Wednesday, April 15, 2009

AI SẼ CỨU NHỮNG CÁNH RỪNG ...

Ai sẽ cứu những cánh rừng…
Ngày 15.04.2009 Giờ 17:37
http://www.sgtt.com.vn/Detail6.aspx?ColumnId=6&newsid=49880&fld=HTMG/2009/0414/49880
Sao lại trùng hợp thế nhỉ, tháng ba mặt trăng tháng tư mặt trời, dồn dập các câu chuyện liên quan đến những cánh rừng ở Tây Nguyên – những cánh rừng xanh thẳm nỗi nhớ của biết bao người đã sinh ra và lớn lên ở đấy hoặc đã để lại đấy một phần đời đẹp nhất của mình vì sự trường tồn nhiều nghĩa của vùng đất được mệnh danh là “lá phổi”, là “mái nhà của Đông Dương”. Mở mạng lên là thấy ngay những câu chuyện ấy.

Lý do phá rừng: rừng nghèo
Thoạt tiên là chuyện có ai đó đã nói với cấp dưới của mình là rất nhiều khu rừng tự nhiên ở Tây Nguyên là “rừng nghèo”, nghĩa là rừng không sinh lợi. Mà đã không sinh lợi thì cần chặt đi để thay vào đó những loại cây sinh lợi ngay sau mỗi năm năm và còn sinh lợi được hai, ba mươi năm sau đó.
Loại cây “hái ra tiền” ấy chính là cao su. Người nhận được thông điệp ấy đã hiểu trọn vẹn như người gửi. Thế là chỉ trong một thời gian kỷ lục, chưa tới hai năm, có đến 29 dự án khảo sát đã được lập và triển khai tại tỉnh Gia Lai và tỉnh Dăk Lăk với mục tiêu san phẳng 137.000ha rừng tự nhiên để chuyển sang trồng cây cao su. Ừ thì cây cao su là loại cây sinh lợi. Nhưng nó đâu phải là mục tiêu chính và là mục tiêu duy nhất để 14 doanh nghiệp nhảy cẫng, nhảy bổ vào Gia Lai triển khai “dự án khảo sát”.
Cái đích mà họ nhắm là nhân dịp “thuận lợi” này tranh thủ đốn các cây gỗ già, gỗ quý của rừng tự nhiên ở Tây Nguyên để sinh lợi ngay mấy mươi lần. Không có dịp may “chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su” thì làm gì họ có được cơ hội “phá rừng, khai thác gỗ hợp pháp” ấy!
Mưa trái mùa, lũ quét, lũ ống và hàng loạt hiện tượng bất thường của cái gọi là biến đổi khí hậu trên thế giới và ở Việt Nam nữa là do “hiệu ứng nhà kính” chứ do gì cái việc chặt bỏ những khu rừng tự nhiên “nghèo nàn khả năng sinh lợi” kia!
Thế nhưng vì sao đất hoang hoá, đất trọc bên ngoài các cánh rừng tự nhiên tính chưa đầy đủ còn đến 144.000ha, lại không được họ chọn lập “dự án khảo sát”.

Lý do phá rừng: dân nghèo

Câu chuyện thứ hai (và chắc chắn chưa phải là câu chuyện cuối cùng) về những cánh rừng Tây Nguyên, đó là câu chuyện triển khai các dự án bauxite cực lớn ở Dăk Nông và Lâm Đồng.
Vẫn là cái lý đúng đắn: phát huy tiềm năng của Tây Nguyên để Tây Nguyên phát triển, đồng bào Tây Nguyên không đói nghèo nữa. Đúng đắn như vậy mà không hiểu, không tán đồng, không chấp hành có hoạ là kẻ ngu muội, phá bĩnh.
Vấn đề là, và cũng là cực kỳ đúng đắn: khai thác nguồn tài nguyên nằm sâu dưới lòng đất Tây Nguyên như thế nào, vào lúc nào là thích hợp và an toàn để sau thời gian khai thác dự tính 98 năm hoặc 150 năm vùng cao nguyên Di Linh – Lâm Đồng thực sự không phải gánh chịu hậu quả khôn lường về cả môi trường tự nhiên, văn hoá xã hội lẫn an ninh quốc phòng.
Cũng cứ việc mở mạng lên là thấy ngay vấn đề bùn đỏ – dư phẩm của quy trình khai thác, sơ chế bauxite. Đã đành là trên thế giới hiện nay có công nghệ xử lý chất thải nguy hiểm của quá trình khai thác bauxite; đã đành là lấy đất của dân đang sinh sống làm dự án thì cũng có giải pháp tạo công ăn việc làm và nơi ở mới cho dân. Đã đành thế. Nhưng mà, chính phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại hội thảo bauxite ở Hà Nội ngày 9.4 vừa qua cũng đã thừa nhận, rằng nhiều dự báo của chủ đầu tư dự án về quy hoạch, về thị trường bauxite ở Việt Nam và thế giới chưa chuẩn xác; còn gây nhiều tranh cãi về công nghệ và môi trường (làm sao giám sát được chất lượng công nghệ khai thác và xử lý chất thải khi mà cơ chế liên doanh đặt phía Việt Nam ở vòng ngoài việc quyết định lựa chọn thế hệ công nghệ?); các giải pháp đã đưa ra về văn hoá, bản sắc dân tộc trong phạm vi vùng khai thác chưa thật sự tạo được an tâm – trong khi đây là vấn đề còn quan trọng hơn cả hiệu quả kinh tế.
Những nhận định thẳng thắn như vậy về một dự án lớn cả về không gian và thời gian, lại ở một khu vực quá nhạy cảm như Tây Nguyên, chưa được chuẩn bị thật kỹ càng về nhiều mặt hà cớ gì cần triển khai ngay lúc này, dù chỉ ở mức thí điểm! Không thể phát triển bằng mọi giá. Lời nói chân lý ấy lại gợi nhớ tới định nghĩa của UNDP (Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc) những năm 90 của thế kỷ trước về phát triển bền vững.
Đó là, trong khi khai thác tài nguyên và sử dụng điều kiện thiên nhiên nhân danh việc thoả mãn nhu cầu tiêu dùng hiện tại không được để lại những hậu quả ảnh hưởng đến điều kiện sống của thế hệ tương lai. Phải nghĩ như thế nào đây về “sự nhân danh” ấy khi mà trên mạng những người đưa tin cho biết: ở xã Nhân Cơ huyện Dăk R’Lấp tỉnh Dăk Nông, “đứng từ trên cao nhìn xuống đại công trường bauxite chỉ thấy một vùng đất bằng phẳng dài hun hút màu đỏ đất bazan”. Nơi ấy trước đây là những ngọn đồi xanh màu rẫy cà phê và củ mì. Ngay cả lòng một con suối chảy quanh đồi cỏ xanh trước đây nay cũng phủ một màu đất đỏ quạch. 245 hộ dân ở Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã được dời đi để tiến hành dự án bauxite Tân Rai, đó mới chỉ là con số khởi đầu. Cho dù như vậy, đã phải liên tưởng tới ngày mai, bốn mươi năm sau, chín mươi năm sau hoặc lâu hơn nữa nếu dự án bauxite vẫn quyết liệt phải triển khai...
Ở nơi đồi núi ngày nay xanh thẫm màu cây rừng và nước sông nước suối, đến lúc đó có thể sẽ không còn màu xanh, thay vào đó là màu của tình trạng mà bây giờ chúng ta thường nói: màu của sự – phát – triển – không – bền – vững.

Nguyễn Thế Thanh

No comments: