Tỉ lệ HS bỏ học dưới 1%: Bộ GDĐT đánh giá tình hình quá lạc quan
Lao Động số 290 Ngày 15/12/2008 Cập nhật: 8:49 PM, 14/12/2008
http://www.laodong.com.vn/Home/Ti-le-HS-bo-hoc-duoi-1-Bo-GDDT-danh-gia-tinh-hinh-qua-lac-quan/200812/118651.laodong
(LĐ) - Năm qua, hầu hết các báo đều đăng tải về tình trạng học sinh (HS) bỏ học. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển trả lời báo chí cũng khẳng định: Hiện tượng bỏ học năm nào cũng có, nhưng năm nay số HS bỏ học có chiều hướng gia tăng đột biến.
Tuy nhiên, tại hội nghị tổng kết năm học 2007-2008 và triển khai nhiệm vụ năm học 2008-2009 tại Hải Phòng, bộ đã trả lời báo chí là chưa có số liệu thống kê để nói VN so với các nước khác số bỏ học khá cao. Chúng ta hiện nay mức bỏ học gần 1%.
Ngày 12.11.2008, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển trả lời báo chí: Cụ thể, số HS bỏ học năm 2006 là 0,92%, năm 2007 là 0,9%, năm 2008 là 0,94%, tương ứng khoảng 150.000 HS bỏ học trong tổng số 16 triệu HS các cấp. Theo tôi, câu trả lời này cũng chưa rõ ràng ở 2 điểm: Một là, tỉ lệ HS bỏ học từ trước đến nay là tính theo năm học, chứ không tính theo năm lịch. Hai là, nếu tính theo năm dương lịch thì thời điểm đó còn gần 2 tháng nữa mới hết năm 2008 mà bộ đã biết tỉ lệ học sinh bỏ học là 0,94%.
Trong khi bộ đánh giá tình hình bỏ học quá lạc quan như vậy thì các giám đốc sở giáo dục nói gì? Bà Nguyễn Thị Anh Phương - GĐ Sở GDĐT Lâm Đồng - nhận định: Tình trạng HS bỏ học ngày càng nhiều ở nơi này (Tây Nguyên) đang là nỗi lo. Đa số HS bỏ học là người dân tộc thiểu số và những em có học lực quá yếu. Ngày 24.11, theo hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2008 - 2009 bao gồm 12 sở GDĐT khu vực ĐBSCL, tỉ lệ HS bỏ học đầu năm học này còn khá cao.
Các tỉnh có tỉ lệ bỏ học cao ở cả 3 cấp là: Cà Mau (18,67%), An Giang (14,34%), Bạc Liêu (13,23%), Hậu Giang (10,19%). Tỉ lệ HS yếu kém không theo kịp chương trình phải bỏ học là 40%. Ông Nguyễn Văn Quang - GĐ Sở GDĐT Vĩnh Long - thừa nhận: Căn cứ vào số liệu hàng năm tỉ lệ bỏ học chiếm khoảng 6%, trong khi năm nay chỉ mới thống kê ở những tháng đầu năm học đã chiếm 4,43%, chắc chắn đến cuối năm, con số này sẽ còn tăng lên nữa.
Căn cứ vào thực tiễn của tình trạng HS bỏ học hiện nay và thống kê về tỉ lệ HS bỏ học mấy chục năm qua, tôi thấy rằng bộ công bố tỉ lệ HS bỏ học các cấp dưới 1% là quá thấp. Điều này trái với nhận định của nhiều địa phương, của nhiều cán bộ giáo viên trong ngành và báo chí quan tâm tới GD. Ví dụ TSKH Nguyễn Kế Hào (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học) - cũng đã viết: Mỗi năm nước ta có 1,2 triệu HS bỏ học. Tôi xin dẫn chứng thêm vài điểm sau:
1/ Theo dõi tình hình học sinh bỏ học mấy chục năm qua thì chưa có năm nào nước ta có tỉ lệ học sinh bỏ học dưới 5%. Tính trung bình hơn 10 năm học qua thì tỉ lệ bỏ học của HS tiểu học là khoảng 5%. THCS là 8,5%, THPT là gần 4%. Như vậy, số HS bỏ học hàng năm là trên dưới 1 triệu em.
2/ Nếu tỉ lệ HS bỏ học giảm một cách đột biến như bộ công báo thì số HS tới trường phải tăng lên. Nhưng mấy năm qua, số HS tiểu học giảm 3 triệu em, THCS cũng liên tục giảm gần 1 triệu em. Cụ thể, số HS THCS 2004 - 2005 có 6.792.000 HS, năm học 2007 - 2008 còn 5.740.000 HS. Số HS THPT cũng bắt đầu giảm, cụ thể năm học 2006 - 2007 có 3.111.280 HS, năm học 2007-2008 còn 3.052.620, giảm 58.660 HS. Người ta có thể giải thích số HS giảm là do kết quả của phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, nhưng cả nước cũng chưa phổ cập đúng độ tuổi.
Còn ở các tỉnh GD phát triển thì số HS đi học đúng và gần đúng độ tuổi đã đạt từ lâu rồi. Mặt khác, giả sử 100% HS 6 tuổi đều đến lớp 1 và sau 5 năm đều lên lớp 5 đúng độ tuổi 100% thì số HS tiểu học cũng là 7 triệu. Còn THCS đang trong giai đoạn nước rút hoàn thành phổ cập vào năm 2010 mà tại sao số HS lại giảm? THCS đã phổ cập GD đúng độ tuổi đâu.
Tóm lại, số HS giảm chỉ có thể giải thích với lý do chủ yếu là tỉ lệ HS bỏ học ở các cấp còn cao như các thống kê đã có hàng chục năm qua. Mặt khác còn nhiều em đang ở độ tuổi học mà chưa đến trường như Tổ chức UNICEF vừa đưa ra con số 1 triệu em. Bộ GDĐT đang chú ý đến khảo thí và kiểm định chất lượng, song cũng cần phải kiểm định số lượng cho chính xác, minh bạch. Quan trọng hơn là có đánh giá đúng mới có quyết tâm cao và biện pháp đúng để giữ vững và phát triển quy mô GD phổ thông trong thời gian tới.
Nhà giáo Trần Hữu Trù (nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GDĐT)
No comments:
Post a Comment