Saturday, April 18, 2009

KHÔNG PHẢI VỚI BẤT CỨ GIÁ NÀO

Thư tòa soạn
Báo Tổ Quốc số 62 ngày 15 tháng 4 năm 2009

Không phải với bất cứ giá nào

Xin mời bấm vào đây để xem báo Tổ Quốc 62

Hội nghị về bauxit Tây Nguyên ngày 9-4 vừa qua tại Hà Nội là một bước tiến khiêm nhường nhưng đáng mừng theo chiều hướng của chọn lựa phải có, nghĩa là hủy bỏ dự án này. Tuy nhiên, khả năng hủy bỏ dự án khai thác bauxit không khỏi đặt ra câu hỏi về phản ứng mà Trung Quốc có thể sẽ có.

Chắc chắn là Trung Quốc sẽ không vui vì họ rất muốn đẩy mạnh dự án này; nó chỉ gây tác hại môi trường tại Việt Nam trong khi Trung Quốc rất cần nhôm. Nhưng họ có thể làm gì và gây những khó khăn nào cho chúng ta trong trường hợp xấu nhất? Tổng quát hơn, một câu hỏi cần được đặt ra trong qưan hệ Việt – Trung: Trung Quốc có thể làm được gì trong trường hợp Việt Nam lấy những quyết định hoàn toàn thuộc chủ quyền của mình nhưng không vừa lòng họ?

Khả năng tác động lớn nhất của Trung Quốc là ở vùng biên giới phía Bắc. Trung Quốc đã từng chiếm của Việt Nam một số địa điểm trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 – 1989 và sau đó không trả lại. Trung Quốc cũng đã từng mua chuộc một số cư dân thuộc các sắc tộc ít người để họ lùi mốc biên giới vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Mặc dù hiệp ước biên giới tháng 12-1999 là một đau nhức vì nó chính thức hóa những mất mát của Việt Nam nhưng Trung Quốc đã trì hoãn tối đa việc cắm mốc vì nó cũng có tác dụng ngăn chặn những xâm thực mới. Nhưng ngày nay việc cắm mốc biên giới đã hoàn tất, khả năng gây bất ổn tuy vẫn còn nhưng đã giảm rất nhiều. Trên Biển Đông, đặc biệt là chung quanh Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc có thể gia tăng hoạt động khiêu khích, gây khó khăn cho việc khai thác thềm lục địa của ta hay đe dọa ngư dân ta. Tuy vậy, biển không thể bị chiếm đóng một cách thường trực, Việt Nam vẫn có thể khẳng định chủ quyền chính đáng của mình, và Trung Quốc cũng không thể liên tục lộng hành mà không gặp những phản ứng bất lợi của thế giới, nhất là từ các nước trong vùng. Trao đổi kinh tế giữa hai bên rõ ràng là có lợi cho Trung Quốc hơn là cho Việt Nam; nếu vì một lý do nào mà quan hệ kinh tế giữa hai nước sút giảm thì chính Trung Quốc phải lo ngại trước hết. Vậy thì chúng ta không có, hay không còn, lý do nghiêm trọng nào để phải sợ hãi và nhượng bộ trước những áp lực từ Bắc Kinh.

Dĩ nhiên chúng ta không có lợi gì để có những mâu thuẫn với Trung Quốc. Một quan hệ láng giềng tốt là điều chúng ta thực sự mong muốn. Nhưng không phải với cái giá của một sự thần phục khiếp nhược.

Ban biên tập


No comments: