Friday, December 5, 2008

TƯƠNG LAI ĐẢNG CỘNG HOÀ HOA KỲ

Sau tổng tuyển cử: Tương lai đảng Cộng-Hòa
Cổ-Lũy
Wednesday, December 03, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=87650&z=172
Sau thất bại rõ rệt và lớn lao của đảng Cộng-Hòa qua tổng tuyển cử đầu Tháng Mười Một, giới lãnh đạo cũng như người trong và ngoài đảng đặt câu hỏi “tại sao” để kiểm điểm, với ý hướng sửa soạn cho tương lai hai năm tới cũng như về lâu dài. Thống kê sau tuyển cử cho thấy khoảng một chấm rưỡi phần trăm ít hơn người Cộng-Hòa đi bầu năm nay (so với tuyển cử 2004) dù tổng tuyển cử thường lôi kéo đại đa số giới Cộng-Hòa đến phòng phiếu để chiến thắng-tuy số đảng viên Cộng-Hòa nói chung thường nhỏ hơn số người Dân-Chủ. Số người đi bầu Cộng-Hòa giảm từ 37 xuống 32%, trong khi số người Dân-Chủ gia tăng từ 37 lên 40% năm nay. Như đã nhận xét trên Từ Nam California ngay sau tổng tuyển cử, số người thuộc đảng Dân-Chủ năm nay gia tăng và tham dự bầu cử đông đảo (gấp đôi tỉ số bớt đi của Cộng-Hòa); một trong mười người thuộc loại cử tri mới, gồm người trẻ và da mầu cũng như ngả về hướng Dân-Chủ. Tổng thống đắc cử Barack Obama đã thắng cử với tỉ số vững vàng (53 so với đối thủ ở mức 46% số phiếu dân chúng, và gấp đôi về số phiếu cử tri đoàn, electoral vote); đảng Dân-Chủ cũng nắm đa số mạnh mẽ trong Quốc
Hội và ba phần năm các dinh thống đốc tiểu bang. Người ta muốn rõ những nguyên cớ.

Ði vào cuộc tranh cử tổng thống, nhiều giới Cộng-Hòa nghĩ nghị sĩ John McCain với hình ảnh người hùng độc lập cũng như thực tiễn (so với đại đa số ứng viên Cộng-Hòa đầy ý thức hệ khác) là người duy nhất có nhiều hy vọng trong một năm nhãn hiệu Cộng-Hòa không những chẳng “ăn khách” mà còn bị triệt để chống đối. Ông có thể là ứng viên với khả năng vượt quá lên trên nhãn hiệu Cộng-Hòa. Thất bại vừa qua khiến nhiều người nghĩ sự thể có thể khác nếu ông giữ được hình ảnh trung thực của mình; nhưng mặt trận tranh cử của ông đã chỉ nhắm thẳng vào thành phần chủ lực bảo thủ Cộng-Hòa - một tai họa khi “học lóm” chiến lược hiệu nghiệm của cố vấn Karl Rove ở thời điểm đầu tám năm George W. Bush. Cơ hội để ông nhấn mạnh khác biệt với ứng viên Cộng-Hòa khác, như trợ lực nghiên cứu tế bào gốc, cải tổ tài chính trong tranh cử và tra tấn tù binh, không còn quan trọng nữa; thay vào đây ông đưa ra chuyện “đôn quân” (surge) ở Iraq mà cử tri ôn hòa (moderate, chiếm đa số 45%; so với người bảo thủ, conservative, 32%; và tự do tiến bộ, liberal, 22%) rất ngại ngùng. Mùa Xuân 2008, sau khi nhanh chóng loại các đối thủ Cộng-Hòa trong bầu cử sơ bộ, ông McCain muốn hướng về phía người moderate; ông nói về tình nguyện phục vụ đất nước, thăm viếng những nơi “không mấy ứng viên Cộng-Hòa đặt chân đến,” và hô hào liên kết với đồng minh về ngoại giao - những điều như ngược hẳn chính quyền Bush, nhưng cũng bị dân chúng lơ là vì những chú mục vào tranh cử gay cấn giữa ông Obama và ứng viên Hillary Clinton cho tới mãi đầu Tháng Sáu (xin xem loạt bài về tranh cử trên Từ Nam California và nguyệt san Thế-Kỷ 21, khởi đầu năm 2008, cùng người viết). Ở thời điểm này giới chủ lực bảo thủ Cộng-Hòa vẫn không hồ hởi mấy với ứng viên đại diện đảng McCain.

Mặt trận McCain lao đao khi ông Obama loại được bà Clinton ra khỏi tranh cử. Ông đồng ý cho nhà chiến lược chính Steve Schmidt “theo khuôn mẫu Karl Rove” dẫn đạo tranh cử nhắm vào hướng lấy lòng thành phần chủ lực đảng và đi ngược lại những lập trường độc lập và ôn hòa của ông trước đây: ông muốn thắng cử cho bằng được. Quyết định quan trọng chọn Thống Ðốc Sarah Palin cực kỳ bảo thủ, thay vì nghị sĩ bạn thân ôn hòa Joe Lieberman, khiến chủ lực đảng vô cùng hài lòng. Nhưng chọn lựa này cũng làm ông mất đi phiếu của người ôn hòa và độc lập. Họ xem bà Palin quá bảo thủ, và người đi bầu nói chung nghĩ bà không đủ tư cách làm phó tổng thống. Người trong mặt trận cũng nói bà rất ương ngạnh và hướng về tương lai chính trị của mình sau tuyển cử 2008 hơn là hiện tại. Nghị Sĩ McCain cũng phải đương đầu với ứng viên Dân-Chủ rất được ái mộ với số thu tiền bạc ủng hộ vào quĩ tranh cử gấp bội ông (hơn 600 triệu); ông phải nhận quĩ tranh cử liên bang 84 triệu với nhiều hạn chế. Nhưng thử thách lớn nhất vẫn là cuộc khủng hoảng tài chính xẩy ra ngay trước bầu cử, gây náo loạn kinh tế và gieo hết trách nhiệm vào chính quyền Cộng-Hòa đương nhiệm (tạo hai cuộc chiến tốn kém, tiêu pha vay mượn làm thâm thủng ngân sách, giảm thuế và nâng đỡ giới đại kỹ thương tài phiệt một cách vô trách nhiệm). Ông McCain đối phó với những khó khăn ghê gớm qua đường lối Cộng-Hòa thông thường nhưng không mấy hiệu quả: hứa hẹn giảm cắt thuế hơn nữa và buộc tội đối thủ là người liberal chỉ gia tăng thuế má và chi tiêu với khuynh hướng “xã hội chủ nghĩa.” Sau tổng tuyển cử, những cố vấn mặt trận đưa ra nhiều biện hộ cho những thay đổi của ông McCain, nhưng quyết định của ông quả thật đã làm nhiều người nhớ “ông McCain ngày trước.”

Tổng tuyển cử tháng qua cũng tiếp tục làm giới lãnh đạo đảng Cộng-Hòa lo lắng, bận tâm về tương lai. Trước hết, một số người phải bị “trừng phạt”: với hơn 20 dân biểu Cộng-Hòa mất chức, tuy Dân Biểu John Boehner (Ohio) vẫn còn nắm chức lãnh tụ thiểu số, Dân Biểu Roy Blunt (Missouri), nhân vật thứ nhì của đảng lo về nhân số đảng viên ở Hạ Viện, từ chức và được thay thế bởi dân biểu đang lên với khả năng gây quĩ ngoạn mục Eric Cantor (Virginia). Dân biểu cực kỳ bảo thủ Mike Pence (Indiana) thay thế nhân vật thứ ba Adam Putnam (Florida). Khoảng sáu nhân vật tiếng tăm (gồm cả ông Newt Gingrich, nguyên chủ tịch Hạ Viện đã giúp phe Cộng-Hòa nắm giữ Quốc Hội 12 năm) đanh giành chức chủ tịch ủy ban trung ương đảng sẽ chính thức diễn ra Tháng Giêng tới. Hai ngày sau bầu cử khoảng 20 nhà chiến lược, người bảo thủ về tài chính và xã hội họp bàn tại nhà ở miền quê Virginia của ông Brent Bozell, một nhà tác động chính trị Cộng-Hòa bảo thủ. Ðây là một trong những loạt gặp gỡ với cùng mục tiêu chiếm lại thế thượng phong chính trị Cộng-Hòa; họ không đưa ra điều gì đáng lạc quan. Khoảng một tuần sau các thống đốc Cộng-Hòa còn lại họp nhau tại Florida (chỉ 16 người tham dự) để suy ngẫm về tương lai; họ đưa ra những lượng định tiêu cực về kỳ bầu cử qua (hội thoại “Lượng Ðịnh Sâu Rộng Về Bầu Cử 2008”) và dự đoán đen tối về tương lai (hội thoại “Nhìn Về Tương Lai”).

Theo những thống đốc tham dự đảng Cộng-Hòa không thích ứng với một nước Hoa Kỳ đang thay đổi; họ trách cứ những hối mại quyền thế. Chính quyền Bush và giới lãnh đạo Cộng-Hòa trong Quốc Hội đã vô trách nhiệm về chi tiêu và tài chính, và để lọt thế thượng phong về thuế khóa vào tay đảng Dân-Chủ. Nhiều nơi trên bản đồ toàn quốc là chốn “cấm vào” cho ứng viên Cộng-Hòa, và đảng đã mất ưu thế kỹ thuật về thế hệ trẻ như ông Obama với danh sách hơn 13 triệu địa chỉ điện toán của những người trong đạo quân tình nguyện chủ lực. Ðảng Cộng-Hòa, từng ủng hộ giới đại kỹ thương tư nhân và hãnh diện là mình hoạt động như cơ cấu một công ty, nay với quá nhiều thất bại cần phải “lấy thủ cấp” giới lãnh đạo. Sau hai bầu cử thua lớn liên tục (2006 và năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 1932), họ nhìn thấy trước tương lai tệ hơn nữa kỳ bầu cử 2010 sắp đến và tương lai mù mịt sau đó-họ không tin giới lãnh đạo trung ương có một giải pháp để thay đổi và giới lãnh đạo tiểu bang phải nắm lấy trách nhiệm này. Thống Ðốc Minnesota Tim Pawlenty, người ôn hòa bị hụt chọn làm ứng viên phó tổng thống, nhận xét đảng Cộng-Hòa không thể cạnh tranh ở miền Ðông-Bắc, đang mất khả năng cạnh tranh ở vùng Biển Hồ (phía trực Bắc), không thể cạnh tranh ở vùng duyên hải phía Tây, mỗi ngày một chật vật ở vùng giữa Ðại-Tây-Dương (Mid-Atlantic, Ðông), và đảng Dân-Chủ đang chiếm một số tiểu bang nội địa phía Tây. “Ðây không phải là công thức của một đảng đa số [Ðỏ] ở nước này,” ông định giá. Thêm nữa, đảng không thể lấy phiếu nếu thâm thủng ngân sách ghê gớm như hiện nay, mất lòng phụ nữ, người di dân Latino (gốc Trung và Nam Mỹ), mâu thuẫn với người trung lưu và lợi tức thấp. Thống đốc trẻ nhất và mới ở Louisiana, ông Bobby Jindal (gốc Ấn-Ðộ) khẳng định, “Chúng ta bị đuổi việc với lý do rõ ràng.” Ðể lấy lại thế đứng, Thống Ðốc Utah Jon Hintsman nói giới lãnh đạo tiểu bang có cơ hội áp dụng những nguyên tắc Cộng-Hòa như bảo thủ về chi tiêu và tài chính, và thu hẹp nhà nước vào những giải pháp thực tế; ta phải chú mục vào “những vấn đề thật sự quan trọng với người đi bầu” như giáo dục, nhiên liệu, môi sinh và y tế.

Giới trí thức bảo thủ như cũng đồng ý với những nhận định trên. Học giả Norman Ornstein, thuộc viện nghiên cứu cực kỳ bảo thủ American Enterprise Institute (với nhiều thành viên nắm vị trí quan trọng trong chính quyền Bush), nhận xét đảng Cộng-Hòa như không thích ứng với thực tế. Việc ông Obama đắc cử như thay đổi hẳn cảnh tượng Hoa Kỳ, từ văn hóa, chủng tộc, cho tới xã hội và liên hệ quốc tế; nó đã chuyển hóa khung cảnh chính trị khiến một trở lại vị trí đa số của đảng Cộng-Hòa “giống như leo lên đỉnh núi Everest.” Ông Obama đã thắng những tiểu bang đảng Dân-Chủ nắm được năm 2004 cộng thêm một số tiểu bang hầu như hoàn toàn ngoài tầm tay đảng này; giới dân cử Dân-Chủ cũng thắng lớn ở Quốc Hội và thắng liên tiếp sau bầu cử 2004. Ðây cho thấy những rạn vỡ lớn lao trong chủ lực địa dư Cộng-Hòa: thắng lợi của ông Obama ở Virginia, North Carolina và Florida (và mũi dùi hướng vào Texas rộng lớn với số phiếu hàng thứ nhì trong nước) khiến thành trì bảo thủ miền Nam đã lung lay. Colorado, Nevada và New Mexico thuộc vùng nội địa phía Tây đã chuyển hướng Dân-Chủ; vùng Bắc và Trung-Tây như chuyển mình thay đổi lớn, và vùng Ðông-Bắc không còn một dân cử Cộng-Hòa nào. Ðảng Cộng-Hòa mất ủng hộ ở vùng ngoại vi thành phố lớn với người trung và thượng lưu trắng, và rõ rệt nhất là người thiểu số da mầu và người trẻ (giữa 18 và 29 tuồi) đều dồn phiếu cho ứng viên Dân-Chủ. Ông Ornstein kết luận mối nguy cho đảng Cộng-Hòa “là khối cử tri tin cậy nhất của đảng có lẽ chỉ còn đàn ông da trắng lớn tuổi-và đau đớn hơn nữa, đàn ông da trắng lớn tuổi và theo đạo Tin-Lành.”

Từ bên kia bờ Ðại-Tây-Dương, tờ báo Anh khả kính và bảo thủ The Economist ghi nhận sắc bén hơn. Theo tờ này đảng Cộng-Hòa đã thua trong trận chiến ý tưởng cao và mới: ông Obama thắng lớn (gần 20% hơn) trong số người đi bầu có bằng cao hơn cấp cử nhân, và người có lợi tức đồng niên cao hơn 200 nghìn (cũng có nghĩa là giáo dục cao, dù đây là giới sẽ bị ông đánh thuế nặng). Ông McCain thắng lớn trong giới ít học miền Nam bảo thủ và dân vùng núi Appalachian “khỉ ho, cò gáy.” Phe Cộng-Hòa đưa ra những khẩu hiệu gọn nhẹ thay vì ý kiến, giải pháp mới mẻ: về nhiên liệu, cứ đào và đào dầu khí; về hâm nóng địa cầu, chế diễu nguyên Phó Tổng Thống Al Gore (được giải Nobel về Môi Sinh); di trú, tống cổ di dân lậu về nước; tra tấn ở Guantanamo, cứ cho đi mò tôm! Trong tranh cử sơ bộ ba phần mười người đi bầu Cộng-Hòa không tin thuyết khoa học về con người tiến hóa (evolutionism). Tổng Thống Bush nghe theo “con tim” thay vì tin vào “đầu óc;” ứng viên McCain không chịu vật lộn với những khúc mắc trong khủng hoảng tài chính nhưng sẵn sàng hô hoán buộc tội người “liberal tăng thuế và chi tiêu.” Và trong nỗ lực tuyệt vọng lấy lòng giới bình dân da trắng ông đưa ra ứng viên “mỹ nhân” Palin, một người cần năm năm ở nhiều đại học khác nhau để lấy bằng cử nhân và không hề và không cần biết một dữ kiện sơ đẳng về chính trị quốc tế.

Khuynh hướng phản trí thức (anti-intellectualism) là một truyền thống văn hóa Mỹ, nhưng nay đã đi tới mức vô cùng bất lợi cho tương lai đảng Cộng-Hòa. Những vận động chính trị dựa vào khuynh hướng này kể từ thời 1970 với “Chiến lược miền Nam” (“Southern Strategy” hoặc nôm na hơn là “redneck strategy,” lấy lòng người da trắng ít học và kỳ thị) của Tổng Thống Richard Nixon đã mang nhiều lợi thế cho đảng Cộng-Hòa qua nhiều thập niên. Nhưng ngày nay dân chúng Mỹ đã đi lên về mặt giáo dục: hơn một phần tư có bằng cấp đại học; một phần năm có lợi tức đồng niên trên 100 nghìn; hơn hai phần ba người đi làm xem mình là “chuyên viên;” công ăn việc làm đòi hỏi kiến thức trí tuệ đã gia tăng gấp ba lần. Chiến lược “redneck” hiện nay nếu tiếp tục sẽ đưa đảng Cộng-Hòa đến chỗ chỉ “lôi cuốn được khối cử tri mỗi ngày một nhỏ bé và lạc hậu hơn.” Tờ Economist giải thích giới bảo thủ đã dẹp qua một bên mọi chuyện liên quan đến trí tuệ và hiểu biết-cả phía bảo thủ lẫn tự do tiến bộ. Giới bảo thủ ít học, lợi tức thấp như không thể nào chịu nổi từ người di dân cho đến người liberal dù họ có thiện chí và làm điều tốt đến đâu. Họ nghe ngóng và hùa theo giới truyền thông bảo thủ bình dân như Rush Limbaugh (truyền thanh) và Sean Hanity (truyền hình), và xem thái độ “ngu dốt và không cần biết” của bà Palin như một biểu trưng đáng hãnh diện. Giới trí thức bảo thủ - không khác mấy giới trí thức liberal thập niên 1970 - như bị sa vào vũng lầy ý thức hệ định nghĩa bởi các thành phần cực đoan, khống chế bởi thế hệ đi trước đầy quyền uy, nên đã không thích ứng được với các vấn đề của thế giới ngày nay (như hâm nóng địa cầu, “khủng bố”) và dồn hết nghị lực vào bài ngoại, chống người đồng tính và nghiên cứu tế bào gốc.

Về phía đảng Dân-Chủ thắng thế, ông Obama “không múa may ngoạn mục” (“Obama no drama”) như chìm vào bóng tối ngay sau chiến thắng đầu tháng trước; ông như chẳng có “tin nóng” gì để trình làng hơn tuần lễ sau bầu cử, chỉ đưa ra hình ảnh chung chung một người của gia đình, đưa con đi học, cùng vợ đi ăn tối, vân vân. Ông như muốn làm dịu những “cao vọng” dân chúng và thế giới chung quanh đặt lên mình để có nhiều tự do hành động. Nhưng âm thầm bên trong, và cũng rất có phương pháp, ông sửa soạn cho những gì cần thiết cho các khủng hoảng, khó khăn ghê gớm trước mắt. Tránh vết xe đổ của tổng thống Dân-Chủ tiền nhiệm thập niên 1990 Bill Clinton lo lắng với nội các trước để rồi gập lúng túng luộm thuộm, ông đã đặt ưu tiên vào tổ chức bên trong Tòa Nhà Trắng và tổ chức guồng máy chuyển tiếp chính quyền cũ qua mới, rồi sau mới đi đến thành phần nội các Obama.

Theo đặc phái viên thủ đô Washington Ronald Brownstein, của tờ Los Angeles Times với uy tín toàn quốc và quốc tế (ông đã từ chức để giữ tiếng vô tư vì phu nhân làm việc trong mặt trận tranh cử McCain), người ta khó nhận ra khuynh hướng chính trị thông thường trong những chọn lựa, bổ nhiệm của ông Obama. Ông không cho thấy một khuôn mẫu rõ ràng về việc lấy lòng các nhóm ủng hộ mình hoặc ngay cả tưởng thưởng người ủng hộ mình sớm. Ông không tuyên bố sẽ lập một nội các “trông giống như xã hội Mỹ [với đầy đủ thành phần dân chúng],” nhưng phụ nữ và người da mầu thiểu số gia nhập nội các hay nắm vai trò quan trọng xuất hiện đều đặn. Ông không đáp ứng bất cứ viễn tượng của ai về thành phần thân tín nhất (inner circle) của ông phải như thế nào-ông như nghĩ theo ý mình hoàn toàn. Và ông như quý trọng sự độc lập cũng như quyền tự do hành động của mình vô cùng - đây cũng đưa đến cái nhìn hé vào tương lai chính quyền ông.

Từ bên ngoài người ta nghĩ ông có thể quá kiêu căng chăng, nhất là khi nhìn vào những thành quả lớn lao và “đầu tiên trong lịch sử” của ông. Với cái “ủy thác” (mandate) qua số phiếu lớn lao từ dân chúng đủ mọi giới ông như có rộng quyền xoay xở mà không phải lệ thuộc mấy vào những trung tâm quyền lực truyền thống trong và ngoài đảng, hoặc ngay cả những người đã bỏ phiếu chọn ông. Ông đã chọn những phụ tá đắc lực trong mặt trận tranh cử vào Tòa Nhà Trắng như nhà chiến lược David Axelrod (cố vấn chính), nhà truyền thông Robert Gibbs (phát ngôn nhân) và bạn thân từ thời khởi đầu chính trị ở Chicago, Valerie Jarrett làm cố vấn thân cận. Những chọn lựa cao cấp và sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng khác gồm Dân Biểu Rahm Emanuel, một nhân vật cứng rắn và hữu hiệu từng lấy lại đa số Hạ Viện cho đảng năm 2006, nguyên Chủ Tịch Thượng Viện Tom Daschle; cả hai với quyền uy và “móc nối” hữu dụng tại Quốc Hội (Quốc Hội với đa số Dân-Chủ đã thông qua những biện pháp ứng phó kinh tế chỉ chờ ông Obama ký đầu nhiệm kỳ để thành luật). Từ khi đắc cử, ông Obama thường được so sánh với Tổng Thống Abraham Lincoln vì gốc gác gia thế thấp và kinh nghiệm chính trị từ Illinois; hoặc Tổng Thống Franklin Delano Roosevelt (FDR) vì những khủng hoảng tài chính và khó khăn kinh tế ngay đầu nhiệm kỳ. Nhiều người như nhận ra ông có giống Tổng Thống Dân-Chủ Bill Clinton phần nào, nhưng có thể rất gần với Tổng Thống Cộng-Hòa Ronald Reagan ở mặt là ông là người rất thực tiễn đằng sau bề ngoài có vẻ tự do tiến bộ. Rõ ràng, ông muốn chọn lựa những người thật xuất sắc với kinh nghiệm và thành quả thích ứng với công việc phải đương đầu, người với vị thế ôn hòa, trung dung, chứ không chú ý nhiều đến ý thức hệ và lý lịch chính trị. Ðây giải thích những pha trộn đảng phái, người “của Clinton,” người “của Bush [bố]) như Timothy Geithner, Lawrence Summers, Peter Orszag (tài chính, kinh tế), bà Hillary Clinton, Robert Gates, Tướng James John, bà Janet Napolitano, bà Susan Rice, Eric Holder (an ninh, ngoại giao và tư pháp), John Podesta nguyên chánh văn phòng ông Clinton (chuyển tiếp) - những bộ óc bén nhậy và hữu hiệu nhất trong địa hạt hoạt động của mình.

Việc thành lập nội các lần hồi thành hình trong Tháng Mười Một và có lẽ sẽ tiếp tục theo định hướng kể trên.


No comments: