Tuesday, April 21, 2009

VỀ VIỆC LẬP HỌC VIỆN KHỔNG TỬ TẠI VIỆT NAM

Nên hay không nên lập Học Viện Khổng Tử tại Việt Nam trong thời điểm này?
Thông tín viên Hà Giang, RFA
2009-04-19
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Should-a-confucius-institute-be-established-in-vietnam-at-the-current-time-hgiang-04192009125024.html
Chưa đầy hai tuần sau khi tờ báo CA TPHCM đưa tin “Thủ tướng chính phủ cho phép thí điểm thành lập một Học viện Khổng Tử tại Việt Nam” dư luận đã bàn tán nhiều về quyết định này.

Mục đích chính trị?

Một blogger ở diễn đàn X Cafe nhận định: “Sau các động thái lấn đất chiếm đảo, gần đây nhất là đưa người vào Tây Nguyên, thì lần này xây dựng cái gọi là học viện Khổng Tử... Không phải là Hán hóa VN sao? Chúng ta thấy rõ là người Trung Quốc có dã tâm muốn đồng hóa dân tộc Việt vào đất nước của họ.”. Một blogger khác phát biểu: “Vấn đề không nằm ở cụ Khổng Tử mà là: ‘Liệu có động cơ nào nằm phía sau việc thuần túy trao đổi văn hóa hay không?’”
Việc thành lập Khổng Học Viện trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến nền giáo dục và ý thức hệ của người Việt Nam như thế nào? Hà Giang tìm câu trả lời qua bài phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, cựu thứ trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên thời VNCH, và là một người nghiên cứu về Nho giáo trong địa hạt giáo dục.

Khổng Phu Tử, minh hoạ trong cuốn Thần thoại và Truyền thuyết Trung Hoa. Photo courtesy Wikipedia
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Should-a-confucius-institute-be-established-in-vietnam-at-the-current-time-hgiang-04192009125024.html/Confucius-170.jpg

Hà Giang: Thưa Tiến Sĩ, ông có thể chia sẻ cảm tưởng trước quyết định gần đây của nhà cầm quyền Hà Nội cho phép thành lập một Học viện Khổng Tử tại Việt Nam?
TS Nguyễn Thanh Liêm: Có cái gì đó làm cho tôi hơi nghi ngờ, không nghĩ rằng việc đó họ làm một cách đứng đắn và có tinh thần thực sự mang ý nghĩa triết lý, mà tôi thấy nó có vẻ như là ở bề ngoài để mà cổ võ cho một tinh thần quay trở về, đi gần với Trung Quốc nhiều hơn. Tôi thấy nó có tính cách chính trị nhiều hơn là giáo dục hay là triết lý.

Hà Giang: Đạo Khổng hiện đang được Trung Quốc quảng bá khắp nơi như một trong những giá trị văn hóa nền tảng của họ, vậy thì tại sao tiến sĩ lại cho rằng việc thành lập Học Viện Khổng Tử có vẻ nhuốm màu chính trị, thưa ông?
TS Nguyễn Thanh Liêm: Khổng Tử và Nho giáo có những cái hay của nó. Nhưng mà nếu mà biết khai thác được đúng theo ý nghĩa đạo đức nhân bản thì khác, còn nếu khai thác để mà áp dụng cho một chế độ chính trị, thì cũng có thể được. Đứng ở trên phương diện chính trị, người ta có thể lợi dụng để làm lợi cho chính quyền hiện tại. Tại vì thật sự trong Nho giáo có những điều rất thích hợp cho những nhà cai trị, họ muốn khai thác để nói rằng họ vinh danh Khổng học, hay là dựa trên tư tưởng của Khổng Tử. Có thể là họ có cách lạm dụng những tư tưởng đó về chính trị.

Lạm dụng tư tưởng Khổng Tử

Hà Giang: Tiến sĩ có thể đơn cử một vài thí dụ cụ thể của những lạm dụng tư tưởng Khổng Tử cho mục đích chính trị mà theo ông có thể xẩy ra.
TS Nguyễn Thanh Liêm: Cái điểm chánh mà mình biết là tu tề trị bình, nghĩa là tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ. Đó là cái học mà người ta phải dạy những người trí thức để mà ra nắm chính quyền. Thì bây giờ đó, áp dụng như thế nào? Chẳng hạn như là vấn đề Tu thân. Tu thân có nghĩa là sửa mình, làm cho mình trở nên có đạo đức tốt đẹp. Nhưng mà đạo đức đó là đạo đức gì? Người ta có thể lợi dụng cái đó, người ta dùng cái tu thân bằng cách sửa đổi theo đường lối xã hội chủ nghĩa chẳng hạn. RồiTrị quốc, trị quốc bằng cách nào? Mình làm cho nước của mình tốt hơn bằng cách là mình phải trung thành với nhà vua: Trung quân ái quốc: Bây giờ người ta có thể nói là phải tuyệt đối trung thành với đảng chẳng hạn.

Hà Giang: Như vậy theo tiến sĩ, trong hoàn cảnh đất nước hiện tại, người ta phải hiểu ý nghĩa của những chữ Trung Quân Ái Quốc như thế nào mới là đúng, thưa ông?
TS Nguyễn Thanh Liêm: Chữ trung quân có một ý nghĩa là phải trung thành với nhà vua. Thí dụ như nói rằng “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Nhưng mà phải quân chánh thì thần mới trung được, có nghĩa là ông vua phải là người làm hết bổn phận của nhà vua, mà bổn phận đó là gì? Là phải thương yêu dân chúng, phải lo cho dân chúng, phải phục vụ cho dân chúng, phải làm cho dân chúng được ấm no hạnh phúc thì nhà vua mới xứng đáng là nhà vua. Người ta hỏi thầy Mạnh Tử: “Ông Châu Văn Vương là bề tôi của Trụ Vương, nhưng mà Châu Văn Vương đã nổi dậy giết chết Trụ Vương nên nhà Chu, thì tại làm sao nhà Nho lại thờ Châu Văn Vương?”
Thì thầy Mạnh Tử trả lời: “Tôi chưa nghe nói giết nhà vua bao giờ, thật sự thì chỉ nghe nói rằng có giết một kẻ thất phu tên là Trụ thôi”. Có nghĩa là đối với thầy Mạnh Tử, Trụ Vương không phải là nhà vua, tại vì không làm hết bổn phận của nhà vua, chỉ coi như là một đứa thất phu. Và nếu mà có giết một người thất phu nào đó tên Trụ thì đó chỉ là một tên thất phu thôi.

Mộ Khổng Tử tại Khúc Phụ, quê hương ông. Khổng miếu, mộ Khổng Tử và khu nhà thờ của họ Khổng nay là một di sản thế giới do UNESCO công nhận. Photo courtesy Wikipedia
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Should-a-confucius-institute-be-established-in-vietnam-at-the-current-time-hgiang-04192009125024.html/Confuciustombqufu-180.jpg

Hà Giang: Thưa tiến sĩ nhìn theo khía cạnh giáo dục và triết lý, thì những cái hay nào của đạo Khổng hiện giờ vẫn còn có giá trị và vẫn có thể áp dụng được?
TS Nguyễn Thanh Liêm: Trong Khổng giáo có những cái dở mà cũng có những cái hay. Ngũ thường là năm đức tính cần có của con người mà cho đến bây giờ tôi thấy cũng vẫn thích hợp, cũng đáng để mà mình tôn trọng, chẳng hạn như là lòng nhân. Lòng nhân là cái mà mình cần phải có khi mình sống chung với nhau. Rồi cái trí chẳng hạn, mình phải phát triển cái óc, cái trí thức của mình để mà mình có những kiến thức cần thiết để mà mình sống trong cuộc đời này. Rồi chữ tín, đó là những điều mà mình phải đề cao. Tôi thấy là dù cho mình ở trong một xã hội nào đi nữa thì đó cũng vẫn là những cái cần thiết mình có thể giữ lại được.

Một điều sai lầm

Hà Giang: Theo tiến sĩ thì tại sao người dân VN lại có vẻ không tán thành dự định thành lập Học Viện Khổng Tử trong hoàn cảnh hiện tại, và theo ông thì nhà nước VN có nên tiến hành dự tính này không ạ?
TS Nguyễn Thanh Liêm: Ở trong hoàn cảnh hiện thời bây giờ, người ta sẽ nói rằng mình quá lệ thuộc ở tư tưởng Trung Quốc, mà lệ thuộc ở Trung Quốc thì liên hệ tới phương diện chính trị bây giờ, chánh thể bây giờ, hay là đám cầm quyền họ quá lệ thuộc vào chánh phủ Trung Quốc, bởi thế cho nên nó làm cho người ta có dị ứng, có cảm tưởng không tốt, và khai thác chuyện đó để cũng là phần nào xác nhận lại cái lệ thuộc của mình đối với Trung Hoa, thành ra trong lúc này thì có những bất lợi như vậy. Nếu mà những người làm ra chỉ vì hoàn cảnh bây giờ bắt buộc họ làm như vậy, thì đó là một điều rất sai lầm.

Hà Giang: Xin chân thành cảm ơn TS Nguyễn Thanh Liêm đã dành thời gian để cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.


No comments: