Friday, September 25, 2009

KHI CHẤT PHẾ THẢI TAN RỮA (Về Đảng Cộng Sản Việt Nam)


Khi chất phế thải tan rữa
Ngô Nhân Dụng
Thursday, September 24, 2009

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=101769&z=7

Như quý vị biết, chưa bắt đầu mùa Thu mà đã có nhiều nơi ở California đã xẩy ra nhiều trận cháy rừng, sở cứu hỏa phải lo vấn đề đó, cho nên mới có một bản tin trên báo L.A. Times. Ðọc bản tin này, tôi chợt nghĩ tới di hài của ông Hồ Chí Minh. Chỉ nghĩ thoáng qua thôi, vì nói đúng ra, tôi nghĩ tới tình trạng của đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay nhiều hơn.

Bản tin nói rằng khi những chất phế thải (thí dụ như phân) của loài vật tàn rữa thì nó sinh ra tình trạng rất bất ổn, bấp bênh (volatile). Phân và xác súc vật tan rữa phát sinh ra các loại khí, trong đó có khí mê tan (methane) có thể tích tụ lại ở những nơi không được gió thổi tới. Khi trời nóng quá loại khí bất ổn đó rất dễ bốc cháy và phát nổ, có thể gây ra nạn cháy rừng.

Nhưng khi đọc tin trên thì, tự nhiên không tránh được, tôi nhớ mới đọc bản tin nào đó mới nói cái di hài ông Hồ Chí Minh gần đây được các chuyên gia người Nga đem ra xét nghiệm lại vì sợ nó bị rữa nát nếu không được bảo trì đầy đủ. Nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua thôi; cái di hài của một người đã chết từ lâu không còn quan trọng nữa, điều đáng suy nghĩ hơn là tình trạng cái di sản mà Hồ Chí Minh còn để lại, là đảng Cộng Sản đang cai trị nước Việt Nam.

Gần đây cái đảng cầm quyền này có nhiều hành động rất lạ lùng. Họ nói năng cũng tỏ ra lúng túng, không còn giảo hoạt như những anh quản giáo lên lớp hồi xưa nữa. Họ giống như những người tâm thần bất định vậy. Làm sao mà cái mạng lưới chính thức của đảng “lãnh đạo nhà nước và xã hội” Việt Nam (theo điều 4 trong Hiến Pháp) mà lại hớ hênh viết những lời công nhận Hoàng Sa là lãnh thổ Trung Quốc, để cho tất cả những người Việt Nam biết chữ đều phải bất bình? Một người tỉnh táo thì nếu trong bụng có nghĩ như thế nhưng ngoài miệng cũng phải giả bộ nói cách khác để khỏi chọc tức, chọc giận các người Việt Nam còn yêu nước chứ? Ðây là một hiện tượng lạ. Người ta vẫn nói “Nói dối như Vẹm!” Bao nhiêu mánh khóe tuyên truyền do “Bác” dậy, họ quên hết rồi hay sao? Các cụ nói, “Hết khôn dồn ra dại” là như thế này chăng?

Một hành động có vẻ tâm thần bất định nữa là việc bắt bớ những người làm mạng lưới phê bình các chính sách của đảng đối với Trung Quốc trong những vụ Hoàng Sa hoặc Bô Xít. Cả thế giới bỗng nhiên biết tên những ông Ðiếu Cầy, Người Buôn Gió, cô Mẹ Nấm, vân vân. Làm gì mà phải cuống quít lên như vậy? Hàng trăm triệu người khắp thế giới người ta làm mạng, người ta vào mạng, vì nhu cầu tự nhiên và kỹ thuật sẵn sàng ở đó ai dùng cũng được. Làm sao mà bịt miệng được cái mạng lưới tin học đang như gió nổi lên khắp bốn phương trời này?
Kế đến lại cái quyết định số 97 chi đó, bắt buộc các tổ chức nghiên cứu khoa học không được công bố các công trình của họ trước khi trình lên các cơ quan nhà nước! Ðúng là một quyết định tối dạ, ngu dốt, “phản khoa học, phản tiến bộ và phản dân chủ” như ông Tiến Sĩ Nguyễn Quang A nhận xét không oan chút nào.
Những người tỉnh táo không làm như vậy, nhất là họ có thể làm cách khác đạt cùng một mục đích. Vì quyết định 97 này mà ai cũng phải công nhận là ông Nguyễn Tấn Dũng tính bịt miệng cả nước. Nhưng làm sao bịt được miệng cái mạng lưới toàn cầu?

Không phải chỉ những người lãnh đạo chóp bu trong đảng Cộng Sản mới luẩn quẩn. Cả những đảng viên về hưu còn rất nhiều thiện ý muốn giúp đảng tìm đường cho tai qua nạn khỏi cũng nghĩ quẩn lo quanh nữa. Ông Tống Văn Công, cựu tổng biên tập báo Lao Ðộng, đã viết một bức thư tha thiết kêu gọi đảng của ông thay đổi mạnh hơn nữa. Bức thư rất nhiệt thành, rất sắc bén, trừ một vài chỗ lẫn cẫn. Những lời ông phê bình đảng của ông đều rất đúng, ai cũng thấy như vậy cả. Nhưng các đề nghị của ông để “xây dựng đảng” thì nó không đâu vào đâu cả.

Thí dụ, cái tội lỗi lớn nhất gây ra tai họa cho nước Việt Nam là thể chế chính trị độc tài, ông Tống Văn Công cũng biết vậy. Nhưng ông không dám yêu cầu bỏ cái điều số 4 trong Hiến Pháp là căn bản của chế độ độc tài độc hại đó. Ông chỉ khép nép xin “luật hóa” điều 4 này.
Nhưng bao nhiêu thứ luật mà đảng Cộng Sản đã đặt ra, từ Luật Cải Cách Ruộng Ðất do ông Hồ làm theo ý kiến các cố vấn Trung Quốc, làm xong rồi lại long trọng thông báo với đồng chí Stalin, cho tới Luật Báo chí của ông Nguyễn Tấn Dũng, đến quyết định số 97 gần đây, tất cả là những công trình biến quy tắc “chuyên chính” thành ra luật cả. Chưa đủ sao mà bây giờ còn “luật hóa” thêm cái gì nữa?

Bức thư của ông Tống Văn Công chứa rất nhiều tâm tư đáng kính trọng, tuy nhiên cách suy nghĩ vẫn là “lẫn,” như khi chúng ta nói các cụ già lẫm cẫm. Ông vẫn lập lại cái ý của nhiều đảng viên già: “Nếu như Bác còn sống.” Ý nói, nếu còn sống thế nào “Bác” là con người khôn ngoan sáng suốt cũng thi hành những đề nghị đổi mới mạnh bạo của ông.

Nhưng cũng trong bức tâm thư đó, ông viết về những sai lầm của đảng Cộng Sản, có câu: “Tuy nhiên, vào đầu những năm 50 trở đi đã nảy mầm tai họa:
- Nhầm đồng minh giai đoạn là đồng minh chiến lược, trong khi Bắc Kinh từ đầu đã có ý đồ bành trướng của chủ nghĩa Ðại Hán.
- Ðường lối cách mạng uốn dần theo ý thức hệ cộng sản.”
Thế thì vào những năm 1950-1951 “Bác” của ông còn sống nhăn, còn đầy đủ sức khỏe và đóng vai trò quyết định, thì ai là kẻ gây ra những mầm tai họa này? Lúc đó “Bác” chỉ cần phán một câu, “Ðồng chí Stalin nói như vậy” là tất cả tất cả các cán bộ đảng viên phải im thin thít (ông Nguyễn Văn Trấn là một nhân chứng)!
Thế thì ai là người làm cho “Ðường lối cách mạng uốn dần theo ý thức hệ cộng sản,” mà lại là thứ cộng sản kiểu Mao?
Kẻ nào đã phạm lỗi “nhầm đồng minh giai đoạn là đồng minh chiến lược,” đưa hình ông Mao ông Xít (sau đổi thành ông Ma lăng cốp) lên bàn thờ bắt cả nước tôn sùng, thờ cao hơn hình ông bà ông vải?
Ai là người lú lẫn không biết điều mà ông Tống Văn Công cho là ai cũng phải biết: “à trong khi Bắc Kinh từ đầu đã có ý đồ bành trướng của chủ nghĩa Ðại Hán?”
Thế thì “Bác” khôn ngoan sáng suốt hay là “Bác” cũng lú từ lâu rồi?


Ông Tống Văn Công còn đưa ra một giải pháp lạ lùng là chia đảng Cộng Sản thành hai đảng. Dân chúng Việt Nam sẽ được tự do bỏ phiếu chọn một trong hai đảng đó cho nắm quyền, còn đảng kia thua sẽ đóng vai đối lập. Tức là cái đảng hiện nay sẽ bầy ra trò bầu cử như chơi xóc đĩa, trong đó chẵn thì đảng cũng thắng, lẻ đảng cũng ăn! Nếu như thế thì tại sao không chia luôn ra làm ba đảng, bốn đảng cho nó có vẻ dân chủ hơn nữa? Ðọc những ý kiến như vậy thì chỉ muốn vỗ vai con người có Thiện Ý này, kêu lên: “Cụ lẫn rồi cụ ơi!”

Ngày xưa ông Nguyễn Khắc Viện đã thấy những tai hại mà đảng ông gây ra cho dân tộc, cho nên ông đã đề nghị đảng Cộng Sản trả lại quyền bầu chọn chính phủ cho dân Việt Nam, cho người khác cai trị, còn đảng của ông sẽ quay về lo việc đối lập, tranh đấu cho quyền lợi của dân. Ðề nghị của ông Nguyễn Khắc Viện rất không tưởng, nhưng cho thấy cái tâm lành của một nhà trí thức.

Có thể ông Tống Văn Công chủ trương chia đảng làm hai vì cũng “lẫn” như ông Nguyễn Minh Triết hồi ông sang Mỹ lần đầu. Hồi đó ông Triết bênh vực chế độ độc đảng ở Việt Nam, nói rằng mỗi nước có một tổ chức chính trị khác nhau. Ông còn hỏi tại sao nước Mỹ chọn chế độ “lưỡng đảng” chỉ có hai đảng thôi thì không bị ai chỉ trích hết? Ông Triết tưởng rằng luật lệ nước Mỹ chúng nó chỉ cho phép hai đảng chính trị hoạt động, còn thì cấm hết, không cho ai tranh giành với hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ! Trời đất ơi, dốt ơi là dốt! Ông không biết rằng mỗi lần bầu tổng thống ở Mỹ có hàng tá ứng cử viên, hàng chục đảng ra tranh giành! Hy vọng tháng tới này khi tới Mỹ gặp ông Obama ông Triết sẽ ít nói hơn, nếu không thì lại nhục cho cả nước Việt Nam lần nữa!

Nói chung, những suy nghĩ của một đảng viên lão thành như ông Tống Văn Công cũng luẩn quẩn như trong giới lãnh tụ đang cầm quyền. Chúng ta còn nhìn thấy tình trạng tinh thần hoảng loạn trong những tài liệu chính thức của đảng Cộng Sản Việt Nam về chủ trương đường lối của họ nữa. Tài liệu học tập các nghị quyết Hội Nghị Trung Ương 6, khóa 10, Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia in năm 2008, trang 33 viết giải thích chủ trương kinh tế của đảng như thế này:
“Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một nền kinh tế vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường vừa chịu sự chi phối bởi các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội” (trích lại từ bức thư của ông Tống Văn Công, ông dẫn ra để chỉ trích là nó sai lầm).
Ðọc câu đó xong, chắc ông Tống Văn Công không cười. Nhưng chúng ta đọc thì có thể chợt thấy hiện ra hình ảnh một người bệnh tâm thần đi ngoài đường, lẩm nhẩm nói một mình: “Con bò là con bò. Con heo là con heo. Con bò heo vừa là con bò cũng vừa là con heo. Con heo bò vừa tuân theo quy luật của con bò mà cũng vừa chịu sự chi phối bởi các quy luật con heo! Mời quý khách xơi cho nó nóng!”
Ðó là sản phẩm của những đỉnh cao trí tuệ đang bị rữa từ bên trong, không còn tự làm chủ tâm thần mình nữa.

Khi những chất phế thải của loài thú tan rữa thì nó sinh ra các loại khí rất bất ổn, bất định. Có thể bốc cháy. Có thể nổ. Hình ảnh đó có gợi cho quý vị nghĩ tới tình trạng hiện nay của đảng Cộng Sản Việt Nam hay không?

No comments: