Tuesday, December 2, 2008

VỤ PCI : ĐẾN HUỲNH NGỌC SỸ LÀ CHẤM DỨT

Cuộc Điều Tra Chỉ Đến Ông Sĩ Là Chấm Dứt?
Thiện Giao, phóng viên RFA
2008-12-01
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/winter-spring-rice-crop-begins-in-the-Mekong-Delta-farmer-debt-piles-up-12012008160151.html/Cyber-opinions-over-the-bribery-scandal-involving-a-saigon-official-12012008172513.html
Vụ Huỳnh Ngọc Sĩ là một đặc trưng về tham nhũng và bao che tham nhũng, về tính độc quyền của Đảng và sự kềm toả đối với báo chí, và về uy thế tuyệt đối của những cơ quan “vô thẩm quyền,” nhưng thực tế có rất nhiều quyền hành trong hệ thống chính trị.

Nhân vật hy sinh của vụ PCI?

Ông Sĩ “bình chân như vại” sau 5 tháng bị nêu đích danh nhận hối lộ.
Ông Sĩ, và toàn bộ vụ hối lộ, được bảo vệ kín như bưng bên trong Việt Nam cho dù đã quá rõ ràng bên ngoài biên giới.
Ông Sĩ, và toàn bộ vụ hối lộ, đã có lúc dư luận tưởng rằng không thể chạm đến.
Thế nhưng, ông Sĩ, chỉ trong một buổi sáng, mất tất cả sự miễn nhiễm.
Ông Sĩ, và toàn bộ vụ hối lộ, bị nêu đích danh ở cấp cao nhất, từ Thủ Tướng cho đến Chủ Tịch Nước, chỉ ít ngày sau đó.

Vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, ở một giới hạn nào đó, có thể gom vào một câu duy nhất: “Năm Tháng và Một Buổi Sáng.” Vâng, “Năm Tháng và Một Buổi Sáng,” đó là tiến trình và là điểm chấm hết của vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, được blogger Huy Đức dùng làm tựa cho một bài viết trên Sài Gòn Tiếp Thị và đăng trên blog của tác giả ngày 20 tháng 11 năm 2008.
“Chỉ trong vòng một buổi sáng, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, thủ tục đình chỉ chức vụ của ông Huỳnh Ngọc Sỹ đã được hoàn thành. Chiều 18-11-2008, tại Hà Nội, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng đã giao cho Thành phố “giải quyết đúng pháp luật” vụ các quan chức công ty PCI của Nhật khai đưa hối lộ cho ông Sỹ, Giám đốc Ban quản lý Dự án đại lộ Đông Tây, 2,6 triệu USD. Sáng 19-11, ở TP HCM, Ban Thường vụ Thành ủy nhóm họp và chỉ vài giờ sau, lúc 11g15, Quyết định đã được Chủ tịch Lê Hoàng Quân ký và trao cho đương sự.”

Có cái gì đó không rõ ràng trong những thông tin vừa nêu. Chắc chắn là như vậy. Hãy để ý, rằng chỉ sau khi “Ban Thường Vụ Thành Uỷ nhóm họp,” thì Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân mới ký và trao quyết định cho đương sự.

Một blog khác, của tác giả Mr. Do, có đoạn sau đây:
“Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM thực hiện việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Huỳnh Ngọc Sĩ theo đúng quy định pháp luật; đồng thời tập trung chỉ đạo, điều hành việc củng cố nhân sự Ban quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố để tổ chức thực hiện dự án bảo đảm chất lượng và tiến độ.”

Đảng đồng ý và ra quyết định
Như vậy, điều không rõ ràng chính là điều thực sự đã và đang xảy ra. Nó có nghĩa đơn giản như thế này: một nhân viên chính quyền bị cách chức chỉ sau khi tổ chức Đảng đồng ý và ra quyết định.

Một blogger, tên là Vũ Quốc Anh, để lại nhận định về thông tin này trên blog của Mr. Do. Anh viết: “Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng thực hiện việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Huỳnh Ngọc Sĩ theo đúng quy định pháp luật....” Sao lạ vậy ? Nhà nước pháp quyền sao lại để cho Đảng nhúng tay vào cách chức nhân viên của Sở, 1 nhân viên của chính quyền?”
Thật ra, sự can thiệp của Đảng và những cơ quan “vô thẩm quyền” vào hệ thống luật pháp đã xảy ra từ lâu trong hệ thống chính trị và tư pháp Việt Nam.
Cách đây không lâu, vụ Nguyễn Việt Tiến và PMU 18 cũng có những nét tương tự. Còn nhớ, ông Tiến trải qua 3 lần nhận quyết định về mặt kỷ luật Đảng, trong đó, quyết định sau phủ định quyết định đi trước. Và điều quan trọng, là chỉ sau khi ông Tiến bị cách tất cả các chức vụ về mặt Đảng, ông mới bị cách chức về mặt chính quyền.
Một luật sư Việt Nam, khi nhận định về thế lực và sự chi phối của các cơ quan vô thẩm quyền, đã nói, rằng “các quy phạm pháp luật Việt Nam không quá tệ. Vấn đề liên quan đến luật pháp lại nằm ở chỗ, khả năng thực thi pháp luật bị chi phối bởi quá nhiều cơ quan mà theo luật là “vô thẩm quyền.””

Bao che không nổi khi Nhật đã công khai

Trở lại vụ Huỳnh Ngọc Sĩ và PCI. Không phải chỉ đến sau khi vụ việc được khai mở với những cam kết công khai của những lãnh đạo cao cấp nhất Việt Nam, người ta mới bắt đầu đặt câu hỏi: ngoài ông Sĩ, còn có ai?
Thật ra, những thông tin không đồng nhất, những động thái của chính phủ Việt Nam trong thời gian đầu vụ việc được tiết lộ, và quá trình làm việc cùng mối liên hệ của ông Huỳnh Ngọc Sĩ khiến người ta tin rằng, ông Sĩ không phải là người duy nhất!
Chẳng hạn, Mr. Do viết trên blog của tác giả:
“… Bên Nhật thì người ta đã khai nhận chuyện đưa hối lộ. Mà đã đưa thì đương nhiên là có nhận. Chẳng lẽ người ta vu oan? Mà đã đưa thì chắc ông Sĩ cũng không nhận solo. Ăn một mình dễ mắc họng.”
Tác giả trích một đoạn từ báo trong nước, rằng “…Với tinh thần tích cực đấu tranh chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng của Việt Nam tích cực phối hợp với phía Nhật Bản để điều tra làm rõ và xử lý đúng pháp luật Việt Nam.”
Trừ phi chúng ta định nghĩa lại hai chữ “tích cực,” rõ ràng tinh thần “tích cực” không phải là tinh thần phải chờ đến 5 tháng sau khi thông tin được tiết lộ; phải trải qua một lần thứ trưởng Bộ Ngoại Giao yêu cầu báo chí không đưa tin; phải chờ đến khi Toà Án Nhật mở phiên xử; và phải chờ đến khi các Đại Biểu Quốc Hội chất vấn công khai, thì cỗ máy mới khởi động.
Mr. Do viết tiếp:
“… nhìn động thái tích cực một cách chậm chạp này, [người ta] có cảm tưởng các đồng chí ấy vừa điều tra vừa nghe ngóng xem bên Nhật người ta đã mần tới đâu và dư luận nó như thế nào để mà mình có hướng xử lý cho “phù hợp.””

“Năm Tháng và Một Buổi Sáng.”


Không biết, có phải vì phía Nhật Bản cương quyết xét xử, vì các nghi can thừa nhận có tội ngay phiên luận tội đầu tiên, mà phía Việt Nam đã ngay lập tức có những động thái phù hợp? Động thái ấy được blogger Huy Đức tóm gọn trong một đề tựa: “Năm Tháng và Một Buổi Sáng.”
Quả thật, ngày 12 tháng 11, các nghi can từng là cựu viên chức công ty PCI nhận tội, thì ngày 13 tháng 11, Quốc Hội chất vấn Thủ Tướng về vấn đề “danh dự đất nước,” ngày 18 tháng 11, đại diện chính phủ cho biết Thủ Tướng giao cho Thành Phố “giải quyết đúng luật,” và ngày hôm sau, 19 tháng 11, sáng sớm Thành Uỷ họp, đến gần trưa thì trao quyết định tạm đình chỉ công tác cho ông Sĩ. [Theo thông tin trên bài viết của tác giả Huy Đức, đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị và blog của tác giả].
“Nhanh cấp kỳ!” Một nhà báo đã nói như vậy. Tiến trình đình chỉ công tác ông Sĩ nhanh đến không thể tin nổi, và càng không thể tin nổi khi 5 tháng trước đó, tiến trình điều tra chậm đến mức cũng không thể tin nổi.

Thời gian ấy, báo chí Việt Nam có cách thức đưa tin hết sức kỳ lạ về vụ hối lộ này.
Ví dụ, ngày 27 tháng Tám, báo Tuổi Trẻ viết bản tin có tựa đề “Bốn Cựu Quan Chức PCI Bị Truy Tố Tội Hối Lộ” và đăng trên trang Thế Giới Hôm Nay. Bài báo nói rõ danh tánh, tuổi tác của các nhân viên PCI cùng số tiền, thời điểm mà họ hối lộ. Đồng thời viết rằng đây là “…vụ hối lộ liên quan đến quan chức nước ngoài kể từ khi Nhật sửa đổi luật vào năm 1998…” Lưu ý rằng, thông tin này chỉ nói đến quan chức “nước ngoài” chứ không hề là “quan chức Việt Nam,” và càng không phải là ông Huỳnh Ngọc Sĩ.
Khoảng cuối tháng Tám, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam là ông Hồ Xuân Sơn, trong một phát biểu được xem là trả lời phóng vấn báo chí, đã nói “báo chí Nhật Bản có một số bài viết không thật khách quan, thậm chí có thông tin không đúng sự thật…” Và “Việt Nam đã đề nghị phía Nhật Bản trong khi vụ việc đang được điều tra, chưa có kết luận cuối cùng thì các cơ quan truyền thông đại chúng của hai nước đều không nên đưa tin.”
Một nhà báo tự do tại Sài Gòn, là ông Trần Tiến Dũng, từng nhận định rằng, cách nói của ông thứ trưởng sẽ là “một tiết lộ thú vị.”
“Tôi cho rằng điều này thú vị, vì nó cho người ta biết được phần nào diện mạo của thông tin Việt Nam đương thời.”

Huỳnh Ngọc Sĩ: con Xe hay con Tốt

Trên một blog khác, tác giả Hiền Lương lý giải vấn đề liên quan đến vụ Huỳnh Ngọc Sĩ theo một hướng khác. Tác giả tự hỏi: trong toàn bộ vụ này, ông Sĩ là “xe” hay “tốt.”
Tác giả cho biết, rằng ông Sĩ “xuất thân từ lực lượng ‘cưng’ của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là Bí thư thành ủy, ông Sĩ được tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý nhiều dự án ‘quan trọng’ bậc nhất của thành phố lớn nhất nước. Sau khi trên mạng đăng tải thông tin ông Huỳnh Ngọc Sĩ nhận 820 ngàn USD từ các quan chức công ty PCI, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi, ông Sỹ là ‘xe’ hay là ‘tốt.’
Tác giả lạc quan, rằng “thủ tướng đã hứa với cử tri sẽ làm rõ và xử nghiêm vụ án theo pháp luật…” để rồi “một ngày không xa, chắc chắn mọi người sẽ biết ông Huỳnh Ngọc Sĩ là ‘xe’ hay ‘tốt.’”
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, một luật sư tại Sài Gòn, là ông Nguyễn Vân Nam, nói với chúng tôi, rằng ông Huỳnh Ngọc Sĩ cần chọn những giải pháp khôn ngoan. Một trong những giải pháp ấy là sẵn sàng làm nhân chứng trước toà án Nhật Bản. Để làm gì? Luật Sư Nam nói tiếp: “Để cuộc điều tra chỉ đến ông Sĩ là chấm dứt!”

Vừa rồi là những ý kiến nhận định được phỏng vấn trực tiếp và ghi nhận từ một số blog liên quan đến vụ công ty PCI của Nhật Bản hối lộ quan chức thành phố Sài Gòn. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, sàng lọc và gởi đến quí vị những hình thức thông tin trên Internet, trong các trang Blog cá nhân liên quan đến nhiều đề tài khác nhau và gởi đến quí vị trong các chương trình sau. Mong quí vị đóng vai trò cầu nối giữa chúng tôi và các thông tin như vậy. Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ
vietweb@rfa.org.

No comments: