường hợp cúm heo rất nặng làm cho người bệnh phải được điều trị tại khu săn sóc đặc biệt, ICU, hết sức tốn kém..nên chưa có thể tiên đoán được tình hình sẽ diễn biến ra sao trong những ngày tháng tới..
BS Vũ văn Dzi,MD.
DungLac.org
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment