Wednesday, April 15, 2009

TRUNG QUỐC GIA TĂNG ĐÀN ÁP GIỚI LY KHAI

Gia tăng đàn áp ly khai nhân ngày giỗ của tổng bí thư Hồ Diệu Bang
Thanh Thủy, Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 15/04/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 15/04/2009 13:45 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/112/article_3200.asp
Ông Hồ Diệu Bang nguyên là Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã bị cách chức năm 1987 vì đã có những chủ trương cởi mở về mặt chính trị. Vào năm 1986, ông đã rất bao dung với phong trào đấu tranh của sinh viên. Ông cũng tìm cách phục hồi danh dự cho các nạn nhân cuộc Cách Mạng Văn hoá

Theo hãng tin AFP, ông Kỳ Chí Dũng, 52 tuổi, người đã bị cụt một chân do bị trúng đạn trong vụ quân đội đàn áp sinh viên tại Thiên An Môn năm 1989, đã bị công an câu lưu từ sáng sớm hôm nay và đưa đến giam giữ tại một nơi bí mật ở vùng ngoại vi Bắc Kinh. Trong một bản tin nhắn, nhà ly khai này cho biết vụ giam giữ ông liên quan đến này giỗ thứ 20 của ông Hồ Diệu Bang.
Cũng theo AFP, một số nhà ly khai khác cũng cho biết là họ bị kiểm soát chặt chẽ. Ông Giang Kỳ Sinh, từng bị giam giữ vì đã viết ra những tài liệu hô hào dân chủ, cho biết là công an luôn túc trực trước cửa nhà ông ở tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, và bám theo ông mỗi khi ông di chuyển. Theo nhà ly khai này thì tình trạng này chắc chắn sẽ tiếp diễn khi ông trở lên Bắc Kinh vì lẽ sắp đến ngày kỷ niệm 20 năm phong trào Thiên An Môn.

Xin nhắc lại là ông Hồ Diệu Bang nguyên là Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã bị cách chức năm 1987 vì đã có những chủ trương cởi mở về phương diện chính trị. Vào năm 1986, ông đã rất bao dung với phong trào đấu tranh của sinh viên. Trước đó ông còn tự phê bình về chính sách Trung Quốc thực hiện tại Tây Tạng và chủ trương cho vùng này tự trị. Ông cũng tìm cách phục hồi danh dự cho các nạn nhân cuộc Cách Mạng Văn hoá trong những năm 1966-1976.
Cái chết đột ngột của ông vì bệnh tim ngày 15 tháng tư năm 1989 đã gây xúc động rất lớn trong dư luận, và sinh viên, thanh niên bắt đầu tập hợp để tưởng niệm ông và đòi hỏi dân chủ. Từ vài trăm hôm 17 tháng tư, số người tham gia càng lúc càng đông để lên đến 200.000 người trên quảng trường Thiên An Môn ngày 22 nhân lễ tang của ông. Phong trào muà xuân Bắc Kinh bắt nguồn từ đó.

Chính vì mối liên quan trực tiếp giữa ngày giỗ ông Hồ Diệu Bang với sự kiện Thiên An Môn mà chính quyền Trung Quốc hiện nay muốn ém nhẹm vụ việc. Báo chí Trung Quốc hầu như không đề cập gì đến sự kiện này vào hôm nay.

Thông tín viên Marc Lebaupin tường trình từ Bắc Kinh:
"Một bức màn dầy đặc đã bao phủ lên thời kỳ này của lịch sử Trung Quốc. Sáng nay không một tờ báo nào đề cập đến các sự cố xảy ra năm 1989. Tờ China Daily, nhật báo chính thức bằng tiếng Anh, đã dành trang nhất cho các vụ bạo loạn ở Thái Lan và cho Bắc Triều Tiên.
Những lời bình luận hiếm hoi đọc được trên các trang blog điện tử thường bị kiểm duyệt. Và những người Trung Quốc, được phỏng vấn sáng nay, hình như không còn giữ một kỷ niệm nào về ông Hồ Diệu Bang.
Duy chỉ có báo chí Hồng Kông là dám đề cập đến các sự kiện của Mùa Xuân Bắc Kinh. Ngay từ hôm qua tờ South China Morning Post đã dành trọn một trang báo cho ông Hồ Diệu Bang, lãnh đạo được đánh giá là "đổi mới" mà ngày giỗ có thể dẫn đến những căng thẳng nghiêm trọng.
Về phía chính quyền, cách nay vài ngày Bắc Kinh đã tiết lộ một kế hoặch hành động trong lĩnh vực nhân quyền. Tất nhiên đây là một sáng kiến không phải là không liên quan gì đến ngày giỗ ông Hồ Diệu Bang, nhưng nó nhắm chủ yếu đem lại một câu trả lời sẵn có cho tất cả những ai muốn chỉ trích Trung Quốc nhân dịp này.
Trong khi đó, những nhà đối lập được nói đến nhiều vẫn tiếp tục ngồi tù. Còn những người chống đối chưa bị bắt giam, tất nhiên họ hiểu rõ là Trung Quốc đã bước vào một thời kỳ được đặt trong tình trạng an ninh cao độ, và thời kỳ này cấm ngặt mọi hình thức phản kháng, đặc biệt là chung quanh quảng trường Thiên An Môn vốn được canh phòng cẩn mật".


No comments: