Saturday, April 18, 2009

LẠM BÀN VỀ HỘI THẢO BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN

Lạm bàn về hội thảo bauxite ở Tây Nguyên
Tô Văn Trường

( 4/17/2009 9:50:01 AM )
http://vanvn.net/News.Asp?Cat=29&SCat=&Id=1260
Tháng 2 năm 2009, văn phòng trung ương Đảng đã tổ chức hội thảo về dự án bauxite Tây Nguyên. Đặc biệt, ngày 9/4/2009 tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo tiêu đề :”Vai trò của công nghiệp khai thác bauxite sản xuất alumina –nhôm đối với phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường khu vực” dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.

Người dân nhận thấy mặc dù việc tiến hành dự án bauxite Tây Nguyên là chủ trương lớn đã quyết định ở cấp cao nhưng Đảng và Chính phủ vẫn tổ chức các hội thảo thể hiện sự cởi mở, lắng nghe các ý kiến phản biện đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước. Thành phần tham dự hội thảo đại diện các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội, viện, trường, một số doanh nghiệp trong và ngoài nước, một số nhà hoạt động khoa học xã hội, phóng viên báo, đài. Tham luận và các phát biểu thẳng thắn, sôi nổi, đáng chú ý là đông đủ đại biểu tham dự cả ngày, đến tận phút chót của buổi chiều chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của xã hội đối với dự án này.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe đọc lá thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc lại các ý kiến đã nêu trong bức thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 5/1/2009 kiến nghị dừng dự án bauxite Tây Nguyên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời. Ai cũng biết Thủ tướng rất bận, có thể nhận được hàng trăm các văn bản, thư từ của công dân thuộc đủ lĩnh vực khác nhau phải xem xét, giải quyết trong ngày. Có thể Thủ tướng phải cân nhắc, thận trọng khi trả lời thư của đại tướng nhưng đây là thư ngỏ của vị lão thành cách mạng, có tầm cỡ quốc tế và vai trò lịch sử của đất nước, của chế độ, lại rơi vào tình trạng “im lặng” quá lâu là điều rất đáng tiếc! Đây là khiếm khuyết không đáng có của bộ máy tư vấn của Thủ tướng Chính phủ.

Người dân cả nước làm sao có thể quên được hình ảnh mới đây, nhân kỷ niệm ngày sinh của đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Nhà nước từ Tổng bí thư đến Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội vv…đến tận nhà riêng tặng hoa, chúc thọ, mong đại tướng sống lâu, khỏe mạnh tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng đất nước! Mặc dù ý kiến của đại tướng có thể không phù hợp với chiến lược của Đảng và Chính phủ (không phát triển dự án bauxite Tây Nguyên) nhưng lãnh đạo Nhà nước cần tôn trọng ý kiến và nên phân bạch với đại tướng về những biện pháp thực thi để đại tướng bớt lo âu. Cổ nhân có câu :”Tuổi già tâm không già thế là già mà không già, tuổi không già tâm già thế là không già mà già. Nhưng xử lý một vấn đề hệ trọng thì nên nghe già”. Nhân đây, tôi muốn nhấn mạnh đến sự cần thiết của các chiều cạnh xã hội để phát triển, thực chất là nói đến con người, theo cách giải thích của C.Mác thì “Xã hội-cho dù nó có hình thức gì đi nữa- là cái gì? Là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa những con người”.Chuẩn mực trong cách ứng xử của con người chính là chiều cạnh của xã hội.

Xin trở lại hội thảo bauxite Tây Nguyên nói trên. Hội thảo đã được nghe 11 báo cáo khoa học, tham luận và 23 ý kiến phát biểu phản ánh đa chiều. Tuy nhiên, theo tôi còn thiếu một báo cáo quan trọng nhất có tính chất mở đầu là “Quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên” của Bộ Kế hoạch Đầu tư. Đây chính là nguyên nhân, các ngành xưa nay, mạnh ai, nấy làm quy hoạch vừa chồng chéo, vừa không phối hợp chặt chẽ, dẫn đến chất lượng quy hoạch còn nhiều hạn chế. Quy hoạch các ngành về nguyên tắc phải dựa trên quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của vùng theo cả không gian và thời gian. Rất tiếc là vai trò của Bộ KHĐT trong việc tiên phong xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập và biến đổi khí hậu toàn cầu đã không theo kịp yêu cầu của cuộc sống cho nên quy hoạch khai thác khoáng sản của Bộ Công thương còn nhiều khập khiễng cũng là điều dễ hiểu.

Bàn về quy hoạch, cần phân biệt rõ quy hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Có thể hiểu: ”Quy hoạch là một quá trình liên tục bao hàm các quyết định, hay các lựa chọn về các con đường khác nhau khi sử dụng các tài nguyên có sẵn với mục đích là đạt được các mục tiêu nào đó trong tương lai”. Thật khó đoán chắc cái gì sẽ xảy ra trong tương lai, do vậy quy hoạch bao giờ cũng chứa đựng một sự không chắc chắn và rủi ro. Tuy nhiên, người làm quy hoạch có kinh nghiệm biết sử dụng các kỹ thuật để nâng cao độ tin cậy của các dự báo và cố gắng tiếp cận tìm hướng hạn chế các vấn đề chưa chắc chắn và rủi ro. Nghiên cứu về quá khứ và hiện tại là cần thiết làm cơ sở cho dự báo xu thế trong tương lai. Môi trường chính trị, mối quan hệ tương hỗ giữa các nhà quy hoạch, nhà chính trị và quản trị đều có tác động đến chất lượng của quy hoạch.

Quy hoạch dài hạn có thể 50 năm dựa vào các dự kiến (projection) những biến đổi mà xu thế đã dự kiến được như gia tăng dân số, nhu cầu tiêu dùng, tiến bộ kỹ thuật …với độ rủi ro không lường trước cao. Quy hoạch trung hạn 15 đến 30 năm dựa theo những dự báo (prediction) trung hạn có mức độ rủi ro thấp hơn. Quy hoạch ngắn hạn 5-10 năm dựa trên những dự báo ngắn hạn và thông tin về hiện trạng chính xác hơn. Quy hoạch dài hạn chính là bài toán chiến lược chỉ cần định hướng và bước đi, còn quy hoạch ngắn hạn là bài toán chiến thuật phải làm rõ các việc cụ thể phải làm. Theo nguyên lý, rõ ràng quy hoạch chiến lược phải làm trước, rồi từ đó mới xây dựng quy hoạch trung hạn và ngắn hạn. Trong tất cả các quy hoạch đều phải xét đến mức độ rủi ro để phân tích các kịch bản (scenarios).

Ở Việt Nam, nếu rà soát lại, sẽ thấy rất nhiều chuyện nghịch lý trong đời sống xã hội. Bởi vây, tình trạng nghịch lý không ai theo quy hoạch dài hạn mà cứ mạnh dạn “xé rào” để làm quy hoạch ngắn hạn theo quyền lợi riêng của ngành mình hoặc nhóm lợi ích khác nhau gây ra đổ vỡ cho toàn bộ công tác quy hoạch và chiến lược phát triển cũng không phải là chuyện lạ! Theo tôi hiểu, có nguyên nhân là chúng ta chưa có Luật quy hoạch. Mặt khác, không ít người theo góc độ và chỗ đứng của mình thường nặng lời phê phán quy hoạch dài hạn như “chan tương, đổ mẻ” thậm chí còn gán cho cái mác “thày bói sờ voi” dẫn đến người làm quy hoạch phải chạy theo yêu cầu thông tin và độ rủi ro như quy hoạch ngắn hạn nên không còn là quy hoạch chiến lược nữa. Từ đó, việc lập quy hoạch chiến lược phải kéo dài, và sửa chữa hoài trở thành không còn giá trị dự kiến phát triển cho tương lai. Vấn đề này, thấy rõ nhất là trong quy hoạch đô thị. Ban đầu, người ta xây dựng quy hoạch dài hạn, đưa ra tầm nhìn và lộ trình thực hiện nhưng theo ngày tháng không ai theo cả. Các quận, huyện cũng xé rào để xây dựng công trình không theo quy hoạch chung. Sau thời gian nhìn lại, thì tất cả quy hoạch không còn giá trị nữa nên lại phải bắt đầu làm từ đầu và cái giá phải trả tất nhiên là rất đắt vì phải chấp nhận sự tồn tại của những cái gì đã có. Đấy là chưa kể các “ngóc ngách”, vì quyền lợi riêng của chủ đầu tư, những nhóm lợi ích khác nhau, dẫn đến bất cập trong công tác quy hoạch. Để Việt Nam sớm có quy hoạch chiến lược và quy hoạch trung hạn, ngắn hạn phù hợp với thực tế bắt buộc phải đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống và cần sớm ban hành Luật quy hoạch.

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo ngày 9/4/2009 có ấn tượng về Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là người được đào tạo bài bản, nhạy bén, tổng hợp, phân tích các ý kiến khác nhau, và đưa ra các kết luận có thể nói là tạm yên lòng cùng với chỉ thị cụ thể các công việc tiếp theo phải làm của từng ngành, địa phương liên quan. Tuy nhiên, có 2 luồng ý kiến về kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải :“Chủ trương phát triển ngành công nghiệp khai thác bauxite sản xuất alumina ở nước ta là đúng đắn và đã được thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X”. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng chiến lược phát triển khai thác bauxite, nguồn tài nguyên lớn của cả nước để phát triển kinh tế là đúng hướng nhưng chiến thuật có sai lầm. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng nhiều ý kiến trong công luận không tán thành về dự án bauxite Tây Nguyên, nhiều vấn đề các nhà khoa học đặt ra chưa được giải đáp, thì bắt buộc phải xem xét lại chủ trương này đồng thời cũng đánh giá lại năng lực và trách nhiệm của bộ máy tham mưu khi xây dựng văn kiện của Đại hội Đảng!

Có câu hỏi đặt ra vì sao một số chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, với mục đích tốt đẹp là động lực cho sự phát triển lại không đi vào cuộc sống? Nguyên nhân thì nhiều nhưng sơ bộ có thể nhận thấy các tồn tại do tư duy, tầm nhìn của những người có trách nhiệm vẫn phụ thuộc vào quy hoạch ngắn hạn (như phân tích ở trên), gần đây người ta hay nhắc đến tư duy nhiệm kỳ. Các bài học khi xây dựng chủ trương, chính sách trong quá khứ không được xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc, quyết liệt hay nói theo ngôn ngữ dân gian, “rút kinh nghiệm để đấy!” vì chẳng có ai chịu trách nhiệm. Phương pháp luận, cách tiếp cận khi xây dựng cơ chế chính sách vừa không cập nhật được các thành tựu tiên tiến của thế giới vừa không phù hợp với thực tế do bệnh chủ quan, duy ý chí, khép kín, khoanh vùng vì quyền lợi của các nhóm lợi ích, đặc biệt là không tôn trọng công tác phản biện xã hội. Trong xã hội, biết bao kẻ nhờ khiếm khuyết của pháp luật đã phất lên giàu có theo kiểu “nhờ cơ chế”. Thử hỏi cho đến nay có bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị hữu ích được áp dụng cho việc xây dựng cơ chế, chính sách một cách khách quan, khoa học và thực tế ?. Ngay cả khi có chủ trương đúng nhưng buông lỏng khâu tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát cũng làm “thui chột” cả ý tưởng tốt đẹp ban đầu. Mấu chốt nhất vẫn là nguồn nhân lực, là những người được giao thiết lập cơ chế, chính sách. Người làm công tác tham mưu cho lãnh đạo nếu không đủ tâm và tầm chắc chắn hậu quả xã hội và người dân phải chịu và uy tín của Đảng và Nhà nước trước người dân cũng bị sứt mẻ. Suy cho cùng thời nào cũng thế, lãnh đạo quản lý trước tiên là phải biết ”Thuật dùng người”!

Nói tóm lại: “ Quả ngắt vội không bao giờ ngọt”! Bài học đắt giá xem ra vẫn chưa thuộc đối với những người có trách nhiệm là “các dự án phức tạp, nhạy cảm phải thực hiện thật bài bản, khoa học, công khai minh bạch từ đầu, tôn trọng công tác phản biện mới đi đến sự đồng thuận cao trong xã hội”. Các dự án xây dựng nhà máy thép ở vịnh Vân Phong, khách sạn trong công viên Thống Nhất, Trung tâm thương mại trên đất chợ 19/2, các dự án quanh hồ Gươm vv… bị công luận phản ứng quyết liệt đã phải hủy bỏ giữa chừng gây tổn thất lớn về kinh tế và sứt mẻ lòng tin trong xã hội mà mất lòng tin tức là mất tất cả.
Nhìn ra các nước tiên tiến, họ đều coi trọng quy hoạch chiến lược kết hợp với quy hoạch ngắn hạn một cách chặt chẽ trong bài toán hệ thống để khai thác, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, vững bền. Ngay từ năm 1950, Canada xây dựng chiến lược phát triển thủy điện được gắn liền với việc khai thác bauxite. Chúng ta đang ở thế kỷ 21, chiến lược phát triển của Canada có thể không còn phù hợp với Việt Nam.

Tài nguyên được xem là nguồn vốn quý của quốc gia nhưng không phải là vô hạn. Tình trạng khai thác lãng phí, thiếu quy hoạch càng làm cho nguồn vốn này mau cạn kiệt. Tôi đã viết bài báo đăng trên Thanh Niên ngày thứ tư 8/4/2009 tựa đề “Đừng ăn vào vốn tài nguyên”! mục đích mong muốn các cấp, các ngành liên quan sẽ đề ra những giải pháp quyết liệt hơn nữa, biết chắt chiu, tằn tiện, khai thác tài nguyên một cách khôn ngoan, hiệu quả để “rừng vàng, biển bạc” nước ta không trở nên cạn kiệt.

Trong điều kiện của nước ta, việc khai thác khoáng sản như bauxite để phát triển kinh tế là hướng đi cần thiết nhưng phải được thực hiện một cách bài bản, khoa học, cụ thể hóa việc khai thác tài nguyên một cách thiết thực, hiệu quả, phải gắn liền quy hoạch chiến lược và quy hoạch ngắn hạn một cách toàn diện, chặt chẽ vì cuộc sống của nhân dân và cũng vì thế hệ tương lai của con cháu chúng ta. Đầu năm 2009, tôi đã viết bài “Suy nghĩ về dự án bauxite Tây Nguyên” (15 trang) phân tích rõ về bài toán được - mất liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường và đề xuất các biện pháp cần phải làm, cho đến nay vẫn còn mang nguyên tính thời sự.

Có nhiều ý kiến cho rằng việc khai thác bauxite Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước thì cần phải đưa ra Quốc hội để xin ý kiến, cụ thể hơn là Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo Nghị quyết 66/2006/QH11 của Quốc hội. Chúng tôi tán thành và chia sẻ với các ý kiến nêu trên vì theo Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Tuy nhiên, cũng lại tự hỏi với cơ cấu thành phần, nhiều đại biểu kiêm nhiệm, mối quan hệ trong hệ thống chính trị hiện nay, liệu có được bao nhiêu đại biểu cất công nghiên cứu, tìm hiểu, thảo luận, “bấm nút” phản ánh tiếng nói của cử tri? Nhiều người dân cho rằng câu chuyện mở rộng Thủ đô là ví dụ điển hình Quốc hội thực sự chỉ là nơi hợp thức hóa các chủ trương đã có mà thôi!

Trong bối cảnh hiện nay, kết luận tại hội thảo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cần được các cơ quan liên quan KHẨN TRƯƠNG nghiêm túc thực hiện có kiểm tra, thẩm định theo luật định để làm cơ sở cho các quyết sách tiếp theo. Nói cách khác là phải làm cách nào để bảo đảm việc thực hiện kết luận của hội thảo một cách hữu hiệu.

Riêng vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng là việc rất “tế nhị” cần phải có cuộc họp nội bộ không có các đối tác nước ngoài tham gia. Các báo cáo về an ninh quốc phòng, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo có chất lượng và khoa học. Trong đó, cần đặc biệt lưu tâm, phân tích ý kiến của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chiến lược bành trướng để chiếm tài nguyên hiện nay không bằng quân sự mà bằng kinh tế, do đó nếu nói về an ninh quốc phòng thì phát triển kinh tế phải được coi là mặt trận. Làm thế nào để tránh quá cực đoan, không dựa vào lý do an ninh quốc phòng để hạn chế các hoạt động kinh tế nhưng cũng không vì mục tiêu kinh tế mà chịu thiệt hại về môi trường và tiềm ẩn nguy cơ lâu dài. Đây là câu hỏi rất khó cho tất cả các nước, đòi hỏi các nhà lãnh đạo sáng suốt, nhạy cảm và có cái nhìn toàn diện vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/4/2009
Tô Văn Trường


No comments: