Friday, December 19, 2008

ĐẠU HỌC - CAO ĐẲNG MỌC NHƯ NẤM SAU MƯA

Trường CĐ, ĐH "mọc như nấm sau mưa"
Bài 1: Đua nhau mở trường
Thứ Ba, 16/12/2008, 07:28 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=292858&ChannelID=13
TT - Chưa bao giờ các trường đại học, cao đẳng lại nở rộ như “nấm mọc sau mưa” như hai năm gần đây. Nơi nào cũng thấy trường đại học, tỉnh nào cũng có trường đại học! Thế nhưng trong số những trường mới thành lập, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… của không ít trường còn thiếu thốn và sơ sài đến mức đáng lo ngại.
Hiện cả nước có trên 360 trường ĐH, CĐ. Chỉ riêng trong 10 năm 1998-2008, số trường được thành lập mới đã bằng 50 năm trước đó. Chưa bao giờ trường ĐH, CĐ lại được mở ồ ạt như thời gian qua, hầu như tỉnh thành nào cũng có. Đỉnh điểm của quá trình “bùng nổ” về số lượng trường ĐH, CĐ rơi vào hai năm 2006, 2007. Trong hai năm này, số lượng trường ĐH được thành lập mới và nâng cấp lên gần 40 trường.
Chỉ tính trường ĐH thành lập mới, có đến 16 địa phương có trường mới trong khi trường ĐH được nâng cấp xuất hiện ở 27 địa phương. Số lượng trường CĐ gần gấp đôi với 70 trường (được thành lập mới và nâng cấp).

Ồ ạt ra đời
Mạng lưới trường ĐH, CĐ mới được thành lập hoặc nâng cấp chủ yếu tập trung vào một số khu vực. Riêng TP.HCM trong năm 2006 có ít nhất ba cơ sở giáo dục ĐH mới là Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM), Học viện Hàng không, Trường ĐH Hoa Sen. Sang năm 2007, TP.HCM tiếp tục có thêm các trường ĐH Sài Gòn, ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH Kinh tế tài chính.
Số lượng trường CĐ thì “dập dìu”. Năm 2006, TP.HCM có hàng loạt trường như: CĐ Bách Việt, CĐ Văn hóa nghệ thuật Sài Gòn, CĐ Phát thanh truyền hình II, CĐ Dệt may thời trang, CĐ Tài nguyên và môi trường...
Sang năm 2007, TP lại đón nhận tiếp các trường: CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn, CĐ Viễn Đông…
Ở phía Bắc, Hà Nội dẫn đầu về tốc độ phát triển số lượng trường ĐH với 15 trường mới trong mười năm. Có thể kể ra những cái tên mới toanh như ĐH Đại Nam, ĐH FPT, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH quốc tế Bắc Hà... Một vài trường trong số đó mới đến nỗi khi xuất hiện trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2008 chỉ có mỗi cái tên và địa chỉ, chưa có thông tin tuyển sinh vì chưa có quyết định mở ngành. Bên cạnh đó, Hà Tây (cũ) cũng là điểm nóng về tăng số lượng trường ĐH, CĐ.
Thậm chí hai trường ĐH Nguyễn Trãi và Đại Nam tuy xin thành lập ở Hà Tây (cũ) nhưng lại đóng đô ngay tại… nội thành Hà Nội. Tương tự, một số trường ĐH, CĐ ngoài công lập cũng xin đăng ký thành lập ở tỉnh nhưng thực chất lại tổ chức hoạt động đào tạo, tuyển sinh chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM.

Thư viện... 7 đầu sách
Ra đời ào ạt khi chưa đủ điều kiện nên nhiều trường đã hoạt động hết sức vất vả, tạm bợ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ tính riêng trên địa bàn TP.HCM, hàng loạt trường ĐH, CĐ đang trong tình trạng chắp vá về cơ sở vật chất. Điển hình như Trường ĐHDL Hồng Bàng đã thành lập được hơn mười năm nhưng đến nay vẫn thuê mướn địa điểm nhiều nơi để tổ chức giảng dạy, các cơ sở này rải rác khắp các quận. Riêng sinh viên khoa du lịch đang học tại cơ sở ở đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) từ tháng 10-2008 phải chuyển đến cơ sở khác ở đường Thành Thái (Q.10). Đó là chưa kể một số cơ sở xập xệ đến thảm hại, nằm lẩn khuất bên trong dãy quán xá sầm uất.
Bên cạnh đó, một số trường đến nay vẫn chưa có lấy một phòng học nào của riêng mình, toàn bộ cơ sở đào tạo đều phải thuê mướn như ĐH Đại Nam (Hà Nội), CĐ Viễn Đông, CĐ kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân (TP.HCM). Thậm chí ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, cơ sở 285/291 Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, TP.HCM phải tổ chức giảng dạy trong một ngôi nhà dựng tạm trên… sân cầu lông.
Phòng học đã thiếu thì khó nói đến chuyện phòng thí nghiệm, phòng thực hành, thư viện đạt tiêu chuẩn.
Đáng kinh ngạc là CĐ Viễn Đông chỉ có… bảy đầu sách trong thư viện (!)

Giảng viên: có 1, khai 20!
Đội ngũ giảng viên - bộ phận được coi là linh hồn của các trường ĐH, CĐ - cũng không được đầu tư đúng mức.
Để lách quy định của Bộ GD-ĐT, nhiều trường kê khống số lượng giảng viên của trường lên đến hàng chục lần. Điển hình như CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân (TP.HCM) trong tờ trình ngày 26-2-2008 báo cáo số lượng giảng viên cơ hữu tại trường gồm 20 tiến sĩ, 105 thạc sĩ, 63 cử nhân. Nhưng căn cứ trên thực tế bảng lương, trường này chỉ có 18 giảng viên. Trong đó chỉ có... duy nhất một tiến sĩ, sáu thạc sĩ và 11 cử nhân. ĐH Trà Vinh báo cáo có sáu tiến sĩ, 93 thạc sĩ trong đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường. Đến khi kiểm tra, số tiến sĩ thực tế chỉ duy nhất một người và thạc sĩ cũng chỉ còn 53 người. Tương tự là các trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Bình Dương, ĐHDL Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế), ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), CĐ Đông Du...
Tại Trường ĐH Nguyễn Trãi, hoàn toàn trái ngược với danh sách “hoành tráng” mà ông chủ trường đệ trình lên Bộ GD-ĐT để xin thành lập và xin mở ngành, đến thời điểm này Trường ĐH Nguyễn Trãi không có khoa, không có giảng viên mà chỉ có vài phòng chức năng. Ông trưởng phòng đào tạo kiêm giảng viên đảm nhận môn tin học, bà trưởng phòng quan hệ quốc tế kiêm giảng viên tiếng Anh…
Quá nhiều yếu kém lồ lộ, các trường có thể che giấu ngày một ngày hai nhưng không thể tránh khỏi quy luật của yêu cầu phát triển.
------------------------------------
Không đủ điều kiện vẫn… ra đời (!)
Theo các quy định hiện hành, một trường mới được thành lập phải có đủ các tiêu chí giảng viên dạy các ngành đào tạo dự kiến; tỉ lệ sinh viên/giảng viên được quy định tối thiểu 5-10 sinh viên/giảng viên đối với ngành đào tạo năng khiếu, chuyên ngữ; 10-15 sinh viên/giảng viên đối với các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ và 20-30 sinh viên/giảng viên đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Đội ngũ giảng viên cơ hữu phải đảm bảo thực hiện không dưới 30% khối lượng giảng dạy.
Các trưởng khoa phải là giảng viên cơ hữu. Hiệu trưởng, hiệu phó phụ trách đào tạo, nghiên cứu khoa học và trưởng khoa phải có học vị tiến sĩ. Về điều kiện cơ sở vật chất, diện tích dành cho khu học tập, thí nghiệm là 6m2/sinh viên, khu ký túc xá 3m2/sinh viên. Đối với trường ĐH tư thục, diện tích đất tối thiểu phải đạt 10m2/sinh viên, trong đó tối thiểu là 4m2 dành cho học tập, thí nghiệm...
Nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn đó, các trường không thể được thành lập. Tuy nhiên, rất nhiều trường không đáp ứng được các điều kiện này vẫn được thành lập ào ào!

HÙNG THUẬT - THANH HÀ


Trường CĐ, ĐH "mọc như nấm sau mưa"
Bài cuối: Hậu quả nhãn tiền
Thứ Tư, 17/12/2008, 04:35 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=292996&ChannelID=13
TT - Ra đời khi chưa thật sự “đủ lông đủ cánh”, nhiều trường ĐH, CĐ đang vùng vẫy tìm mọi cách để tồn tại. Và nhiều hệ lụy của cuộc “sinh non” đã xảy ra.
10g sáng, cả khu vực hai tầng lầu của Trường ĐH Nguyễn Trãi nằm trong tòa cao ốc hoành tráng trên phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) vắng tanh vắng ngắt, không một bóng SV. Dạo qua những căn phòng có gắn biển “phòng học”, chúng tôi nhìn thấy những căn phòng tối om, bên trong bày bàn ghế mới đẹp, lạnh lẽo: đằng sau vẻ ngoài bề thế của tòa cao ốc mười mấy tầng này thực chất là tòa văn phòng cho thuê.

Hiu quạnh và rối ren
Thực tế trên có vẻ bất bình thường với một trường ĐH được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh tới 800 chỉ tiêu. Nhưng nó lại phản ánh đúng tình hình của trường ĐH này: năm 2008, Trường ĐH Nguyễn Trãi chỉ tuyển được vỏn vẹn… 16 SV. Trong sáng 10-12, một SV điện thoại xin thôi học, vậy là còn 15 SV. Ngoài ra, trường còn tự tuyển thêm được 20 SV cho hệ “dự bị ĐH”. Đó là những thí sinh không đạt điểm sàn tối thiểu theo quy định của Bộ GD-ĐT, nhưng vẫn được trường tuyển vào để “bồi dưỡng kiến thức”, năm sau sẽ dự thi ĐH như một hình thức “nợ đầu vào”. Số này được học chung với 15 SV chính quy.
Khi được hỏi với vỏn vẹn 15 SV tuyển được, trường dự định sẽ tổ chức đào tạo như thế nào, có phân theo các ngành như đã thông báo tuyển sinh và theo nguyện vọng của SV không, ông trưởng phòng đào tạo chỉ biết lắc đầu: “Chưa biết chia ngành đào tạo thế nào. Phải chờ cấp trên…”. “Cấp trên” được nhắc đến ở đây là ông Nguyễn Tiến Luận - chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường, ông chủ thực sự của trường. Còn bộ máy lãnh đạo trực tiếp của nhà trường gần như bỏ trống vài tháng nay, kể từ khi ông hiệu trưởng và hiệu phó thường trực xin từ chức từ tháng 7-2008. Mới đây, trường mời được một người mới vào vị trí hiệu trưởng, còn trưởng phòng đào tạo cũng mới nhận chức từ ngày 1-11, chưa kịp tiếp nhận công việc.
Tại Trường ĐH công nghệ thông tin Gia Định (TP.HCM), những bất ổn nội bộ đến mức nghiêm trọng trong thời gian qua chỉ mới tạm giải quyết được phần ngọn. Nguyên nhân ngoài chuyện bất đồng về điều hành tài chính còn do trường được khởi sự trên một nền móng không vững chắc cộng với cách điều hành “ngắn hạn”, đẩy trường này vào tình thế ngày càng khó khăn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm tuyển sinh và đi vào hoạt động, Trường ĐH công nghệ thông tin Gia Định chưa thật sự sẵn sàng. Trong năm học đầu tiên sau khi ra đời, cả trường chỉ có duy nhất một tiến sĩ là ông Nguyễn Quyết Chiến. Tiến sĩ này cùng lúc giữ nhiều chức vụ khác nhau như phó hiệu trưởng kiêm trưởng khoa tài chính, kiêm trưởng khoa quản trị kinh doanh, kiêm trưởng khoa tài chính ngân hàng…
Và cũng trong học kỳ 1 của năm học đó, trường này chưa xây dựng được đề cương chi tiết các môn học. Nhưng thay vì chấn chỉnh tình hình, củng cố thương hiệu, trường cố tình quảng cáo tuyển sinh rất nhiều ngành chưa được Bộ GD-ĐT cho phép. Ngoài ra, dù chưa được cấp mã ngành công nghệ thông tin trình độ trung cấp nhưng trường vẫn mở lớp bất chấp quy chế tuyển sinh, xét trúng tuyển ĐH ba thí sinh không đạt điểm sàn theo quy định…

Chương trình dạy không theo quy định
Một trường ĐH ngoài công lập khác - ĐH Hà Hoa Tiên - với khuôn viên rộng gần 100ha nằm bên quốc lộ 1A, đoạn cửa ngõ Hà Nam (cách Hà Nội 50km), cũng đang trong cảnh vắng SV, vắng cả giảng viên. Trường được địa phương ưu ái dành cho khu đất đẹp rộng mênh mông, giờ vẫn ngổn ngang như công trường dù đã thành lập và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2007.
Qua hai mùa tuyển sinh, mỗi năm quy mô tuyển cả hai hệ ĐH và CĐ là hơn 1.000 chỉ tiêu nhưng theo ban giám hiệu nhà trường, hiện chỉ có gần 500 SV theo học. Tuy nhiên, theo các SV đang theo học tại đây, cả trường hiện chỉ có hai lớp năm 1 với khoảng 180 SV cả ĐH và CĐ. Năm 2 - tức khóa tuyển sinh năm 2007- còn ít hơn, thậm chí không đủ để mở lớp phải ghép chung cả SV hệ CĐ vào học chung với SV hệ ĐH.
Không phải quá cá biệt, một số trường ĐH, CĐ khác cũng không có kế hoạch tính chuyện lâu dài. Tại Trường CĐ Phương Đông, Bộ GD-ĐT phát hiện trường không có đề cương chi tiết, bài giảng. Thậm chí, một số môn học mời giảng viên thỉnh giảng, trường còn “khoán trắng” cho giảng viên chủ động hoàn toàn về nội dung giảng dạy. Tại Trường CĐ Công nghiệp Huế dù được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh mười ngành đào tạo nhưng hệ thống đề cương chi tiết các môn học vẫn chưa được phê duyệt. Trong khi đó, Trường CĐ công nghệ Bắc Hà sử dụng chương trình đào tạo không đúng quy định, cấu trúc theo chương trình khung đã ban hành.

Xin chỉ tiêu để… bán?
Một số trường tìm mọi cách để tuyển được thật nhiều SV, dẫn đến tình trạng quá tải đối với đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất. Có thể kể ra trường hợp của Trường CĐ Kinh tế - công nghệ TP.HCM. Trường này ba năm liền đều tuyển vượt 70% chỉ tiêu được phép. Trường ĐH Kinh tế công nghệ Long An ngay trong năm đầu tiên tuyển sinh cũng tuyển vượt đến hơn 65% chỉ tiêu bậc ĐH.
Không ít trường như ĐHDL Cửu Long, CĐ Đức Trí, CĐ kinh tế kỹ thuật Đông Du thông báo tuyển sinh cả những ngành chưa được phép. Hậu quả rõ ràng nhất được ghi nhận tại Trường CĐ kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân. Nhờ khai man năng lực đào tạo, trường này được Bộ GD-ĐT duyệt một lượng lớn chỉ tiêu tuyển sinh. Không đủ khả năng, trường này mang hệ trung cấp chuyên nghiệp giao cho nhiều cơ sở “liên kết” là Viện Nghiên cứu phát triển văn hóa và giáo dục Đông Nam Á, Viện Công nghệ thông tin và quản trị tài chính tổ chức đào tạo. Trong khi đó, các cơ sở này không có chức năng đào tạo trung cấp chuyên nghiệp.
Mới đây, Trường ĐHDL Hùng Vương (TP.HCM) cũng bị phát hiện có liên kết với một công ty để đào tạo. Quá trình liên kết gặp trục trặc, nhiều học viên bơ vơ không biết bám víu vào đâu. Trong một thời gian dài trước đó, nội bộ trường cũng lục đục kéo dài khiến Bộ GD-ĐT phải can thiệp. Sau vụ việc đó, từ chỗ “từ chối” thí sinh trúng tuyển, trường này liên tục tuyển thiếu chỉ tiêu, thậm chí một số ngành phải đóng cửa.
***
Ồ ạt mở trường và được cấp phép khi chưa đủ điều kiện, trước mắt nhiều trường đang lâm cảnh khó khăn. Nhưng quan trọng hơn, với cách đào tạo này, hệ lụy về chất lượng trước hết là người học và sau này là xã hội “lãnh đủ”.
HÙNG THUẬT - THANH HÀ

Tin bài liên quan
Hạn chế đào tạo tiến sĩ “tại chức” - (11/12)
Nhiều giáo sư Mỹ sẽ đến giảng dạy tại VN - (10/12)
Trường phổ thông: Khó kiểm định chất lượng - (09/12)
Vì sao sinh viên ra trường không nói được tiếng Anh? - (08/12)
Tạm dừng tuyển sinh những trường ĐH, CĐ không đủ điều kiện - (04/11)
* Tất cả...

No comments: