Thiếu dân chủ sẽ không có thịnh vượng
Dương Hữu Canh
Đăng ngày 08/12/2008 lúc 02:27:03 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3346
Tôi xin bắt đầu tham luận của mình bằng kết luận: "Không có Dân chủ thì không có thịnh vượng". Đây không phải là một định đề mà là qui luật có thể chứng minh được.
"Dân chủ là kết quả chỉ có được khi nào xã hội phát triển đến một mức độ nào đó". Đây là một sai lầm cơ bản mà không ít người vẫn nhầm lẫn một cách vô tình hay cố ý. Dân chủ không phải là một hệ quả của sự vận động xã hội mà Dân chủ là một quyền căn bản của con người, được hình thành khi con người bắt đầu tập hợp thành xã hội. Có những lúc Dân chủ bị những kẻ cầm quyền bóp chẹt nhưng cái quyền căn bản và thiêng liêng ấy lúc nào cũng tồn tại như một bản chất nguyên thủy của con người.
Nếu nói rằng một đất nước phải có bề dày và trình độ phát triển triển cao thì mới có được Dân chủ thì giải thích thế nào với La Mã có một nền Dân chủ hơn hẳn Ai Cập đã phát triển trước họ cả ngàn năm? Mức độ Dân chủ là kết quả của sự đòi hỏi cái quyền căn bản và thiêng liêng của người dân trước chính phủ. Nếu sự đòi hỏi chính đáng không được đáp ứng một cách chính đáng thì đến một lúc nào đó người dân sẽ đứng lên để giành lấy cái quyền ấy về cho mình.
Người dân La Mã đã biết đòi hỏi Dân chủ với chính quyền của họ, kết quả là họ đã không những tạo dựng nên được một nền dân chủ mạnh mẽ mà còn nhờ đó đã xây dựng nên một đất nước hùng cường, thống trị những nước có bề dày phát triển và giàu có hơn hẳn mình. Dân chủ không chỉ tạo nên tự do và quyền lực cho từng cá nhân mà điều quan trọng hơn, Dân chủ tạo ra sức mạnh hợp lực xã hội toàn diện trên từng cá nhân.
Từ lúc ra đời lý thuyết cộng sản chủ nghĩa đã 160 năm, đến nay đã có đất nước nào đạt đến sự thịnh vuợng nhờ lý thuyết này chưa? Chính quyền cộng sản đầu tiên ra đời cũng đã 90 năm rồi nhưng tới bây giờ có chính thể cộng sản nào cho thấy được sự phát triển bền vững không?
Từ bỏ tự do của mình là từ bỏ phẩm chất con người, từ bỏ quyền làm người và cả nghĩa vụ làm người
Khuôn khổ tham luận này không bàn về chủ nghĩa Marx, học thuyết chính trị nào cũng có cái hay cái dỡ, nhưng có một điều rất rõ ràng: chính quan điểm chuyên chính vô sản đã dẫn đến việc thiết lập các thể chế chính trị độc đảng – kẻ thù của Dân chủ, phản lại lợi ích của đa số dân chúng, đồng nghĩa với việc đi ngược lại những lý tưởng và tôn chỉ của chủ nghĩa cộng sản. Do vậy, sự sụp đổ của hệ thống này trong thời gian qua là tất yếu không thể tránh khỏi.
Trung Quốc và Liên Xô
Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, có chính thể nào đã đưa đất nước họ đạt đến sự thịnh vượng, bước vào danh sách các nước thuộc thế giới thứ nhất, hoặc ít ra cũng tiệm cận với trình độ quốc gia phát triển mà không phải là một thể chế đa đảng tại một đất nước có nền chính trị đa nguyên? Có người đang lấy hình ảnh của Trung Quốc hiện nay để cho rằng thịnh vượng không cần đa đảng, đa nguyên chính trị. Xin thưa đấy là một sự nhầm lẫn tai hại. Trung Quốc bây giờ chưa đạt đến sự thịnh vượng và chưa chắc sẽ tiến đến được mục tiêu đó.
Hãy nhớ lại thời kỳ phát triển kinh tế và quân sự nhanh chóng của chủ nghĩa cộng sản vào giữa thế kỷ 20, sự phát triển gần 30 năm qua của Trung Quốc chưa là gì so với 30 năm sau đệ nhị Thế Chiến của Liên Xô.
Đã có hàng tỷ người trên thế giới vào lúc đó bị choáng ngợp và tin rằng tương lai của thế giới thuộc về chủ nghĩa cộng sản. Bây giờ các nước phát triển nói rằng "sắp bị Trung Quốc qua mặt" cũng không khác gì ngày xưa họ bảo "Nga xô sắp vượt chúng ta rồi". Đó là một liệu pháp tâm lý thúc đẩy ý chí dân tộc, đồng thời ru ngủ đối phương rất hiệu quả. Cũng tương tự như ở Thái Lan bây giờ, người ta treo bảng ở nhiều nơi cảnh báo "Việt Nam sắp vượt chúng ta rồi". Nhưng điều đáng lo là chính quyền hiện tại của Việt Nam lại dùng cái sự "ca ngợi" ấy để tuyên truyền cho thành tích của mình.
Chừng nào chính quyền nước ta đủ dũng cảm và sức mạnh tinh thần để nói rằng "Dân chúng hãy cố lên! Lào, Mô-dăm-bích sắp vượt chúng ta rồi" thì lúc đó chính quyền mới đủ mạnh và sáng suốt để lãnh đạo toàn dân.
Những tư tưởng "AQ" như ai đó so sánh GDP trên đầu người và dùng chỉ số sức mua qui đổi để khẳng định rằng chúng ta sẽ vượt qua Indonesia, Philippines không còn bao lâu nữa thì thật là tai hại. Hy vọng đó chỉ là những suy nghĩ ngô nghê của những người là nạn nhân của sự tuyên truyền giáo dục một chiều, nếu đó là lý luận của những trí thức trẻ cơ hội thì quả là đáng buồn cho dân tộc Việt Nam. Nhưng tôi vẫn có niềm tin rằng vận mệnh của đất nước ta sẽ không thể bị hủy hoại bởi những kẻ cơ hội.
Trở lại với sự phát triển "thần kỳ" của Liên Xô, vào những lúc rực rỡ nhất của nó, có ai dám nghĩ chỉ chưa đầy hai mươi năm sau nó lăn kềnh, đổ vật nhanh chóng đến bất ngờ. Vì sao? Vì nó không có cơ chế tự điều chỉnh để đảm bảo sự hài hòa tổng thể của toàn xã hội. Đến khi nó nhận ra những sai lầm về đường lối và sự mất cân đối trầm trọng trong cấu trúc xã hội lệch lạc nó tạo ra mà không điều chỉnh thì sụp đổ là đương nhiên, nó tìm cách để thay đổi nhưng lại lựa chọn những giải pháp phi qui luật. Thời điểm sụp đổ cũng chỉ kéo dài thêm được vài năm mà thôi.
Trung Quốc và sau đó là Việt Nam học được những bài học từ Liên Xô nên đã chấp nhận nền kinh tế thị trường để giải tỏa sự bế tắt về kinh tế nên đã tạo ra được sự tăng trưởng kinh tế nhanh hơn nhiều lần thời đơn nguyên kinh tế. Nhưng sự kềm tỏa không gian chính trị đã và đang làm phát triển những vấn đề xã hội còn trầm trọng hơn trước.
Không nơi nào trên thế giới ngoài Trung Quốc, vào thế kỷ 21 rồi lại còn cảnh con người bị bắt làm nô lệ không công, bị đánh đập dã man, bị buộc phải làm việc trong một điều kiện tồi tệ ngay giữa những đô thị xa hoa lộng lẫy, đầy ắp tiền bạc và những khẩu hiệu vì quyền con người. Còn tại Việt Nam, chưa bao giờ sức mạnh tiêu cực của đồng tiền lại có khả năng chi phối sự vận hành của xã hội mạnh mẽ như bây giờ. Chính quyền Trung Quốc đã nhận ra những nguy cơ của vấn đề xã hội và đang tìm cách giải quyết bằng một lý thuyết mới về xã hội hài hòa riêng của họ. Nhưng đến khi nào họ chưa thực sự công nhận dân chủ theo đúng thực chất của việc tôn trọng mọi quyền quyết định của ngưòi dân trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, xã hội đến chính trị thì dù có lý thuyết gì đi nữa, sự sụp đổ là chắc chắn sẽ xảy ra.
Nó cũng sẽ bất ngờ và nhanh chóng như sự kết thúc 74 năm chính quyền Xô Viết, để lại những hậu quả xã hội mà chính quyền mới phải mất hàng chục năm nữa cũng chưa chắc khắc phục hết được. Không thể tách rời mối liên hệ chặt chẽ giữa sự vận hành kinh tế, xã hội, chính trị mà có được đường lối phát triển bền vững.
Nguỵ biện về độc tài
Cũng có ý kiến của ai đó lấy ví dụ về nền độc tài của Park Chung Hee và Lý Quang Diệu đã mang đến sự thịnh vượng cho Hàn Quốc và Singapore để bảo vệ cho sự cần thiết của nền chính trị độc đảng hiện nay đối với sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai. Xin thưa với các bạn rằng đó là một sự ngụy biện, nếu không cũng là sự ngộ nhận do thiếu hiểu biết.
Các bạn có lục tung tất cả kho tư liệu của cả thế giới thì cũng chẳng bao giờ tìm ra bằng chứng nào nói được rằng Hàn Quốc và Singapore đã bắt đầu xây dựng sự thịnh vượng của họ bằng những thể chế độc đảng. Sự độc tài của họ được thiết lập trong những thiết chế đa đảng với hiến pháp công nhận quyền tự do lập đảng chính trị và cạnh tranh quyền lực lãnh đạo đất nước thông qua bầu cử dân chủ được quyết định bởi đa số phiếu của dân chúng.
Trong những môi trường chính trị như vậy mà họ áp đặt được sự độc tài thì họ phải rất có tài, nhưng vẫn chưa đủ. Điều quan trọng nhất là họ phải đảm bảo quyền lợi của đa số dân chúng và thuyết phục được người dân của họ rằng sự độc tài này là cần thiết cho dân tộc, cho đất nước họ trong một bối cảnh lịch sử nào đó. Sự thuyết phục đó được ủng hộ bởi dân chúng thông qua phổ thông đầu phiếu chứ không phải những tuyên bố suông từ người cầm quyền.
Đến khi nào đa số người dân còn thấy sự độc tài như vậy là cần thiết cho chính họ thì họ sẽ còn bỏ phiếu cho đảng tạo nên sự độc tài đó, như trường hợp của Singapore bây giờ. Nhưng họ sẽ chấm dứt sự độc tài đó một khi nó đi ngược lại quyền lợi của đa số quần chúng, như trường hợp của Hàn Quốc, Đài Loan.
Đó chính là Dân chủ, nhờ Dân chủ mà những nước này đã bước vào và chuẩn bị bước vào thế giới thứ nhất. Dân chủ tạo nên một cơ chế tự điều chỉnh những vấn đề của xã hội, kinh tế, chính trị hiệu quả và tạo ra sự bền vững mà không có bất kỳ một biện pháp, lý thuyết chính trị hay ý thức hệ nào có thể làm tốt hơn được.
Cũng có những lúc Dân chủ bị lợi dụng bằng những thủ đoạn mị dân dựa vào tiềm lực của ngoại bang để thiết lập nên những nền độc tài tham nhũng như trường hợp của Indonesia (Suharto) và Philippines (Marcos) nhưng rồi cuối cùng chúng cũng bị hạ bệ. Khi nào mà những quyền căn bản và thiêng liêng của con người còn được bảo vệ bởi hiến pháp không sớm thì muộn người dân cũng sẽ nhận ra sự dối trá đi ngược lại quyền lợi của họ.
Đánh giá thành quả của một chính thể phải xem xét từ lúc nó hình thành, bao gồm tất cả những tác động khách quan từ bối cảnh chung của thế giới. Sự phát triển của Liên Xô phải được xem xét từ 1917 chứ không phải 1945, của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc phải từ 1949 chứ không phải 1978. Vì không có thể chế dân chủ nên những xã hội này không thể nhanh chóng thoát khỏi những khủng hoảng do chính chúng tạo ra hoặc do bối cảnh chung toàn thế giới. Liên Xô thì nhanh chóng tan rã, Trung Quốc thì may mắn hơn nhờ Mao Trạch Đông không thể sống lâu hơn được nữa. Trong cùng những khoảng thời gian đó, những thể chế dân chủ đã tiến xa đến như thế nào thì ai cũng thấy.
Cũng trong giai đoạn ấy, có một thể chế độc đảng cũng phát triển nhanh đến chóng mặt và cũng nhanh chóng lụi tàn một cách nhục nhã là Đức quốc xã. Sẽ là rất võ đoán nếu như lấy tốc độ trong giai đoạn có tăng trưởng, để tính ra khối lượng tăng trưởng cho những giai đoạn còn lại để xác định thời điểm đạt đến sự thịnh vượng một cách thuần túy toán học mà bỏ qua những tác động xã hội có thể xảy ra.
Nếu như thế này bây giờ có lẽ Liên Xô vẫn còn tồn tại và đang là cường quốc số một thế giới rồi. Những tác động xã hội này như khủng hoảng kinh tế - chính trị, chiến tranh, tai họa, v.v.. có thể đến từ bên trong do sai lầm của chính thể chế điều hành xã hội đó, hoặc từ bên ngoài do tác động toàn cầu ngẫu nhiên hay chủ ý của các nước khác. Nhưng cho dù là khách quan hay chủ quan thì các thể chế vẫn phải chịu trách nhiệm về hiệu quả điều hành vĩ mô của mình trước dân chúng.
Chiến tranh ý thức hệ
Cũng có ý kiến cố tình loại trừ thời gian chiến tranh khỏi số năm có thể phát triển để so sánh sự tăng trưởng giữa các thể chế. Tiếc rằng nhìn như vậy thật thiếu toàn diện. Chiến tranh không chỉ đến từ các yếu tố khách quan, những nguyên nhân chủ quan của một nước bị chiến tranh góp phần quan trọng trong việc làm chiến tranh nổ ra. Vì sao Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á duy nhất không bị chiến tranh xâm lược để bị trở thành thuộc địa? Bởi vì họ là đất nước có nền dân chủ sớm nhất trong vùng và duy nhất vào thời kỳ thuộc địa hóa ào ạt.
Nếu những cuộc chiến giành độc lập dân tộc là không thể tránh khỏi thì việc chấm dứt những cuộc chiến ấy thế nào để nhanh chóng tập trung vào xây dựng phát triển đất nước đòi hỏi sự khôn ngoan và đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết của những nhà lãnh đạo giải phóng dân tộc, thay vì lại tiếp tục dây vào những cuộc chiến khác vì những hệ ý thức mà dân tộc mình không trông đợi.
Nhưng quả thật là rất khó cho những người đang cầm quyền có thể từ bỏ quyền lực và quyền lợi vật chất của mình để trao quyền về cho dân chúng và nhận lấy sự suy tôn tinh thần như trường hợp của các nước Quân chủ lập hiến ở châu Âu hay Nhật và Thái Lan ở châu Á. Sự suy tôn ấy sẽ tồn tại mãi cho đến khi nào những hoàng gia này còn biết tôn trọng Dân chủ. Sự trao quyền ấy đã không xảy ra nếu người dân các nước này không biết đòi hỏi cái quyền ấy về cho mình.
Trước khi kết thúc bài tham luận này, tôi xin mượn lời của nhà tư tưởng vĩ đại Jean-Jaques Rousseau viết trong Khế ước xã hội:
"Từ bỏ tự do của mình là từ bỏ phẩm chất con người, từ bỏ quyền làm người và cả nghĩa vụ làm người. Không thể không có tí đền bù tất yếu nào cho người đang từ bỏ tất cả. Bản chất con người không thể dung hòa với sự từ bỏ vô điều kiện như thế. Làm cho ý chí con người mất hết tự do tức là tước bỏ đạo lý trong hành động của con người. Cuối cùng, thật là mâu thuẫn và vô nghĩa nếu ta ghi vào trong công ước một bên là quyền hành tuyệt đối và bên kia là sự phục tùng vô hạn độ… Tự do là bản chất của con người mà có… Thủ lĩnh cũng như dân chúng đều sinh ra bình đẳng, tự do, và họ chỉ từ bỏ quyền tự do của họ khi phải lo toan lợi ích của bản thân họ mà thôi" .
Hy vọng đây là những điều đáng suy ngẫm đối với các bạn trẻ. Tương lai đất nước này sẽ được xây dựng bởi những con người dám lên tiếng đòi hỏi Dân chủ, giành lấy cái quyền căn bản và thiêng liêng cho mình và cho dân tộc mình.
Dương Hữu Canh
No comments:
Post a Comment