Saturday, April 18, 2009

BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN - CHỦ TRƯƠNG LỚN CỦA TRUNG QUỐC ?

Một số vấn đề đặt ra từ cuộc hội thảo khoa học về bô xít
Tiến Hồng
Đăng ngày 17/04/2009 lúc 15:20:08 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3696
Đứng trước làn sóng căm phẫn của mọi giới trong việc triển khai hai dự án Alumina Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông), thủ tướng Dũng cho tổ chức cuộc hội thảo khoa học về khai thác bô xít Tây Nguyên tại Hà Nội ngày 9/4/2009.

Trong cuộc hội thảo nói trên, theo sự tường thuật sơ khởi của VNExpress, chế độ Hà Nội đưa ra kế hoạch khai thác bauxite và sản xuất nhôm từng giai đoạn, mà giai đoạn đầu (tới năm 2010) chỉ có 3 dự án khai thác bauxite và bột alumina tại Tân Rai (Lâm Ðồng), Nhân Cơ (Ðắc Nông) và Kon Hà Nừng (Gia Lai), bên cạnh dự án hydroxit nhôm tại Bảo Lộc (Lâm Ðồng).

Những dự án lớn hơn sẽ được thực hiện cho đến năm 2025 thì một khu vực rộng lớn hàng ngàn km2 đồi cây, vườn ruộng, nhà cửa trên cả nước sẽ biến thành những bãi bùn đỏ mênh mông và không có sự sống.
Mục đích của nó đã hạn chế trong tiêu đề (1) thực ra chỉ là làm sao nuốt cho trôi hai dự án đó. Cho nên bài tham luận đặt biệt của Liên Hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và hàng trăm ý kiến phản biện trong đó có điện văn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu không nên khai thác bô xít đã không có giải đáp.

Thông cáo báo chí của Bộ Công thương (2) đầy thiếu sót và mập mờ cho thấy:
-Dự án Alumina Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông) là các dự án thí điểm để tìm hiểu công nghệ, thị trường. Riêng dự án Nhân Cơ cần đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để điều chỉnh trước khi trình duyệt để triển khai (3).
-Chính phủ sẽ điều chỉnh quy hoạch khai thác bô xít mà ông Dũng đã phê duyệt ngày 1/11/2007 (4) đặc biệt là đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và hiệu quả kinh tế của các dự án.
-Chủ trương khai thác tiềm năng lớn bô xít Tây Nguyên để sản xuất Alumina là đúng đắn và thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 10. Tuy nhiên không thể khai thác bằng mọi giá, nếu lỗ, để cho Tây Nguyên đói nghèo thì không khai thác. Không đề cập tới khía cạnh pháp lý của dự án.

Cả ba kết luận chinh của hội nghị do ông Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì đưa ra đều có vấn đề.

Khi thí điểm biết trước là không hiệu quả kinh tế

Với chi phí vận tải cao trong tuyến đường dài từ hai nhà máy Alumina ra biển, với giá cả Alumina đang sụt giảm mạnh trong tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay, VUSTA (5) đã có kết luận: «Với công suất 2 nhà máy là 1,2 triệu tấn/năm, mỗi năm TKV (Tập đoàn Than-Khai thác khoáng sản VN) sẽ phải bù lỗ cho 2 nhà máy này từ 60 triệu đến 120 triệu USD».

VUSTA sau khi ghi nhận tính cách quy trình lộn ngược của hai dự án đã chỉ rõ tính không khả thi và bất cập trong hai dự án qua việc cung cấp nước cho nhà máy, trong việc chọn công nghệ của một nhà thầu Trung Quốc (CHALIECO) không có bảo đảm kỹ thuật cho cả hai nhà máy, cách tăng giá thầu sau khi trúng, và chỉ định thầu (đối với nhà máy Nhân Cơ). Chưa kể những hệ quả về cách sử lý bùn đỏ với chi phí 5% tổng đầu tư không thể đảm bảo việc tôn trọng tiêu chuẩn môi trường, chưa kể tác hại của phương cách sử lý « ướt » với đặc tính địa hình của vùng khai thác, ô nhiễm không khí do bụi đất đỏ, tính chất bất khả hoàn thổ. Đấy là chưa nói đến khả năng tạo công ăn việc làm ít, tái định cư, an ninh quốc phòng khi rất nhiều công nhân phục vụ là Trung Quốc hoạt động không thuộc thành phần chuyên môn theo luật định và với visa nhập cảnh…

Chỉ riêng về hiệu quả kinh tế, nếu biết là lỗ thì thí điểm làm gì? Ông Đoàn Văn Kiển, chủ tịch TKV nói có lẽ phải 12-15 năm mới thu hồi được vốn (sau đó trong cuộc họp báo lại cãi bừa: «Không làm, sao biết lỗ!» và lại thêm: « Có tài nguyên thì cần khai thác», đi ngược cả với câu nói của ông Hải là không khai thác với bất cứ giá nào. TKV sẽ phải bỏ ra khoảng 690-900 triệu USD để chi tiêu cho hai dự án mà 70% từ đi vay mà không có bảo chứng của chính phủ. Đấy là cung cách làm ăn của chủ đầu tư TKV và với cung cách này đất nước ta có thể khá được không ? Cách nói làm thí điểm để tìm hiểu thị trường trong bản thông cáo là một lời nói dối trơ trẽn. Ông Hải nói nếu lỗ thì không khai thác. Bây giờ biết là lỗ sao còn khai thác? Còn nói thí điểm để tìm hiểu công nghệ luyện alumina thì công ty Chalieco không phải là mẫu mực cho ta học hỏi khi chính Trung Quốc đã phải đóng cửa hàng trăm nhà máy luyện theo công nghệ trên. Theo VUSTA, Trung Quốc không được coi là có công nghệ nguồn sản xuất alumina trên thế giới, và sử dụng nghệ thải bùn đỏ « ướt » rất nguy hại trên đất sườn đồi.
Xin trả lời thay cho ông Hải: là vì Trung Quốc bảo phải khai thác cho họ, mà tôi sẽ trình bày rõ ở phần sau.

Điều chỉnh quy hoạch có ý nghĩa gì không?

Có thể nói đơn giản là: Nếu thực hiện nghiêm chỉnh việc tính toán lại hiệu quả kinh tế theo giá alumina đang sụt hiện nay thì chắc chắn không những hai dư án Tân Rai, Nhân Cơ thua lỗ mà toàn thể quy hoạch cũng sẽ thua lỗ tương tự. Lý do chinh là việc xây cất đường xe lửa chuyên cơ hay đa mục tiêu từ Đắc Nông qua Lâm Đồng đến Bình Thuận (cảng Kê Gà) với lộ trình dài, đi qua những nơi hiểm trở sẽ tổn phí đến 3,1 tỉ USD so với (1,3 tỉ USD dự kiến ban đầu) và ít ra đến 2017 mới đưa vào hoạt động. Trong thời gian đến 2017, mọi vận chuyển alumina đều phải thực hiện bằng đường bộ cũng rất tốn kém. Số tiền này hoàn toàn do chính phủ phải tài trợ. Nhà nước này sẽ lấy tiền ở đâu để tài trợ? Thị trường alumina hiện cung cao hơn cầu trong một thời gian, giá lại rất thấp so với giá nhôm, việc tiêu thụ hoàn toàn do Trung Quốc thao túng. Khó thể trông mong thay đổi thuận lợi cho thị trường alumina trong thời gian tới. Nếu điều chỉnh quy hoạch để rồi thấy lỗ hay hoà vốn trong thời gian dài thì tất nhiên chỉ còn đem cái quy hoạch đó vào sọt rác ( trừ khi phù phép để biến nó thành lời mà hậu quả là nhân dân gánh chịu). Nhận định khai thác bô xít chắc chắn lỗ còn căn cứ trên phân tích của ông Nguyễn Trung khi đúc kết sáu điều kiện theo thứ tự ưu tiên để khai thác bô xít có lợi:
1. có nguồn điện dồi dào,
2. có nguồn nước dồi dào,
3. nơi khai thác có vị trí hoang vắng (xa khu dân cư hay vùng kinh tế) và địa thế thích hợp (thấp, trong thung lũng, không phải vùng đầu nguồn các sông suối...) thuận lợi cho giải quyết thoả đáng vấn đề bảo vệ môi trường (nước thải và bùn đỏ nhiễm hóa chất...),
4. có khả năng giảm xuống mức thấp nhất chi phí vận tải,
5. có trữ lượng bauxite dồi dào với hàm lượng cho phép đạt chuẩn 4/2/1 (4 tấn quặng làm ra 2 tấn alumina rồi từ đó ra 1 tấn nhôm để có khả năng cạnh tranh trên thị trường),
6. có nguồn lao động rẻ hoặc được cơ giới hóa cao độ khâu khai thác

Bô xít Tây Nguyên không có bốn điều kiện đầu nên giá thành sản phẩm rất cao và thua lỗ là chắc chắn. Điều quan trọng là với một lượng vốn bỏ ra rất cao mà lại không hiệu quả thì với câu nói “không thể khai thác bằng mọi giá” hãy đem nó ra áp dụng để xếp quy hoạch này lại hay cứ trình Quốc hội để bác bỏ! Thay vì điều chỉnh hãy thay thế nó bằng quy hoạch Tây Nguyên xanh.

Việc điều chỉnh quy hoạch bằng cách thêm vào phần đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) mà trước đây đã thiếu sót không làm cho quy hoạch này có thể sống được. Vì việc nghiên cứu đó sẽ chỉ làm nổi bật lý do tại sao không nên khai thác bô xít Tây Nguyên trong một tương lai xa. Nếu ta coi khai thác bô xít Tây Nguyên chắc chắn sẽ lỗ về tiền bạc và tài nguyên bị bán rẻ thì yếu tố thiệt hại môi trường do tàn phá rừng, hồ chứa bùn thải đỏ, bụi thải đỏ, mạch nước ô nhiễm do vỡ đập sẽ có thể lan toả đến miền đông Nam bộ, vấn đề hoàn thổ bất khả thi, vấn đề thiếu nước cho các mục tiêu khác…. Đây có thể coi là lỗ về môi trường, sinh thái không phải như như nhận định dối trá trong thông cáo báo chí về khả năng bảo vệ môi trường, nhất là được thực hiện với một nhà thầu như Trung Quốc.

Còn cái lỗ về văn hoá, xã hội và nhất là an ninh quốc phòng nơi vị trí chiến lược Tây nguyên mà bản Thông cáo báo chí không nhắc đến mới thực là cái lỗ không thể chấp nhận cho dân tộc. Báo Tuổi Trẻ ngày 16/4/2009 (6) đã báo động:
“Hàng chục ngàn lao động nước ngoài đang làm việc ở VN nhưng chưa được cấp phép lao động. Phần lớn trong số họ đều là lao động phổ thông, không có tay nghề. Ngoài những công việc làm ôsin, buôn bán nhỏ, đông nhất trong số họ là đi theo các nhà thầu, phần lớn là nhà thầu Trung Quốc.
Nhiều nơi như ở công trình khai thác bôxit ở Tân Rai (Bảo Lộc, Lâm Đồng), Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Nhà máy nhiệt điện than Hải Phòng, công trình khí - điện - đạm Cà Mau…, số lao động Trung Quốc luôn áp đảo lao động trong nước, với số lượng mỗi nơi từ 700 đến trên 2.000 người/công trình”.

“Chủ trương lớn” của Đảng, Nhà nước, hay chủ trương lớn của Trung Quốc?

Ông Hải cho là chủ trương khai thác bô xít nằm trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 10 cũng như ông Dũng nói ( ngày 4/2/2009) khai thác bô xít là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là không đúng sự thật. Thực vậy, trong báo cáo chính trị (có giá trị cao hơn báo cáo kinh tế):
«Khẩn trương thu hút vốn trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện một số dự án quan trọng về khai thác dầu khí, lọc dầu và hoá dầu, luyện kim, cơ khí chế tạo, hoá chất cơ bản, phân bón, vật liệu xây dựng. Có chính sách hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô".
Nếu là chủ trương lớn của Đảng sao việc khai thác bô xít, sản xuất alumin lại chỉ được đề cập lướt qua trong báo cáo kinh tế mà không có trong Báo cáo chính trị của Đại hội đảng ? Đó là vì việc khai thác này chỉ liên quan đến 15 ông trong Bộ Chính trị mà đứng đầu là ông Mạnh và do sự dẫn dắt của đàn anh Trung Quốc. Sự dẫn dắt này đã bắt đầu từ năm 2001.

Thât vậy,trong Tuyên bố chung nhân chuyến đi của ông Nông Đức Mạnh tại Trung Quốc ngày 3/12/2001 đã có đoạn: «nhất trí sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bô xít nhôm Đắc Nông».
Ông Mạnh được thưởng công bằng yêu cầu của lãnh đạo Trung Quốc cho giữ nguyên ghế tổng bí thư.
Tháng 11/2006, ông Hồ Cẩm Đào sang Việt Nam với bản thông cáo chung trong đó: «Khẩn trương bàn bạc và thực hiện các dự án lớn như bô xít Đắc Nông». Tại sao ông chủ lớn Trung Quốc lại coi thường đàn em đến thế? Một nước có chủ quyền mà lại để cho người ta bảo phải khẩn trương khai thác tài nguyên thô của mình thì mọi người đều thấy rõ sự thần phục tuyệt đối của giới lãnh đạo đảng hiện nay đối với thiên triều. Mà Trung Quốc thì từ chục năm nay đã có chính sách khai thác tài nguyên thô nước ngoài, đặc biệt là Phi châu để phục vụ cho nhu cầu khát nguyên liệu của mình. Kết quả là các nước này nghèo vẫn hoàn nghèo. Kể từ sau chuyến đi của ông Đào, Bộ chính trị đã phải họp ba lần để thực hiện chỉ thị trên và sau đó đẻ non một quy hoạch khai thác bô xít, sản xuất alumina cho đến năm 2015, có tính tới 2025 do ông Dũng phê duyệt ngày 1/11/2007. Riêng cách được thầu kể cả chỉ định trong hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ, vấn đề đưa hàng ngàn công nhân Trung Quốc sang khai thác cũng chỉ là một trong những biểu hiện của sự tùng phục của giới lãnh đạo đảng mà hậu quả của nó không thể lường về an ninh quốc phòng tại một địa điểm chiến lược như Tây Nguyên.

Cần xác định rõ khía cạnh pháp lí của thí điểm

Về chủ trương lớn của Nhà nước (theo ông Dũng) thì quy hoạch khai thác bô xít (2007-2015 có xét đến 2025) mà ông Dũng phê duyệt ngày 1/11/2007 chưa từng được Quốc hội thảo luận, biểu quyết. Như vậy là ông Dũng nói dối, đồng thời cũng cho thấy quy hoạch khai thác bô xít đã được triển khai với hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ là bất hợp pháp, như ông Nguyên Ngọc nhận định. Lập luận căn cứ vào tiêu chí đầu tư để biểu quyết (như ông Nguyễn Ngọc Trân và Hoàng Trung Hải nêu lên) phải được quan niệm trên tổng thể khối lượng đầu tư của toàn quy hoạch chứ không thể căn cứ trên giá trị đầu tư của một dự án đơn lẻ. Hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ nằm trong quy hoạch tổng thể với khối lượng đầu tư lớn và có liên quan đến môi trường, an ninh quốc phòng chứ không phải là dự án đơn lẻ. Khi quy hoạch tổng thể ngày 1/11/2007 chưa được biểu quyết thông qua thì việc triển khai bất cứ dự án nào dù là thí điểm cũng đều bất hợp pháp. Đây là một điểm cực kỳ quan trọng. Tất nhiên, trách nhiệm để xảy ra tình trạng triển khai bất hợp pháp này với những hậu quả của nó nằm nơi Bộ chính trị.

Trong tình hình hiện nay, một Quốc hội thực hiện đúng chức năng của mình là phải họp khẩn để đình chỉ thực hiện các dự án đang triển khai bất hợp pháp trước khi nói đến việc xét quy hoạch tổng thể. Đã có nhiều kiến nghị đi theo chiều hướng này nhưng liệu giới lãnh đạo đảng thần phục Trung Quốc hiện nay có thể chấp nhận hay không? Quốc Hội có dám làm đúng chức năng mình hay không. Nếu tất cả không chấp nhận giải pháp đình chỉ nêu trên (mặc dù có khó khăn với Trung Quốc do chính họ gây ra) thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm lớn trước lịch sử và dân tộc.

Rennes 17/4/2009
Tiến Hồng


-------------------------------------------------


(1) «Vai trò công nghiệp khai thác bauxite - sản xuất alumina-nhôm đối với phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, văn hoá khu vực”. Sài Gòn Giải Phóng, ngày 10/04/2009.
(2)
“Thông cáo báo chí”. Theo Viet-studies.info, ngày 09/04/2009.
(3) Cả hai dự án đều đã được thực hiện về nhiều mặt như khai phóng mặt bằng. Nhà máy dự án Tân Rai đã được khởi công từ 28/11/2008. Nhà máy dự án Nhân Cơ dự tính sẽ khởi công cuối tháng 4/2009 nhưng nay bị tạm thời đình chỉ.
(4) Quy hoạch tổng thể khai thác bô xít chia làm ba giai đoạn: 2007-2010; 2011-2015 và tầm nhìn tới 2025.Theo đó, trong giai đoạn trước 2010, Việt Nam tập trung khai thác quặng, sản xuất alumina xuất khẩu và sản xuất hydroxide nhôm cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.Trong giai đoạn này, Việt Nam dự kiến triển khai ba dự án alumina ở Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đăk Nông), Kon Hà Nừng (Gia Lai) và dự án hydroxide nhôm tại Bảo Lộc (Lâm Đồng).
(5) “Báo cáo các vấn đề chung quanh việc triển khai các dự án Bauxite ở Tây nguyên” Theo
Viet-studies.info.
(6)
“Lao động phổ thông nước ngoài đổ vào Việt Nam”. Tuổi Trẻ, ngày16/4/2009.

© Thông Luận 2009

No comments: