Về một tấm ảnh bị bóp nặn “lịch sử”
Thận Nhiên
http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=29348FD495F2305CD7F3098C5281A3C9?action=viewArtwork&artworkId=8562
Trong bài “Thư gởi họa sĩ Trịnh Cung về chuyện lừa người nổi tiếng vào chuyện tuyên truyền chính trị rẻ tiền”, của Nguyễn Đắc Xuân có một đoạn bình luận về một tấm ảnh mà ông cho là “tấm ảnh lịch sử” [sic] như sau:
Biết mình bị tẩy chay mà Trịnh Cung vẫn lê la đến nhà Trịnh Công Sơn, ngồi chầu rìa. Cứ xem lại tấm ảnh lịch sử Trịnh Công Sơn - họa sĩ Đinh Cường tiếp nhạc sĩ Văn Cao sẽ thấy rõ cái sự chầu rìa của Trịnh Cung như thế nào;
Trịnh Cung chầu rìa cuộc vui của Trịnh Công Sơn, Đinh Cường và Văn Cao
http://www.tienve.org/home/images/tcs-vc-tc-dc.jpg
Trong một đoạn văn ngắn bốn dòng, Nguyễn Đắc Xuân nhắc ba lần hai chữ “chầu rìa” để nhấn mạnh ý của mình nhằm đánh vào tư cách của Trịnh Cung.
Tôi thấy có đôi điều lấn cấn, không sạch sẽ cho lắm trong cách hành văn và thâm ý này nên thử bàn về dụng tâm của tác giả.
Tôi thử tra nghĩa hai chữ “chầu rìa” trong cuốn Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, ở trang 145, thì thấy như sau:
chầu rìa đg. (kng.). Chực bên cạnh đám chơi bài, cờ, v.v., để xem, không tham gia chính thức. Ngồi chầu rìa một ván cờ.
1/ Trước tiên, tôi xin bàn về cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả, và phần nào bàn thêm về định nghĩa của hai chữ này.
Đây không phải là một đám bạc hay bàn cờ, hay một cuộc chơi, mà người chầu rìa là kẻ hết sạch vốn liếng, bị loại ra khỏi cuộc, lâu lâu chỉ chỏ này nọ vừa để đỡ ghiền vừa để tự huyễn đời chưa quên mình, mong có lúc “chúng nó” – những kẻ còn trong cuộc – thí cho vài xu.
Mà đây là một cuộc nhậu. Không ai chầu rìa trong một cuộc nhậu. Trong một ngữ cảnh như vậy, Lài e rằng chữ “chầu rìa” tiết lộ sự kém cỏi trong khả năng và ý thức sử dụng ngôn ngữ của người viết.
2/ Người đọc tinh ý sẽ thấy đây là một cách nói xuyên tạc và gán ghép cho tấm ảnh một nội dung ăn theo với ý định bôi nhọ tư cách của Trịnh Cung.
Với lối suy nghĩ “mặt tiền mới có giá”, Nguyễn Đắc Xuân cho rằng Trịnh Cung chầu rìa vì vị trí chỗ ngồi của ông trong tấm ảnh (ngồi phía sau Đinh Cường và Văn Cao một chút, tuy là ngồi ở chính giữa); cho rằng với vị trí đó thì ông không chính thức tham gia vào bữa tiệc, mà chỉ có mặt một cách gượng ép hay là khách không mời mà tới.
Cái suy nghĩ này có vẻ thật là ngây ngô, thậm chí có thể nói là thiếu thông minh. Hẳn Nguyễn Đắc Xuân không hiểu, hoặc cố tình không hiểu, một điều đơn giản là khi chụp ảnh, nhất là trong một bữa nhậu, thì mọi người cần thu xếp vị trí sao cho mình được hiện diện trong khung ảnh một cách rõ ràng và dễ dàng cho người bấm máy. Những vị trí này chỉ tạm thời và ngẫu nhiên, chúng không nói lên một nội dung về mối tương quan của các người tham gia trong tấm ảnh cũng như trong bữa tiệc.
Với lối suy nghĩ ra vẻ ngây ngô này, e rằng người ta có thể xuyên tạc và gán ghép cho nhau mọi điều xấu xa bằng cách tán thêm vào các tình huống của bất cứ ai có mặt trong tấm ảnh.
Ví dụ - (tôi xin lỗi vong linh hai ông Văn Cao và Trịnh Công Sơn và hai họa sĩ Đinh Cường và Trịnh Cung vì phải nhờ đến tên các ông trong các ví dụ này) - trong tấm ảnh này thì người ta có thể cho rằng: Đinh Cường là một kẻ tham ăn, vì ông không chịu sửa tướng trong khi chụp ảnh mà cứ thản nhiên húp thức ăn, không nhìn vào ống kính. Hay nụ cười của Trịnh Công Sơn là một nụ cười cầu tài. Hay Văn Cao là kẻ bị bệnh ngứa, nhậu vào là đưa tay gãi. V.v... thật là kẹt!
Không, Nguyễn Đắc Xuân không ngây ngô chút nào khi lập luận một cách khiên cưỡng như vậy.
Đúng ra, ông ta rất ác khi cố tình hạ tư cách Trịnh Cung xuống thành tư cách của kẻ “chầu rìa”. Thay vì bình luận những điều thông thường mà mọi người quan tâm, như nhan sắc - điều thường được quan tâm nhất trong khi xem ảnh - của Trịnh Cung, chẳng hạn như: ông này râu ria mà không đẹp trai bằng mình..., thì Nguyễn Đắc Xuân lại quan tâm đến vị trí chỗ ngồi (chắc hẳn là như vậy), rồi dẫn người xem đến ý đồ hạ nhục nhân cách của Trịnh Cung.
Không chỉ ác mà còn thiếu lương thiện. Thiếu lương thiện vì xuyên tạc nội dung tấm ảnh một cách gán ghép và không trung thực.
Không chỉ ác và thiếu lương thiện mà còn ti tiện, nhỏ mọn trong cách nhìn soi mói nhưng thiếu sự tinh tế và trung thực cần thiết.
Không chỉ ác và thiếu lương thiện và ti tiện, nhỏ mọn thôi, mà còn kém thông minh khi nghĩ rằng với cách dựng hiện trường giả một cách hồ đồ như vậy là có thể thuyết phục được lòng tin của mọi người.
3/ “Tấm ảnh lịch sử”.
Nguyễn Đắc Xuân đã biến một tấm ảnh ghi lại cảnh một bữa ăn nhậu bình thường, hay ngay cả bất bình thường vì thân thế đặc biệt của những người trong ảnh, thành một tư liệu “lịch sử”. Ông nâng tầm nó lên. Thay vì nhìn nó như: “tấm ảnh húp cháo” (ở vị trí Đinh Cường), hay “tấm ảnh ngứa chỗ nào thì gãi chỗ đó” (ở vị trí Văn Cao), hay “tấm ảnh nụ cười duyên dáng Sài Gòn” (ở vị trí Trịnh Công Sơn), hay “tấm ảnh hiệp sĩ mặt buồn” (ở vị trí Trịnh Cung), thì Nguyễn Đắc Xuân lại biến nó thành “tấm ảnh lịch sử”. Rõ ràng ông muốn mớm cho lịch sử (hẳn là của ông, hay theo ý đồ chủ quan của ông) cái tấm ảnh và sự diễn dịch của mình hòng thuyết phục người đọc tin vào cái gọi là sự thật của nó.
Vốn là một nhà nghiên cứu thì hẳn ông thừa biết trò chơi bóp nặn “lịch sử” và tác động của nó lên quần chúng và các thế hệ về sau, các thế hệ này thường thiếu thông tin và tư liệu để kiểm chứng.
Vậy đó, “lịch sử” được hình thành bằng cách được những kẻ bất lương cho bú mớm thứ dinh dưỡng giả mạo như trong trường hợp nhỏ nhưng điển hình này.
Nghĩ cũng ngộ, học giả của “Huế học” mà khi kẹt lại chơi trò đấm dưới thắt lưng thô thiển như vậy thì đúng là... thật là kẹt!
No comments:
Post a Comment