Wednesday, April 15, 2009

VỤ BÔ-XÍT : NÓI CHUYỆN VỚI ÔNG ĐOÀN VĂN KIỂN

Dư luận không giống như " cô bé quàng khăn đỏ", thưa ông Đoàn Văn Kiển...
Phạm Viết Đào
( 4/15/2009 3:36:48 PM )
http://hnv.vn/News.Asp?Cat=32&SCat=&Id=1255
Chúng tôi chăm chú đọc bài phỏng vấn ông Đoàn Văn Kiển ( Đ.V.K), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam ( T.K.V) hiển thị trong mục Tuần Việt Nam của Vietnamnet với tiêu đề bài:Làm bô-xít hiệu quả hay không, chờ thực tế mới biết...

Bài phỏng vấn được rút tiêu đề từ một câu trả lời của ông Đ.V.K...Các lập luận trong bài phỏng vấn ông Kiển khi đưa ra để bảo vệ dự án của mình, thuyết phục dư luận chủ yếu dựa vào những lập luận của loại khoa học "tín chấp" hơn là khoa học thực nghiệm. Như mọi người đều biết khoa học tín chấp và khoa học thực nghiệm đều căn cứ vào các nguồn dữ liệu khác nhau; Loại khoa học tín chấp dựa trên nền tảng của ý chí, tình cảm và đức tin. Các nhà khoa học tín chấp chủ yếu dựa vào nhân thân của người khởi xướng, dựa vào các lời hứa đao to búa lớn và bóng bẩy, dựa vào các cương lĩnh chính trị có thể hiểu theo nhiều cách; có khi chỉ dựa vào một khoản tiền đặt cọc, hoa hồng mà thôi; Còn đối với các nhà khoa học thực nghiệm thì căn cứ để bảo vệ các lập luận của họ là các dữ liệu hiển thị bằng số liệu, các thí nghiệm đã mang lại kết quả trong phòng thí nghiệm và các thành quả đã được ứng dụng vào trong cuộc sống được thống kê, tổng kết bằng số liệu không phụ thuộc vào ý chí và tình cảm cá nhân.

Ý kiến của ông Đ.V.K làm cho chúng ta liên tưởng tới một câu chuyện ngụ ngôn phương Tây: Chuyện về mụ phù thuỷ và cô bé quàng khăn đỏ; để lừa vào được nhà cô bé, trước tiên mụ ta chỉ có gửi nhờ vào nhà cô bé có một chân mà thôi để tránh trời lạnh cóng...Việc ông Đ.V.K đề nghị cứ để cho triển khai hạ hồi phân giải sau có giống với việc làm của cái "mẹ mìn" trong truyện ngụ ngôn trên không?

Ông Đ.V. K khẳng định như đinh đóng cột rằng: Muốn ăn phải lăn vào bếp, muốn biết kết quả thành bại, tốt xấu như thế nào thì cứ hày để cho TKV làm đi đã; Rồi thì ông đảm bảo sẻ sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất để giữ cho môi trường; rồi thì ai bảo công nghệ Trung Quốc là công nghệ lạc hậu, công nghệ tồi.v.v.Tất cả những tuyên bố kể trên cho thấy ý chí thép của tập đoàn này quyết làm cho bằng được dự án này ?!

Chúng tôi xin trích lại ý kiến của ông Đ.V.K để cùng phân tích, đàm đạo:
- " 3 mục tiêu của các dự án bô-xít là: hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội địa phương. Cả ba lợi ích này đều phải được đảm bảo.
Về hiệu quả kinh tế, nếu dự án nếu không hiệu quả, làm sao chúng tôi đầu tư? Người nói dự án không hiệu quả chỉ là ý kiến cá nhân, chúng tôi sẽ ghi nhận để kiểm tra lại quan điểm của TKV.
Cũng phải nói rõ thêm, là chủ đầu tư, chúng tôi phải tính mọi khía cạnh, phù hợp với luật pháp, tiêu chuẩn quốc gia, và hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi không thể làm dự án một cách hồ đồ.
Hai là, vốn huy động cho các dự án từ 680 đến 900 triệu USD, chỉ 30% là vốn chủ sở hữu TKV bỏ ra. Còn 70% phải đi vay. Trong thời buổi khủng hoảng này, vay đâu có dễ. Các ngân hàng trong nước, nước ngoài đều phải kiểm toán, thẩm định các dự án mới cho vay. Chúng tôi đi vay cũng không có bảo lãnh của Chính phủ, Bộ Tài chính..."

Chúng tôi xin trao đổi lại với ông Đ.V.K về ba nhóm dữ liệu khoa học mà ông lấy đó làm căn cứ để đề nghị triển khai.

1/ Thứ nhất về hiệu quả môi trường: Hiện nay ông Đ.V.K đưa ra những căn cứ do TKV lập ra mà chưa chứng minh có cơ quan khoa học độc lập và uy tín nào kiểm tra, kiểm chứng. Ông chỉ trả lời dự án đã phải bàn đi, tính lại, có sự tham gia của tư vấn Pháp về nghiên cứu khả thi. Tư vấn Pháp là ai, tên cơ quan địa chỉ và có đủ độ tin cậy không hay lại là mấy Công ty tư vấn người Hoa ở quận 13 Pari? Ở đây ông Đ.V.K trả lời rất mập mờ giống như một quan chức ở Hà Nội đổ vấy cho Thuỵ Điển đầu tư vào khách sạn tại công viên Thống Nhất.
Ông Đ.V.K cho biết sẽ đảm bảo giữ môi trường nhưng đảm bảo như thế nào? Thực tế vừa qua cho thấy Nhà máy bột ngọt Vedan, Nhà máy chế biến bột sắn tại Thanh Chương, Nghệ An, những con sông chết ngay tại Hà Nội và nhiều vùng công nghiệp mới nổi lên quy mô không bằng dự án khai thác boxit Tây Nguyên đang gây ô nhiễm, thế mà chính phủ đang lúng túng, đã có cách gì giải cứu được đâu ?!Các cụ từng day: ăn cơm mắm cáy thì ngáy o...o..., ăn cơm thịt bó lại lo ngay ngáy...
Xin lấy một ví dụ, chúng ta ai cũng đều thuộc lời một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân về Huế có câu:" Nước sông Hương không bao giò chịu đục; Cây thông trên núi Ngự Bình không bao giờ chịu gục trước gió mưa..." Nói về ý chí và tình cảm của con người thì các nhạc sĩ nói hay hơn, thuyết phục hơn các doanh nghiệp rất nhiều, thế nhưng trong thực tế thì núi Ngự Bình đã có thời trụi thông. Còn con sông Hương cách đây dăm năm tôi tôi có dịp qua Huế chứng kiến sự đục ngầu của nó; theo các bạn tôi thì suốt hàng năm trời khi mở đường Hồ Chí Minh ở phía tây Huế đã làm cho sông Hương đục ngầu. Điều này dân của cả thành phố Huế đã từng chứng kiến. Chắc chắn việc làm đường không can thiệp vào đất nhiều bằng khai thác quặng thế mà điều mà nhạc sĩ Hoàng Vân nói thực tế đã chứng minh là sai bét rồi ?

Nhân dịp này chúng tôi xin chuyển đến ông Đ.V.K công văn số 53 / BC - TTYT ngày 28 / 3 / 2009 của Trung tâm Quản lí Di tích Danh thắng Yên Tử, do ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm kí, gửi chính quyền và các cơ quan chức năng, về việc Bộ Tài nguyên và môi trường cho phép khai thác than trong Rừng đặc dụng Di tích Yên Tử.
Theo công văn này thì ngày 27 / 3 / 2009, Trung tâm Quản lí Di tích Danh thắng Yên Tử, được UBND thị xã Uông Bí mời tham gia bàn giao mốc quản lí khoáng sản do Công ti TNHH một thành viên 91 chủ trì. Tại đây, Công ti 91 đã đưa ra Quyết định số 2809 / GP-BTNMT, ngày 31 / 12 / 2008 của Bộ Tài nguyên và môi trường, do ông Nguyễn Văn Thuấn, Quyền Cục trưởng Cục địa chất và khoáng sản Việt Nam, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, kí, cho phép Tổng Công ti Đông Bắc, công ti con của Tập đoàn TKV " khai thác bằng phương pháp hầm lò các vỉa than 4, 5, 7 thuộc khu Đông mỏ Khe Chuối, xã Tràng Lương, huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh".
Căn cứ theo các mốc tọa độ được ghi tại Quyết định trên, đối chiếu với bản đồ hiện trạng rừng, di tích và đất lâm nghiệp, theo Quyết định số 1068 / QĐ - UB ngày 23 / 4 / 2001 của UBND tỉnh Quảng Ninh, về việc phê duyệt dự án đầu tư rừng đặc dụng Yên Tử, thì toàn bộ diện tích được cấp phép khai thác than nói trên, nằm hoàn toàn trong khoảnh 1, tiểu khu 9B, rừng đặc dụng Yên Tử. Xét theo chiều ngang thì khu vực được cấp giấy phép khai thác này, cách trung tâm di tích Yên Tử gần 1 km, với thời hạn khai thác là 14 năm, công suất 30. 000 tấn / năm.
Một di tích tầm quốc gia như Yên Tử thể mà Tập đoàn Than và Khoáng sản vẫn tìm cách đào bới để lấy than làm ảnh hưởng tới di tích mà các TKV vẫn làm; cả Tây Nguyên mênh mông ai mà theo được TKV mà kiểm soát, ai mà tin được vào sự đảm bảo của ông Đoàn Văn Kiển?

Ông Đ.V.K nói dựa vào công nghệ Trung Quốc để bảo vệ môi trường? Lại là một luận chứng mang đầy yếu tố tín chấp ! Trung Quốc có công nghệ tốt sao họ lại đóng cửa một số nhà máy trên đất của họ mà lại sang làm giàu cho Việt Nam? Cứ cho nơi TKV khai thác sẽ được thực hiện đầy đủ và quy trình bảo vệ môi trường đi, ông Đ.V.K là người biết rõ nạn than thổ phỉ ở Quảng Ninh, đã có cách nào dẹp bỏ nó chưa? Ở đâu có cầu ở đó sẽ có cung. Liệu ai dám đảm bào khi triển khai dự án này ào ạt, hàng vạn người khắp cả nước sẽ kéo về Tây Nguyên tham gia khai thác boxit thổ phí thì lấy gì mà ngăn chặn, bảo vệ môi trường? Khai thác than người ta phải đào sâu hàng chục mét, hàng trăm mét mà còn khai thác theo kiểu "thổ phỉ" được; ở Tây Nguyên chỉ gạt qua lớp đất là lấy được quặng; vậy thì Tây Nguyên sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ tàn phá môi trường đến để kiếm sống? Điều này ông Đ.N.K đã tính chưa ?

2/Còn hiệu quả kinh tế,
ông Đ.V.K đưa ra sự thế chấp đó là việc vay tiền của các ngân hàng nước ngoài không qua sự bảo lãnh của chính phủ; lập luận của ông Đ.N.K đưa ra là: không có hiệu quả làm sao người ta cho vay? Chúng tôi xin cung cấp thông tin để ông Đ.V.K biết để đừng thiển cận và cạn nghĩ như vậy. Đài BBC vừa đưa tin: Trung Quốc đã tuyên bố dành 1000 tỷ USD sẵn sàng cho các nước châu Á vay. Chúng tôi đồ rằng, dự án khai thác boxit Tây nguyên là một trong những khách vay đã được Trung Quốc sẵn sàng mở hầu bào. Đây là một trong những chính sách có tầm chiến lược của Trung Quốc.
Theo các nguồn tin phương Tây mà chúng tôi đã đưa tin này trên mạng Hội nhà văn Việt Nam ( mục Quán văn chương), trong khi Mỹ đang lấn bấn với các bê bối do khủng hoảng kinh tế và đang rối như gà mắc tóc tại Irak và Apganstan thì Trung Quốc lẳng lặng vươn sự ảnh hưởng của mình sang khu vực châu Phi và Mỹ Latin. Trong tháng 1/2009 Trung Quốc đã chính thức trở thành thành viên thứ 48 của Ngân hàng phát triển Trung Mỹ, đây là miền đất xưa nay vẫn được coi là sân sau của Mỹ. Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ 22 cho các quốc gia châu Mỹ Latin vay tiền...

Hiện nay trong đám quan chức của ta đang có một thực tế đáng báo động mà họ đang mắc phải: ngoài căn bệnh "tư duy nhiệm kỳ" còn có có một căn bệnh đáng sợ khác đó là căn bệnh " Tư duy dự án"... Một quan chức nào lên chấp chính việc đầu tiên nghĩ tới đó là lập ra các dự án để hút tiền ngân sách; dự án càng to, càng hoành tráng càng có cơ hội được chia hoa hồng lợi tức cao. Là người đã nhiều năm trực tiếp thanh tra các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, chúng tôi thấy các chế độ hiện hành mà Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư ban hành thì các khoản: quản lý phí, lợi nhuận định mức, chi phí chung... chiếm tới gần 20 % số tiền đầu tư cho một dự án. Một dự án độ 100 tỷ thì tiền vào công trình chỉ khoảng 80 tỷ; số còn lại sẽ được ném vào các thứ túi to, túi nhỏ của tập thể và cá nhân... Chưa kể người ta khai gian, khai khống các phần việc trong dự án. Do vậy không ít dự án lập ra vì lợi ích của người tham gia lập dự án chưa hẳn đã mang lại lợi ích cho nhà nước và nhân dân. Đó là một thực tế đáng báo động về của cái căn bệnh " tư duy dự án" đang lộng hành hiện nay...
Còn tại châu Phi, hiện nay đã có 750.000 người Trung Quốc sang định cư tại các nước châu Phi trong thập niên vừa qua; đây là một trong các bước đầu tiên của chiến lược ”xuất khẩu “ 300 triệu người Trung Quốc ra ngoài để giảm áp lực dân số tăng trong nước...

Việc khai thác boxit Tây Nguyên mà chắc chắn Trung Quốc sẽ tham gia sâu theo chúng tôi nằm trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, đưa dân Trung Quốc thâm nhập các quốc gia khác. Để thực thi được chiến lược này Trung Quốc sẽ dọn đường bằng việc tung ra hành trăm, hàng ngàn tỷ đôla như là một khoản tiền " hồi môn" để chiêu dụ các nước khác...

Chúng ta hãy hình dung trước về các vấn đề xã hội nảy sinh khi có hàng ngàn người Trung Quốc đến làm ăn sinh sống ở Tây Nguyên và họ không chịu về hoặc tìm mọi cách để bám trụ? Các cộng đồng người Hoa ở hải ngoại đều là những cộng đồng có sức gắn kết nội tại rất cao, do vậy mà nhiều khi chính quyền nhiều quốc gia chịu bó tay nếu muốn dàn xếp các vấn đề liên quan đến anh sinh xã hội !

Dư luận chắc chắn không ngây thơ như " cô bé quàng khăn đỏ" trong truyện ngụ ngôn kể trên mà chỉ lo những người đang nắm trong mình trọng trách của đất nước giống như ông Đ.V.K đang hành xử giống như cô bé quàng khăn đỏ kia?

P.V.Đ


No comments: