Tuesday, December 2, 2008

THIẾU TÍNH NHÂN VĂN TRONG PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Tính nhân văn trong phê bình văn học hôm nay
TRẦN ĐÌNH SỬ
Thứ hai, 01 Tháng 12 2008 01:45
http://www.vannghequandoi.com.vn/-nhanvt-vn-skin/1--nhanvt-vn-skin/3786-tinh-nhan-vn-trong-phe-binh-vn-hc-hom-nay.html
Thực tế nghèo nàn về thành tựu khoa học xã hội và nhân văn của chúng ta có thể tìm thấy nguyên nhân trong lối tư duy độc tôn một thời ở lĩnh vực học thuật. Cội nguồn sâu xa của lối tư duy ấy đang nằm trong di chứng của thời kì chiến tranh kéo dài ba mươi năm và cuộc đấu tranh ý thức hệ quyết liệt.

Nhiều người thường nói chiến tranh Việt Nam đã để lại di chứng nặng nề trong tâm thức người Mĩ. Nhưng thời gian tham gia của họ vào chiến tranh Việt Nam chỉ hơn mười năm. Thời gian chúng ta trải qua chiến tranh dài gấp ba họ và cuộc chiến tư tưởng cũng lâu bằng ngần ấy lẽ nào không để lại di chứng nặng nề trong tâm hồn người? Quy luật khắc nghiệt của hai cuộc chiến ấy đã để lại nếp hằn sâu đậm trong tâm lí và tư duy, đến nay vẫn có tác dụng chi phối cách nghĩ, cách làm của con người trong mọi hoạt động xã hội và cá nhân.

Trong lĩnh vực văn hoá và tư tưởng thời ấy, mọi hoạt động khoa học, nghệ thuật và nói chung là văn hoá đều nằm trong phạm vi hình thái ý thức của Nhà nước. Mà đã thuộc về hình thái ý thức của Nhà nước thì phải thực hiện nhiệm vụ đấu tranh triệt để, không khoan nhượng: “Phàm cái gì chống lại tinh thần dân tộc độc lập và thống nhất, phải thẳng cánh đập tan. Phàm cái gì trái khoa học, phản tiến bộ, phải kiên quyết bài trừ. Phàm cái gì phản lại đại chúng, xa đại chúng, phải nhất luật san phẳng.”(Lời đồng chí Trường Chinh). Đường lối cứng rắn, phân hoá địch ta rõ rệt có tác dụng xác lập mục tiêu, tập hợp lực lượng nhất định. Nhưng đồng thời, đó cũng là tư tưởng, đường lối làm cho xã hội quen sống trong môi trường tư tưởng độc tôn, duy nhất, luôn luôn coi phân biêt địch ta, đúng sai, tiến bộ, lạc hậu, dân tộc, phản dân tộc, khoa học, phản khoa học… theo một tiêu chí cố định, một lập trường, quan điểm cứng rắn, rồi trên cơ sở đó mà tiến hành nghiên cứu, đấu tranh học thuật. Lâu dần, hình thành một thứ tâm lí đấu tranh ý thức hệ ăn sâu trong tâm thức của nhiều thế hệ đến nỗi chiến tranh đã qua lâu rồi mà nó vẫn còn hiện diện như một cái gì đương nhiên, hợp lí.

Trong điều kiện chuyển đổi hình thái xã hội, tiến sang kinh tế thị trường, tự do cạnh tranh, dục vọng cá nhân trỗi dậy, tính háo danh bùng phát, đồng thời ý thức quyền lực vẫn nguyên, cơ chế dân chủ chưa được thực hiện đầy đủ, di chứng ấy lại có dịp bộc lộ với nhiều sắc thái.

Nhìn chung di chứng ấy có các biểu hiện, mượn cách nói của một nhà lí luận nước ngoài thiết nghĩ có thể khái quát tình hình phê bình nghiên cứu của chúng ta như sau.

1. Phê phán nhiều, sáng tạo ít.

Phải nói ngay rằng phê phán là một công cụ của tiến bộ. Bất cứ xã hội nào muốn tiến bộ nhất thiết phải có năng lực phê phán và chấp nhận những người phê phán. Song khái niệm phê phán ở đây có một nội dung đặc biệt. Chúng ta đặt mục tiêu bảo vệ sự thuần khiết, trong sáng của chủ nghĩa Mác Lênin và đường lối chính trị của Đảng cầm quyền, do đó phê phán nhằm đánh đổ mọi tư tưởng khác có thể làm phương hại hay phân tán khỏi tư tưởng trung tâm. Từ trước Cách mạng tháng Tám, trong điều kiện thuộc địa, nhưng Việt Nam đã có nhiều nhóm có xu hướng tìm tòi học thuật khác nhau, có thể nói là đa nguyên. Bắt đầu từ “Đề cương văn hoá”, chúng ta dần dần chỉ thừa nhận một khuynh hướng, bắt đầu phê phán nhóm Thanh Nghị, nhóm Hàn Thuyên, nhóm Xuân Thu nhã tập. Trong Kháng chiến chống Pháp chúng ta phê phán thơ không vần của Nguyễn Đình Thi, phê phán thơ Mới lãng mạn, phê phán những ai không thừa nhận văn nghệ là tuyên truyền. Sau hoà bình chúng ta phê phán nhóm “Nhân văn Giai phẩm”, tiếp theo phê phán “chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa xét lại hiện đại” trong văn nghệ, phê phán các ý muốn bổ sung hay nới rộng cách hiểu một vài vấn đề cụ thể của văn nghệ, như tính chân thật, tính ước lệ của văn học, “phá vỡ lôgich cuộc sống”. Nói là “phê phán” nhưng không phải là thảo luận hay tranh luận học thuật nhằm tìm ra chân lí, mà thực chất là những cuộc đấu tranh nhằm quét sạch hay thủ tiêu các quan điểm khác với mình. Chính vì vậy mà nói chung bên bị phê phán không có quyền nói lại, không có quyền bảo vệ hoặc trao đổi ý kiến, còn bên phê phán thì tha hồ nhân danh chính nghĩa, chủ nghĩa, nhân danh quần chúng nhân dân và nhân danh cách mạng mà chụp mũ, quy kết các tội danh nguy hiểm về chính trị và tư tưởng, lối sống. Một phương pháp đấu tranh hữu hiệu là chỉ ra lối sống hủ hoá, đồi truỵ, cá nhân chủ nghĩa hoặc tính cách tự cao, tự đại, xa rời quần chúng hoặc biểu hiện dốt nát, gian trá… của bên bị phê phán, làm cho họ trở thành kẻ đáng khinh bỉ, đáng ghét bỏ. Các cuôc đấu tranh ấy thường đều kết thúc bằng việc bên bị phê phán phải viết bản kiểm điểm và nhận một hình thức xử lí nhất định về hành chính hoặc tổ chức. Trong không khí ấy chẳng ai còn muốn hoặc có thể sáng tạo ra học thuyết, tư tưởng gì khác cho thêm phiền, mà nói cho đúng, lúc ấy chúng ta cũng không muốn có bất cứ tư tưởng nào khác ngoài tư tưởng chính thống, và con đường còn lại chỉ là “bàn thêm”, “mở rộng”, “nói rõ thêm”, “cụ thể hóa”, tức là minh hoạ cho tư tưởng chính thống ấy mà thôi. Vì vậy lúc ấy tuy chúng ta đã có không ít công trình khoa học mới, có giá trị nhất định về sử học, văn hoá, văn học, ngôn ngữ, lí luận văn học, nghệ thuật học…tuy mức độ giá trị khoa học khiêm tốn khác nhau, song các công trình ấy ít nhiều đều nặng về tính chất minh hoạ cho tư tưởng chính trị. Một số công trình khoa học có tính độc lập nhưng trái chiều thì phải cất đi, đến thời kì sau này mới có điều kiện công bố, ví như Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc, nghiên cứu về Nho giáo của Trần Đình Hượu, ngữ học của Cao Xuân Hạo. Một số công trình phê phán có tính thời sự đương thời như Phê phán chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn nghệ của Hoàng Xuân Nhị, Phê phán chủ nghĩa hiện sinh của Đỗ Đức Hiểu thì sau này chính tác giả của chúng có phần lấy làm tiếc, giá trị khoa học thiếu hẳn sức thuyết phục.

Tâm thức và cách ứng xử ấy hầu như vẫn còn giữ nguyên trong những năm thuộc thời kì đổi mới trong các cuộc tranh luận lí luận, phê bình sách giáo khoa. Cái mới của thời kì đổi mới là những người bị phê bình không bị làm kiểm điểm hay xử lí về hành chính và tổ chức, nhưng họ vẫn bị chụp mũ, quy kết, chửi bới, bêu riếu mà không có quyền bảo vệ ý kiến của mình trên mặt báo. Có thể coi đó là biểu hiện của thiếu tính nhân văn.

2. Công kích nhiều, thừa nhận ít.

Tâm thức cảnh giác, đấu tranh tư tưởng trở thành thói quen thường trực trong những người làm công tác văn hoá văn nghệ. Trước một ý kiến mới, khác với truyền thống, người ta liền cảnh giác, nghĩ ngay đến một xu hướng muốn phủ nhận các thành tựu đã có của cách mạng và đặt vấn đề nghi vấn, phê phán. Vào đầu những năm 60, có người nêu phương pháp sáng tác có tính độc đáo thẩm mĩ, thế là có người đặt vấn đề nhầm lẫn phương pháp với phong cách (bởi chỉ phong cách mới độc đáo!), phải chăng là định đem phong cách thay thế cho phương pháp sáng tác! Thế là tranh luận, chụp mũ không dứt. Sang những năm 70, có người nêu vấn đề tiếp nhận của người đọc, lập tức ông Vũ Đức Phúc, một người chủ trì Tạp chí văn học hồi ấy nghĩ ngay đến vấn đề, đề cao việc người đọc tự tiếp nhận tức là xem nhẹ vai trò định hướng, giáo dục của văn học đối với quần chúng, đề cao tiếp nhận có nghĩa là xem nhẹ lí luận sáng tác, vậy là tổ chức tranh luận ầm ĩ. Đến những năm 80 trước một số ý kiến đánh giá laị văn học cách mạng, Phan Cự Đệ và một số người nghĩ ngay đến xu hướng phủ định văn học cách mạng. Trước một vấn đề mới, người ta không suy nghĩ đến khía cạnh khoa học mới ở trong đó, mà nghĩ ngay đến sự phương hại của cái mới ấy đối với trật tự lí luận đã xác lập. Thế là vấn đề tiếp nhận của người đọc, một vấn đề lí luận quan trọng bị gác lại, phải mười lăm năm sau nó mới được đề cập tới. Trong các cuộc tranh luận ấy phần lí tính thì ít mà phần phi lí tính thì nhiều, do vậy không bao giờ đem lại một kết quả nào về khoa học. Chúng ta ít có thói quen khi có người nêu ra ý mới thì nên xem xét đúng sai, lợi, hại, thấy có chỗ đúng và lợi thì góp sức phát huy, làm cho tư tưởng ấy phát triển. Ngược lại chúng ta hầu như chỉ quen phát hiện cái mặt yếu, mặt sai, mà mặt này, đối với các ý kiến mới đề xuất nhiều khi khó tránh được, bám vào đó mà đánh, làm cho cái mới, cái hay không thể nào phát huy được. Chúng ta không quen thừa nhận thành tựu của nhau, cùng suy nghĩ với nhau, tìm thấy hạt nhân hợp lí để mở rộng không gian tư tưởng. Thói quen đó sẽ phát huy tính tiêu cực của nó trong thời kinh tế thị trường, báo chí muốn bán chạy, nhiều trường hợp người ta không chỉ khai thác một vài khiếm khuyết nhỏ, mà còn không ngại ngần bịa đặt thêm để công kích, bất chấp lương tâm, phải trái, làm cho dư luận rối tung, không biết đâu mà lần. Đó cũng là biểu hiện thiếu nhân văn.

3. Thù hận nhiều, khoan dung ít


Trong chiến tranh, cách mạng mọi người đòi hỏi vạch rõ ranh giới bạn thù, địch ta để tiến hành cuộc đấu tranh một mất một còn, không khoan nhượng, tuyên truyền giáo dục cho quần chúng một mối “thù muôn đời muôn kiếp không tan” đối với kẻ thù. Không chỉ đối với kẻ thù cầm súng như thế, mà đối với “kẻ thù”cầm bút, kẻ thù tư tưởng cũng như thế, không thể có sự khoan nhượng, thoả hiệp, thông cảm trên các mặt quan điểm, lập trường, khuynh hướng giá trị về văn hoá, văn học và tư tưởng. Ai có dịp đọc lại các hồ sơ về các cuộc đấu tranh tư tưởng trước đây sẽ thấy, nhiều người vốn là đồng chí, đồng nghiệp, vốn đồng cam cộng khổ, vào sinh ra tử với nhau, chỉ sau một cuộc đấu tranh tư tưởng, sau khi vạch rõ “ranh giới”, liền trở thành kẻ thù, đứng ra vạch mặt, tố cáo nhau như kẻ thù của ý thức hệ, đẩy đối phương vào bước đường cùng. Đó là do cần phải thể hiện tinh thần chiến đấu, chiến đấu không khoan nhượng mà thành ra thế. Phải nói rằng đó là một cách đơn giản hoá cuộc sống rất nguy hại của thời đối kháng ý thức hệ, bởi vì người ta đã dùng quyền lực để chiến đấu, áp đặt nhận định, kết luận thì còn cần gì tiêu chuẩn chân lí khách quan nữa? Và thế là nhiều cuộc đấu tranh diễn ra bất công, bất chấp lẽ phải thông thường, làm thương tổn biết bao người làm nghề sáng tạo mà đến hôm nay vết thương vẫn chưa lành. Chiến tranh đã qua lâu rồi, đứng trước nhiều vấn đề học thuật, văn hoá, văn học, giáo dục phức tạp, vốn nhất thời không thể dễ dàng vạch rõ được đúng sai, phải trái, nhưng thói quen cũ lại tái phát, lại có nhiều người nhân danh chế độ, nhân danh xã hội, nhân danh công luận phê phán theo lối vùi dập và đăng một lúc nhiều báo mà không cho nói lại. Có lần tôi tiến hành đối thoại với một nhà lí luận phê bình khác về sáng tác của một nhà thơ, tôi dành thiện cảm cho nhà thơ ấy, nhưng đồng thời nêu một số ý tưởng về lí luận. Vấn đề ấy còn để ngỏ, đúng hay sai đều có thể bàn thêm. Không ngờ “vụ ấy” được hiểu như là “hạ bệ thần tượng”, xúc phạm thành tựu của văn học cách mạng, và sau đó không lâu tôi nếm “đòn thù” bởi một lí do bịa đặt. Tôi từng đề nghị với một nhà thơ có ý kiến khác về một số bài viết của tôi, tiến hành đối thoại trên tinh thần học thuật, nêu lí lẽ để cùng trao đổi, tham khảo, nhưng nhà thơ ấy im lặng, lãng tránh và sau đó dùng chiêu “ra tay trước”, đăng báo để áp đặt ý kiến của mình cho công luận với thái độ trịch thượng. Có lần tôi nêu ý kiến phê bình văn học chúng ta còn “thiếu chuyên nghiệp”, (vấn đề mà gần đây Nghị quyết 23 BCT nhắc đến và Hội nhà văn Việt Nam đang tổ chức triển khai thảo luận!) thế là chuốc lấy một cuộc phê phán có tính hội đồng, mấy người phao lên rằng chính tôi là không chuyên nghiệp, tôi không phải nhà phê bình, lại còn nêu một vài chi tiết chưa chính xác của tôi để phủ nhận việc phê bình thơ của tôi. Thế là vấn đề mà tôi nêu ra để xây dựng đã bị vùi lấp một cách oan uổng. Rõ ràng đó không phải là tranh luận học thuật mà công kích cá nhân. Có nhà thơ viết hết bài bày qua bài khác, phát huy tài năng bịa đặt, xuyên tạc để công kích hầu hết các nhà trí thức, trong đó có tôi. Đó là cách làm vượt ra ngoài phạm vi phê bình mà trở thành hành vi vu khống, hãm hại. Có người còn bịa đặt chứng cớ, xuyên tạc để dễ bề đánh đổ đối phương. Như thế mà có người khen là có tinh thần chiến đấu! Đó là biểu hiện thiếu tính nhân văn.

Tâm lí đấu tranh tiêu diệt kẻ thù đã làm mất đi tinh thần khoan dung vốn có truyền thống lâu đời trong xử thế của người Việt và người phương Đông. Trung thứ của đạo Nho, từ bi của đạo Phật đã ăn sâu vào tâm lí người Việt bao đời. Thực ra đã làm nghề phê bình, nghiên cứu thì khó mà tránh khỏi sơ suất, nhầm lẫn. Không ít nhà phê bình tầm cỡ, được một thời sùng bái mà vẫn nhầm lẫn ở một số chỗ buồn cười, nhất là trong tiểu tiết. Có sơ suất nhầm lẫn thì tuỳ mức độ mà phê bình. Không thể vì một sơ suất nhỏ chỉ đáng dọn vườn mà đưa ra những kết luận nặng nề về trình độ, nhân cách, học vấn. Ở đây phê bình cần có sự khoan dung, thông cảm mới khích lệ người ta vượt qua để làm tốt những việc khác. Tiếc thay trong phê bình, thảo luận học thuật một số người đã đem tinh thần căm thù giặc mà thay thế cho tinh thần khoan dung.

Truyền thống tư tưởng phương Đông ở Trung Quốc và Việt Nam xưa chủ trương trọng tình và trọng văn trong phê bình. “Trọng tình” nghĩa là coi trọng tự thân thể nghiệm, lời văn bao giờ cũng chứa chan tình cảm. Đồng thời coi trọng quan hệ giữa người với người, tức tinh thần nhân văn theo nguyên tắc nhân ái, “kỉ sở bất dục vật thi ư nhân”. Đọc các bài tựa, bạt trong sách Từ trong di sản sẽ thấy tinh thần trọng tình ấy.“Trọng văn” nghĩa là thích văn hoa, thích văn đẹp, khác với phương Tây chỉ thích văn chặt chẽ, rõ ràng. Người xưa cũng thích lí tính, thích văn có triết lí, lời gần mà ý xa, có nhiều ngụ ý.

Tuy nhiên truyền thống tư tưởng của chúng ta thiếu vắng các cuộc tranh luận khoa học thật sự, vì truyền thống ấy coi trọng “chữ đồng”; “Tam giáo” rất khác biệt vẫn “đồng nguyên”. Do coi trọng chữ đồng cho nên xã hội, văn hoá ít có biến động lớn, xã hội gần như dẫm chân tại chỗ, ít phát triển. Trong thời đại ngày nay, sự phát triển nhân tố “hữu biệt” có ý nghĩa kích thích đối với sự phát triển của khoa học. Mà đã “hữu biệt” thì tất nhiên cần có tranh luận để tìm ra chân lí. Không phải vô cớ mà từ khi bước vào thế kỉ 20 trên văn đàn Việt Nam xuất hiện lại nhiều cuộc tranh luận về học thuật, tư tưởng đến như thế. Đó là cái mới, đòi hỏi tinh thần nhân văn mới, khác với tinh thần nhân văn thời phong kiến.

Nhân văn trong xã hội hiện đại trước hết gắn liền với các tư tưởng về quyền của con người, như dân chủ, tự do, bình đẳng; gắn với ý thức về tính chủ thể của mỗi người, với tinh thần đối thoại trong quan hệ với các thành viên xã hội khác. Tinh thần nhân văn đòi hỏi mỗi người phải tư duy bằng cái đầu của mình, kinh nghiệm của mình, không được dựa dẫm vào người khác, làm công cụ nói theo người khác.

Mặt khác, tinh thần nhân văn hiện đại không chấp nhận bá quyền độc thoại của một số ít người, một tầng lớp người, còn đại đa số nguời khác thì bị tước đoạt mất tiếng nói. Vì vậy mà có điều khoản tự do ngôn luận được quy định trong hiến pháp. Tinh thần nhân văn không thừa nhận độc quyền chân lí. Chỉ một số ít “ưu tú, “tinh hoa” là có chân lí, còn những người khác thì chỉ có nhầm lẫn và sai lầm!” Không đúng, đó chỉ là huyền thoại thuần tuý của ý thức độc thoại lỗi thời. Điều này nhà lí luận Nga M. Bakhtin đã nói rõ. Chân lí không thể tự nó thừa nhận, cũng không thể chỉ do một người phát minh thừa nhận. Chân lí nằm trong đối thoại và chỉ qua đối thoại mới được mọi người thừa nhận. Và ai có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi thì sẽ có điều kiện tiếp cận chân lí nhiều hơn người chỉ biết áp đặt nhận định tuỳ tiện.

Tinh thần đối thoại dựa trên nền tảng tôn trọng sự tồn tại của mỗi người, xem con người là chủ thể, không phải đồ vật. Là chủ thể, con người không chấp nhận người khác kết luận về mình một cách tuỳ tiện, con người luôn có nhu cầu và khả năng nói tiếng nói cuối cùng về mình. Do đó đối thoại đòi hỏi phải biết lắng nghe. Trong cuộc tranh luận mà người tham gia chỉ muốn giành phần thắng bằng mọi giá thì chân lí không xuất hiện, bởi vì lúc đó lẽ phải tắt tiếng. Theo Bakhtin, tồn tại có nghĩa là sống giữa ý thức và lời của người khác, không ai có thể sống ngoài ý thức và lời của người khác, và cũng không ai có thể đứng ngoài sự phán xét của người khác. Bao nhiêu người đã làm mưa làm gió vào thời khi họ còn nắm chút quyền lực, một khi thời họ qua đi, hãy lắng nghe xem người ta nói gì về họ.

Nhà lí luận phê bình văn học đương đại Trung Quốc Tiền Trung Văn nhận xét, lối tư duy chỉ thừa nhận đã là A thì không B, chỉ tôi đúng, anh sai, chỉ tôi thắng anh thua, là kết quả của truyền thống tư duy độc thoại siêu hình thâm căn cố đế. Nhà phê bình trên cho biết, thực trạng ở Trung Quốc cũng như vậy, người ta vừa phê phán lối tư duy ấy vừa lặp lại lối tư duy ấy, tiến hành áp đặt người khác một cách ngon lành, không hề có chút nguyện vọng xây dựng để đi đến đối thoại. Theo ông, đó là do chỉ chú trọng đến “giải thích” mà bỏ qua sự “hiểu”. Phê bình phải đem đến sự hiểu. Theo Bakhtin, “khi giải thích thì mới chỉ có một ý thức, một chủ thể, còn khi hiểu thì có hai ý thức, hai chủ thể....Do có hai ý thức nên khi ‘hiểu’ thì bao giờ cũng có đối thoại trên một mức độ nhất định.” Trọng tâm của khoa học nhân văn không ở giải thích mà ở sự hiểu, mà hiểu là đối thoại giữa người với người, là giao lưu chủ thể với chủ thể, giao tranh ý thức với ý thức, là anh với tôi thảo luận để cùng bỏ sai tìm đúng, lấy dài bù ngắn, cùng nhau phát hiện đi đến hiểu vấn đề. Trong đối thoại có khát vọng đồng thuận với chân lí. Như vậy đối thoại là nguyên tắc nhân văn lớn nhất của thời đại chúng ta. Trong đối thoại hàm chứa tinh thần khoan dung. Khoan dung không phải là tha thứ, dung thứ mà là mở lòng thừa nhận người khác, đối xử với người khác như chính mình.

Lí luận phê bình văn học của chúng ta thiếu tinh thần nhân văn đã quá lâu rồi, đến nỗi lấy thế làm thường và vì vậy mà nẩy sinh nhiều hiện tượng không lành mạnh. Đã đến lúc lấy tinh thần đối thoại mà xây dựng tinh thần nhân văn, học đối thoại để nuôi lấy tinh thần nhân văn, có như thế thì lí luận phê bình nước ta mới có ngày được phát triển phong phú thực sự. Một vài người tự độc thoại, tự tâng bốc nhau, dè bỉu, xuyên tạc người khác thì làm sao có chân lí để xây dựng lí luận và phê bình lành mạnh.

Hà Nội, 5 - 10 – 2008
TRẦN ĐÌNH SỬ


No comments: