Sunday, September 27, 2009

MUỐN HỘI NHẬP PHẢI HÀNH SỬ VĂN MINH


Muốn Hội Nhập Phải Hành Sử Văn Minh
Lê Minh Thịnh
(Singapore)
http://www.viet-studies.info/kinhte/LeMinhThinh_HanhXuVanMinh.htm
Sau khi đất nước Việt Nam gia nhập Tổ chức Mậu dịch Quốc tế (World Trade Organization) năm 2007, chính quyền Việt Nam theo đuổi những chính sách hội nhập, và luôn rao giảng thành ngữ "ra biển lớn". Nhưng chính họ đã và đang vẽ lên bức tranh kém văn minh và thiếu văn hóa làm suy giảm danh dự và uy tín của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Xin đơn cử vài thí dụ ngắn gọn trước để bạn đọc có thể liên tưởng ngay. Một ông nhà giàu thiếu văn hóa, mặc âu phục đi giày tây về thăm những nông dân một nắng hai sương, làm ruộng chân lấm tay bùn. Một ông nhà quê đang học đòi văn minh, tự sắm cho mình chiếc xe Rolls-Royce hào nhoáng. Một ông lãnh đạo Hà Nội bằng cấp cao nhưng hơi thiếu văn hóa, ngồi xe ô-tô khô ráo, thăm dân tình khốn khổ trong trận lụt lớn nhất thế kỷ. Chắc hẳn, bạn đọc nào cũng thấy sự kệch cỡm và khôi hài của vấn đề.

Trên trường quốc tế, chính quyền Việt Nam đã làm suy giảm danh dự và uy tín của dân tộc Việt Nam qua bốn trường hợp sau:

Thứ nhất:
Chính quyền Việt Nam đã đọc, hiểu, đồng ý, và ký kết vào bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Universal Declaration of Human Rights - 1948). Tuy nhiên, chính quyền (và công an, an ninh) Việt Nam đã vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng, chẳng hạn như việc bắt giữ, tra khảo, ớm cung, và ép cung blogger Mẹ Nấm, blogger Người Buôn Gió, và nhà báo Phạm Đoan Trang mới đây. Mỗi lần bị đưa ra công luận quốc tế, chính quyền luôn luôn che đậy, giấu đầu hở đuôi, và lấp liếm bằng cách phân giải mỗi quốc gia có cách diễn giải "nhân quyền" khác nhau. Khi đại diện Việt Nam đặt bút ký, chắc hẳn cả người thông dịch và người ký đã phải thấu hiểu chữ Universal nghĩa là gì, và bao gồm những quốc gia thành viên và tiêu chuẩn nào?

Thứ hai: Nhân viên tòa đại sứ Việt Nam và nhân viên Hàng Không Việt Nam đã không hành xử như đại diện của đất nước Việt Nam chẳng hạn như vụ buôn sừng tê giác tại Nam Phi, vụ ăn cắp và chuyển đồ lậu tại Nhật, vụ buôn lậu đô-la tại Úc, vụ không bảo vệ người lao động Việt Nam tại Mã Lai, Đài Loan, và vụ lờ tòa án Ý. Trong những năm 90, báo Times (người viết đã đọc qua nhưng không kiếm lại tài liệu cũ được) có nêu lên vụ nhân viên tòa đại sứ Việt Nam tại Tiệp Khắc buôn lậu bằng cách gửi thật nhiều rượu (với lý do để uống) từ Tiệp về Việt Nam với tư cách nhân viên ngoại giao đoàn.

Thứ ba: Công dân Việt Nam được đối xử 2 cách khác nhau: một cách cho dân đen và một cách cho "dân đỏ". Chính quyền Việt Nam xử ông Huỳnh Ngọc Sĩ 3 năm tù giam. Ông Sĩ là một quan chức cao cấp thành phố, tham gia vụ tham nhũng quốc tế PCI, đã tỉnh táo nhận 800 ngàn đô-la Mỹ, mà báo chí và toà án Nhật đã phanh phui nhiều tháng nay. Trong khi đó, theo tác giả Hà Văn Thịnh (giáo sư Đại Học Huế), 3 nông dân ở tỉnh Lâm Đồng bị kết án tổng cộng 13 năm tù giam, vì say rượu, đã cướp 2 con vịt trị giá 175 ngàn đồng Việt Nam. Chánh án Việt Nam đã thật sự ngu ngơ, không phân biệt được ba khái niệm pháp lý căn bản: tỉnh táo (nên cố ý) vi phạm, và không tỉnh táo (nên có thể vô tình) vi phạm; khoản thiệt hại về kinh tế phải tỷ lệ (thuận) với khoản bị đền bù hay xử phạt với người bị kết tội; và khoản thiệt hại về danh dự quốc gia (cũng như đoàn thể hay cá nhân) cũng phải tỷ lệ với khoản bị đền bù hay xử phạt với người bị kết tội.

Thứ tư: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành 2 quyết định quan trọng gây nhiều bất bình trong giới trí thức và quần chúng Việt Nam, và đã gây tiếng vang không nhỏ trong giới báo chí quốc tế như the New York Times, AP, Reuters và giới học giả như giáo sư Carl Thayer (Úc) và nhà báo và bình luật gia Greg Rushford (Hoa Kỳ).
Thứ nhất là việc ban hành trái Hiến pháp và Pháp luật quyết định số 167/2007/QĐ-TTg liên quan đến việc khai thác Bauxite tại Tây Nguyên, và thứ hai là Quyết định số 97 liên quan đến việc ngăn cấm nghiên cứu và phản biện xã hội một cách công khai dẫn đến việc tự khai tử của viện IDS (Institute of Development Studies), một think-tank cố vấn cho chính quyền phác họa ra những chính sách quốc gia hợp lý và khả thi.
Hiến pháp Việt Nam đã nêu rõ mọi công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, công dân (Tiến sĩ Luật) Cù Huy Hà Vũ lại được đại diện Tòa Tối cao là Thẩm Phán - phó Chánh án Tòa Hành Chính bà Nguyễn Thị Hoàng Bạch Yến, và Thẩm Phán - phó Chánh Tòa Phúc Thẩm ông Vũ Thế Đoàn khuyên nhủ rút đơn kiện công dân (Thủ Tướng Việt Nam) Nguyễn Tấn Dũng. Cách hành xử của hai Thẩm Phán cao cấp, đại diện Tòa Tối Cao đã cho thấy những người đứng đầu và đại diện cho pháp luật Việt Nam đã ngây thơ vi hiến ngay giữa pháp đình của thế kỷ thứ 21.

Như vậy, hành xử như thế nào mới có thể xem là văn minh và có được đồng minh lâu dài?
Singapore là thí dụ đồng minh của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á. Sau khi sóng thần Tsunami cướp đi sinh mạng của hơn 150 ngàn dân cư và khách du lịch vào tháng 12 năm 2004, Singapore đã lập tức gửi một phái đoàn quân sự (phi đội trực thăng Chinook, 3 chiến hạm RSS Persistence, RSS Endurance, và RSS Endeavour), y tế, và cứu hộ sang Aceh, Indonesia để cứu nạn. (Xin được mở ngoặc, cùng lúc đó, Hàng Không Việt Nam, tuyên bố mua mấy chiếc máy bay dân sự trị giá hàng chục triệu đô-la Mỹ nhằm cạnh tranh phát triển du lịch. Người viết không rõ chính quyền Việt Nam có ra văn kiện chia buồn đến những gia đình của các nạn nhân hay không). Tháng 8 năm 2005, khi Hoa Kỳ bị cơn bão Katrina giết đi trên 1 ngàn sinh mạng, thiệt hại 77 tỷ đô-la (theo Reuters), và lụt lội trầm trọng tại vùng New Orleans, Singapore đã lập tức gửi phi đội trực thăng Chinook sang để cùng với Hoa Kỳ cứu nạn và đắp đê chống lụt.

Mục tiêu của hội nhập là việc kết bạn, kiếm đồng minh nhằm hỗ tương về thương mại, giáo dục, và quốc phòng. Người dân và chính quyền Hoa Kỳ, Canada, Úc, cộng đồng Châu Âu, hay bất cứ quốc gia tân tiến nào trên thế giới chưa thể làm đồng minh hay kết bạn lâu dài với một đất nước chưa hội nhập. Lý do là dân tộc Việt Nam, được lãnh đạo bởi một chính quyền tự mâu thuẫn với chính hiến pháp của họ, kềm chế sự đóng góp chính đáng của giới trí thức và quần chúng của chính họ, và dung túng cho tham nhũng (có tính cách hệ thống).

Cho nên, đất nước Việt Nam muốn hội nhập và có được đồng minh tốt và lâu dài, cần phải không những hàng động theo tiêu chí đôi bên cùng có lợi, mà còn hành xử văn minh, đồng bộ với cộng đồng nhân loại.
Lê Minh Thịnh
Singapore, 27-09-2009

---------------------------------------------------------------------

Việt Nam coi trách nhiệm về “nhân quyền” như trò hề

DCVOnline - Tin ngắn (AFP)
27-09-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6746
HÀ NỘI - Một tổ chức nhân quyền quốc tế nói Việt Nam xem trách nhiệm trước Hội đồng Nhân Quyền của LHQ như trò hề.

Nước CHXHCN (cộng sản) Việt Nam đã từ chối một loạt những khuyến nghị để cải thiện hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong lần duyệt xét định kỳ của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vừa kết thúc tuần này, Human Rights Watch (HRW) cho biết như thế trong một bản tuyên bố.

“Việt Nam - một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - đã xem việc họ tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc như một trò hề,” Elaine Pearson, Phó Giám đốc Châu Á của tổ chức HRW cho hay.
“Việt Nam từ chối ngay cả những kiến nghị căn bản nhất dựa trên các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, chẳng hạn như cho phép người dân để cổ suý nhân quyền con hoặc (tự do) bày tỏ ý kiến của mình.”

Hà Nội từ chối 45 đề nghị từ các quốc gia thành viên LHQ, HRW cho biết, kể cả việc kiểm soát internet và viết blog bằng phương tiện của các tổ chức truyền thông tư nhân, cho phép các nhóm và cá nhân cổ suý nhân quyền, bỏ hình phạt tử hình và thả tù nhân lương tâm.

Nhiều điều trong số 93 khuyến nghị được Chính phủ Việt Nam chấp nhận, chỉ là những tuyên bố chung chung về ý định “xem xét” những đề xuất của các nước thành viên, HRW nói.
Bà Pearson cho biết thêm:
“Việt Nam đã trắng trợn chối phăng trước Hội đồng Nhân quyền việc họ đã bắt và giam giữ hàng trăm người bất đồng chính kiến ôn hòa và những người hoạt động tôn giáo độc lập. Tuy nhiên, chỉ trong bốn tháng kể từ lần xuất hiện cuối cùng trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam đã bị bắt giữ thêm nhiều người hơn nữa.”

Trong quá trình duyệt xét của Hội đồng Nhân Quyền, Việt Nam cho biết không có “cái gọi là tù nhân lương tâm” tại đây, và không có ai bị bắt giam vì phê bình Chính phủ, và Việt Nam cũng chối là không tra tấn người phạm tội.

Pearson nói thêm:
“Giống như Trung Quốc, Việt Nam đã dứt khoát chối bỏ trước Hội đồng Nhân quyền trong nỗ lực tẩy uế hồ sơ nhân quyền nhơ nhuốc của mình. Quá trình duyệt xét hồ sơ Nhân quyền của Liên hiệp quốc đã đưa bằng chứng cho thế giới thấy rằng mặc kệ mức quan tâm quốc tế, Việt Nam không có ý định thực sự cải thiện hồ sơ của nhân quyền của ho.”

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đưa khuyến nghị sau mỗi lần duyệt xét thường kỳ hồ sơ nhân quyền của các nước thành viên.

Gần đây hơn 10 người đã bị bắt giữ tại Việt Nam vì phát tán những “tuyên truyền chống phá nhà nước”. HRW nêu trường hợp của Huỳnh Bá làm thí dụ. Huỳnh Bá là một người hoạt động cho quyền sở hữu đất đai và thành viên của dân tộc thiểu số Khmer Krom lãnh đạo cuộc biểu tình của nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, vì bị chính phủ chiếm thu đất, đã bị bắt ngày 30 tháng 5.

Hơn 1.000 thành viên của cộng đồng giáo hữu Kitô phần lớn là người miền núi chạy trốn sang Campuchia sau khi lực lượng công an ninh đàn áp các cuộc biểu tình ở Tây Nguyên vào năm 2001 cùng lúc với chiếm thu đất và đàn áp tôn giáo của người thiểu số ở đây.

Việt Nam đã không nhận lời buộc tội của Human Rights Watch năm 2006 rằng nhà nước CSVN đã giam giữ và tra tấn những người thiểu số Tây Nguyên khi họ từ Campuchia về lại Việt Nam sau khi có thỏa thuận ba bên.
© DCVOnline

Nguồn:
(1)
Vietnam ‘making a mockery’ of rights obligations, says Human Rights Watch. The Australian, from correspondents in Hanoi. September 26, 2009 (AFP).

-------------------------------------------------------------

CỘNG SẢN VIỆT NAM KHÔNG MUỐN CẢI THIỆN HỒ SƠ NHÂN QUYỀN



No comments: