Thursday, April 16, 2009

Thuyền Cứu Rỗi
Phạm Chí
http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=FED41F8FFFB94545ADB508A8F6D690B8?action=viewArtwork&artworkId=8528
Lời toà soạn:
Bài viết dưới đây được trưng bày kèm theo bức điêu khắc “Thuyền Cứu Rỗi” của Nerine Martini tại Casula Powerhouse Arts Centre trong cuộc triển lãm
NAM BANG!
Phạm Chí, tác giả của bài viết, là người đã mua bức điêu khắc này vào năm 2008, và cho Casula Powerhouse Arts Centre mượn để triển lãm.

---0---


THUYỀN CỨU RỖI
http://www.tienve.org/home/images/vl-hnt9.jpg

Tôi là một người bạn của Nerine Martini, tác giả của bức điêu khắc này. Tôi theo đạo Phật và là một trong hàng triệu người Việt Nam tị nạn bằng thuyền từ sau tháng 4/1975.
Trước khi thoát khỏi Việt Nam, tôi đã có mười năm sống dưới chế độ cộng sản (1975-1985). Hơn nửa thời gian đó, tôi bị giam giữ và hành hạ trong một số trại tù và trại cải tạo; thời gian còn lại là lẩn lút mưu toan cho những chuyến vượt biên, lập đi lập lại bất thành. Và suốt mười năm khốc liệt đó, dù đang bị đánh đập tra tấn trong những lần thẩm cung, dù đang quần quật lao động khổ sai tại Côn Đảo (Poulo Condore), Cam Ranh, Trần Phú, A.40, A30, ...dù có lúc biên giới giữa sự sống và cái chết chỉ là một, tôi chưa bao giờ từ bỏ ý định vượt thoát khỏi Việt Nam.
Chiếc thuyền là một ám ảnh không rời.

Tháng 5, 1985, tôi cùng với 38 người gồm nam phụ lão ấu trên một chiếc thuyền mỏng manh dài chưa tới mười thước, với máy móc thô sơ, thực phẩm thiếu thốn, xuất phát từ Cà Mau, hướng về Vịnh Thái Lan. Sau khi thoát lằn đạn lửa của công an biên phòng bắn rượt theo trong đêm, thì hôm sau đó chúng tôi phải đối diện với bão biển, đói khát, và sau cùng chúng tôi gặp hải tặc Thái Lan. Chúng tôi bị lột trần truồng, bị đánh đập dã man. Phụ nữ và các em gái bị hãm hiếp. Chiếc thuyền bị chẻ ra để tìm kiếm vàng bạc.
Quí vị có biết hải tặc Thái như thế nào không? Quí vị thử nhắm mắt hình dung một đoàn người vạm vỡ to lớn, da đen, nâu, tóc quăn để dài, cả thân hình đầy vết xăm, vết sẹo, và chỉ vận chiếc quần lót loại của phụ nữ nhỏ xíu mỏng tanh màu xanh lá cây hoặc màu hồng, cổ đeo dây chuyền vàng to bản, tay cầm dao quắm hoặc rìu, di chuyển nhanh gọn, và thuần thục từng hành động từ đánh đập cho đến hãm hiếp. Nhưng cái kinh khủng nhất là ánh mắt của họ. Cái ánh mắt mà cho đến hôm nay, sau hơn 20 năm, tôi vẫn còn hình dung mồn một...
Đến Terengganu (Malaysia), chúng tôi 38 người không còn là người, không quần áo che thân, bò lổn ngổn trên bãi cát, phụ nữ em gái máu còn ròng ròng từ chỗ kín hòa với nước biển, với dầu cặn chảy dọc theo hai ống chân bầm tím...
Và chiếc thuyền đã xong phần số, bắt đầu chìm dần trên làn nước dập dìu đưa đẩy, trên bãi biển lóa nắng Terengganu.

Giống như hàng triệu người Việt tị nạn ở đó đây khắp nơi trên thế giới, sau hơn 20 năm ở Sydney tôi vẫn còn nguyên những cơn ác mộng thỉnh thoảng cứ lập đi lập lại, toát mồ hôi lạnh kinh hoàng vì tưởng mình chưa vượt thoát được, vẫn còn ở tại đất nước đó, vẫn còn đang chờ thẩm cung, vẫn còn đang lao cải... Tất cả vẫn còn, dù trong ý nghĩ ban ngày hay trong vô thức của giấc ngủ ban đêm. Nhưng lạ thay, chỉ một điều vắng mất, không còn ám ảnh tôi nữa -- chiếc thuyền.

Tôi quen biết Nerine Martini năm 2007. Mùa đông năm ngoái, tôi và vài người bạn trong lĩnh vực hội họa cùng đi đến tư gia Nerine ở Blue Mountain để giúp cô khuân tác phẩm “Thuyền Cứu Rỗi” (nguyên khổ lớn, được chở bằng xe vận tải từ Melbourne về Sydney) vào sân vườn nhà cô. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy nó.
Khi chiếc xe tải ì ạch tiến vào ngõ dẫn vào sân nhà Nerine, tôi hoàn toàn rúng động, hoàn toàn bất ngờ, sửng sốt nhìn chiếc “Thuyền Cứu Rỗi” đang được phụ đưa xuống xe bởi Nerine và các bạn tôi. Bởi tôi như bị ghim xuống đất, trong cái mùa đông của bầu trời xám xị, tôi đứng đó không biết nước mắt mình trào ra, tôi nghe xung quanh tôi tiếng sóng biển ầm ì, lúc dạt dào lúc phẫn nộ, tôi nghe tiếng khóc tỉ tê của đứa bé gái 8 tuổi sau khi bị Thái Lan hiếp, tôi nghe tiếng khóc ồm ồm của người đàn ông bị cướp Thái Lan nhổ mất mấy chiếc răng bịt vàng. Tôi thấy tôi trần truồng ngồi trước mũi thuyền đưa thân hình gầy gò bầm đau rỉ máu hứng chịu mưa biển quất vào mặt vào thân, lờ mờ trước mắt là biển động mù mịt và tôi thấy tôi la to về phía trước “Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát”. Hơn 20 năm trước, tôi đã la như vậy bằng tất cả sức lực còn sót lại của mình.

THUYỀN CỨU RỖI
http://www.tienve.org/home/images/thuyen1.jpg

Tám cánh tay đính vào hai mạn thuyền là tám cánh tay của bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara Bodhisattva) tại chùa Bút Tháp – Hà Bắc. Nerine Martini nhìn thấy tám cánh tay này trong một lần viếng thăm học hỏi về nghệ thuật tạo hình của Chùa Cổ Việt Nam. Từ đó, tám cánh tay ở lại một cánh bồng bềnh, dịu dàng vẫy gọi, vẫy gọi mãi trong tâm thức của cô.
Tôi có đề nghị Nerine Martini đổi tên “Thuyền Cứu Rỗi” thành “Thuyền Cứu Độ”, bởi vì kinh sách Phật Giáo dùng chữ cứu độ, thay vì cứu rỗi là chữ bên kinh sách Thiên Chúa Giáo. Thêm nữa, chữ cứu độ mang ý nghĩa sâu và tròn đầy hơn chữ cứu rỗi, bởi không những cứu mà còn độ cho đến sau này.
Hôm nay, ngồi viết những dòng này, trước mặt tôi là mô hình thuyền cứu rỗi thu nhỏ mà tôi đã mua lại từ Nerine từ hôm mùa đông đó.

THUYỀN CỨU RỖI
http://www.tienve.org/home/images/thuyen2.jpg

Mỗi đêm, khi vợ con tôi đã yên giấc, tôi thường ngồi lặng lẽ nhìn chiếc thuyền, ánh đèn từ trên chụp xuống in đậm lên bệ cái bóng đen một xác thuyền khác, như một cái xương cá nằm đâu đó dưới lòng đại dương, Vịnh Thái Lan, biển Nam Hải... và những cánh tay Bồ Tát vẫn dập dìu muôn đời như làn sóng gợn phía bên trên.

---------------------------------

Bài liên hệ:
15.04.2009
Trả lời phỏng vấn của báo Việt Luận về cuộc biểu tình chống Casula Powerhouse Arts Centre - Hoàng Ngọc-Tuấn

http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=FED41F8FFFB94545ADB508A8F6D690B8?action=viewArtwork&artworkId=8527


No comments: