Sunday, September 27, 2009

TRUNG QUỐC TRONG LÒNG NƯỚC LÀO


Trung Quốc trong lòng nước Lào: Cái giá của sự phát triển
Daniel Allen, Asia Times ngày 19/09/2009
00:07 ngày Thứ Bảy, 26/09/2009
http://bauxitevietnam.info/c/10942.html
Tin từ Bắc Kinh – Trên bến xe buýt đường dài tại Côn Minh, một chiếc có trang bị giường nghỉ, nêm đầy nhân công Trung Quốc, chuyển mình hướng ra cổng xuất hành, lên đường đi thủ đô Vientiane nước Lào. Dù phải trải qua cuộc hành trình 40 giờ mệt mỏi ở phía trước, toán người cường tráng, phì phèo thuốc lá này tỏ vẻ phấn khích vì họ kỳ vọng sẽ nhận được mức lương hợp lý và có cơ hội đưa điều thần kỳ kinh tế Trung Quốc xuống phía Nam. “Lào nghèo và dơ,” một người nói. “Nhưng chúng tôi có nhiều bạn bè đã ở đó rồi. Chúng tôi có thể kiếm tiền, đồng thời còn làm cho Lào giống với Trung Quốc hơn.”
Khu vực phong phú tài nguyên Tam giác Vàng thuộc Bắc Lào, Thái Lan và Miến Điện chẳng lạ lẫm gì với ảnh hưởng Trung Quốc. Giống như những người Chin Haw – gồm người Hán và người Hồi từ tỉnh Vân Nam – đầu tiên đặt chân đến Lào hồi thế kỷ thứ 19 để tìm miền đất màu mỡ, làn sóng di dân mới từ Vân Nam và xa hơn nữa giờ đây đang thẳng tiến về vùng này để tận dụng những cơ hội mới nhờ cánh tay kinh tế hùng mạnh và nối dài của Trung Quốc hiện đại.
Vai trò Trung Quốc trong phát triển Bắc Lào trở nên ngày càng rõ rệt vào những năm gần đây. Thỏa thuận hợp tác ký năm 1997 đã đánh dấu thời kỳ hủy bỏ thái độ thù địch từ những năm 1980, khi đó Lào đứng về phe Việt Nam chống lại Trung Quốc. Đến năm 2007, Trung Quốc đã chiếm gần 40% tổng dự án đầu tư ở Lào, và theo Chính phủ Lào, tổng đầu tư trực tiếp Trung Quốc đã lên đến 1,1 tỉ USD tính đến cuối tháng Tám năm đó.
Thật vậy, bằng đường hỗ trợ chính thức, đầu tư nhà nước và đầu tư mạo hiểm tư nhân ngày càng tăng, Trung Quốc giờ đây đang chi phối phần lớn nền kinh tế Lào. Từ khai khoáng, thủy điện cho đến cao su, bán lẻ và dịch vụ khách hàng. Nói chung, người Trung Quốc có cổ phần trong hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế. Thương mại giữa Lào và Trung Quốc đạt giá trị khoảng 250 triệu USD vào năm 2007, và kỳ vọng sẽ chạm mức 1 tỉ USD trong vài năm tới.
Năm ngoái, chính quyền Vân Nam đã hoàn thành kế hoạch chi tiết – thường gọi là “Kế hoạch Phương Bắc” – nhằm phát triển các ngành công nghiệp Bắc Lào từ nay đến năm 2020. Kế hoạch đã được chuyển giao cho Chính phủ Lào từ hồi tháng Giêng và hy vọng sẽ được thông qua trong Đại hội Đảng lần thứ 9 của Lào vào năm 2010. Đặt mục tiêu cụ thể cho “các ngành công nghiệp xương sống” về năng lượng, nông lâm, du lịch và khai khoáng, Kế hoạch Phương Bắc “dự kiến phát triển một lộ trình tập trung cao độ và khả thi cho công cuộc công nghiệp hóa.”
Trong khi ảnh hưởng Trung Quốc ngày càng tăng đã đem lại lợi ích tất yếu cho một số người, bằng chứng là dòng ô tô SUV sang trọng nối đuôi nhau ở biên giới Trung – Lào, thì nhiều người Lào trong nước, Lào kiều cũng như quan sát quốc tế vô cùng lo ngại về tác động xã hội và môi trường từ ảnh hưởng Trung Quốc. Nhiều lo ngại tập trung vào Đường cao tốc Số 3 Côn Minh – Bangkok vừa mới hoàn thành, xa lộ này có một phần chạy xuyên qua Bắc Lào (xây dựng bằng tiền của Trung Quốc và Thái Lan), nhiều đô thị, khu định cư, và đầu tư kinh doanh trên xa lộ này hiện nay mọc lên như nấm.
Nằm ngay biên giới Trung Quốc và bên cạnh Đường Số 3, đô thị Boten được xác định là đặc khu kinh tế của Lào hồi năm 2002. Sau khi đổi tên là “Thành phố Vàng Boten”, hiện nay đô thị rộng 20 cây số vuông này thuộc về Trung Quốc phần lớn, do một công ty Trung Quốc thuê lại trong vòng 30 năm, và có thể mở rộng thời gian thuê thêm 60 năm nữa. Được ca tụng là “thành phố quốc tế hiện đại nhất Lào”, Boten có kế hoạch xây dựng sân gôn, trung tâm hội nghị, chung cư, thậm chí có cả sân bay quốc tế.
Nổi bật trên nền Boten là tổ hợp khách sạn – sòng bài Hoàng gia Jinlun với 271 phòng, trông phi lý và khó coi. Tổ hợp này nhô cao trên một trung tâm mua sắm với lổn nhổn những nhà hàng Trung Quốc, đại lý điện thoại di động, cửa hàng miễn thuế và quầy bán hàng hóa Trung Quốc giá rẻ. Sòng bài có nhiều nhân viên thuê phòng sống đằng sau khách sạn, chuyên phục vụ du khách quốc tế ngày càng đông – người Lào không được phép đánh bạc, song người Trung Quốc có thể đi bộ qua biên giới mà không cần thị thực.
Tuy Boten tạo ra một số việc làm cho dân địa phương, những việc làm này chủ yếu có tính chất hầu hạ. Thị trấn này làm việc theo giờ Bắc Kinh, chỉ nhận tiền Trung Quốc và chỉ nói tiếng quan thoại. Điện và điện thoại thì kéo từ Trung Quốc, ổ cắm điện cũng theo chuẩn Trung Quốc. Lượng gái mại dâm qua lại ngày càng nhiều trên phố đều là người Trung Quốc, bia và thuốc lá cũng thế.
Ngoài dáng vẻ chẳng đáng ao ước của Thành phố Vàng Boten – hầu hết khách nước ngoài du lịch đến Lào từ Trung Quốc đều mô tả đây là nơi chướng tai gai mắt (hoặc tệ hơn thế) – Boten còn nảy sinh rất nhiều bất bình từ dân địa phương. Để xây đường sá cho đặc khu kinh tế này, cư dân phố cổ Boten phải di dời cách xa đường lộ 20 cây số, ở đó dịch vụ thì thiếu thốn còn đất thì xấu hơn. Nhiều người phản đối hành vi tranh giành đất đai gần đường cao tốc của những thương gia có quan hệ rộng.
Tình hình nhượng địa gia tăng để Trung Quốc làm chủ tại Lào (một sòng bạc khác do Trung Quốc tài trợ sắp sửa xuất hiện ở Huay Xai), trào lưu di dân Trung Quốc ngày càng tăng, kết hợp việc phát triển mạng lưới giao thông trong vùng nhằm đẩy mạnh thương mại, đã khiến phần lớn hệ sinh thái đa dạng hiện nay ở Lào rơi vào vòng nguy hiểm.
Dọc đường Boten, nhiều khách du lịch có thể chứng kiến nhiều chiếc lồng trong đó nhồi nhét khỉ, gấu đen và nhiều loài động vật quý hiếm khác, được bày bán công khai và sẵn sàng đem qua bên kia biên giới để về Trung Quốc. Một khách du lịch Hoa Kỳ đã phải thốt lên: “Chắc chắn đây là hình ảnh đầu tiên mà Chính phủ Lào muốn người nước ngoài phải chứng kiến khi họ bước sang bên này biên giới.”
Với tình hình bùng nổ kinh tế, Trung Quốc giờ đây trở thành thị trường rộng lớn nhất và phát triển nhanh nhất về động vật hoang dã. Thu nhập gia tăng tại Trung Quốc đã kích thích nhu cầu về nhiều loài đa dạng ở Lào, vừa để tiêu thụ vừa dùng làm thuốc Bắc.
Hiện tượng này đã đẩy giá cả nhiều loài động vật lên đến mức trở nên “quá đắt đỏ để có thể mua về ăn” đối với dân làng địa phương; thay vào đó, động vật hoang dã cả còn sống lẫn đã chết đều bị săn bắt để rồi bán sang thị trường Trung Quốc. Ở đó, một con hổ quí hiếm ở Lào có thể bán được với giá 70.000 USD.
“Hành động leo thang trong kinh doanh động vật hoang dã phi pháp tại Đông Nam Á là do nhiều người ngày càng giàu lên, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc,” Tiến sĩ Richard Thomas thuộc mạng lưới kiểm soát hoạt động mua bán động vật hoang dã Traffic phát biểu. “Boten là điểm nóng đặc biệt về buôn lậu động vật hoang dã vì đây là đầu mối giao thương trọng yếu giữa Lào và Trung Quốc, nhiều loài quý hiếm thường xuyên được bày bán tại đây.”
Vượt khỏi phạm vi Boten, tình trạng phá huỷ khu hệ động vật ở Lào vô cùng nặng nề nếu đi dọc theo Đường Số 3, đường cao tốc mới xây dựng này đã thúc đẩy hành vi phá rừng và săn bắt trộm động vật hoang dã trên diện rộng. Nhiều khu vực rộng lớn dọc theo xa lộ đã bị đốn hạ để lấy gỗ, để rồi chuyển sang trồng gỗ tếch hoặc cao su, trong khi người ta đốt đất đồi để canh tác lúa nếp. Đa phần tiền dùng trong những hoạt động này đều từ mấy ông chủ doanh nghiệp Trung Quốc, họ không chỉ cấp tiền mà còn bán đủ loại bẫy lưới để bắt sống động vật hoang dã, đảm bảo có thị trường tiêu thụ cho dân săn bắn và buôn lậu địa phương.
Tuy những đồn điền cao su đầu tiên tại Bắc Lào được hình thành hồi năm 1994, đầu tư Trung Quốc vào khu vực này đã gia tăng khủng khiếp. Trung Quốc dự báo đến năm 2020, họ sẽ tiêu thụ 30% tổng sản lượng cao su trên toàn thế giới, và họ đang phải dựa vào các đồn điền ở ngoài biên giới để bù đắp cho thiếu hụt từ sản xuất nội địa, mặc dù sản xuất nội địa có thể trên 7 triệu tấn.

Tại Bắc Lào, công ty Trung Quốc thường hình thành những đồn điền với qui mô lớn thông qua các khoản đầu tư khổng lồ. Trước hết công ty ký hợp đồng với Chính phủ Lào, sau đó thu xếp việc giải phóng mặt bằng với dân địa phương, rồi thuê mướn họ với mức lương chỉ vừa đủ sống qua ngày.
Qui trình cấp đất trồng cao su vẫn còn kẽ hở cho hành vi lạm dụng nghiêm trọng. Các báo cáo từ một số nhân viên Chính phủ và dân làng cho thấy trên thực tế, công ty Trung Quốc có quyền tự cấp đất bằng thủ đoạn đưa nhiều quan chức Chính phủ vào hệ thống trả lương công ty. Chuyện lôi kéo, phóng đại quyền lợi và cưỡng bách dân làng bằng vũ lực phổ biến khắp nơi. Mặc dù Chính phủ Lào đã ngăn cấm việc cấp đất kể từ năm 2007, quyết định này nói chung là đã tỏ ra bất lực vì quan chức địa phương lờ đi hoặc né tránh do có quá nhiều kẽ hở.

Báo cáo gần đây trên tạp chí Science (Khoa học) đã khuyến cáo nguy cơ xảy ra “hiệu ứng tàn phá” nếu tiếp tục gia tăng xây dựng nhiều đồn điền cao su ở Lào và các quốc gia Đông Nam Á. Họ trích dẫn tình trạng suy giảm sinh khối carbon, cạn kiệt nguồn nước, rủi ro đất chuồi gia tăng, kèm theo hậu quả suy biến và đánh mất môi trường sống. Trong khi đó, Kế hoạch Phương Bắc của chính quyền Vân Nam thì lại kêu gọi gia tăng diện tích canh tác cao su của Lào lên đến 150.000 hec-ta vào năm 2020, đó là chưa kể đến trên 100.000 hec-ta cây trồng được dùng để lấy nhiên liệu sinh học, kết hợp việc đẩy mạnh nhiều dự án khai khoáng, đã khiến viễn cảnh đa dạng sinh thái khu vực đang bị thu hẹp nhanh chóng, trông thật thảm hại.
Thói tham ăn tục uống trên tài nguyên thiên nhiên Lào, kèm theo sự thừa mứa của hàng Trung Quốc giá rẻ, cộng với thái độ chìa tay hỗ trợ mà không đợi hỏi đến của Chính phủ Trung Quốc, cho thấy Trung Quốc tất yếu sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng tại Lào trong vài thập niên tới đây. Tình hình công ty Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, cùng với trào lưu di dân Trung Quốc xuống phía Nam gia tăng cho thấy tính vô cùng cấp bách của việc xây dựng một hệ thống điều lệ toàn diện và chặt chẽ.
Chính phủ Lào đã có một số động thái ngăn chặn không để người Lào bị bóc lột, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh thái. “Cấp cao nhất trong Chính phủ đang nghiêm túc xem xét hành vi kinh doanh động vật hoang dã phi pháp,” Bộ trưởng Nông Lâm Bouphanh Phanhthavong giải thích. “Chương trình xóa đói giảm nghèo quốc gia tuyên bố rõ ràng rằng bảo vệ môi trường là một trong ba trụ cột của chương trình xóa đói giảm nghèo. Hai trụ cột còn lại là tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa xã hội. Nếu tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt hay bị phá hủy, sinh kế của người dân địa phương sẽ bị thiệt hại và cuối cùng làm họ ngày càng nghèo hơn.”
Trong khi Chính phủ Lào thật sự mong muốn khuyến khích phát triển bền vững, một số công ty Trung Quốc và cá nhân còn đòi Bắc Kinh phải có biện pháp chỉ đạo mạnh mẽ.
Tài liệu “Hướng dẫn Thực thi Môi trường ở Nước ngoài” của Chính phủ Trung Quốc đang chờ được sớm ban hành từ Bộ Bảo vệ Môi trường, phối hợp cùng các cơ quan quản lý đầu tư, hỗ trợ và cho vay nước ngoài. Hướng dẫn này sẽ giúp cải thiện tác động môi trường từ các chính sách tài chính Trung Quốc, đồng thời chỉnh đốn hoạt động thực thi môi trường của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài.

Daniel Allen vừa là phóng viên vừa là nhà nhiếp ảnh tự do, hiện đang sống tại Bắc Kinh. Ông thường xuyên du lịch sang Lào và nhiều nước Đông Nam Á.


BVN dịch
Nguồn:
http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/KI19Ae01.html



No comments: