Thursday, April 16, 2009

ĐÀO HIẾU TỪ "LẠC ĐƯỜNG" ĐI VÀO "MẠT LỘ"

Đào Hiếu, từ “Lạc Đường” đi vào “Mạt Lộ”

Đỗ Văn Minh

16.04.2009

http://damau.org/archives/5363

LTS: Ban biên tập tạp chí Da Màu xin giới thiệu bài viết ‘Đào Hiếu, từ “Lạc Đường” đi vào “Mạt Lộ”’ của tác giả Đỗ Văn Minh. Theo tác giả Đỗ Văn Minh, bài viết đã được gởi riêng qua email đến nhà văn Đào Hiếu để mong được góp ý nhưng phần trả lời của tác giả “Lạc Đường” không đủ nghiêm túc như ông mong đợi. Bạn đọc có thể xem phần trao đổi giữa những người trong cuộc ở phần Phụ lục cuối bài viết này.

-----0-----

Đào Hiếu viết văn đã lâu, từ những năm trước 1975 với một số bài trên tờ Bách Khoa, rồi sau 1975 với nhiều tác phẩm đã được in thành sách. Tuy vậy, ông vẫn là một tên tuổi xa lạ mà chính ông cũng đã xác nhận là “có sách bán ế nhất nước” (Lạc Đường, trang 91). Sách bán ế thì tất nhiên là ít người đọc. Ít người đọc thì tác giả hẳn là ít người biết. Cho đến năm 1993, khi ông cho ra mắt tác phẩm “Nổi Loạn” thì tên tuổi Đào Hiếu “mới nổi lên như một sự kiện văn học ờ thành phố Sài Gòn. Nổi tiếng vì sách bị tịch thâu và tác giả bị bắt giam và truy tố (Lạc Đường, trang 90). Tôi không được đọc “Nổi Loạn” nên không biết nội dung cuốn sách, không biết tác giả bị bắt rồi bị tố ra sao, nhưng năm ngoái, tôi đã đọc “Lạc Đường” (xuất bản năm 2007) của Đào Hiếu rồi gần đây lại được đọc tiếp cuốn “Mạt Lộ” (năm 2008). Cho nên những gì tôi biết về Đào Hiếu và nói đến Đào Hiếu trong bài nhận xét đều từ 2 cuốn sách này, có lẽ là hai tác phẩm mới nhất của nhà văn họ Đào.

Lạc Đường

Trước hết, xin có nhận xét về “Lạc Đường”, cuốn sách ngoài bìa có in hai chữ “tự truyện”, như thế phải hiểu là kể về cuộc đời của tác giả Đào Hiếu. Tự truyện hay hồi ký có giá trị ở chỗ nói lên người thật, việc thật. Để xem Đào Hiếu kể chuyện thực đời mình ra sao.

Đào Hiếu đã mở đầu truyện bằng lối trực diện, giới thiệu nhân vật ở ngay những dòng đầu như sau:

Năm 1965, tôi có hai người bạn thân. Người thứ nhất là Bayle, lính thủy đánh bộ Mỹ…. là một thanh niên da trắng,…vừa tốt nghiệp đại học Yale thì bị thảy qua chiến trường Việt Nam. Hắn cũng chơi ghita cổ điển. Tôi cũng chơi nhạc cổ điển… Bayle chơi nhạc flamenco của Sabicas rất bốc, nhưng hắn lại thích nghe tôi chơi những tác phẩm của Tarrega.

Bạn của Đào Hiếu đúng là một nhân vật trí thức. Tốt nghiểp đại học là đủ rồi, lại còn tốt nghiệp Yale, một đại học danh tiếng trong Ivy League, đại học được truyền tụng là chuyên đào tạo ra các tổng thống Hoa Kỳ. Đã trí thức lại còn qúy phái nữa, vì thích chơi nhạc cổ điển. Bị gọi vào lính thì phải là lính “thú dữ nhất” như thủy quân lục chiến. Qua nhân vật lính loại “tay tổ” như Bayle, tôi cũng có thể hiểu Đào Hiếu muốn độc giả nhìn ông ra sao. Bạn ông thế nào thì ông cũng phải được hình dung như vậy: đây là một cây viết thuộc thành phần trí thức và qúy phái.

Đã tốt nghiệp đại học mà bị động viên vào hàng binh sĩ thì người ta chỉ cầu phục vụ cho mau hết thời gian phải nhập ngũ để làm tròn bổn phận công dân. Trong khi đó, thủy quân lục chiến Hoa Kỳ là một quân chủng chỉ chấp nhận quân nhân tình nguyện. Không có lính động viên ngang nhiên được chấp nhận vào quân chủng này. Không nhẽ ông bạn Bayle của Đào Hiếu sau khi bị “thảy qua chiến trường Việt Nam” lại tình nguyện vào TQLC để trở thành lính nhà nghề? “Ngưởi Thật” trong “Lạc Đường” là như thế đó! Cũng có khác gì những cái tên được Đào Hiếu huyênh hoang bốc nhắng lên để hòng khoe mẽ như “Sabicas”, như “Tarrega”!

Ngay những trang sau, Đào Hiếu kể tiếp một câu chuyện xảy ra tại Quy Nhơn, cũng vào giữa năm 1965 (trang 7, 10):

Trên xe bước xuống toàn sĩ quan tướng tá Mỹ… Các sĩ quan Mỹ đi thẳng vào phòng khách của tòa cao ốc nơi được thuê làm đại bản doanh của quân đội Mỹ đóng ở Quy Nhơn. Trong bãi đậu xe có tới trên dưới ba mươi chiếc xe vừa falcon vừa jeep lùn.

Nhưng chỉ một lát sau đã nghe tiếng máy bay trực thăng quần đảo trên đầm Thị Nại. Rồi từng loạt đại liên M60 trút xuống… Những ngọn sóng tóe máu. Thuyền đánh cá vung vãi như giẻ rách. Người chết không một lời kêu cứu. Cuộc trả đũa tàn khốc và mù lòa…

Sáng hôm sau tôi đến lầu Việt Cường… Toà cao ốc này sụm xuống như một cái đèn xếp… Những người cảnh sát này, cùng với quân cảnh Mỹ, cô lập khu vực này lại cho công binh Mỹ dùng cần câu bốc những tảng bê tông lên và chui vào lấy xác. Tôi len lỏi vào đám đông. Đột nhiên tôi nhìn thấy Bayle nằm lẫn trong đống xác lính Mỹ…

Đoạn trích dẫn trên đây gồm 3 hoạt cảnh lần lượt như sau: Thứ nhất, ngày hôm trước, một phái đoàn quân sự cao cấp Mỹ gồm cả tướng lãnh đến Quy Nhơn hội họp. Đặc công Việt Cộng đã phá sụm toà nhà làm đại bản doanh nơi đang có buổi hội họp. “Toà cao ốc sụm xuống như một cái đèn xếp” thì hiển nhiên là bọn tướng tá Mỹ phải chết hết, không chết hết thì cũng có nhiều người phải trọng thương. Thứ hai, ngay đêm hôm đó, Mỹ cho trực thăng đến xóm dân chài Thị Nại bắn phá tàn sát điên cuồng để trả thù cho vụ khủng bố trên. Thứ ba, sáng hôm sau, Đào Hiếu đến coi và nhận ra là ông bạn Bayle đã ở trong số những quân nhân Mỹ tử nạn.

Nếu tin được những gì nhà văn Đào Hiếu kể thì người Mỹ đã làm việc hết sức vô trách nhiệm. Có bao giờ sau khi vụ khủng bố xảy ra mà mãi ngày hôm sau mới dến hiện trường đào bới tìm xác? Theo lẽ thì bất kể ngày đêm, phải lập tức huy động nhân lực và phương tiện đến để xem có còn ai bị thương để cấp cứu ngay. Chắc là ông Đào Hiếu bắt người Mỳ chờ đến sáng hôm sau để ông có dịp nhận diện ra bạn ông trong số những người chết? Thêm nữa, cả khu vực đã bị cô lập, phải hiểu là cả khu phố bị ngăn cấm không cho vào, có ai tò mò muốn coi thì cũng phải đứng cách xa ít ra là năm bảy chục thước. Vậy mà ông Đào Hiếu lại mô tả cứ như là đi coi triển lãm để nhìn ra được người bạn ông “nhờ hai bàn tay. Cũng giống như hai bàn tay tôi, bàn tay của người chơi đàn ghita cổ điển”. Ở chỗ chết chóc này ông cũng không quên nhắc cho người đọc nhớ rằng ông chơi ghita cổ điển, nghĩa là ở cấp qúy tộc. Và tôi thực tình không hiểu bàn tay người “chơi đàn ghita cổ điển” khác với bàn tay người “chơi ghita không cổ điển” ra làm sao?

Tôi không biết ở Quy Nhơn vào năm 1965 có vụ khủng bố nào khiến cho cả trăm sĩ quan Mỷ tử thương (phái đoàn đi họp trên dưới 30 xe, vừa falcon vừa Jeep lùn – trang 7 ), nhưng tôi nhớ chắc chắn không có tướng lãnh Mỹ nào chết do hành động khủng bố của Việt Cộng tại miền Nam trong suốt cuộc chiến..

Và một điều hiển nhiên nữa là tướng Westmoreland, tư lệnh quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam, trong hồi ký (1), đã cho biết quân tác chiến Mỹ chỉ vào Việt Nam bắt đấu ngày 8 tháng 3, 1965 với 2 tiểu đoàn TQLC đổ bộ lên Đà Nẵng. Rồi từ tháng 5, 1965 mới bắt đầu có 19 tiểu đoàn nữa lần lượt tới Việt Nam, ưu tiên phối trí tại các vùng Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai, Pleiku, Cam Ranh, Biên Hoà, … Như thế, vào giữa năm 1965, quân đội Mỹ chưa tới Quy Nhơn, vậy thì làm gì có đại bản doanh Mỹ nào ở đây để có buổi hội họp gây ra vụ khủng bố, làm gì có trực thăng bắn phá để báo thù? Nhất là làm gì có đơn vị Thủy Quân Lục Chiến nào để cho Đào Hiếu có dịp đánh bạn với 1 quân nhân mang tên Bayle? “Việc Thật” do nhà văn Đào Hiếu đã kể là như vậy sao?

Theo tiểu sử trong bài phỏng vấn của Đoàn Giao Thủy mà Đào Hiếu cho đăng nguyên văn (từ trang 90 đến trang 96) thì nhà văn này sinh năm 1946 tại Tây Sơn, Bình Định, tốt nghiệp Đại học Văn Khoa năm 1972. Cũng trong “Lạc Đường”, còn có trích đăng một bài khác nói về Đào Hiếu do một ông tên Nguyễn Tư viết. Ông này, là bạn đồng học với Đào Hiếu, đã tiết lộ “… lúc đó Hiếu mới đậu vào năm thứ nhất ban Pháp Văn, như vậy Hiếu phải là dân trường Tây mới đậu nổi vào option này.” (trang 97). Phải là dân trường Tây mới đậu nổi vào ban Pháp văn trường Đại Học Sư Phạm Saigon! Vậy chắc hẳn phải là dân trường Anh, trường Mỹ mới đậu nổi vào ban Anh Văn? Mà ở VN lúc đó làm gì có trường nào dạy trung học theo chương trình Anh hay chương trình Mỹ. Vậy thì ban Anh văn trường Đại Học Sư Phạm chắc là chỉ để làm cảnh?

Theo như Đào Hiếu thuật lại thì ông đậu tú tài năm 1965 tại Quy Nhơn, đến năm 1966 mới vào Saigon. Quy Nhơn không làm gì có trường Pháp. Vậy thì Đào Hiếu đã học và đậu tú tài chương trình Việt. Sở dĩ ông cho đăng bài của ông bạn Nguyễn Tư là muốn mượn lời để ngầm cho người đọc biết rằng tuy ông học trường tỉnh lẻ rồi đậu tú tài Việt, nhưng trình độ tiếng Tây của ông không thua gì những người học truờng Tây! Và vì ông làu thông tiếng Tây như vậy nên ở những đoạn sau trong sách mới khoe khoang chuyện ông bàn bạc về triết học với Eckhart Tolle (trang 52-53), với Albert Camus (trang 56-57), … Đào Hiếu quả là một nhà văn trí thức hiếm có!

Đào Hiếu suốt thời thơ ấu sống tại Bình Định, trong cuộc chiến tranh 1946-1954, thuộc Liên Khu 5 do Cộng Sản kiểm soát cho đến năm 1955 (khi Đào Hiếu lên 9 tuổi) thì phần đất này mới trở về với chính quyền Quốc Gia. Cho nên dù được miền Nam nuôi dưỡng, cho ăn học thành người, nhưng suốt thời kỳ chiến tranh, ông vẫn hoạt động cho phía bên kia. Ngay năm 1965 ông đã từng xách động biểu tình tại Quy Nhơn. “… cuộc biểu tình hai chục ngàn người do Trần Quang Long, Dã Nhân và tôi tổ chức” (trang 5). Đào Hiếu đã không dè dặt chút nào. Hai chục ngàn người không phải là con số nhỏ. Tại Saigon và cả ở Huế, trong thời gian có nhiều cuộc biểu tình vào các năm 1964-1966, tôi không rõ có cuộc biểu tinh nào triệu tập được con số như trên. Huống chi Quy Nhơn chỉ là 1 thị xã tương đối nhỏ! Hơn nữa, với hai chục ngàn người thì cuộc biểu tình phải có khí thế lắm, không dễ gì mà đàn áp, giải tán. Vậy mà các nhà lãnh đạo cuộc biểu tình lại không được bảo vệ để cả 3 đều bị bắt hết một cách dễ dàng. Có tin được câu chuyện biểu tình của Đào Hiếu không?

Sau khi “ra Huế làm cách mạng” (trang 15) chừng 1 năm, Đào Hiếu vào Sài Gòn hoạt động trong phong trào sinh viên khu Sài Gòn - Gia Định rồi được gửi tới căn cứ địa cách mạng học về vũ khí để trở thành một biệt động thành, chuẩn bị cho trận Mậu Thân 1968. Có học thì phải có hành. Đào Hiếu đã được thử lửa ra sao, xin coi ông kể lại như sau (trang 26):

Anh lái chiếc xe Honda 67 màu đen. Tôi ôm trái mìn tự tạo ngồi phía sau. … Tôi móc trái mìn trong áo ra, châm lửa đốt điếu thuốc rối đặt trái mìn lên bàn chân. Khi đến ngay vọng gác của Tổng Nha Cảnh Sát, tôi hất nhẹ trái mìn vô hàng rào kẽm gai…”. Thế rồi: “Từ ngoài vòng vây, chúng tôi vẫn nhìn thấy vọng gác bị đánh sập một bên. Cà một đoạn hàng rào bị xé nát. Đó là ‘Chiến Công’ của hai chúng tôi, những thằng bạch diện thư sinh tập sự làm biệt động thành.

Bỏ qua tất cả những chi tiết khác xin để người đọc tự có ý kiến, tôi chỉ có 1 nhận xét: ngồi trên xe gắn máy đang chạy, để trái mìn lên bàn chân mà trái mìn không rớt thì chắc chắn là bàn chân ông Đào Hiếu có gắn nam châm. Vì vậy, ông không cần dùng tay ném mà quăng trái mìn bằng bàn chân. Hành động cảm tử khác thường này thật đúng với “tác phong Đào Hiếu”!

Ấy cũng nhờ vậy mà “Sau trận đánh đó tôi được kết nạp vào Đảng… Tôi đã vào Đảng bằng một trái mìn tự tạo”. Ông cũng không quên mỉa mai thiên hạ là trong khi ông vào Đảng bằng thành tích thì “Ngày nay, có người vào Đảng bằng ‘hai đầu gối, bằng ‘cửa sau’ hoặc bằng cái ‘vốn tự có’ của mình”.

Hoạt động lâu rồi thì cũng bị lộ. Bị lộ thì phải bị bắt. Và Đào Hiếu đã bị bắt vào giữa năm 1970, và cũng bị bắt một cách không giống ai, “theo kiểu Đào Hiếu”: (trang 32):

Tôi lách người bước vô. Lập tức một họng súng chĩa vô lưng. Và đẩy tôi vô trong… Tôi ngồi xuống giường. Và để trấn tĩnh, tôi với lấy cây đàn ghita trên vách. Tôi chơi rất nhiều tác phẩm kinh điển, nó làm những thằng công an đang ngồi đón lỏng ngoài cửa phải ngạc nhiên mặc dù tôi biết những thằng ngu đó đã bị tôi tra tấn suốt mấy tiếng đồng hồ bằng một thứ âm nhạc mà chúng chẳng hiểu cóc khô gì hết. Tôi nhịn đói và chơi đàn cho đến xế chiều.

Có bao giờ công an đi bắt người mà lại để phạm nhân ngồi tự do đánh đàn tới mấy tiếng đồng hồ sau mới còng tay đẩy lên xe đem đi. Đào Hiếu cũng giải thích là “chúng đang giăng một cái lưới. Và chắc chắn tôi không phải là con cá đầu tiên”. Ra cái điều là công an muốn dùng Đào Hiếu làm con mồi để đồng bọn của ông sa lưới cùng một lúc. Nhưng tôi hiểu ý đồ riêng tư của ông. Đây là một dịp để ông lại khoe tài đánh đàn, đã chơi ghita cổ điển mà lại còn biểu diễn những tác phẩm kinh điển nữa, những tác phẩm mà phải là dân học thức có “trình độ trường Tây” thì mới có thể thưởng thức được. Ông chơi đàn liên tục tới mấy tiếng đồng hồ, bỏ cả ăn với dụng công dùng loải âm nhạc qúy phái này tra tấn “lỗ tai trâu” của mấy tên công an bắt người thì thật cổ kim chưa từng thấy. Và cũng mưu trí nữa!

Đào Hiếu quả là một đảng viên cộng sản thuần thành, dùng thủ đoạn theo đúng sách vở là nói dối không cần biết ngượng mồm. Vì vậy ông đã chỉ nhắc tới “những ngày biểu tình rầm rộ ở Quy Nhơn, vụ đánh sập lầu Việt Cường, trận xạ kích tàn khốc của máy bay Mỹ trên đầm Thị Nại, giết chết hàng trăm ngư dân” (trang 43), những thành tich và chuyện xảy ra trong trí tưởng tượng phong phú của ông, thậm chí phóng đại ra một cách hoang đường như “Trong chiến tranh Việt Nam, hàng triệu người Việt Nam đã chết do bom đạn Mỹ”. (trang 206). Đúng là tuyên truyền theo công thức! Cứ việc không nói thành có, trắng đổi thành đen, cứ việc phóng đại ra, rồi thiên hạ tin theo trừ hao đi vài phần là vừa. Hàng triệu có nghĩa ít nhất là 2 triệu trở lên. Có ai tin được là có 2 triệu người Việt chết do bom đạn Mỹ qua lời tố cáo của Đào Hiếu?

Trong cuốn “Death by government” (2), giáo sư chính trị học của đại học Yale, Rudolph Rummel đã liệt kê con số các nạn nhân trên thế giới và ông cho biết trong chiến tranh Việt Nam, có khoảng 1,670,000 người Việt đã chết, mà là ở cả hai phía. Sự thật hẳn đã rõ ràng, Lời Đào Hiếu nói chỉ là của một tên điêu toa, dối trá! Trong khi đó thì, tuy đã đích thân tham dự vào trận Tết Mậu Thân đầu năm 1968 tại Saì Gòn, Đào Hiếu đã ngậm miệng, trong sách tuyệt không dám nhắc tới những hành động tàn bạo của các đồng chí của ông trong thời gian này mà điển hình là những mồ chôn tập thể tại Huế, là vụ tàn sát gia đình gồm cả mẹ già và con dại của Trung Tá Nguyễn Tuấn tại Gò Vầp (3) khi vị sĩ quan này từ chối hợp tác với các người anh em Cộng Sản của ông.

Đào Hiếu đã hy sinh hoạt động nội thành cho cộng sản và hậu quả là bị ở tù tới 3 lần, như Đào Hiếu đã kể công và tự khoe “ba lần khao khát tự do và cũng là ba lần khẳng định phẩm chất của một trí thức trẻ dám dấn thân vào con đường mình đã chọn.” (trang 75). Công lao như thế, phẩm chất đến như thế, vậy mà sau tháng tư, 1975, Đào Hiếu đã được đãi ngộ như thế nào? Đã được làm việc trong hội đồng đánh giá văn học miện Nam tại thư viện quốc gia trong những ngày đầu giải phóng (trang 67). Rồi không hiểu sao Đào Hiếu lại bị bứng ra khỏi công việc có hơi hướm đôi chút tới văn nghệ này để “bị mắc kẹt trong cái mớ công việc lỉnh kỉnh, vụn vặt như phong trào kế hoạch nhỏ, phong trào ‘một cây, một con’, phong trào làm sạch đường phố” (trang 79). Là “trí thức dấn thân” đã từng chấp nhận đi xách động biểu tình, đi ném mìn phá hoại cơ sở địch, vậy mà cánh mạng lại bắt ông xuống cấp công tác thậm chí cho đi làm sạch đường phố, nôm na ra thì phải hiểu là đi quét đường, để cho Đào Hiếu phải dùng hai bàn tay, thay vì để vung vẩy chơi đàn ghita cổ điển thì lại để cầm cán chổi ngoe nguẩy trên mặt đường. Mãi đến cuối năm 1976, Đào Hiếu mới thoát ra khỏi “cái mớ bòng bong ấy” để làm báo Tuổi Trẻ. Cho nên ông căm lắm, ông bất mãn lắm!

Ông xỉ vả những tên văn nghệ sĩ cộng sản nằm vùng đội lốt quốc gia ở miền Nam khi xưa, những tên đã có thời cùng ông “đồng lông đồng cánh” như Vũ Hạnh, gọi ông này là “Vô Hạnh”, “một tên chỉ điểm văn nghệ”, chế diễu Kim Cương là “nữ nghệ sĩ Hột Soàn”, thậm chí còn lên tiếng “không còn giao du với những đồng chí trong phong trào sinh viên cũ … mang bộ mặt vênh vang hãnh tiến của những ông quan tư sản đỏ”. Hẳn đây là phản ứng theo kiểu “trâu buộc ghét trâu ăn”! Vì vậy, ông nặng lời tùm lum lên án

có nhiều người trong phong trào sinh viên trước đây, hiện nay làm quan lớn. Đa số đều ăn cắp của công và tự đánh mất mình…. Văn nghệ sĩ – trí thức Việt Nam đa số là hèn… sự hèn hạ và khiếp nhược cũng được rèn luyện trong quá trình tham gia cách mạng… Miếng cơm manh áo và sự an phận đã thắng tất cả. (trang 95, 96)

Ông còn ấm ức, chửi vung ra tới hải ngoại: “… họ đã lợi dụng tác phẩm của tôi để tuyên truyền chống cộng một cách rẻ tiền. Một số khác thì ‘vô tư’ in lại tác phẩm của tôi để kiếm lời mà không hề hỏi tôi lấy một tiếng” (trang 99). Tác phẩm của Đào Hiếu là loại có “văn hóa cao” như ông đã tự đánh giá như sau: “Tôi vẫn coi văn học là một sản phẩm cao cấp. Sách của tôi đều bán rất chậm vì tôi không viết theo thị hiếu và phần lớn đều in ở những nhà xuất bản lớn có uy tín…”, Tôi không hiểu làm sao lại có chuyện ngược đời, dùng những “sản phẩm cao cấp” mà lại đi đến kết qủa là tuyên truyền “chống cộng rẻ tiền” được. Xin các nhà chống cộng chuyên nghiệp giải thích dùm. Cuốn “Lạc Đường” tôi có trong tay nơi trang bìa mặt có ghi nguyên văn “Kim Thư Production USA 2008” và trang chót có in hàng chũ “copyright 2008 by Đào Hiếu” bên dưới có số điện thoại và địa chỉ điện thư của tác giả. Vậy thì đây hẳn không phải là loại nhà xuất bản “vô tư”, ăn chặn tác quyền của Đào Hiếu. Các nhà xuất bản khác nếu có in sách của ông thì từ nay không được “vô tư” nữa mà nên bắt chước Kim Thư kẻo tội nghiệp cho ông Đào Hiếu!

Trong cao trào văn nghệ phản kháng xuất phát từ chính sách cởi mở của tổng bí thư Nguyễn văn Linh vào các năm 1986-1989, Đào Hiếu đã hoàn toàn đứng ngoài. Ông giải thích và cũng là bào chữa cho thái độ tránh né ấy như sau:

Khi ông Linh kêu gọi văn nghệ sĩ thì đó là cách nói hoa mỹ để bảo văn nghệ sĩ hãy tuyên truyền tốt hơn cho chính sách đổi mới của Đảng…chẳng qua các anh em ấy tưởng lầm ông Linh nói thật, thế thôi. Tôi chưa hề viết một bài chống tiêu cực nào vì đó là trò trẻ con…. Dạo đó người ta đổ xô tìm đọc văn chương chống tiêu cực, văn chương đổi mới. Đó là sự giải tỏa ẩn ức. Quần chúng luôn luôn là đám đông tội nghiệp; họ nhẹ dạ và bị lừa liên tục. (trang 93, 94)

Nói như vậy thì ra Đào Hiếu đã phủ nhận cao trào phản kháng trong thời kỳ được gọi là “cởi trói văn nghệ” và coi các tác phẩm như “Ly Thân” (1987) của Trần Mạnh Hảo, “Những thiên đường mù” (1988) của Dương Thu Hương, “Thiên Sứ” (1988) của Phạm Thị Hoài, các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (1988-1989), … đều là viết để tuyên truyền cho chính sách đổi mới của chính quyền, để chiều theo thị hiếu của thiên hạ, là “làm trò trẻ con” sao? Ông còn lên giọng miệt thị cả đám quần chúng là “tội nghiệp”, “nhẹ dạ”, và “bị lừa liên tục”, đọc văn chương đổi mới để “giải tỏa ẩn ức”. Từ sau thời “Trăm Hoa Đua Nở” 1956-1958, phải đợi hơn 30 năm sau mới có những tác phẩm của các tác giả, mà một số được kể ra bên trên, hé lộ cho thấy phần nào những thực trạng chính trị và xã hội mà chính quyền cộng sản miền Bắc luôn luôn bưng bít. Tất nhiên là không thể nói ra cho hết, tả ra cho đủ, nhưng có còn hơn không, chả hơn là nhà văn Đào Hiếu đã e sợ không dám tham gia để dùng ngòi bút nói lên sự thực mà còn lên giọng trịch thượng đưa ra những điều vu khoát để dèm pha, chỉ trích!

Tôi viết về tác phẩm “Lạc Đường” của Đào Hiếu đã dài, nhưng vẫn còn nhiều điều khác cần đề cập tới nhưng không thể nói hết ra được. Chẳng hạn như ông đã có nhận xét là “… trước năm 1975 ở Sài Gòn có 36 tờ nhật báo nhưng chỉ có duy nhất một tờ báo của nhà nước. Đó là tờ Tiền Tuyến. Tờ báo đó không ai đọc và chỉ phát không cho lính” (trang 150). Tôi đi lính 13 năm, nhiều bạn bè tôi, nhiều thân nhân của tôi cũng là lính thuộc nhiều quân binh chủng, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nhận được tờ Tiền Tuyến phát không. Có nhiều người trong chúng tôi đọc báo này, và họ đã trả tiền, cũng như khi mua các báo khác. Rồi như chuyện Đào Hiếu ghét nước Mỹ, đó là sở thích của ông, không ai nói tới làm gì. Nhưng ông lại chửi rủa nước Mỹ qua các tài liệu và lời nói của Bin Laden mà ông coi như là sự thực, là kinh điển để noi theo; vì vậy, nếu ông có ca ngợi, xưng tụng tên trùm khủng bố quốc tế này, coi như một vị anh hùng (trang 184-190) thì cũng không lấy chi là lạ.

Đào Hiếu sống tại miền Nam nhưng lại chọn con đường hoạt động cho cộng sản để chống đối miền Nam theo lý tưởng của ông. Vậy mà sau 1975, ông đã không dám lại chống đối lại cái chính quyền đã làm lý tưởng của ông tan vỡ.

Chống đối miền Nam thì dễ hơn vì chính quyền ấy tuy có độc tài nhưng vẫn còn nhân tính. Khi bị bắt vì xách động biểu tình tại Quy Nhơn, ông đã được “trả tự do một cách nhanh chóng, không bị hạch hỏi hay làm thủ tục giấy tờ gì rườm rà” (trang 7). Khi bị bắt vì hoạt động trong thành đoàn học sinh tại Saì Gòn, ông đã xác nhận “…Chính quyền Thiệu biết rõ mười mươi một số học sinh sinh viên là đảng viên cộng sản nhưng họ vẫn phải trả tự do cho những người bị bắt” (trang 39).

Ông cũng “biết rõ mười mươi” là vào những năm 1975-1985 nếu viết văn công khai chống đối chính quyền cộng sản thì chỉ có đường đi cải tạo mút mùa. Ông khôn lắm, nên ông đã lặng thinh, ngay cả trong thời kỳ “cởi trói văn nghệ” sau năm 1985, ông không một lời chống đối, hẳn ông cho là chống lúc này vẫn còn chưa ăn chắc. Mãi đến nay, nhiều năm sau khi Cộng Sản Việt Nam, vì kinh tế lụn bại và để tự cứu, đã bắt buộc phải nới lỏng phần nào chế độ kìm kẹp và đưa ra cái gọi là chính sách đổi mới, ông mới theo chân thiên hạ để phê phán chính quyền: “Quốc hội Việt Nam chỉ có một đảng duy nhất. Vì thế quốc hội biến thành ‘tài sản’ của đảng, một cơ quan của đảng… Và chúng ta có thể nói rằng nước Việt Nam không có quốc hội, không có ngành lập pháp, và trên thực tế cũng không có ngành tư pháp.” (trang 76-77). Những lời phê phán đại loại như thế này, người ta nói đã mỏi miệng rồi. Nhưng ông sẵn sàng lặp lại theo chủ trương “chậm mà an toàn”, vì vào thời buổi này, giả sử có bị bắt thì rồi cũng lại được thả, có nguy hiểm gì lắm đâu!

Đào Hiếu quả đã “lạc đường”. Ông đã vỡ mộng đi theo cộng sản để làm cách mạng, lại chán sự đời vì “lỗ tai nghe cái gì cũng trái, con mắt nhìn cái gì cũng thấy có gai…mỗi buổi sáng giở tờ báo ra, ngày nào cũng tràn ngập những chuyện vớ vẩn, chuyện tham ô, chuyện lừa đảo. viết lách thì như bồi bút…. Bèn đi học thiền. Học không được, bỏ lên núi…ngồi uống rượu với nhau trên một hòn đá phẳng, …uống rượu thay cho ngồi thiền ” (trang 211). Và ông “cũng thấy lòng rũ bỏ được vài phân trần thế”. Nghe thật là cảm khái! Cách hành xử này của ông nào có khác Bá Di, Thúc Tề đời xưa vì phản đối nhà Châu mà vào rừng ở ẩn. Đời nay, có Đào Hiếu, ra cái điều khí khái, vì bất bình với cộng sản mà lên núi tiêu dao. Có điều khác là Bá Di, Thúc Tề đã thà chịu chết không ăn gạo của nhà Châu, còn Đào Hiếu thời nay lên núi uống rượu và vẫn ăn, dù là ăn gạo của cái chế độ mà ông có thời ông đã cúc cung tận tụy phục vụ mà nay thì lại đang nguyền rủa hết lời.

*

Mạt Lộ

Khác với tự truyện“Lạc Đường”, “Mạt Lộ” là một tiểu thuyết, còn có tên cũ là “Về Đâu”. Vì là tiểu thuyết nên trong “Mạt Lộ” nếu có nhiều hư cấu, nhiều chuyện tưởng tượng thì cũng có thể chấp nhận được. Nhà văn có nói quá để diễn tả được dễ dàng ý mình muốn nói thì cũng là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, nếu tiểu thuyết được lồng vào một khung cảnh lịch sử có thực thì những chuyện trong tiểu thuyết, dù là sản phẩm của tưởng tượng, cũng không thể đi quá xa dữ kiện lịch sử, vì như thế là lừa bịp, là bôi bác lịch sủ, nhất là khiến cho những độc giả sinh sau đẻ muộn dễ có sự hiểu lầm đưa đến những nhận định sai lạc.

Từ đó, tôi muốn nói tới một trong những nhân vật chính trong truyện không nêu tên và chỉ được gọi là “Vương Gia”. Nhân vật lãnh tụ tối cao trong mật khu ở miền Nam này được mô tả (chương 1) là có

“…quyền lực bao trùm thiên hạ… Ông không lộ diện nhưng có mặt khắp nơi, nhắc tới tên ông thì mọi người đều run sợ.”. Người ta sợ ông từ thời Cải cách ruộng đất, thời Nhân Văn Giai Phẩm, một người đã có quyền quyết định trong hai chiến dịch lớn là trận Mậu Thân (1968) và trận càn quét sang Campuchia (1979), vì ông muốn “tài năng hơn ông Giáp, nổi tiếng hơn ông Hồ”. Qua chương 6, Đào Hiếu còn cho biết thêm về “Vương Gia” như sau: “…Cái bóng của lão bao trùm thiên hạ. Đến cụ Hồ còn phải sợ, năm 1960 lúc cụ Hồ 60 tuổi, lão đã giam lỏng cụ trong một ngôi chùa mang bí số K5 ở tận vùng thượng du Bắc Việt… Còn bây giờ thì ngay cả chủ tịch nước mỗi lần đến hội kiến với lão khi ra về phải bước giật lùi…”. Một người uy quyền trong chế độ như vậy, xem ra chỉ có thể là Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhất là những điều mô tả cho thấy “Vương Gia” còn là người mê gái đẹp, bừa bãi con rơi con vãi. Nhưng trọn cuộc chiến tranh tại miền Nam do miền Bắc khởi xướng và chỉ đạo, Lê Duẩn chưa bao giờ có mặt nơi đây. Nhân vật cao cấp nhất từ miền Bắc đưa vào để điều khiển tại chỗ cuộc chiến tranh là Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh. Nhưng ông này đã sớm chết vào năm 1967. Như vậy “Vương Gia” như Đào Hiếu mô tả là một người không thể có trong mật khu cộng sản tại miền Nam liên hệ qua các nhân vật và chi tiết đã đi vào lịch sử như ông Hồ, ông Giáp, như Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, trận Mậu Thân, chiến tranh với Campuchia, … Tại miền Nam, không làm gì có một nhân vật cộng sản nào quyền uy có khả năng trấn áp đến như thế. Ngay cả những năm sau tháng 4, 1975. Điều nực cười nữa là nhân vật “Vương Gia” vào khoảng các năm 1995-2000 đã tổ chức mừng thọ 70 tuổi. Như vậy suy ra thì “Vương Gia” sinh trong vòng các năm 1925-1930. Có nhân vật quyền uy nào của miền Bắc, trong Cải Cách Ruộng Đât chỉ mới 25-30 tuối, thời Nhân Văn Giai Phẩm cũng chưa quá 35? Lại nữa, có bao giờ các nhân vật thuộc hang “chóp bu” cộng sản lại tổ chúc Lễ Mừng Thọ công khai linh đình, hàng trăm ngưởi tham dự (chương 26). Khoe khoang trước công chúng không phải là điều chúng thường làm. Chúng ăn vụng nhiều, kín đáo và lúc nào cũng chùi mép. Nhân vật chủ chốt này trong tiểu thuyết của Đào Hiếu hoàn toàn do óc tưởng tượng mà lại không có tính cách sáng tạo chút nào! Như vậy hỏi rằng những nhân vật khác và những chuyện khác do Đào Hiếu kể có phản ảnh sự thực trong xã hội hậu chiến ở Việt Nam không?

Xin kể tiếp vài chuyện khác trong tiểu thưyết “Mạt Lộ” của nhà văn Đào Hiếu.

Trần Vũ, trung úy ngụy, “tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt nhưng ghét Mỹ Ngụy nên bỏ vô đây… Người ta không tin anh. Bị theo dõi. Bị kiểm điểm. Bị bắt khai lý lịch hoài.” (chương 1). Chưa được tin tưởng, đang bị theo dõi vì trong tình trạng nghi ngờ, vậy mà Trần Vũ lại được giữ cái radio mang theo và còn ngang nhiên nghe các đài ngoại quốc, phát thanh bằng tiếng ngọai quốc ngay trước mặt bí thư đơn vị. Đã có radio, lại còn được cấp phát súng. Và được ở quanh quẩn gần “căn nhà lợp lá trung quân” của Vương Gia, lãnh đạo tối cao trong mật khu.

Đào Hiếu đã từng vào căn cứ địa cách mạng học vũ khí (Lạc Đường, trang 24) nên ông tưởng rằng ông có thể tả thế nào về mật khu cũng lọt tai người nghe sao? Khi theo cộng sản, dù là tình nguyện, vẫn phải qua thời gian thử thách. Nếu không được tin tưởng thì chắc chắn sẽ phải gia nhập vào hàng ngũ đi lao động hoặc đưa vào đơn vị chiến đấu, có đâu lại được ở gần ban chỉ huy mật khu, được tự do nghe đài, được mang súng. Cho nên chuyện mật khu của Đào Hiếu với nhân vật Trần Vũ chỉ là bịa đặt, trên thực tế không thể nào có được.

Rút cục, nhân vật Trần Vũ “lạc đường” khi vào khu đi làm cách mạng, rồi khi biết mình cùng đường đi vào “mạt lộ”, thì ông đã rút súng tự kết liễu cuộc đời.

Hết chuyện Trần Vũ nay sang chuyện Trần Quỳnh, anh ruột của Trần Vũ.

Theo lý lịch thì Trần Quỳnh, trong quân đội VNCH là đại úy đại đội trưởng Biệt Độmg Quân.

Ông “có nợ máu” với cộng sản qua một trận đánh mô tả như sau:

Việt Cộng bao vây ngay đêm giao thừa. Tụi nó cũng có chừng một đại đội, nhưng đủ quân số. Còn đại đội của tao chỉ còn 11 thằng. Số còn lại đều trốn về nhà ăn tết….Không còn cách nào khác ngoài một cái lệnh tàn khốc: Đem hết các thùng lựu đạn ra đây. Mỗi đứa ôm một thùng. Ném súng đi. Chỉ ‘chơi’ lựu đạn thôi… Ném lựu đạn ra hai bên. Mở đường máu,… Tao vừa ném lựu đạn vừa chạy trong lửa và khói…Bảy thằng lính còn ba. Và tao nữa là bốn. Đại đội vi-xi gần như bị xóa sổ… (chương 2).

Có bao giờ trong thời chiến, đơn vị trưởng để một đại đội quân nhân dưới quyền trốn về quê ăn tết gần hết chỉ còn 11 người, mà đây lại là một đơn vị Biệt Động Quân? Lại còn chuyện mỗi người ôm một thùng lựu đạn xông ra ngoài mở đường máu. Tay ôm thùng lựu đạn thì còn tay nào mở kíp trước khi ném. Hay đây là loại lựu đạn đặc biệt của ông Đào Hiếu chế tạo riêng cho cái đại đội 11 người này, chỉ cần cho tay vào thùng cầm lên ném ra là nổ? Chỉ có 11 người mà tàn sát được ít nhất phải trên 100 vi-xi, mà vẫn còn 4 người sống sót về tới khu an toàn. Cho tới lúc này Đào Hiếu vẫn còn chất Cộng Sản trong huyết quản nên cái cảnh chiến đấu “ta thắng địch thua” của ông cứ như là “Vẹm” kể vậy!

Thế rồi đại úy Trần Quỳnh kể tiếp:

Lúc giải phóng vô, với lon đại úy chắc chắn tao phải đi cải tạo mười năm. Ai dè vô trại cải tạo mới hai tuần thì lù lù một ông cán bộ đến lãnh về. Đó là cậu vợ, mới được cử về làm bí thư xã. (chương 2)

Nghĩ thật tủi cho nhà thơ Trung tá Không Quân bạn quen với Phó Tổng Trưởng Thông Tin Văn Hóa của Chính Phủ Cách mạng, cho vị Đại tá tại Bộ Tư Lệnh Không Quân, con rể của Giáo sư Thứ Trưởng Giáo Dục cũng của Chính Phủ Cách mạng! Quen thuộc và liên hệ họ hàng đến cỡ ‘chóp bu’ như thế mà mỗi vị đều bị đi tù cộng sản trên 10 năm, chả bằng một anh bí thư xã quèn cũng khơi khơi vào trại lãnh ông cải tạo viên cháu vợ ra dù mới chỉ sau 2 tuần. Đúng là trò cải tạo đặc biệt do ông Đào Hiếu đạo diễn!

Đào Hiếu ghét Mỹ, ghét từ thủa ‘lạc đường” cho tới nay đi vào “mạt lộ” vẫn còn ghét. Ghét lây cả những gì liên hệ tới Mỹ. Như Phi Luật Tân chẳng hạn. Ông kể có 4 người Phi đến Việt Nam dạy học: “Dân Phi thất nghiệp rất nhiều. Sang đây tụi cháu kiếm mỗi tháng cũng được hai ngàn đô.” Những giáo viên Phi này còn kể xấu về nước họ như sau:

Tổng Thống Ferdinand Marcos từng tham nhũng một trăm tỉ đô la. Chính quyền của bà Arroyo hiện nay cũng không khá gì hơn. Đầy dẫy bất công, nghèo hèn, lạc hậu. Philippines là câu trả lời cho những ai vẫn tin rằng theo Mỹ là sự lựa chọn khôn ngoan nhất. (chương 3)

Phi Luật Tân có thua kém là thua Đài Loan, Đại Hàn, Singapore, … chứ đến mức dân Phi sang tận Việt Nam kiếm việc mà lại được trả 2 ngàn đô la một tháng thì Việt Nam quả là thiên đường rồi còn gi! Một trăm tỉ đô la không phải là một trăm tỉ đồng tiền Việt Cộng. Tôi không nhớ ông Marcos làm tổng thống bao nhiêu năm. Nếu cứ cho là 10 năm thì trung bình mỗi năm ông ta tham nhũng được 10 tỷ, có nghĩa là mười ngàn triệu đô la trong 1 năm hay nói rõ hơn nữa là 25 tới 30 triệu đô la một ngày. Tiền ở đâu ra mà nhiều vậy? Chuyện những người Phi sang Việt Nam kiếm việc trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam ngày nay cũng như chuyện những người Phi này bêu riếu nước họ có đáng tin không hay chỉ là do ông Đào Hiếu “phịa” ra để làm tài liệu chỉ trích nước Mỹ?

Không ưa nước Mỹ như vậy, ấy thế mà ông lại cho một nhân vật mà ông đã dụng công gây dựng, Đại Úy Biệt Động Quân Trần Quỳnh khăng khăng tìm cách xin được sang Hoa Kỳ theo diện HO đến nỗi chuyển ông Đại Úy này đang từ binh chủng Biệt Động Quân tự nhiên trở thành Biệt Kích:

Nhưng đại úy Quỳnh không hy vọng gì nhiều. Ông hy vọng vào những vết sẹo chằn chịt do trận ’mở đường máu’ năm nào để lại. Ông hy vọng vào những đặc vụ biệt kích mà ông đã từng được thả xuống giữa rừng rậm của liên khu Năm vào mùa hè 1972. Chắc chắn người Mỹ còn lưu giữ tên ông trong danh sách những đội đặc nhiệm ấy. (chương 7)

Đào Hiếu không hiểu rằng Biệt Động Quân và Biệt Kích là 2 ngành hoàn toàn khác nhau sao?

Bịa đặt ra lắm thì cũng có lúc phải đầu xuôi đuôi ngược.

Ông thuật chuyện một cô gái Việt Nam tên Trinh lấy chồng Đài Loan: “…(chương 7) Lão già Đài Loan nhỏ xíu. Nhỏ Trinh thì tròn lẳn, tướng thon thả, đẹp gái. Đại úy Quỳnh hỏi: Thấy chú rể Đài Loan ra sao? – Con thấy tội nghiệp cho chị Trinh.”

Xin đọc tiếp đoạn đối thoại sau nơi chương 15:

“- Ủa, nhỏ Trúc nè. Về hồi nào vậy con?

- Mới về. Chị Trinh đi Hàn Quốc sao rồi?

- Cũng ổn. Bữa trước nó gởi về được ba trăm đô.”

Chú rể Đài Loan được Đào Hiếu phù phép hóa thành Đại Hàn. Cũng chỉ là bổn cũ soạn lại thôi! Như Đại Úy Quỳnh đang từ Biệt Động Quân bỗng nhiên trở thành Biệt Kích.

Cũng như “Lạc Đường”, trong “Mạt Lộ” còn nhiều chuyện đáng kể khác nhưng không thể nói cho hết được. Đào Hiếu viết “Mạt Lộ” theo dạng tiểu thuyết nhưng dựa vào khung cảnh lịch sử có thật. Cũng như trong “Lạc Đường”, ở đây ông vẫn đưa ra những nhân vật không thật, kể nhiều chuyện tưởng tượng trái ngược với sự thực khiến cho lớp người hậu sinh hình dung ra mà tin tưởng cho rằng Đào Hiếu đã phác họa đứng đắn bối cảnh của một thời. Trong “Mạt Lộ”, ông đã tả những cảnh xấu xa trong xã hội Viêt nam ngày nay. Sự sa đọa của cái xã hội này là điều hiển nhiên từ lâu rội. Có điều là ông đợi nhiếu năm sau khi đổi mới đến nay mới dám nói ra. Cũng tựa như nhà văn Tô Hoài vậy! Trong thời Cải Cách Ruộng Đất giữa thập niên 1950, Tô Hoài là Đội Phó đội Cải Cách. Ông thấy rõ những cảnh thê thảm, những hình ảnh đấu tố dã man, nhưng phải đợi gần 40 năm sau ông mới theo thời trang viết quyển “Ba người khác” (1992) để tố giác. Tựu trung, chọn đúng lúc để cho ra mắt tác phẩm cũng chỉ là dè dặt hầu giữ an toàn cho bản thân thôi, không đáng chê trách lắm. Điều khác biệt là Tô Hoài đã cho người đọc thấy được thực trạng trong một hoàn cảnh mà ông đã chứng kiến, tuy tất cả không hoàn toàn là sự thực nhưng không có những bịa đặt trắng trợn và những luận điệu gian dối xen lẫn với khoe mẽ để bào chữa cho thái độ của mình như ông Đào Hiếu!

*

Năm 1948, khi còn tản cư ở hậu phương miền trung du Bắc Việt, tôi nhiều lần được nghe bài “Lời du tử” với câu mở đầu:

Chiều nay biết về nơi đâu

Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu”

Tôi không hiểu ý của tác giả Nguyễn đình Phúc khi sáng tác bài ca này, nhưng tôi xin mạn phép tán rộng ra là ông đang lạc đường và phân vân chưa biết nên đi về đâu trước hai ngả rẽ: một là tiếp tục ở lại với kháng chiến lúc này đã dần dần lộ ra bộ mặt thật là cộng sản; mặt khác là hồi cư về thành sống dưới quyền kiểm soát của thực dân Pháp.

Tuy nhiên tác giả “Lời du tử” còn có đường chọn lựa, trong khi nhà văn họ Đào đang ở cảnh “Lạc Đường” và không biết đi “Về Đâu” mà lời than thở của nhân vật Trần Vũ trong tiều thuyết đã phản ảnh tâm trạng của ông: “…Còn anh thấy Mỹ bất nhân nên theo Việt Cộng. Bây giờ thấy Việt Cộng vừa bất nhân vừa bất nghĩa, chẳng lẽ anh trở lại với Mỹ sao… Đã mạt lộ rồi?” (chương 1). Ý tưởng này thật là quá tiêu cực! Tôi nghĩ trong nhiều hoàn cảnh, người ta vẫn còn có thể tìm ra một lối thoát. Trong thời gian và hoàn cảnh các năm 1948-1954, tác giả “Lời du tử”, cũng như nhiều người khác, có thể đã phải có quyết định để lựa chọn trước hai ngả đường: Việt Minh Cộng Sản và Thực Dân Pháp, cả hai đều không phải là con đường chính nghĩa để theo. Tuy nhiên, giữa hai cái xấu thì đôi khi phải chọn cái xấu ít hơn dựa trên kiến thức, kinh nghiệm cá nhân và thời cuộc. Cộng Sản lúc nào cũng là chế độ tàn bạo nhất, hủy hoại con người đến cùng cực. Còn chính sách thực dân sớm muộn cũng không thể tồn tại. Nếu ông Đào Hiếu cũng chấp nhận tìm một lối thoát theo nhận thức như trên thì ông đã không tạo cho nhân vật Trần Vũ một kết cục quá bi thảm như ta đã thấy..

Đỗ Văn Minh

9 - 4 – 2009

Chú thích:

(1) Hối ký Westmoreland (trang 178-179, 184): Bản dịch của Duy Nguyên (1996), nhà xuất bản Thế Giới, San Jose California.

(2) “Con số 100 triệu nạn nhân”: Tú Gàn (Saigon Nhỏ ngày 23-6-2007, đăng lại trên “motgoctroi.com)

(3) “Con sói già cô đơn”: Phan Lạc Phúc (Tuyển Tập Tạp Ghi, trang 365, đăng lại trên “TroiNam.net”)


Phụ Lục: Trao đổi giữa nhà văn Đào Hiếu và tác giả Đỗ Văn Minh

1. Lệ Hà chuyển bài của Đỗ Văn Minh đến nhà văn Đào Hiếu

— On Sat, 4/11/09, Leha Nguyen wrote:

From: Leha Nguyen

Subject: Phan hoi cua mot doc gia

To: daohieu

Date: Saturday, April 11, 2009, 11:40 PM

Xin goi den nha van Dao Hieu mot bai phan hoi ve hai quyen sach cua ong .

Leha

2. Nhà văn Đào Hiếu trả lời Lệ Hà

Date: Sat, 11 Apr 2009 16:38:56 –0700

From: daohieu

Subject: Re: Phan hoi cua mot doc gia

To: Leha Nguyen

KINH ANH LE HA,

ANH THAC MAC VE 2 CUON SACH CUA TOI LAM GI CHO MET. ANH CU VE QUY NHON HOI BAT CU NGUOI NAO TREN 50 TUOI, HO DEU BIET NHUNG SU KIEN DUOC MO TA TRONG LAC DUONG LA THAT 100%.

ANH CU GAP BAT CU AI THEO CACH MANG TRUOC 1975 TUNG O "R" DEU BIET NHAN VAT "VUONG GIA" LA AI. NHAN VAT "GIAM DOC THU" LA AI. VUONG GIA THI CHET ROI NHUNG THU THI VAN CON SONG HIEN DANG DI TU.

THOI, VAY NHE. CU HOI CHO KY DI. ROI SE BIET.

DU SAO CUNG CAM ON ANH DA QUAN TAM DEN TAC PHAM CUA TOI.

DAO HIEU

3. Đỗ Văn Minh trả lời nhà văn Đào Hiếu

Thưa nhà văn Đào Hiếu,

Trước hết, xin xác nhận với ông: chị Lệ Hà, một thân hữu, đã thay mặt tôi gửi tới ông bài nhận xét của tôi về 2 tác phẩm “Lạc Đường” và “Mạt Lộ”.

Rồi qua chị Lệ Hà, tôi đã nhận được mấy câu phản hồi của ông đối với bài nhận xét của tôi. Nay tôi xin trả lời.

Thông thường một tác phẩm, sau khi được phổ biến, đều phải chấp nhận sự phê phán của người đọc. Nếu cho rằng độc giả đã phê phán không đúng, tác giả có quyền phản bác lại để chứng minh rằng những lời phê phán đó là sai lầm.

Tôi đã đọc “Lạc Đường” và “Mạt Lộ”. Có nhiều điều tôi không đồng ý. Tôi đã đưa ra những chỗ mà tôi cho là có sai lầm với những trích dẫn trong 2 tác phẩm của ông, và chỉ trong 2 tác phẩm này mà thôi, từ những điều do chính ông viết ra, để minh chứng cho lập luận của tôi. Nếu ông cho là tôi có chỗ nào nhận định sai thì ông phải đưa ra những lý lẽ để phản bác lại, từng điểm một.

Ông đã không theo phương cách tranh luận như thế để tìm ra lẽ phải!

Ông đã phản bác theo một đường lối đặc biệt, mà tôi tạm gọi là “Đường Lối Đào Hiếu”.

Ngay câu đầu, ông đã viết: “Anh thắc mắc về 2 cuốn sách của tôi làm gì cho mệt.”

Vậy là ông đã phủ nhận tư cách của người đọc về khả năng phê phán, ông viết gì thì cứ biết vậy thôi, đừng bày trò hỏi han lôi thôi. Ông không trả lời đâu!

Đúng vậy, cứ vế Quy Nhơn hỏi, và cứ hỏi những người từng ở mật khu “R” thì biết hết sự thực. Ông Đào Hiếu đã chỉ cách cho như vậy.

Tuy nhiên tôi, cũng như bất cứ ai trong trường hợp của tôi, không hơi đâu mà mất thời giờ, tiền bạc, để chỉ vì tìm hiểu “Sự Thực Đào Hiếu” mà phải lặn lội về Việt Nam, ra tận Quy Nhơn, rồi tìm bất cứ người nào trên 50 tuổi để hỏi han những sự tích hơn 40 năm về truớc. Năm nay là năm 2009. Người 50 tuổi tính ra thì sinh năm 1959. Chuyện xảy ra ở Quy Nhơn là vào năm 1965. Vậy thì người năm nay 50 tuổi, lúc chuyện xảy ra mới có 6 tuổi. Có thể tin ở khả năng phân biệt sự kiện thật giả ở một cậu bé con mới có 6 tuổi sao?

Mặt khác, tôi chưa bao giờ là người cộng sản nên cũng không quen thuộc nguời cộng sản nào từng sống trong mật khu “R”, và tôi cũng không có bổn phận phải đi tìm một người như thê để hỏi về nhân vật “Vương Gia” trong sách của ông.

Thưa ông Đào Hiếu,

Một nhà văn chân chính luôn luôn có bổn phận soi sáng những thắc mắc của người đọc về tác phẩm của mình.

Ông không phải là một nhà văn như vậy. Thay vì trả lời, giải thích, thì ông lại bảo người đọc sách của ông hãy cố mà đi tìm hiểu lấy đi. Có cách trả lời nào quái gở hơn không?

Tìm hiểu sự thực theo lối ông chỉ dẫn thì không thể nào thực hiện dược. Thực sự đó chỉ là cách chối quanh của một người bí lối, không biết làm sao trả lời thẳng vào câu hỏi.

Hơn nữa, trong bài phản hồi, ông chỉ đề cập tới chuyện “Quy Nhơn” và chuyện “Vương Gia”. Có rất nhiều điểm khác trong bài nhận xét của tôi nhưng không thấy ông đả động gì hết. Theo nguyên tắc tranh luận, không trả lời có nghĩa là chấp nhận: “Qui tacet, consentit”. Ông làu thông tiếng Tây, hẳn ông không lạ gì với câu ngạn ngử La-Tinh này.

Câu cuối trong “phản hồi”, ông đã viết với giọng điệu thật dịu dàng, cứ như là nhắn nhủ: “Thôi, vậy nhé, cứ hỏi cho kỹ đi, rồi sẽ biết”.

Tôi xin hồi đáp lại, cùng một cách nhẹ nhàng, như sau: “Được, cứ thế, hãy trả lời hết đi, rồi sẽ hay”.

Nếu trước kia tôi có chút nghi ngờ nào đó thì nay, qua mấy câu “phản hồi” của ông, tôi đã nhận rõ cái “trình độ” trí thức của ông như thế nào, cái khả năng biện luận của ông đi tới đâu. Có thể ông viết “phản hồi” trong lúc “no mất ngon, giận mất khôn”, nên tình cờ đã phát xuất ra những câu mà tôi cho là chưa từng thấy trong văn chương biện luận.

Vì xin chỉ trả lời ông một lần rồi thôi, cho nên tôi viết hơi dài.

Tôi sẽ không có thời giờ viết cho ông nữa, nhận xét về ông nữa, vì tôi sẽ không mất công đọc thêm nhưng gì ông viết. Đủ lắm rồi!

Đỗ Văn Minh

12 - 4 - 2009

No comments: