Thursday, September 24, 2009

PERESTROIKA KIỂU VIỆT NAM


Đổi Mới: Perestroika kiểu Việt Nam
Doris K. Gamino
Ngô Hải dịch

24/09/2009 1:15 sáng
http://www.talawas.org/?p=10481
Lời giới thiệu: Bài tiểu luận “Đổi mới: Perestroika kiểu Việt Nam” của Doris K. Gamino được đăng trên phụ san “Aus Politik und Zeitgeschichte” (Từ Chính trị và Lịch sử đương đại) số 27/2008 với chuyên đề về Việt Nam của tuần báo Das Parlament trực thuộc Trung tâm Liên bang về Giáo dục chính trị (bpb) của Đức. Là một cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ, bpb có nhiệm vụ giáo dục, thúc đẩy ý thức dân chủ và sự hiểu biết về những vấn đề liên quan tới chính trị cho người dân Đức.

---------------------------------------

Cùng một cảnh tượng cứ diễn ra bốn lần trong tuần: Một dòng người dài đứng xếp hàng vào buổi sáng sớm trên một đoạn đường được bố trí chi tiết cạnh Quảng trường Ba Đình, nơi vị Khai quốc và Lãnh tụ Cách mạng Hồ Chí Minh từng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc Việt Nam vào ngày 2/9/1945. Hàng trăm du khách từ khắp nơi trên thế giới kiên nhẫn chờ đợi cửa Lăng mở vào đúng 7 giờ 30 để có được một cơ hội ngắn chiêm ngưỡng xác ướp vị Lãnh tụ Cách mạng và Cha già Dân tộc Việt Nam. Dưới những ánh mắt cảnh giác của đội vệ binh danh dự xã hội chủ nghĩa, khách thăm Lăng được dẫn theo hàng đơn đi dọc Lăng bằng cẩm thạch được xây dựng theo phong cách kinh điển xã hội chủ nghĩa. Ai đi chệch khỏi hàng, dừng lại hoặc to tiếng, lập tức được một trong những người mặc quân phục nhắc nhở.

Điều hòa được bật thường xuyên nhưng vẫn có mùi ẩm thấp. Vừa tiến vào khu trung tâm lộ vẻ được dùng cho việc tế lễ, nơi đặt thi hài Hồ Chí Minh màu sáp ngà dưới những tia đèn trong một quan tài kính, ta đã cảm thấy một sự cắn rứt lương tâm kì lạ. Như thể ta muốn ngay lập tức xin lỗi Hồ Chí Minh cho hành động khiếm nhã không thể lượng thứ này, dù gì thì khi còn sống ông đã ngăn cấm dứt khoát việc phô trương thi hài ông và thay vào đó là nguyện vọng muốn được hỏa táng một cách giản dị. Nhưng tôn trọng ý nguyện của người đã khuất không có chỗ trong trường hợp mang tính gánh vác quốc gia này, bởi chưa bao giờ Đảng lại cần đến ông như trong thời buổi hiện nay.
Đối mặt với sự hiện diện ngày càng gia tăng của những cám dỗ kiểu Phương Tây và những khao khát dân chủ hóa “đồi trụy” trong nước, người ta hẳn phải cố bảo quản một cái xác để nhờ phép lạ mà bảo tồn và nhắc nhở dân chúng học tập những giá trị của một con người đã khắc họa cuộc đời mình bằng lao động nặng nhọc, lối sống giản dị và tinh thần phục vụ nhân dân, những giá trị có vẻ đã trở thành lỗi thời trước tình trạng tham nhũng gia tăng quá mức và trước sự phú quý ô trọc đã phần nào thành hình trong chính hàng ngũ của Đảng.

Trong bài diễn văn nhận giải Nobel Văn học năm 1999, Günter Grass phát biểu: “Chúng ta kinh hoàng nhận thấy rằng kể từ khi người anh em của nó là chủ nghĩa xã hội bị chính thức khai tử thì chủ nghĩa tư bản bị chứng vĩ cuồng thúc đẩy và bắt đầu hoành hành vô độ”. Liệu các quan chức đảng viên ở Việt Nam có biết tới bài diễn văn của Günter Grass? Dường như họ cũng chia sẻ những lo ngại của ông và cố bám víu ngày càng chặt vào chế độ và – theo phương châm “người chết bất tử hơn người sống” – vào “Bác Hồ”, như người Hà Nội gọi Hồ Chí Minh một cách trìu mến. Búa và liềm hiện lên huy hoàng trên lối vào Phủ Chủ tịch chỉ cách Lăng vài trăm mét. Nhưng vừa mới ngoảnh đầu, bỏ lại đằng sau Lăng và Phủ Chủ tịch, chỉ liếc nhìn qua ta có thể nhận thấy rõ rằng từ lâu những biểu tượng của chế độ xã hội chủ nghĩa đã được thay thế bởi những vật thờ khác. Những thánh tích mới của tầng lớp tân trung lưu có tên là Honda, Nike và Nokia. Cho những người mới phất thì có Cartier, Armani và Mercedes. Cửa hàng, quán xá và những sạp hàng san sát bên nhau tại khu buôn bán nội thành, ai cũng bày ra bán những thứ mình có. Lượng mặt hàng tràn ngập, cả thành phố sôi sục, hàng ngàn tiệm cây cảnh bonsai cùng phát đạt: những quán ăn vỉa hè, quán trà lưu động, cửa hàng may đo, chè xanh điếu cày, vải vóc quần áo, sửa chữa-đại tu ô tô-xe máy, những cửa hàng bán đồ phục vụ tế lễ, tuyên truyền, dụng cụ lao động, vôi ve và màu sắc chen vai thích cánh cùng những Internet-Café, cửa hàng lụa, đồ trang sức và những nhà hàng sang trọng với những Cocktailbar dành cho khẩu vị Phương Tây.

Những dòng du khách kéo nhau đi đông như những đội quân qua các ngõ ngách phố cổ. Mặc dù những toán lính Pháp cuối cùng rời khỏi đất nước này mới cách đây 40 năm và cuộc chiến chống Mỹ, ở những nơi khác còn được gọi là Chiến tranh Việt Nam, mới trôi qua chưa đầy 35 năm, người ta không cảm thấy chút gì của thái độ chống Mỹ cũng như mối hận thù chống lại những người chủ thuộc địa Pháp cũ. Người Hà Nội đặc biệt thân thiện và khoan dung. Và họ sống thực dụng. Việc mọi du khách đều được tiếp đãi ân cần như nhau có thể là do hơn ba phần năm người Việt sinh ra sau năm 1975. Thế hệ này chỉ biết “B 52″ là một loại Cocktail chứ không phải một loại máy bay ném bom rải thảm của Mỹ, một trong những phương tiện mà Mỹ đã sử dụng trong Cuộc chiến Việt Nam, giết hàng triệu người Việt và bắn phá tan tành xứ sở này.

Trong tổng số 3,5 triệu dân Hà Nội thì 90 ngàn người sống chen chúc trên vỏn vẹn 3 cây số vuông thuộc khu phố cổ nằm giữa Hồ Hoàn Kiếm, sông Hồng và khu phố Pháp trước kia ở phía Nam. Thực ra không ai biết chính xác có bao nhiêu người sống ở đây. Dường như cái mê cung tuyệt không lối thoát này với những con phố nhỏ, đường đi, ngách phố và ngõ hẻm cũng như những căn nhà với chiều ngang chỉ vừa một chiếc khăn tắm có thể hấp thu dễ dàng bất kì một lượng người nào. Khu phố cổ là một địa điểm kỳ diệu, ầm ĩ, bận rộn, huyên náo tới mức inh tai và không hề nghỉ. Một ngàn năm trước, khu vực này được xây dựng để trở thành trung tâm tiếp tế cho cung vua, được chia thành 36 khu phố nghề, tên phố (Hàng) đặt theo sản phẩm được buôn bán tại đây. Mỗi phường hội do một dòng họ cầm đầu và ngày nay ta còn thấy những sản phẩm tre nứa tại phố Hàng Tre, những cửa hàng kinh doanh lụa và hàng may mặc tại phố Hàng Bông, thậm chí việc kinh doanh tại một số khu phố vẫn được xúc tiến bởi những người cùng thuộc những dòng họ cũ. Nhưng dần dần các tiệm điện thoại di động, hàng điện tử và Internet-Café cũng đã len vào đây; tên phố nào dành cho loại hàng nào không còn bị chú ý nghiêm ngặt. Vào những buổi tối cuối tuần, hàng ngàn chiếc xe gắn máy, xe taxi, xe buýt và người đi lượn phố chen đầy những ngõ hẹp, len giữa là đội quân những chị em bán trái cây, nón đội trên đầu, gánh hàng nặng trĩu trên vai, kĩu kịt đong đưa qua đám đông người như những nghệ sĩ đu dây. Góc đường nào cũng thấy xào nấu. Mùi bia, dầu diesel, cá khô và hoa huệ bốc lên nức mũi. Khói nhiên liệu cướp đi không khí thở, tiếng bóp còi triền miên làm inh tai, váng óc. Trên đầu, những đoạn cáp điện thoại và dây điện to bằng bắp tay quấn chằng chịt như những chiếc vòi bạch tuộc đung đưa đầy đe dọa. Càng nhiều những tiếng vo vo, rì rì, rầm rầm, ầm ầm và những cuộn khói bốc lên thì dường như người Hà Nội càng hạnh phúc, vì đó chỉ có thể là những âm thanh và hương vị của sự phát triển.

Quá trình cải tổ với tên gọi “Đổi mới” được thúc đẩy bởi Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã thực hiện việc chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, hành chính-bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Quyết định cải tổ này được ĐCSVN thông qua vào năm 1986, và việc vô hiệu hóa Luật cấm tư hữu phương tiện sản xuất, một trong những rường cột chính của chủ nghĩa xã hội kinh điển, được nhìn nhận như sự loại bỏ chính sách hệ trọng nhất. Đổi mới bao gồm những cải cách sâu rộng trong nền kinh tế quốc dân và cả việc mở cửa nền kinh tế trong nước cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt những tổ chức kinh doanh gia đình và những doanh nghiệp công nghiệp nhỏ đã dần phát triển, trở thành những trụ cột chính của nền kinh tế. Kể từ khi các nghị quyết cải tổ khét tiếng của ĐCSVN được thông qua, hai thái cực thế giới quan đối lập một thời – chủ nghĩa tư bản đối lập với chủ nghĩa xã hội – được thi hành song song bằng cú “dạng chân giữa hai bờ ý thức hệ” ác liệt nhất của thời đại chúng ta.

Đầu năm 1972, khi Günter Grass đúc kết suy nghĩ của mình qua ẩn dụ “Tiến bộ là một con ốc sên”, thì Hồ Chí Minh mới qua đời được ba năm và Việt Nam khi đó, đặc biệt là Miền Bắc, là một đất nước bị tàn phá với 20 triệu hố bom và hàng triệu lít chất độc da cam chứa dioxin. Ngày nay, nếu nhà văn Grass tới Hà Nội, chắc ông phải cân nhắc lại lời nói xưa. Ngày nay, những nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới kéo đến xếp hàng dài trước cổng Hà Nội và Sài Gòn, thành phố chính thức được đổi tên thành Hồ Chí Minh-City (HCMC) kể từ năm 1975. Các nhà đầu tư quốc tế cạnh tranh bằng túi tiền đầy để có được những dự án. Ai cũng muốn lọt được một chân vào cửa cái đất nước lưỡng tính vừa xã hội chủ nghĩa vừa tư bản chủ nghĩa này. Đất nước nhỏ bé với những tiềm năng lớn được coi là “con hổ nhỏ đang trên đà nhảy” và hứa hẹn lợi nhuận lớn cho nhiều người. Đất nước ổn định, người dân trẻ trung với những động lực cao: Đó là giấc mơ của mỗi nhà đầu tư.

Ngày càng nhiều tập đoàn nước ngoài muốn phân phối và phát triển doanh nghiệp của mình tại Việt Nam, ví dụ, Intel hiện tại dự định thành lập hai cơ sở sản xuất tại đây, Siemens sẽ xây dựng một tuyến tàu điện ngầm ở Sài Gòn. Ngay từ bây giờ các doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyển hoạt động xuống Việt Nam, bởi lương nhân công ở đây thấp hơn 20% so với ở nước họ. Mùa Thu năm ngoái, tập đoàn Metro của Đức khánh thành một chi nhánh đại lý tại vùng ven đô thuộc Hà Nội; vừa mới mở cửa trong chốc lát, khách hàng đã phải mất hơn 30 phút xếp hàng tại hơn 15 quầy thanh toán tiền đông nghịt. Theo gót Metro, đầu năm nay chuỗi siêu thị chuyên kinh doanh hàng điện tử Media-Markt đã mở một đại lý ngay tại trung tâm Hà Nội. Sắp tới Porsche cũng sẽ mở một chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ngay tại thời điểm này, mật độ xe Mercedes đã ở mức đáng kể và sự sụp đổ của giao thông là đã được báo trước trong một đô thị mà đường sá thậm chí còn quá hẹp ngay cả cho xe cút kít. Khoảng 22 triệu xe gắn máy và 2 triệu xe hơi đang lưu thông tại Việt Nam, mỗi tháng có thêm khoảng 200 ngàn xe gắn máy và 15 ngàn xe hơi. Giao thông ở đây hết sức khủng khiếp, Việt Nam không có một cơ sở hạ tầng tương ứng cho một lượng xe lớn như vậy. Tình trạng đường sá thuộc vào dạng tồi tệ, hệ thống cứu trợ nạn nhân tai nạn giao thông yếu kém, đặc biệt ở những vùng nông thôn, nơi người bị nạn đôi khi vẫn phải đợi vài ngày mới có được bác sĩ chăm sóc. Tỷ lệ tử vong trong tai nạn giao thông nằm ở một mức rất cao nếu so sánh với tỷ lệ tại châu Âu. Việc thi hành nghiêm ngặt luật bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy được ban hành vào ngày 27/12/2007 là một bước đầu của Chính phủ nhằm giải quyết và đối phó với những hiện tượng giao thông mới phát sinh. Vào năm 1998 mới chỉ có khoảng 50 ô tô tư nhân trên đường phố Hà Nội, không đầy mười năm sau Chính phủ đã phải cố gắng kiềm chế sự hỗn loạn và hạn chế phần nào sự tràn ngập của xe cộ qua việc tăng mạnh thuế nhập khẩu những xe hơi sang trọng.

Nhưng người Hà Nội nói, rằng ở Sài Gòn – tên mà nhiều người vẫn thường gọi – mọi thứ còn tồi tệ hơn nhiều. Tình trạng thù địch giữa hai thái cực về mặt địa lý và tư tưởng của đất nước này, giữa Hà Nội cộng sản và Sài Gòn chống cộng cho tới năm 1975, còn dai dẳng hơn so với sự thù địch đối với Hoa Kỳ. Dân Miền Nam không bao giờ tha thứ cho chính quyền Hà Nội về cuộc chiếm đoạt và việc ĐCSVN cưỡng ép những quan chức thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa cũ vào trại cải tạo trong quá trình thống nhất đất nước. Dân Miền Nam nói về người Hà Nội bằng những khái niệm như “đầu óc bê-tông cộng sản”, “nhà quê tỉnh lẻ” hoặc “nông dân”. Ngược lại người Hà Nội chê người Sài Gòn về tính hời hợt và thói ăn chơi. Sài Gòn vẫn luôn xứng với danh hiệu “Hòn ngọc Viễn Đông”, ở đó ánh đèn dường như không bao giờ tắt, mọi thứ đều rực rỡ hơn, nhanh lẹ hơn, mới mẻ hơn và bảnh bao hơn. Phong cách hành động của Sài Gòn so với Hà Nội được so sánh như là phong cách cư xử của một cô con gái cứng đầu đương ở tuổi dậy thì đối với người cha ngoan cố và cổ lỗ sĩ vẫn đang cố gắng bằng mọi cách làm chủ tình hình. Thủ phủ của phương Nam giữ vai trò chỉ đạo cho những xu hướng mới của thời đại, là nơi đóng đô của giới ưu tú và của tiền bạc. Sài Gòn là chủ lực thúc đẩy cho tiến trình Đổi mới và những cải cách trong đó. Để ít nhất không bị mất mặt, ở Hà Nội, người ta cố gắng ban hành những điều luật và đưa ra những chính sách theo sau, nhằm đặc xá cho sự phát triển nhanh chóng này.

Thực ra Hà Nội không có dáng vẻ gì của một đô thị lớn; nó như là một cái làng to, bận rộn, đôi khi bình lặng như ở chốn nhà quê, đôi khi lịch lãm và hiện đại, nhưng chính vì thế mà nó phần nào mang dáng vẻ của một thôn nữ mà trên người thì trang điểm cầu kỳ nhưng dưới chân lại quên không thay dép lê bằng giày cao gót. Phần lớn các hàng quán đóng cửa vào lúc 22 giờ và cả thành phố chìm trong giấc ngủ cho đến sáng hôm sau. Những đại lộ rộng bỗng thành hoang vắng, vài bóng người lướt trong màn đêm với những sọt hàng chở đầy xu hào và dưa chuột trên những tuyến đường chính gần kề trung tâm thành phố: Chợ bán buôn diễn ra ngay tại ngã tư đường. Sáng sớm vào lúc 6 giờ, người già Hà Nội đứng dàn bên bờ Hồ Tây tập thể dục buổi sáng. Người ta thấy các bà cụ tập đánh gậy hoặc luyện Thái cực Quyền trong làn sương sớm phủ mặt hồ. Một người bán than đẩy lô hàng của mình trên hai chiếc xe đạp đi về hướng thành phố, để cuối ngày trở về nhà với lợi nhuận không quá 2 USD. Để có được thu nhập này, cả ngày anh đi từ nhà này sang nhà khác bán những viên than ép hình trụ cho những hộ gia đình ít được hưởng lợi từ sự phát triển.

Không phải ai cũng được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế nhanh chóng. Khoảng cách xã hội giữa người giàu và người nghèo gia tăng trông thấy, và nhiều người vẫn sống tậm tạch, dù có Đổi mới và những đồng tiền mới. Những kẻ thắng cuộc của thời phát triển là những người trẻ tuổi, dân thành thị, được đào tạo tốt với tấm bằng kĩ sư trong tay, họ thường đổi chủ lao động nhiều lần trong năm, mỗi lần đều với những thu nhập cao hơn. Những kẻ thua cuộc của thời mở cửa thị trường là những người thuộc tầng lớp dưới của xã hội. Mức tăng trưởng kinh tế 8,2% năm nay đang phải đương đầu với lạm phát phi nhanh. Giá cả tăng lên từng ngày, và như mọi khi lạm phát đánh vào tầng lớp dân nghèo, những người không những không có phần trong việc tham gia hưởng thụ sự phong phú hàng hóa, mà phải vật lộn với cuộc sống bằng đồng lương tối thiểu vào khoảng 50 USD mỗi tháng. Chính phủ đã có những nỗ lực lớn trong việc giảm tỷ lệ nghèo đói từ 60% vào năm 1990 xuống còn 20% vào năm 2006, nhưng sự trượt giá vào khoảng 25% và thậm chí còn cao hơn ở những mặt hàng như lương thực, thực phẩm và xăng dầu đã làm rách toạc những ví tiền khiêm tốn.

Những chính sách cải tổ chính trị sâu rộng vẫn chưa được đặt lên bàn nghị sự. Đảng Cộng sản vẫn ở thế bất khả xâm phạm. Dường như Đảng đang theo đuổi chiến lược “Niêu cơm và canh bạc“: Những ai đang kiếm chác tốt và có một cuộc sống sung túc thì sẽ không dễ dàng đặt câu hỏi về việc thay đổi chế độ.
Những ai lên tiếng, chẳng hạn những blogger và nhà báo cấp tiến muốn vận động cho một tiến trình dân chủ hóa bước đầu, vẫn biến mất sau cánh cổng nhà tù. Vẫn có sự đàn áp khe khắt và thô bạo đối với những thiểu số sắc tộc và tôn giáo.

Thế giới Phương Tây đang chiều nịnh đất nước cộng sản nhỏ bé này, đã đáp ứng nguyện vọng của Việt Nam muốn trở thành thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) năm 2006 và ngay sau đó bầu chọn Việt Nam là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Sớm hay muộn Việt Nam cũng phải xích lại gần các đối tác thương mại Phương Tây về mặt tư tưởng và chính sách nội bộ, nếu nó không muốn bỏ lỡ cơ hội. Nhưng Việt Nam sẽ thực hiện tiến trình này bằng tốc độ riêng và với những điều kiện riêng của nó.

----------------------------
Doris K. Gamino, Magistra Artium (phil.), sinh năm 1958; từng nghiên cứu Sư phạm, Ngôn ngữ-Văn học Đức, Tây Ban Nha và Mỹ La-tinh cũng như “Buch- und Medienpraxis” (postgrad.); là nhà báo và nghiên cứu về luật pháp quốc tế; Doris K. Gamino hiện sống tại Hà Nội.

Nguồn:
http://www1.bpb.de/publikationen/4JIALJ,0,Doi_Moi%3A_Erneuerung_auf_Vietnamesisch_Essay.html

No comments: