Friday, April 24, 2009

CHUNG QUANH VẤN ĐỀ TƯ THẾ CHÍNH TRỊ CỦA TRỊNH CÔNG SƠN

Chung quanh vấn đề Tư thế Chính trị của Trịnh Công Sơn

Phần 1: Những điều trông thấy

Phùng Nguyễn

22.04.2009

http://damau.org/archives/5512

Phần I: Những điều trông thấy

Ý nghĩa đằng sau việc giao trách nhiệm điều hợp cho một biên tập viên duy nhất là để cho việc quản lý bình luận của bạn đọc có được sự nhất quán. Đây không hẳn là một quyết định an toàn nhất mà BBT Da Màu có thể có được bởi vì cùng với sự nhất quán là phần “chủ quan” của biên tập viên trách nhiệm, và điều này có thể biến chuỗi thảo luận trở thành một chiều hoặc ngay cả phiến diện. Nguy cơ này đã thực sự xảy ra hay không thì phải nhờ đến nhận xét của quý bạn đọc, và tôi không hề nghi ngờ là chỉ riêng việc này cũng có thể trở thành một đề tài tranh luận rất sôi nổi.

Chịu trách nhiệm điều hợp chuỗi thảo luận mọc lên từ bài viết “Trịnh Công Sơn & Tham vọng Chính trị” không nhất thiết là một công việc thú vị. Trước hết là số lượng và sau đó là chất lượng. Là một tạp chí văn chương, Da Màu không thường xuyên nhận được hàng chục, thậm chí hàng trăm bình luận tương tác như đã xảy ra trong những ngày vừa qua. Cũng may mà BBT Da Màu đã có cơ hội làm quen với điều này trong chuỗi thảo luận cũng sôi nổi không kém FOB II: Nghệ Thuật Lên Tiếng trong các ngày tháng đầu năm 2009.

Chất lượng của ý kiến thì thượng vàng hạ cám, và “khổ” nhất là khi vàng lẫn trong cám trong cùng một bài góp ý. Trong trường hợp này, vàng có nhiều cơ hội đi theo cám vào chốn hư vô một cách đáng tiếc bởi vì người trách nhiệm không có đủ thì giờ ngay cả chỉ để liên lạc với tác giả để đề nghị biên tập lại! Khi bài viết của Trịnh Cung được phổ biến rộng rãi hơn, đặc biệt qua sự "hào phóng" của mạng Thanh Nien Online trong nước bằng cách chỉ cần đề cập một cách mơ hồ đến bài viết “công bố trên một trang web hải ngoại” (trang web nào?). "Hảo tâm" này đã mang đến cho Da Màu một số lượng không nhỏ các nhà lướt web (net surfers) trẻ tuổi, và cùng với họ, một hệ thống ngôn ngữ “tân kỳ.” Vậy đó, trong vòng vài… sát na, họ tìm thấy “trang web hải ngoại” ở địa chỉ http://damau.org và phần bình luận ngay lập tức tràn ngập những ký hiệu bí ẩn, những “ko,” những “j,” những gì nữa có trời biết! Trách móc, than thở với ai? “Chấp nhận những dị biệt” không phải là chủ trương của tạp chí mình đang phục vụ hay sao? Và những ký hiệu gởi đến bởi cái thế hệ tương lai của dân tộc không phải là “những dị biệt bắt nguồn từ ngôn ngữ” mà Da Màu “phải” chấp nhận hay sao?

Đó mới chỉ là phần hình thức mà bạn đọc cống hiến cho cuộc đối thoại. Phần nội dung? Xin nói ngay, và xin được phép mượn/sửa lời họa sĩ Trịnh Cung, cho dù thú nhận này “chắc chắn sẽ gây ra sự mất mát tình cảm, sự đổ vỡ các mối quan hệ [nhất định phải là vô cùng tốt đẹp] lẽ ra sẽ có được của tôi với quý bạn đọc thân mến đã gởi ý kiến phản hồi,” là có ít nhất 60% trong tổng số ý kiến đã bị loại bỏ một cách thương tiếc hay không thương tiếc! Phần lớn nhất là do bị chậm chân vì đã có ai đó lên tiếng trước mình về một điều không nhất thiết phải giống hoàn toàn nhưng có nhiều tương đồng hơn là dị biệt. Phần kế tiếp là do đã sử dụng diễn đàn Da Màu như là chốn… khuê phòng, ở đó những tình cảm hỉ nộ ái ố được diễntả/trình bày một cách… thậm phồn! Phần còn lại chứa đựng không nhiều thì ít những fallacies, đủ nhiều để tự đánh bại chính mình với những cáo buộc vô bằng cớ, những tuyên bố dựa trên “chân không” (hoặc không chân), và cái ước muốn độc quyền sở hữu chân lý, tả hoặc hữu. Chưa hết, còn có cả hên xui may rủi nữa! Vì một lý do khẩn cấp liên quan đến kỹ thuật, chúng tôi đã phải dời toàn bộ trang web Da Màu và các mạng phụ thuộc đến một địa điểm mới. Sự cố kỹ thuật liên hệ đến công việc này đã khiến một số bình luận được hiển thị từ trước bị thất lạc. Nhân đây, xin thay mặt BBT Da Màu cáo lỗi cùng quý độc giả có bài ở vào trường hợp nói trên, đặc biệt các bình luận nằm trong khung cửa sổ thời gian từ 1 giờ sáng đến 12 giờ trưa ngày 4 tháng tư năm 2009 (giờ California, Hoa Kỳ).

Không phải là tất cả các ý kiến được hiển thị hoàn toàn vượt qua các “ải” nói trên. Chẳng hạn như bình luận dưới đây của bạn đọc Teddy Ngô:

Theo tôi, ông Trịnh Cung và những người ủng hộ Trịnh Cung qua bài viết về Trịnh Công Sơn trên website này chắc chắn sẽ bị những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn đời đời nguyền rủa, các vị sẽ không được ai thăm viếng khi đau ốm và cũng sẽ không ai đến viếng và đưa xuống mồ khi chết ! Hương hồn của Trịnh Công Sơn sẽ báo mộng cho các vị biết từ lúc này trở đi các vị sẽ sống và chết như thế nào? Hãy nhớ lấy!

Cùng với những hù dọa trẻ nít là việc thần thánh hóa được phô diễn một cách khôi hài cùng cực làm nên sự độc đáo trong cung cách… lý luận đã khiến ý kiến này được người điều hợp chuỗi thảo luận cho rằng xứng đáng có được một khoảnh đất rộng rãi trên diễn đàn Da Màu! Do đó, cùng với một vài điều "hay ho" khác, chịu trách nhiệm điều hợp chuỗi thảo luận mọc lên từ bài viết “Trịnh Công Sơn & Tham vọng Chính trị” không nhất thiết là một công việc không thú vị.

Trong khi phải chịu đựng những “dị biệt ngôn ngữ” của các thế hệ 8x, 9x trong và ngoài Việt Nam, tôi không thể nói là mình đã không xúc động khi đọc được những tình cảm trong sáng của họ. Tôi nghĩ rằng phần đông không biết gì nhiều về những tranh chấp trong quá khứ. Ngay cả nếu biết [đến một mức độ nào đó], tôi cho rằng họ đã không quan tâm lắm đến chuyện ai đúng ai sai trong quá khứ. Và tôi tin rằng, nếu không phải toàn bộ thì hầu hết trong số họ đều yêu mến âm nhạc Trịnh Công Sơn, và qua đó, con người của ông. Tất nhiên điều này đưa họa sĩ Trịnh Cung vào một vị trí vô cùng bất lợi bởi vì bài viết của ông có khả năng làm sứt mẻ hình tượng toàn bích của người nhạc sĩ quá cố. Một số ít lớn tiếng phản đối, thậm chí sỉ vả Trịnh Cung vì đã xúc phạm đến thần tượng của họ. Một số khác thì chỉ mong muốn “người lớn” xí xóa, bỏ qua “chuyện năm xưa” để tro tàn yên ắng, và để họ, thế hệ trẻ, yên tâm với những gì họ có và muốn tiếp tục gìn giữ. Trái tim tôi ở với họ, những người trẻ tuổi không muốn biết đến hận thù.

Những huyên náo, ồn ào đến từ “người lớn” và dựa trên những điều tất nhiên phải là vô cùng cao quý. Trước và trên hết là đạo lý. Kế đến là nghệ thuật. Và còn gì nữa nếu không phải là chính kiến?

Trong một bài phản bác với tựa đề mang tính bỉ thử một cách thừa thãi, nhà báo Lê Minh Quốc đưa ra một số dữ liệu để chứng minh những điều trình bày trong “Trịnh Công Sơn & Tham vọng Chính trị” là vô căn cứ. Trong số các "điểm" Lê Minh Quốc phản bác, chuyện Trịnh Công Sơn thật ra không bị nhạc sĩ Tôn Thất Lập mắng mỏ là đáng tin cậy nhất vì việc Tôn Thất Lập không có mặt ở đài phát thanh là điều hoàn toàn có thể kiểm chứng được. Phần còn lại hoặc là dựa trên suy luận/đoán định của Lê Minh Quốc về tình huống được đề cập hoặc từ "lời khai" của đệ tam nhân, vốn về mặt lý luận, không đáng tin hơn hay kém những tuyên bố của Trịnh Cung. Nói tóm lại, tất cả các nghi vấn, ngoại trừ vụ Tôn Thất Lập, vẫn tiếp tục là nghi vấn cho đến khi có được bằng chứng không thể chối cãi được về sự chân thực hay không chân thực của những điều Trịnh Cung và Lê Minh Quốc đã nêu ra. Tuy vậy, bài viết của Lê Minh Quốc đã được sử dụng như là nền tảng và có khi đã là bài viết duy nhất được đọc mà nhiều người dựa vào đó để đánh giá và nhanh chóng lên án nhân cách của Trịnh Cung.

Không thể nói là Trịnh Cung đã không dự phần trách nhiệm trong chuyện này. Một bài viết mà chính tác giả đã biết trước sẽ gây nhiều sóng gió không nên chứa đựng những chi tiết cẩu thả như thế. Ngoài ra, một số dữ kiện mà theo tôi hoàn toàn không đóng góp được gì cho vấn đề Trịnh Cung muốn bạn đọc lưu ý cũng được đưa vào bài, "tình bạn không có thật" giữa họa sĩ Đinh Cường và tác giả chẳng hạn. Những điều như vậy chỉ làm giảm đi sự thuyết phục của lập luận chính yếu và đồng thời tạo cơ hội cho độc giả đặt nghi vấn về động cơ thực sự của bài viết. Tuy nhiên, tôi tin rằng quý độc giả thận trọng sẽ không dựa vào chỉ một vài sơ xuất để quyết định giá trị của toàn thể theo kiểu vơ đũa cả nắm.

Trong mọi trường hợp, Lê Minh Quốc có quyền hoài nghi sự chính xác của những dữ kiện đưa ra trong bài viết của Trịnh Cung. Và Lê Minh Quốc đã có thể dừng lại ở nội dung bài viết thay vì thòng thêm một cú đấm dưới thắt lưng ở phần kết:

Thật ra, phê phán anh Trịnh Cung là một điều khó khăn, vì so với tôi - thế hệ cầm bút trưởng thành sau năm 1975 - thì anh vẫn là người trước trong lãnh vực văn học nghệ thuật lẫn tuổi đời, tuổi nghề. Vậy bày tỏ thái độ như thế nào? Tôi hỏi mẹ tôi - năm nay gần 90 xuân xanh (sic!) - mẹ tôi bảo: “Sống ở trên đời đừng bao giờ “ngậm máu phun người”, vì người chưa bẩn nhưng miệng ta đã bẩn”.

Rõ ràng là Lê Minh Quốc không phải là một hiếu tử, ông đã không nghe lời cụ nhà. Trước khi cho phép mọi người biết rõ đầu đuôi, ông đã đứng ngay ở cái tựa đề bài viết của mình và… phun tứ tung!

Từ bài viết của Lê Minh Quốc, đăng trên mạng Thanh Niên online, lòng dạ văn nghệ sĩ cả nước bỗng sôi sục với cao trào đạo đức. Đây là một phản ứng hoàn toàn có thể hiểu được. Trong dịp trở lại cùng bạn đọc vào giữa tháng 3/2009 vừa qua, diễn đàn talawas.org, nay là talawas blogs, đã nhanh chóng mở ra chuỗi thảo luận "Khủng hoảng đạo đức" hướng về quê nhà Việt Nam yêu dấu. Nói chung, những người tham gia chuỗi thảo luận này, phần đông là những nhà trí thức sinh sống trong nước, không có mấy ai lạc quan về tình hình đạo đức ở Việt Nam. Bằng cách đặt ra những nghi vấn về tư thế chính trị của Trịnh Công Sơn vào thời điểm bi quan này, Trịnh Cung, người mà tình bạn thắm thiết với và quan hệ gần gũi với gia đình của Trịnh Công Sơn là điều ai cũng biết, ngay tức khắc trở thành con mồi lý tưởng cho nỗi đói khát được quyền chứng minh là giềng mối đạo đức của ta cũng không đến nỗi nào, ít nhất là cũng không tệ như tên "lừa thầy phản bạn" Trịnh Cung! Hàng tá người bỗng một sớm một chiều trở thành nhà đạo cao đức trọng, nhưng trong số đó không có ai bén gót ông Thuận Nghĩa! Trong một bài viết do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo gởi đến và được đưa vào phần "Đọc Trên Mạng" của Da Màu, độc giả có thể tìm đọc câu chuyện mà trong phần giới thiệu vô cùng trân trọng của mình, Nguyễn Trọng Tạo đã "đọc thấy bàng hoàng, nghĩ về sự thiếu nhân cách của nghệ sĩ đã xúc phạm công chúng yêu nghệ thuật đên thế nào… Thuận Nghĩa đã làm cho người đọc giật mình đến nghẹn thở, khi biết rằng chính tác giả cũng đã nén lệ vào lòng."

Không chỉ nén lệ vào lòng, Thuận Nghĩa còn biểu lộ ra ngoài một cách ồn ào lòng "trượng nghĩa khinh tài," liệng bỏ xuống sông bức tranh "Con mèo trèo cây cau" của Trịnh Cung mà theo tôi trị giá ít nhất cũng dăm bảy ngàn đô! Trong một bài viết hơn 1800 chữ không kể phần giới thiệu của Nguyễn Trọng Tạo đề cập ở trên, Thuận Nghĩa bỏ ra 1272 chữ chỉ để kể lể công đức cứu nhân độ thế của mình vốn đến lượt biến ông thành sở hữu chủ của hai bức tranh, một của Bửu Chỉ và một của Trịnh Cung. Chỉ trong 55 chữ tiếp theo đó, và câu thứ 2 trong đoạn này có thể vất đi một cách an toàn, ông quyết định Trịnh Cung là kẻ phản bạn đê hèn:

Mấy hôm rồi đọc tin trên các báo điện tử, thấy có bài nói nhiều về bài viết của Họa sĩ Trịnh Cung. Tôi ở xa lại là người không có chính kiến rõ ràng trong vụ này. Nhưng có một điều tôi khẳng định là Trịnh Cung là một kẻ phản bạn đê hèn.

Hử? Có ai “khẳng định” giùm tôi là ông Thuận Nghĩa đã đọc bài nào trong số các bài nói nhiều về bài viết của họa sĩ Trịnh Cung? Tất nhiên là không ai nghi ngờ về chuyện ông đã KHÔNG đọc qua chính bài viết gây sóng gió của Trịnh Cung! Tuy nhiên, bất kể khẳng định của Thuận Nghĩa được hình thành dựa trên cơ sở nào, đã quá trễ để cứu vãn… bức tranh "Con mèo trèo cây cau." Phần còn lại của bài viết là một sao chép thô lậu của điển cố Hứa Do Sào Phủ:

Tôi tháo bức tranh mèo trèo cau của Trịnh Cung xuống, định bỏ đi, nhưng vì vẫn cứ luyến tiếc bức tranh đã theo mình mấy chục năm và ăm ắp kỷ niệm. Vậy là tôi vác ra cái quán ăn Việt nam gần phố tôi ở, gạ tặng lại cho ông chủ quán.

Tôi rầu rầu kể lại chuyện họa sĩ Trịnh Cung, bạn chí cốt của Trịnh Công Sơn, viết báo bôi nhọ họ Trịnh, làm cái chuyện trời đất không tha là hám danh lợi mà bán đứng bạn bè đã quá cố của mình. Nghe tôi kể xong Ông chủ quán ném tấm tranh vào người tôi ngoác miệng lên chửi: "Ông đem cái thứ dơ bẩn ấy cút đi cho khuất mắt, mẹ kiếp tưởng tốt lành gì, hóa ra là ông ngửi đéo được rồi ông mới đem cho chúng tôi ngửi..". Vừa nói Ông vừa lấy tay đẩy tôi ra khỏi quán như xua đuổi một thứ tà ma dị hợm. Làm như tôi và bức tranh là cái thứ gì bốc mùi tởm lợm không bằng.

Giải pháp duy nhất và tối hậu mà Thuận Nghĩa có thể làm được là liệng bức tranh của "tên lừa thầy phản bạn" xuống một trong những con sông chảy ngang thành phố Hamburg. Câu chuyện chấm dứt một cách vô cùng thích nghi với nhân cách cao quý của lãnh tụ đạo đức Thuận Nghĩa :

Nhìn bức tranh bập bềnh dập dờn trên sóng, tôi lại thoáng lo âu và thầm nghĩ: "Không biết bức tranh ấy của Trịnh Cung có làm ô uế thêm dòng nước vốn đã quá ô nhiễm này không nhỉ"

Không thể trách Nguyễn Trọng Tạo đã bàng hoàng. Anh là nhà thơ với trái tim vô cùng nhạy cảm. Vào năm 2009, không phải ai cũng có cơ hội chứng kiến cuộc tái sinh của cặp thánh nhân Hứa Do Sào Phủ. Rất tiếc, không thấy Thuận Nghĩa cho biết tên và địa chỉ của cái quán ăn của ông chủ quán Sào Phủ tân thời để nếu có dịp, tôi (và các bạn đọc hiếu kỳ khác) sẽ ghé Hamburg để chiêm ngưỡng và để được nghe chính miệng ông kể lại câu chuyện cứ như thần thoại này. Bởi vì có một Hứa Do ở bất cứ nơi đâu trong thời buổi này đã khó như lên trời, nay lại có thêm Sào Phủ ở cùng Hứa Do trong số một nhúm người Việt ở Hamburg tận trời Âu thì đúng là chuyện thế gian hi hữu! Nhân tiện, tại sao lại là Hamburg, Germany, một trong những thành phố lớn nhất nhì Âu châu? Nạn nhân của những tội ác còn to tát gấp bội "cái chuyện trời đất không tha là hám danh lợi mà bán đứng bạn bè đã quá cố của mình" phần lớn vẫn còn ở quê hương yêu dấu của Thuận Nghĩa kia mà? Ở đó người ta còn bán tới… bô xít và cả cái gì gì nữa kìa, bán rất nhiều và rất nhanh, và theo cái cung cách gọi tên "tội ác" theo kiểu thậm xưng như "trời đất không tha" thì nhất định Thuận Nghĩa sẽ nhanh chóng hết sạch chữ để gọi/đặt tên những tội ác này! Có lẽ vì vậy mà Hứa Do tân thời của chúng ta chịu không nổi nên phải chạy tuốt qua Hamburg để… rửa tai và làm đại diện cho công chúng yêu nghệ thuật ở Việt Nam?

Bất kể sự châm biếm không buồn che giấu ở đây, tôi sẵn lòng tin rằng Thuận Nghĩa đã thật sự ném bức tranh con mèo trèo cây cau xuống sông, đơn giản vì tôi cho rằng bệnh nhân của bệnh hoang tưởng luôn có những hành động rất không bình thường.

Ngoài hai bài viết của Lê Minh Quốc và Thuận Nghĩa, còn có thể kể đến một số bài phản bác khác mà bạn đọc có thể tìm thấy ở trang "Đọc trên mạng" của tạp chí Da Màu, phần đông đăng trên các báo cơ quan, hội đoàn nhà nước. Những bài này, hoặc là những phát biểu cá nhân, hoặc là những phán xét dựa trên những điều không ăn nhập gì đến hoặc chỉ lởn vởn chung quanh cái vấn nạn thực sự mà bài viết của Trịnh Cung đã, một cách vô tình hay cố ý, chạm đến. Cho đến khi tôi đọc được bài viết của, còn ai khác hơn là, Lữ Phương. Bài "Trong hai ông họ Trịnh này, ai mới là người có tham vọng chính trị?" của Lữ Phương nói ra được cái điều mà hầu hết quý tác giả khác trong "dàn đồng ca" không vói tới được (hoặc vói mà không tới được): nhân cách chính trị của Trịnh Công Sơn. Trong cái nhìn của tôi, đây là bài viết thâm nhất và có thể dẫn đến tai ương nghiêm trọng cho tác giả của "Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị." Một cách có hệ thống, Lữ Phương bắt đầu với những chỉ trích, bắn phá nhân cách Trịnh Cung từ nhiều góc độ một cách gián tiếp theo kiểu "tôi thì không nhưng người khác thì…" trước khi hạ sát thủ với đoạn cuối cùng trong bài viết của mình mà tôi xin được trích dẫn dưới đây:

Thật khó mà tin rằng sự việc cuối cùng lại tào lao đến như vậy. Chẳng lẽ ông không hiểu rằng cái chết là một sàng lọc cho một đời người: nếu là một thiên tài, có ai ngăn cản ông trở thành một huyền thoại hội hoạ Việt Nam sau này, cần gì phải hạ nhục bạn bè? Tôi vẫn không tin rằng ông lại tầm thường, nhỏ mọn đến như thế. Vì thế trong khi loay hoay với mấy trang viết của ông, tôi vẫn cảm thấy có một cái gì đó hơi có phần bất ổn trong con người của ông trong những ngày thời tiết đang đi vào nóng bức cực độ này.

Hay là giả thuyết sau đây có thể sẽ là thích hợp với ông hơn: ông chỉ mượn Trịnh Công Sơn như một cái cớ để bày tỏ nỗi cô trung chính trị của mình, gửi tới các chiến hữu từ xa như một cách góp phần kỷ niệm những ngày tháng tư “đen” sắp tới? Tôi mong mỏi cái ý nghĩ cuốí này của tôi về bài viết của ông cũng không đúng luôn!

Thoạt nghe, cứ như hai ông bạn ngồi với nhau trên chiếc "ghế đá công viên" cô quạnh trong buổi tàn thu và một ông thì một cách đầy thương xót, lên giọng trách móc ông kia, "bộ mày điên rồi hả, nếu không điên thì mày phải là thằng bán bạn cầu vinh!" Sự thật là chả có bạn bè hoặc thương xót gì ở đây. Lữ Phương chỉ muốn thuyết phục người đọc là Trịnh Cung chả có điên khùng gì hết, và việc phổ biến "Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị" của họa sĩ họ Trịnh đến từ một mưu đồ chính trị liên quan đến cái hồn ma cũ mang tên Việt Nam Cộng Hòa!

Tôi sẽ trở lại với bài viết của Lữ Phương (và của nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân mới đây) một cách chi tiết ở phần sau. Ở đây, xin được nói thêm về "giả thuyết" nói trên của Lữ Phương. Trên thực tế, "giả thuyết" của Lữ Phương không có gì mới mẻ. Nếu có điều gì đáng lưu ý, đó chính là sự gần gũi của nội dung và số lượng được tung ra của những bài viết tương tự.

Trong những ngày vừa qua, tôi có hân hạnh đọc và loại ra hàng tá những bài có nội dung rất gần với điều Lữ Phương đã viết xuống. Theo lời quý tác giả của "giả thuyết" này, động cơ đã thúc đẩy Trịnh Cung phổ biến bài viết "Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị" không gì khác hơn là để dọn đường cho việc định cư tại Hoa Kỳ. Cũng theo họ, để chuẩn bị cho cuộc sống mới ở xứ lạ quê người cùng người vợ trẻ và đứa con thơ, Trịnh Cung trước hết phải mua lòng các chiến hữu cũ, những người chống cộng triệt để. Có người còn bảo trong một lần đến Mỹ trước đây, ông đã có những lời lẽ xúc phạm "cộng đồng," và điều này sẽ gây khó khăn cho ông mai hậu. Để chuộc tội, ông cần thiết phải bày tỏ được với "cộng đồng" quyết tâm chống cộng của mình. Và không còn nghi ngờ gì nữa, "Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị" chính là món quà lót đường cho đời sống ấm êm của Trịnh Cung và vợ con giữa lòng phố Bolsa cờ vàng lộng lẫy! Tất nhiên là những "bình luận" kiểu này đã nhanh chóng bị loại bỏ bởi vì khẩu thuyết vô bằng và do đó đã vi phạm qui định của tạp chí Da Màu.

Cuối tuần trước (11.04.2009), tôi có dịp đi quận Cam để cùng các bạn trong BBT Da Màu tham dự liên hoan phim Việt Nam (VIFF) tổ chức trong khuôn viên Đại học UC Irvine. Trong dịp này, tôi nghe từ ít nhất ba người trong giới viết lách mà tôi sẽ không nêu danh tánh về tin [đồn] Trịnh Cung sẽ sớm định cư tại Hoa Kỳ. Nếu điều này đúng sự thật thì cái "giả thuyết" của Lữ Phương và "ý kiến" của quý vị độc giả nói trên sẽ có những tác dụng vô cùng độc hại lên đời sống của Trịnh Cung và gia đình ông. Bất kể Trịnh Cung có thực sự muốn "lấy lòng chiến hữu" hay không, nỗi hoài nghi của người chung quanh [trong và ngoài nước] dựa trên những cáo buộc thiếu chứng cớ này sẽ đeo đẳng ông trong những ngày sắp tới và có thể đưa ông và người thân của ông vào tình huống “Trời đất thênh thang mà không có chỗ dung thân.”

Có vẻ như những người ủng hộ "giả thuyết" của Lữ Phương sẵn sàng đi rất xa trong việc thuyết phục mọi người. Vào buổi sáng ngày 9 tháng 4 năm 2009 (giờ California, Hoa Kỳ), tạp chí Da Màu nhận được một phản hồi đến từ độc giả Tran My Chau mà toàn bộ nội dung được lập lại dưới đây. Xin lưu ý, các hàng chữ/ký hiệu nằm dưới tên độc giả Tran My Chau là địa chỉ email, địa chỉ IP, và ngày giờ bài bình luận gởi đến Da Màu.

Tran My Chau
mailaban11@yahoo.com
118.69.130.5

Submitted on 2009/04/09 at 1:26am

Mấy ngày hôm nay tôi cũng thường xuyên theo dõi diễn biến của sự việc này, hôm nay xin được kể ra một chi tiết mà có lẽ khi đọc xong rất nhiều người sẽ thôi không bàn tán gì thêm nữa.
Hôm qua, tôi có gặp Phương Lan, vợ của họa sĩ Trịnh Cung, là chỗ quen biết với tôi hồi đi học. Hai người thành hôn năm 2006 và đã có một cháu hơn 2 tuổi.
Ngồi nói chuyện một lúc, tôi có hỏi Lan về cái vụ bài viết của Trịnh Cung về Trịnh Công Sơn trên diễn đàn danluan.org, Lan cười nhìn vẻ xa xăm. Giọng buồn buồn Lan nói: “Thật ra mình và anh Cungcungx mệt mỏi lắm bởi dư luận, mình không nghĩ là sự việc lại đi theo một chiều hướng như thế này. Lúc đầu anh Cung có ý định muốn mình và con được sống yên ổn ở Mỹ, dẫu sao thì ảnh cũng lớn rồi (Trịnh Cung năm nay ngoài 70) còn mình thì trẻ quá (Lan năm nay khoảng 30). Ảnh muốn tạo dư luận bên đó , ảnh biết bên đó nhiều người không thích Trịnh Công Sơn do Trịnh Công Sơn ở lại sau biên cố 75 nên ảnh mới viết bài này nhằm lấy lòng cộng đồng người việc bên đó để mình được thuận lợi về sau, chứ thật ra anh Cung và Trịnh Công Sơn là chỗ bạn bè thân thiết, hồi sống không nói thì thôi chứ mất rồi thì nói nhau làm gì! không ngờ sự việc lại như thế này…
Tôi có hỏi vui với Lan rằng: Bạn có tham gia viết bài này hay không mà giọng điệu nghe quen thế (Lan là nhà thơ, học chung với tôi thưở trước), Lan cười bảo thật ra là Lan viết nhưng trên cơ sở những gì anh Cung kể.
Mọi việc chỉ đơn giản như vậy, có lẽ chúng ta nên thôi bàn tán nữa. Tôi cũng hiểu và thông cảm Trịnh Cung bởi dẫu sao đây cũng là sự hi sinh tình cảm cá nhân để đổi lại tương lai cho vợ trẻ và con nhỏ. Có lẽ mọi người yêu quí Trịnh Cung hãy mở rộng vòng tay mà đưa vợ con Trịnh Cung sống yên ổn ở Mỹ. Có vậy thì sự hi sinh này của Trịnh Cung còn có được nhiều ý nghĩa.
Xin lỗi Lan vì mình nói ra điều này, mình nghĩ nó cũng cần thiết Lan ạ. Chúc 2 vợ chồng khỏe, chúc cháu ăn nhiều.

Dựa trên nội dung bài phản hồi nói trên, mọi việc trở nên vô cùng rõ ràng và “giả thuyết” của Lữ Phương sắp thành sự thật! Chỉ còn có mỗi một chi tiết nhỏ để giải quyết, và sau đó hồ sơ có thể được đóng lại vĩnh viễn. BBT Da Màu nhanh chóng hồi âm độc giả Tran My Chau và yêu cầu Tran My Chau cho biết giờ giấc và địa điểm của cuộc gặp gỡ vào "ngày hôm qua" (tức là ngày 8 tháng 4 năm 2009) với nhà thơ Phương Lan. Vì mục tiêu và giới hạn của bài viết này, tôi không tiện đưa ra những chi tiết, kể cả chi tiết kỹ thuật, về diễn tiến thú vị tiếp theo đó. Bạn đọc có thể theo dõi toàn bộ diễn tiến ở đây: Tran My Chau tung tin hỏa mù về Trịnh Cung và phu nhân!

Một cách ngắn gọn, email mailaban11@yahoo.com của độc giả Tran My Chau là giả mạo (điều này không làm ai trong BBT Da Màu ngạc nhiên) và dựa trên địa chỉ IP của độc giả… mạo Tran My Chau, BBT Da Màu có thể xác định phần bình luận trích dẫn ở trên được gởi đi từ một máy vi tính đặt một nơi nào đó ở chốn ngàn năm văn vật, còn được biết đến với tên gọi "thủ đô Hà Nội." BBT Da Màu có đủ chứng cớ để khẳng định là vào ngày giờ nói trên, và trước đó và sau đó, Phương Lan đang ở cách Hà Nội hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số. Tôi cho là cần thiết phải lưu ý bạn đọc cái ý đồ lôi kéo cả Phương Lan, phu nhân họa sĩ Trịnh Cung, vào câu chuyện này bằng cách “cho biết” chính Phương Lan đã tham dự vào bài viết của Trịnh Cung với tư cách người viết/biên tập bài “Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị.”

Tất nhiên tôi sẽ không nhanh nhẩu kết luận là nhân vật ném đá giấu tay Tran My Chau, quý tác giả của những bài viết tương tự đề cập ở trên, ông Lữ Phương, và gần đây ông Nguyễn Đắc Xuân, có bất cứ một thỏa thuận [ngầm] nào với nhau về phương cách phổ biến “giả thuyết” của mình bởi vì tôi không có bằng chứng nào về những mối liên hệ này. Tuy nhiên, sự tương tự của nội dung và số lượng các bài viết cáo buộc Trịnh Cung “mua lòng chiến hữu” được tung ra bất chấp thủ đoạn khiến người ta liên tưởng đến một chiến dịch theo kiểu "trục tà" (witch hunt) nào đó mà nhân cách của Trịnh Cung, và không chỉ của Trịnh Cung, là mục tiêu săn đuổi.

Hiện tượng này khiến chúng ta không khỏi tự hỏi, có gì ở đàng sau cuộc ám sát nhân cách này?

Hết phần I

Xin xem tiếp phần II: Đàng sau những cuộc ám sát nhân cách

Chung quanh vấn đề Tư thế Chính trị của Trịnh Công Sơn

Phần 2: Đàng Sau Những Cuộc Ám Sát Nhân Cách

Phùng Nguyễn

24.04.2009

http://damau.org/archives/5541

Tiếp theo PhầnI: Những Điều Trông Thấy

II. Đàng Sau Những Cuộc Ám Sát Nhân Cách

Ở phần trên, tôi đã đưa ra một số nhận xét về những phản ứng nảy sinh từ bài viết của Trịnh Cung. Đúng như sự tiên liệu của chính tác giả, bài viết của ông đã không được đón nhận một cách thuận lợi bởi người đọc, đặc biệt người đọc trong nước, một phần bởi vì đa số không bắt đầu việc "đọc" với văn bản gốc trên tạp chí Da Màu mà với những bài chỉ trích trên hệ thống báo chí của nhà nước. Kế đó, những người phản đối xúm lại "đánh" tác giả dựa trên những điều không hề là cốt lõi của bài viết. Như đã chỉ ra, võ khí ưa thích nhất là tiêu chuẩn đạo đức và dựa dẫm vào tâm lý đám đông, ở đây là lòng ái mộ của nhiều tầng lớp dân chúng giành cho nhạc sĩ quá cố họ Trịnh.

Cũng chính từ "dàn đồng ca" này, nảy sinh một hiện tượng rất đáng lưu ý, đó là tất các tác giả đều tìm đủ mọi cách để chứng minh là Trịnh Công Sơn không có tham vọng chính trị.

Theo Lê Minh Quốc, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho biết:

Sự việc như thế này, có lần nhạc sĩ Hoàng Hiệp nói với tôi là Hội Âm nhạc TP.HCM có ý định phát triển Đảng cho Trịnh Công Sơn, nhưng tôi không đồng ý dù biết thiện ý của anh Hoàng Hiệp là tốt. Với tôi, Trịnh Công Sơn đứng ngoài Đảng vẫn "hay" hơn, chứ làm gì có chuyện như Trịnh Cung đã viết.

Trong phần trích dẫn ở trên và ở tất cả các nơi khác, cái mấu chốt của vấn đề Trịnh Cung đưa ra không hề được trả lời thỏa đáng: Có hay không việc Trịnh Công Sơn tình nguyện xin vào đảng. Tuy vậy, phát biểu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một bằng chứng không thể chối cãi về việc tên tuổi Trịnh Công Sơn đã có lúc nằm trong một toan tính chính trị của giới lãnh đạo đương thời. Câu hỏi ở đây là "Tại sao đứng ngoài đảng thì ‘hay’ (hay ‘có lợi’) hơn? " Theo lệ thường, tư thế đảng viên luôn luôn là "hay" hơn các "thân phận" khác chứ? Đã và đang có bao nhiều văn nghệ sĩ phe phẩy chiếc thẻ đảng mà vẫn "hay" như thường, không phải vậy sao? Vả lại, nếu quả thực Trịnh Công Sơn tình nguyện xin vào đảng, đây nhất định phải là một thắng lợi chính trị cho đảng cộng sản bởi vì đảng có thể huênh hoang rằng cái tên nghệ sĩ mà tư thế chính trị cứ như một tên du tử lãng đãng giữa chợ đời cuối cùng cũng được "mặt trời chân lý chói qua tim!"

Vậy thì điều gì đã thực sự xảy ra? Để trả lời câu hỏi này, phải trước hết trả lời một câu hỏi khác: "Tại sao tham vọng chính trị và Trịnh Công Sơn không được phép đi cùng với nhau?" Ở phần dưới đây, tôi xin phép được mạo muội thử tìm câu trả lời, trước hết cho chính mình và đồng thời để mong nhận được sự khai hóa (không phải khai hỏa, xin lưu ý) của quý bạn đọc gần xa.

Câu trả lời đến sớm nhất với tôi là "Bởi vì Trịnh Công Sơn là một thiên tài âm nhạc của Việt Nam." Nhất định là thế, nhưng không hẳn là đủ bởi vì Văn Cao và Phạm Duy không phải là thiên tài âm nhạc hay sao? Nếu thêm vào đó "và là thần tượng của hàng triệu người trong nước" thì vẫn chưa đủ để trả lời cho câu hỏi "Tại sao Trịnh Công Sơn không được phép có tham vọng chính trị?" Theo tôi, chính là vì "tham vọng chính trị" trong một giai đoạn nhất định của lịch sử Việt Nam hiện đại đồng nghĩa với những điều xấu ác. Và Trịnh Công Sơn thì "không thể" làm điều xấu ác! Vì sao?

Vào một thời điểm kéo dài ít nhất hơn một thập kỷ, người Việt Nam, đặc biệt ở phần đất phía Nam, nếu không may mắn vượt thoát ra nước ngoài trước đó, luôn buộc phải ở một trong hai vị trí: hại người hoặc bị người hại. Xin lưu ý chữ "buộc," bởi vì lắm khi người ta không có quyền lựa chọn để KHÔNG hại người. Điều này ông Lữ Phương biết rất rõ, và không những thế, đời sống của ông làm chứng cho nó. Để được phép không hại người, ông phải từ bỏ cái tổ chức mà trước đó ông đã phấn đấu ghê gớm lắm để giành được tấm thẻ đảng viên. Tham vọng chính trị ở Việt Nam, sau 1975 và mãi đến bây giờ, bắt buộc phải bắt đầu với việc trở thành một đảng viên của đảng cộng sản, và do đó, đồng nghĩa với việc đứng về phía buộc phải hại người! Trịnh Công Sơn chưa từng, hoặc ít nhất được tin rằng chưa từng, hại người khác trong và sau chiến tranh. Đây là một đức tính tuyệt diệu và quý hiếm cho bất cứ ai KHÔNG ở về phía bị bức hại nhưng lại có cơ hội KHÔNG bị buộc phải hại người khác! Sự đỡ đầu của một hay nhiều yếu nhân của chế độ trong thời gian nói trên đã khiến một điều khó khăn như thế trở thành hiện thực trong đời sống của Trịnh Công Sơn.

Cộng với những bản nhạc trữ tình chứa đầy "ma ngữ" làm say mê hàng triệu tâm hồn Việt nam, nhất là sau một thời gian dài chỉ được nghe những giọng hò tiếng… hét, vị trí vô cùng đặc biệt của Trịnh Công Sơn trở nên một ước mơ cho rất nhiều người. Và cùng với ngày tháng, hình tượng Trịnh Công Sơn trở nên hoành tráng, kỳ vĩ hơn bởi vì đời sống được biết đến của ông vô cùng gần gũi với niềm mơ ước của họ, một đời sống yên lành, không bị bức hại và trong cùng một lúc, được phép không làm hại ai! Và tất nhiên là cả quyền được hát ca những bản tình ca làm say đắm lòng người!

Có một ý kiến khác tôi được nghe, có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giải thích quá trình "thần tượng hóa" Trịnh Công Sơn. Sau 1975, đám tang nghệ sĩ cải lương Thanh Nga (1978) và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (2001) là hai tang lễ được nhiều người tham dự nhất. Cả hai đều nổi tiếng trước 1975 và trong mọi góc nhìn, là "sản phẩm" của xã hội miền Nam. Tất nhiên là sẽ có người lên tiếng phản đối việc liên kết "xã hội miền Nam" với Trịnh Công Sơn, lý luận rằng ông là một nghệ sĩ dân tộc, không nên phân biệt miền này miền nọ. Vâng, để tránh phải cãi cọ lôi thôi, xin được nói lại là Trịnh Công Sơn nhất định không phải là "sản phẩm" của xã hội miền Bắc, trước và sau 1975!

Trở lại với ý kiến nhằm giải thích số lượng lớn lao người tham dự đám tang của Thanh Nga và Trịnh Công Sơn. Trước hết, có nhiều cơ sở để tin rằng tuyệt đại đa số những người tham dự tang lễ và ngay cả những người muốn tham dự nhưng không thể đến được là người miền Nam thuộc nhiều tầng lớp. Và trong sự khiếm diện của tự do ngôn luận, đây là một cách "tuyên bố" của người miền Nam rằng họ có một hay nhiều thần tượng riêng của mình. Nói cách khác, đây là một hành động phủ nhận các loại thần tượng xa lạ áp đặt lên xã hội miền Nam sau 1975. Cùng với những bài hát vô cùng quen thuộc ôm ấp tâm sự người dân miền Nam suốt một thời chinh chiến, cái vị trí lơ lửng không thuộc về ai và không phải làm hại một ai (lại sẽ có người phản đối!), Trịnh Công Sơn được người miền Nam chọn thay thế một số ngẫu tượng họ cho rằng không xứng đáng ở vào một vị trí cao quý trong tâm tư của họ.

Và như thế, đặc biệt sau khi ông qua đời, Trịnh Công Sơn trở thành một biểu tượng của những người không muốn làm hại một ai trong một giai đoạn đen tối của đất nước. Cho nên, có rất nhiều lý do để ông không nên đứng trong hàng ngũ những người cộng sản, trong và nhất là sau chiến tranh! Và như đã đề cập ở trên, ngay cả một số [cựu] đảng viên cộng sản cũng tìm thấy mình ở trong tâm thái "phủ nhận" (denial) khi có ai đó "cáo buộc" Trịnh Công Sơn có "tham vọng chính trị." Bởi vì cái ước muốn sở hữu lương tri của người "không từng làm hại ai" cũng là cái ước muốn của rất nhiều người trong số họ, đặc biệt những người xuất thân từ miền Nam, và tôi hy vọng nhận xét của mình về động cơ của tâm thái "phủ nhận" này đúng với sự thật!

Trịnh Cung, bằng cách nói ngược lại điều đám đông muốn tin vào, đã gặp phải một phản ứng vô cùng dữ dội. Trong khi một bộc phát như vậy có thể hiểu được về phương diện cảm tính, phản ứng này phải được nhìn nhận như là một đối xử bất công áp đặt lên tác giả "Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị" bởi những đầu óc tỉnh táo. Người ta có thể lập luận rằng người đọc, ở một mức độ nhất định, có quyền săm soi nhân cách tác giả để xác lập mức độ tin cậy của họ lên các tuyên bố của tác giả, đặc biệt khi lượng thông tin cung cấp không đủ để có một quyết định dứt khoát. Tuy nhiên, ở đây sự "săm soi" đã đi quá xa, xoáy sâu vào nhân cách của ông thay vì vào điều ông thực sự muốn đề cập, và nhanh chóng trở thành một phản ứng gần như tự động để bác bỏ ngay lập tức khả năng có tham vọng chính trị của Trịnh Công Sơn! Đã không hề thấy bất cứ một ai trong nước lên tiếng để đưa ra ánh sáng cốt lõi của vấn đề: tư thế chính trị của Trịnh Công Sơn trong và sau cuộc nồi da xáo thịt.

Người đến gần nhất với điều này, như đã đề cập ở trên, là Lữ Phương, nhưng với một hậu ý mà theo tôi còn tệ hại hơn cả của đám đông "trừ tà" (witch hunt) huyên náo đề cập ở trên. Một cách lớp lang, ông bắt đầu với việc triệt hạ nhân cách Trịnh Cung, và trong suốt bài viết, không bỏ lỡ cơ hội để trói buộc cái "nhân cách" của Trịnh Cung do chính ông vẽ ra với một điều đã không còn thực sự hiện hữu từ 34 năm về trước. Trong bài viết, cụm từ "Việt nam Cộng hoà" xuất hiện khá nhiều lần. Cùng với chúng là "chiến tranh tâm lý," "người hùng chống cộng," và đặc biệt, "nỗi cô trung chính trị." Ít hôm sau đó, ông có thêm bạn đồng hành, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.

Trong bài phản hồi "Thư gởi họa sĩ Trịnh Cung về chuyện lừa người nổi tiếng vào chuyện tuyên truyền chính trị rẻ tiền," tác giả Nguyễn Đắc Xuân, bằng cách "kê tủ đứng" người đọc về nhu cầu phải áp dụng phương pháp "đạp gai phải lấy gai mà lễ," đã tự cho phép mình ở vào vị trí truy chụp Trịnh Cung một cách vô tội vạ. Điều này Nguyễn Đắc Xuân đã thực hiện một cách công khai (đựa trên đặc quyền làm Mộ Dung Cô Tô nói trên) khi đưa ra một số "hư cấu" về "tội ác" của Trịnh Cung liên quan đến Ngô Kha và ở nhiều trường hợp khác. Nói chung, chiến thuật này xem ra không có hiệu quả, hoặc nếu có thì đó lại là một thứ hiệu ứng ngược vô cùng bất lợi cho Nguyễn Đắc Xuân. Tuy nhiên, điều này không hề là quan tâm chính yếu của tôi. Ở đây, chính là sự lập lại của cái thủ thuật đã được Lữ Phương sử dụng mới đáng được chú ý nhiều hơn. Có ít nhất năm lần cụm từ "sĩ quan chiến tranh chính trị" hoặc "tâm lý chiến" đi kèm với tên Trịnh Cung trong bài viết của Nguyễn Đắc Xuân. Và cũng giống như "Trong hai ông họ Trịnh này, ai mới là người có tham vọng chính trị?," cuộc ám sát nhân cách Trịnh Cung luôn luôn đi kèm với việc nhắc nhở độc giả về quá khứ "sĩ quan VNCH," một cách gọi khác của "lính ngụy Sài Gòn."

Đến đây, một người vô tâm cũng phải đặt câu hỏi về những diễn biến kể từ "Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị" được phổ biến, đặc biệt cái nỗ lực, không phải của một cá nhân mà của một số đông, trong đó có nhân vật ném đá giấu tay Tran My Chau, nhằm đánh gục nhân cách của Trịnh Cung và trói buộc cái "nhân cách" bị bôi đen này với hồn ma của một chính thể đã không còn hiện hữu đã hơn ba mươi năm. Câu hỏi thật ra không có gì rắc rối lắm, chúng ta chỉ muốn biết “họ” làm như thế để làm gì! Vậy mà tôi đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi tìm câu trả lời. Sau cùng, tôi đành phải thú nhận là mình không có câu trả lời hợp tình hợp lý nào cho việc phát động hai cuộc ám sát nhân cách nhắm vào cá nhân Trịnh Cung và hồn ma VNCH.

Thật ra tôi đã không bỏ cuộc một cách dễ dàng. Tôi thậm chí nối gót ông Lữ Phương đưa ra một “giả thuyết” để mong tìm thấy giải đáp cho câu hỏi đơn giản của mình. Giả thuyết của tôi bắt đầu với câu lạc bộ “Cổ Lai Hy.” Tất nhiên đây là một cái tên bịa đặt, tôi lấy ra từ "Nhân sinh thất thập cổ lai hy." Vào thời buổi khoa học kỹ thuật tiến bộ này, đặc biệt trong lãnh vực y học, những người ở tuổi bảy mươi không còn là “cổ lai hy” nữa. Tuy vậy, đây là cái tuổi mà phần đông trong chúng ta cho rằng cuộc nhân sinh đã ở vào giai đoạn cuối, và một trong những nhu cầu cấp thiết nhất của hội viên câu lạc bộ Cổ Lai Hy là việc sửa soạn cái di sản họ sẽ để lại cho thế gian. Họ suy nghiệm và đánh giá lại toàn bộ quá khứ của mình và của kẻ khác, tìm tòi và so sánh với mục đích tìm cho họ một chỗ đứng khả quan nhất trong cái xã hội mà họ sẽ không có mặt, và nếu có thể được, cả trong lịch sử mai hậu. Không có gì sai với một tâm lý như vậy!

Một số trong nhóm hội viên này đã có lần là thành viên hoặc ít nhất hoạt động cho một tổ chức có tên là Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, gọi tắt là Mặt trận. Tổ chức này có mối liên hệ vô cùng đặc biệt với một thực thể có tên là Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Mặt trận được khai sinh từ trong lòng lãnh thổ VNCH để chống lại chính cái thực thể này, và về sau, chết cùng với nó. Đúng ra chết sau VNCH chừng một năm, nếu tôi nhớ không lầm. Cùng với cái chết của Mặt trận là rất nhiều cái chết khác của ảo tưởng, và nỗi loay hoay về một cung cách ứng xử thích hợp bắt đầu nảy sinh và lớn lên từng ngày từng giờ. Đến một lúc nào đó sự xung khắc trở nên không thể chịu đựng được nữa, người ta phải làm một cái gì đó. Chính là "cái gì đó" sẽ nói nhiều về nhân cách của mỗi cá nhân trong số họ. Có người chia tay nhưng không hẳn đành lòng dứt áo, có kẻ tung hê tất cả, cũng có kẻ tiếp tục ngậm bồ hòn làm ngọt, nín thở qua sông cho hết kiếp nhân sinh. Trong mọi trường hợp, khi gia nhập câu lạc bộ Cổ Lai Hy, họ đều mong muốn để lại cho hậu thế một di sản khấm khá.

Không có gì sai với ước muốn này. Vấn đề là để lại cái gì! Không giống như đồng chí của họ đến từ miền Bắc với niềm tin không hề lay chuyển vào chính nghĩa sáng ngời của cuộc chiến đấu thần thánh chống Mỹ cứu nước và đối thủ cũ của họ ở miền Nam với “nỗi cô trung chính trị” bền cứng như kim cương bất hoại hướng về một điều đã không còn hiện hữu hơn ba thập kỷ, cái họ đã có và không còn nữa chỉ là một cánh sao băng, rực rỡ như một ước mơ cháy bỏng, một lần bay ngang bầu trời lửa đạn và nhanh chóng tàn lụi, mãi mãi.

Chính là ở đây cái “giả thuyết” của tôi đi vào chỗ bế tắc bởi vì câu trả lời duy nhất mà tôi có thể rút ra được từ “giả thuyết” này là những cuộc ám sát nhân cách thực ra chỉ là một cách thế bày tỏ nỗi phiền muộn về một di sản trống rỗng. Giả thuyết của tôi, do đó, cần được dẹp bỏ một cách không thương tiếc, bởi vì thật khó mà tin rằng sự việc lại có thể tào lao đến như vậy!

*

Bất cứ là tại sao và để làm gì, tôi cho rằng “kế hoạch” kéo chằng hành động của Trịnh Cung vào với chế độ yểu mệnh VNCH là một hành động nông nổi. Cứ cho là “họ” thành công trong việc biến Trịnh Cung thành một người vô cùng xấu xa, "làm cái chuyện trời đất không tha là hám danh lợi mà bán đứng bạn bè đã quá cố của mình" theo cách nói của “Hứa Do” Thuận Nghĩa, làm thế nào để liên kết "tội lỗi" của Trịnh Cung với chế độ cũ? Trong suốt thời gian ba mươi bốn năm sau ngày đất nước thống nhất, cái môi trường mà Trịnh Cung đã hít thở, vẽ tranh, làm thơ, và thực hiện các sinh hoạt… tứ khoái có tên gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, hoàn toàn không dây mơ rễ má gì với VNCH! Nếu có trách thì nên trách cái xã hội đang còn sống sờ sờ này với tất cả các cuộc kinh doanh "lương thiện" về lãnh thổ, tài nguyên, và môi sinh quốc gia đang diễn ra trước mũi chúng ta. Không phải đã có người [xưa] nào đó nói là quít trồng đất Hoài (hoặc gì đó) Nam thì ngọt mà trồng ở đất Hoài (hoặc gì đó) Bắc thì chua hay sao?

Ông Lữ Phương (và ông Nguyễn Đắc Xuân) chắc cũng đã nghĩ đến điều này nên đã cố tình nhắc nhở độc giả nhiều lần về "nỗi cô trung chính trị" của Trịnh Cung trong bài viết của mình, làm như thể cái "nỗi" này là đầu giây mối nhợ của tất cả các "tội lỗi" mà Trịnh Cung đã phạm phải. Theo tôi, có thể đặt tên cho lập luận này là "tự bắn vào chân mình." Nếu quả thật Trịnh Cung (và không chỉ Trịnh Cung) luôn mơ tưởng đến chính thể VNCH trong suốt 34 năm sống dưới chế độ mới, điều này không làm dấy lên bất cứ câu hỏi nào trong đầu ông Lữ Phương hay sao? Tất nhiên là sẽ rất dễ dàng để một ai đó lý giải rằng có những người không thể quên được vinh hoa hay đặc quyền ngày cũ. Liệu điều này có đúng với trường hợp của Trịnh Cung hay không nếu chúng ta so sánh địa vị và danh vọng ông đang tọa hưởng trong cái xã hội mới này với những gì ông có được hơn ba mươi năm về trước? "Nỗi cô trung chính trị" mà ông Lữ Phương ra sức chế diễu trong "Trong hai ông họ Trịnh này, ai mới là người có tham vọng chính trị?" nhất định phải đến từ một điều gì khác, và điều này phải đủ quan yếu để biện minh cho sự hiện hữu của một nỗi niềm như thế.

Điều này có thể được nói ra bằng nhiều phương cách, và ở đây tôi xin chọn mượn lời của bà Đặng Tuyết Mai, một thời là phu nhân của tướng Nguyễn Cao Kỳ, nói về một điều có liên hệ vô cùng mật thiết với cái đề tài đang được tranh cãi:

Anh [Nguyễn Cao] Kỳ, lúc đó, là người đang chiến đấu. Thành ra, anh Kỳ đã một lần công khai trong ban Không quân, do anh Lưu Kim Cương hay mời anh Trịnh Công Sơn tới, đã đả kích anh Trịnh Công Sơn là anh đã viết những bài phản chiến. Chị nhớ lúc đó, anh Trịnh Công Sơn nói rằng, anh không nghĩ đến viết phản chiến gì hết, mà chỉ là một người nghệ sĩ viết lên niềm đau của dân tộc, những điều mắt thấy tai nghe, đau đớn thôi. Anh Kỳ nói rằng là, đương nhiên anh viết như thế, những người lính ở mặt trận… Anh Trịnh Công Sơn mới nói, anh là người đứng giữa, một chứng nhân. Anh Kỳ có nói rằng, trong hai chiến tuyến đang đánh nhau, anh chọn là người đứng giữa anh sẽ bị trúng đạn của cả hai bên. Thành ra, có sự rất căng thẳng giữa anh Kỳ và Trịnh Công Sơn.

Xuyên qua lời kể chuyện của bà Đặng Tuyết Mai, chúng ta có thể rút ra đôi điều. Trước hết, ta thấy được một Trịnh Công Sơn vững chãi, đầy phẩm tiết, không để bị khuất phục trước quyền lực. Thấy điều này, chúng ta cũng cần phải thấy được là Trịnh Công Sơn đã có cơ hội giữ được phẩm giá và sự bất khuất của mình. Và tôi cho rằng cái cơ hội này không chỉ đến với Trịnh Công Sơn mà còn với nhiều người khác, những người trong thời gian chiến tranh hoặc đứng giữa hoặc thiên hẳn về phía “cách mạng.” Bởi vì, ngay cả khi “có sự rất căng thẳng giữa anh [Nguyễn Cao] Kỳ và Trịnh Công Sơn,” người nhạc sĩ này vẫn tiếp tục được phép đánh bạn với đại tá Lưu Kim Cương và cả với phu nhân của ông thủ tướng đầy quyền uy và nhất là tiếp tục viết nhạc “phản chiến.” Cái cơ hội này đã không hề xảy ra sau 1975, và nếu có ai đó muốn gìn giữ phẩm tiết và sự bất khuất của mình, họ nhất định phải trả một cái giá rất đắt. Đắt đến độ hầu như không có ai, kể cả Trịnh Công Sơn, muốn trả, cho mãi đến những năm gần đây, khi cái giá phải trả có giảm đi phần nào.

Trong bài viết của mình, ông Lữ Phương có đưa ra câu hỏi cho họa sĩ Trịnh Cung, một cách khá dài dòng, như sau: “Chẳng lẽ tới tuổi này rồi, sau khi cuộc chiến đã tàn từ lâu với bao nhiêu là thay đổi khắp mọi nơi, ông họa sĩ họ Trịnh vẫn khư khư tự cho mình cái sứ mệnh ôm mãi tấm cô trung cho một thực thể chính trị bóng ma, coi đó là cao sang, lý tưởng có thể làm mẫu mực để kết án một cách không khoan nhượng các kiểu cách ngây thơ chính trị khác không cùng tính chất với sự xác tín của ông?” Tôi không nhớ là có đoạn nào trong bài viết “Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị” mà Trịnh Cung đã làm một hay nhiều cuộc so sánh giữa các chế độ/kiểu cách chính trị.” Rõ ràng ông có đề cập đến “Cộng sản” và “Cộng hòa,” nhưng chỉ như là các qui chiếu về các dữ kiện ông đưa ra để thuyết phục người đọc. Thật ra, chả cần phải so sánh! Chỉ cần tự trả lời câu hỏi "Ở thời điểm nào trong 34 năm qua dưới chế độ mới, một cá nhân đơn độc dám thẳng thắn bày tỏ thái độ bất khuất của mình với một lãnh tụ hàng đầu của chính quyền và vẫn tiếp tục được phép yên lành vui chơi và tiếp tục những sinh hoạt phản kháng của mình?" thì người ta có thể giải thích được tại sao có một hay nhiều ai đó cứ ôm mãi "tấm cô trung!" Và tất nhiên sẽ là không tử tế nếu chúng ta cười cợt hoặc chế nhạo một cử chỉ như thế.

Những người công kích nhân cách Trịnh Cung mạnh mẽ nhất có thể núp đằng sau tấm bình phong đạo đức hoặc nhân danh tình bạn quý giá mà họ có được với Trịnh Công Sơn. Chúng ta có thể dễ dàng thông cảm hoặc dễ dàng gạt bỏ bằng cách sắp loại các phản ứng tương tự vào ngăn “cảm tính,” vốn thiếu chính xác và sẽ chóng qua đi. Tuy nhiên, khi không chỉ đả kích nhân cách trên giấy trắng mực đen mà còn truy chụp, vu vạ bằng những phương pháp thiếu quang minh chính đại như thư rơi hoặc đồn thổi, phần cảm tính không còn là động cơ chính yếu nữa. Trong bài viết mới nhất của mình, nhà phê bình Đặng Tiến đưa ra một câu hỏi: “Trước hằng loạt bài báo gây thương tổn, tôi thắc mắc: cuộc tranh luận không tốt đẹp này, có lợi cho ai?”

Cũng như Đặng Tiến, tôi không có câu trả lời. Và thật ra tôi không có trách nhiệm trả lời. Trách nhiệm này thuộc về những người đã biến nghi vấn về tư thế chính trị của Trịnh Công Sơn thành một cuộc đấu đá chính trị.

*

Xin dành lời cuối cho những người bạn trẻ "không muốn biết đến hận thù," những người mà ở một phần trước đây tôi đã nói rằng trái tim tôi ở với họ.

Vào một ngày cách đây khá lâu, tôi cùng hai người bạn làm một cuộc viễn du trên đường số năm, xa lộ huyết mạch của bang California, hướng về thành phố Cựu Kim Sơn. Ở một nơi nào đó trên con đường thiên lý, người bạn lái xe cho chúng tôi nghe đĩa nhạc "Ca Khúc Da Vàng" do Khánh Ly và một vài ca sĩ khác hát. Sau một vài bản, tôi và người bạn lái xe bắt đầu hát theo. Sau cùng, cô bạn đồng hành xinh đẹp ở băng sau lên tiếng phụ họa. Và cứ thế, chúng tôi hát đến vỡ lồng ngực nguyên đĩa nhạc, không chỉ một lần. Chuyến đi xảy ra vào năm 2000, và vào lúc đó, một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày chiến tranh kết thúc. Trong thời gian này, Trịnh Công Sơn hãy còn sống nhưng tôi đã không còn nghĩ về ông như là một người bằng xương bằng thịt nữa. Trịnh Công Sơn, trong tôi, đã trở thành một "nhân vật" mà tên tuổi gắn liền với một giai đoạn lịch sử đầy máu và nước mắt của dân tộc. Không quen biết, chưa từng gặp gỡ, nhưng vô cùng quen thuộc. Bởi vì âm nhạc của ông đã nhiều lần ghé thăm tôi trong suốt cuộc bể dâu.

Cũng như các bạn, tôi quý mến Trịnh Công Sơn, nhưng trong cùng một lúc, tôi không quên là ông có một chỗ đứng trong giòng lịch sử. Như tất cả các nhân vật lịch sử khác, cuộc đời của ông, không sớm thì muộn, sẽ được phân tích, soi rọi từ nhiều góc độ. Đừng chờ đợi sự toàn hảo. Nhất định chúng ta sẽ bắt gặp những ứng xử rất người và ngay cả những lầm lỗi rất người của Trịnh Công Sơn.

Nhưng chắc là không hề gì, bởi vì chúng ta sẽ luôn luôn tìm thấy một hay nhiều điều gì đó ở Trịnh Công Sơn khiến chúng ta tiếp tục yêu mến ông.

Phùng Nguyễn
23.04.2009

TIN LIÊN QUAN :

Chung quanh vấn đề Tư thế Chính trị của Trịnh Công Sơn – Phần 2: Đàng Sau Những Cuộc Ám Sát Nhân Cách

Trịnh và Trịnh: Hảo vọng và Ảo vọng

Chung quanh vấn đề Tư thế Chính trị của Trịnh Công Sơn – Phần 1: Những điều trông thấy

Nghệ Thuật Ngôn Ngữ Trong Ca Từ của Trịnh Công Sơn

Tran My Chau tung tin hỏa mù về Trịnh Cung và phu nhân!

Trịnh Công Sơn, Vết Chân Dã Tràng

Bà Đặng Tuyết Mai nói về Trịnh Công Sơn

Tạp chí Da Màu lên tiếng về bình luận của độc giả Đặng Văn Âu

Đời và nhạc Trịnh Công Sơn

Mười Tám Năm

Thư gởi họa sĩ Trịnh Cung về chuyện lừa người nổi tiếng vào chuyện tuyên truyền chính trị rẻ tiền

Cái đồng hồ của Lincoln và quan tài Trịnh công sơn

Về Một Quãng Đời của Trịnh Công Sơn – trích đoạn hồi ký

Từ bài viết "Trịnh Công Sơn & tham vọng chính trị"

Đọc trên mạng: Chung quanh “Trịnh Công Sơn & Tham vọng Chính Trị” của Trịnh Cung

No comments: