Quốc tế Nhân quyền và Văn hóa Lãnh đạo
Bùi Tín
Đăng ngày 09/12/2008 lúc 00:00:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3347
Đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 60 Bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền 10-12-1948, nhiều sự kiện liên quan đến nhân quyền xảy ra liên tiếp.
Tòa án thành phố Sài Gòn vừa xử phúc thẩm thông qua bản án 30 tháng tù giam đối với nhà báo Điếu cầy - Nguyễn Văn Hải về tội "trốn thuế"; chính quyền thủ đô Hà Nội cũng mở phiên toà xử 8 giáo dân Thái Hà - 4 nữ, 4 nam - về tội phá rối trật tự xã hội; về viện trợ quốc tế, Nhật bản quyết định đình chỉ việc cấp ODA trị giá 900 triệu đôla, một loạt 6 công trình xây dựng quan trọng bị treo lại chờ vụ án tham nhũng PCI được giải quyết.
Trong một xã hội dân chủ, khi chính quyền thật sự được nhân dân, được đông đảo công dân lựa chọn qua lá phiếu tự do của mình, thì chính quyền ấy sẽ đứng ra bảo vệ nhân dân, bênh vực mọi quyền lợi hợp pháp của mọi công dân, trừng trị kịp thời mọi sự vi phạm luật pháp, dù cho những vi phạm ấy là do viên chức của chính quyền, là đảng viên của chính đảng cầm quyền gây ra.
Trong một chế độ độc đoán độc đảng, bộ máy cầm quyền và lãnh đạo do nhóm lãnh đạo tự mình lựa chọn từ trên xuống dưới thì bất công, đau khổ gây nên cho người dân không phải chỉ đến từ những phần tử tha hóa, luu manh, tham tàn, vô đạo trong xã hội, mà lại đến chủ yếu là từ chính bộ máy lãnh đạo và cầm quyền từ trên cao nhất cho đến cơ sở.
Chính do ở đặc điểm ấy mà nỗi đau khổ, bất công, thiệt hại của người thường dân ở những xã hội như Việt nam ta chồng chất và nghiêm trọng gấp trăm ngàn lần các xã hội dân chủ.
Ở các nước dân chủ, Nhân quyền - quyền của Con Người, quyền của Người Dân - được nhà nước thực thi cụ thể, đầy đủ, khắp nơi, còn giáo dục chu đáo cho toàn xã hội hiểu rõ tất cả những quyền lợi mà người dân được hưởng - kể ra có đến 30 quyền, từ khi sinh ra đến khi chết. Đó là quyền được chăm sóc từ trong bụng mẹ, khi chào đời, được học hành khi khôn lớn, được chọn nghề, học nghề và có việc làm, được có lương khi nghỉ ốm, về hưu, được khám và chữa bệnh, được phụ cấp khi thất nghiệp, được đi lại khắp nước và ra nước ngoài, được tự do suy nghĩ, phát biểu, viết báo, tín ngưỡng, được bất khả xâm phạm về nhân thân, danh dự, thư tín, nhà ở, mọi tài sản sở hữu, được bảo hiểm khi gặp thiên tai hay tai nạn, được tham gia lập hội chính trị, đảng phái, nghiệp đoàn, văn hoá, văn nghệ, thể thao, du lịch, giải trí, được coi là vô tội cả khi bị khởi tố, cho đến khi bị toà án tuyên án sau khi xét xử có luật sư bào chữa, có đối chất và luận tội với bằng chứng...
Quan sát kỹ tình hình thực hiện Nhân quyền ở nước ta, rất cần mở một đợt tuyên truyền giáo dục về Nhân Quyền cho toàn xã hội, kể từ 14 vị trong bộ chính trị đang nắm toàn quyền tối cao cai trị đất nước đến các cấp đảng ủy và chính quyền các cấp, mở rộng cho đến mỗi người công dân.
Lãnh đạo là dẫn đường, là đi trước, là cầm lái, là cầm cân nảy mực, là gương mẫu. Lãnh đạo là tài và đức ở mức cao nhất, hơn hẳn người dân thường về trí tuệ, hiểu biết, về đạo đức và nhân cách. Lãnh đạo mà ở mức trung bình của xã hội, đã là nguy cơ trì trệ và hỗn loạn. Người lãnh đạo mà tham quyền, tham nhũng, bất công, vô trách nhiệm trước đau khổ, bất công của người dân, thua kém người dân thường thì xã hội lầm than, tan rã.
Xin lấy ngay vài việc nóng hổi để phân tích. Vụ PCI - Pacific Consultant Institute - nổ ra từ tháng 7 ở Nhật. Phiá Nhật xử lý rất khẩn trương. Họ bắt giữ ngay 4 cán bộ cao cấp liên quan, thu thập khẩu cung, tài liệu giao dịch, sổ sách, chứng từ; họ chuyển dần cho Hà Nội các tài liệu phá án, còn cử người sang Hà Nội trình bày và yêu cầu phối hợp. Phiá Việt nam lững lờ đủng đỉnh, gần như là thờ ơ. Tháng 8, sau hơn một tuần lễ gửi công văn qua con đường ngoại giao, phiá Nhật hỏi thẳng bộ trưởng ngoại giao : quý ngài đã nhận được chưa ? ông Phạm Gia Khiêm lúng túng rồi trả lời (rõ ràng là nói dối) chưa nhận được gì. Nhà báo Nhật giận dữ vì nghĩ rằng không thể vô lý đến thế giữa thời đại thông tin điện tử, computơ, fax, điện thoại viễn liên, liền đập thẳng vào mặt ngài bộ trưởng : " không thể thế được; ông nói dối, ông không xứng đáng là bộ trưởng ngoại giao ". Đã có bao giờ một bộ trưởng ngoại giao bị một nhà báo nước ngoài nặng lời đến thế! Ngài bộ trưởng tự biết là mình nói dối nên đành im.
Nước Nhật là nước thực thi pháp luật nghiêm. Bắt giữ bị cáo sau 3 tháng là phải điều tra sơ bộ xong để xét xử. Mặc cho phiá Việt nam chơi bài ỳ, toà án Tokyo vẫn mở phiên toà đầu tháng 11 để bắt đầu xử vụ án. Từ Paris tôi hỏi chuyện 2 bạn nhà báo Nhật quen biết lâu năm, được biết phiá Nhật mong Việt nam cho biết đã hỏi ông Huỳnh Ngọc Sỹ ra sao, đã điều tra những người cùng làm việc với ông Sỹ như thế nào, đã thu giữ những tài liệu kế toán, thu chi, những hoá đơn, ngân khoản Ngân hàng ra sao về các dự án ấy ? ông Sỹ chối hay nhận khuyết điểm, sai lầm ra sao, đến mức nào? Việc xảy ra ở Việt nam, các dự án đều trên đất Việt nam, tài liệu vết tích rất nhiều trên đất các ông. Vậy mà phiá Việt nam cứ im, bất động. Còn đưa ra luận điểm phiá Nhật nói những điều không có cơ sở (!). Lại còn yêu cầu phiá Nhật " khoanh lại "(!), không thông báo gì cho báo chí nữa.
Chính do không biết điều như thế, nói một đằng làm một nẻo như thế mà chính phủ Nhật trên cao nhất đã nổi giận, và quyết định, - qua đại sứ của mình - cho nổ "một quả bom" không hề báo trước, tại cuộc họp lớn nhất hằng năm các nhà tài trợ ODA : đình chỉ tức thì mọi dự án ODA của chính phủ Nhật. Ai cũng biết Nhật là nước cấp viện trợ ODA lớn nhất. Các báo quốc tế còn chú ý đại sứ Mitsui Sakaba báo tin xong là ra về luôn, không dự buổi bế mạc của cuộc họp, bỏ luôn cuộc chiêu đãi sau đó.
Trên đây là hậu quả của Văn hoá lãnh đạo, văn hoá của kẻ cầm quyền. Lãnh đạo chẳng những phải tỏ ra am hiểu cao hơn nhân dân mình, tôn trọng pháp luật hơn người dân thường, gương mẫu trong đạo đức cầm quyền, quý trọng nhân phẩm của người công dân, dù cho đó là người dân oan mất đất, bà gánh hàng rau, đồng thời phải biết tôn trọng pháp luật quốc tế, tôn trọng các nước viện trợ mình, khẩn trương và chân thành phối hợp với họ, không thể nhờ vả họ lại còn trịch thượng, làm cao, như đại sứ Nguyễn Phú Bình nói ở Tokyo sau khi có tin bị cắt viện trợ: "Nhật bản có nghĩa vụ (!) giúp Việt nam ".
Bệnh chủ quan duy ý chí dai dẳng làm cho căn bệnh văn hoá lãnh đạo yếu kém thêm nặng. Bộ trưởng Kế hoạch-đầu tư không nhận ra sai lầm của mình trong quản lý vốn ODA, còn xoa dịu rằng hy vọng sẽ sớm ký công hàm nối lại ODA với đại sứ Nhật (!). Vụ trưởng của bộ này còn mong chỉ 2 tháng Nhật sẽ nối lại ODA (!). 4 tháng đã qua, phiá Việt nam vẫn chưa bước vào cuộc; vụ PMU18 gần 3 năm còn lây bây, cứ cái kiểu lãnh đạo chủ quan, duy ý chí, quan cách chây ỳ thế này thì còn là bị bất ngờ, bị vỡ mặt. Ai cũng biết quả bóng đang ở phiá Việt nam, vụ PCI sẽ kéo dài mấy năm ? Ai vội thì vội, 14 vị trong bộ chính trị cấn gì vội, ông tổng bí thư càng không vội. Vì vụ PCI liên quan đến 2 nguyên chủ tịch thành phố Sài Gòn Trương Tấn Sang và Lê Thanh Hải, đến nguyên bí thư thành ủy Nguyễn Minh Triết, lại liên quan đến nguyên bộ trưởng Giao thông Đào Đình Bình và nguyên thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, đều là cận thần của ông tổng Mạnh. Sức ỳ là ở đó. Lỗ hổng văn hoá lãnh đạo lồ lộ ra ở đó.
Còn đối với dân trong nước, mới hôm qua, từ Sài Gòn, bà Dương Thị Tân kể với đài phát thanh RFA rằng trung tá Hoàng Trọng Dũng từng "mày tao" với nhà báo Nguyễn Văn Hải, doạ rằng: " tao sẽ giam mày cùng bọn bị Sida cho mày chết, tao sẽ dùng chất gây tiêu chảy thật nặng cho mày kiệt sức đến chết, mà không có vết tích gì của tao...". Văn hóa lãnh đạo và cầm quyền văn minh như thế đó. Bộ trưởng công an dạy cho thuộc cấp của mình kiểu hành động và ăn nói như thế chăng?
Trong khi thủ tướng Dũng tuyên bố "cấm tư nhân làm báo", tuyên chiến với hơn 10 nghìn nhà báo Việt nam, xúc phạm hơn 1 triệu nhà báo quốc tế thì nhà báo Điếu Cày tự cho phép mình ra báo mạng Dân Báo, còn tự mình lên tận vùng Ải Nam Quan và Bản Giốc quan sát tại chỗ, trở về Sài Gòn tổ chức biểu tình trước tòa lãnh sự Trung Quốc. So sánh nhà báo dân gian Điếu Cày với ông thủ tướng cùng trung tá Công an Hoàng Trọng Dũng, ai yêu nước, ai tôn trọng nhân quyền, ai có nhân cách hơn ai? Lẽ ra người lãnh đạo có văn hoá phải quý trọng những công dân thật lòng yêu nước, thương dân như thế; sao lại đi vùi dập hãm hại những công dân ngay thẳng, kiên cường? Văn hoá lãnh đạo kiểu gì vậy?
Cũng những ngày này, nhà dân chủ Nguyễn Thanh Giang bị công an quấy rối, vu cáo, đe doạ, như đối với ông Hoàng Minh Chính khi sinh thời. Cũng là do văn hóa lãnh đạo. Sao lại nương nhẹ với các vụ tham nhũng, thông cảm với bọn sâu bọ thối nát, lại hăng say vu cáo, hành hạ những con người yêu dân chủ, bênh vực nhân quyền. Cách mạng này là cách mạng kiểu gì vậy? Xin nhớ nhà dân chủ Hoàng Minh Chính từng bị 2 ngành Công an và tuyên giáo vu cáo là bất mãn, hám danh, lẩm cẩm; họ cho công an cùng bọn lưu manh đến chửi rủa, còn vứt phân vào nhà, vậy mà khi Cụ mất, Cụ Vũ Đình Hòe, nhà trí thức không cộng sản, từng là bộ trưởng tư pháp, năm nay 98 tuổi, đã từ Sài Gòn gửi ra Hà Nội bức trướng thêu 5 chữ vàng: "Nhân Trí Dũng Vẹn Toàn".
Mong rằng 14 người trong bộ chính trị suy nghĩ cho thật sâu sắc về những sự kiện trên đây, liên quan đến Nhân quyền mà lẽ ra họ phải là những người gương mẫu thực hiện. Nhân ngày Nhân quyền Quốc tế rất cần đến việc trau dồi nền văn hóa lãnh đạo cho tất cả những ai tự nhận lãnh đạo đất nước, còn ghi trong nghị quyết : xây dựng xã hội Việt nam Dân chủ (!) Công bằng (! ) Bình đẳng (!) và Văn minh (!).
Đổi mới lãnh đạo theo hướng có Văn hóa là yêu cầu đổi mới then chốt nhất, mở đường cho đổi mới về chính trị, kinh tế, tài chính, kinh doanh, đối ngoại. Đây là việc làm thiết thực kỷ niệm lần thứ 60 bản Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền, được chính quyền Việt nam cam kết tôn trọng nhưng vẫn chưa thực hiện.
Paris 9-12-2008
Bùi Tín
No comments:
Post a Comment