Quả bom Nhật
Bùi Tín
Đăng ngày 05/12/2008 lúc 00:00:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3338
Vụ PCI đã không thể "khoanh" lại để ỉm đi.
Nhóm lãnh đạo 14 nhân vật trong bộ chính trị nghĩ rằng "khoanh" được vụ tày trời Tổng Cục 2 thì sẽ "khoanh" được mọi thứ. Họ đang "khoanh" vụ PMU18 lại gần 3 năm nay, còn lật án chuyển thành ra vụ đàn áp báo chí chống tham nhũng. Công và tội nhập nhằng, đảo lộn ! Gần đây họ "khoanh" lại vụ bàn về Luật đất đai và Luật báo chí, sợ bùng nổ.
Vụ PCI nổ ra từ giữa tháng 7-2008, hơn 100 ngày rồi. Bốn viên chức cấp cao Nhật đã bị bắt, khởi tố từ tháng 8, đưa ra xét xử giữa tháng 11 tại tòa án Tokyô, nhưng phía Việt nam vẫn lờ đờ, lần lữa, khoanh lại, bịt mồm báo chí, đến đầu tháng 11 mới đình chỉ chức vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ, để bắt đầu cuộc điều tra.
Cả xã hội ấm ức, băn khoăn. Lời hứa kiên quyết chống tham nhũng như chống giặc còn đó, Luật chống tham nhũng đã ban hành, Uỷ ban đặc trách chống tham nhũng được thành lập với thủ tướng làm chủ tịch, với bộ máy thường trực hùng hậu, đầy quyền uy. Thế nhưng cả bộ máy vẫn cứ lề mề không sinh khí. Vụ PCI nổ ra là một thách đố. Tại Quốc hội, bị đại biểu chất vấn, ông thủ tướng bị động, bối rối, không trả lời nổi là cuộc điều tra đã tiến hành đến đâu, đương sự trước những cáo buộc của phía Nhật đã trả lời ra sao ? nhận hay không nhận tội, hay ấp úng thế nào. Ông chỉ biết hứa mép: "sẽ phối hợp với phía Nhật, việc rõ đến đâu xử đến đấy". Nhiều đại biểu quốc hội không hài lòng, thắc mắc thêm, nhưng đành chịu.
Nhưng phía Nhật không chịu. Chính phủ Nhật không chịu. Nhân dân Nhật, người đóng tiền cho viện trợ ODA - Viện trợ Quốc tế Chính thức cho Phát triển - không chịu. Và thế là ngài Đại sứ Nhật ở Hà Nội MITSUI SAKABA không chịu; ông nổi giận.
Tại cuộc họp hàng năm Nhóm Tư vấn các nước tài trợ năm 2008, với đề tài "Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng" , trước mặt những quan khách thượng thặng, các nhà đầu tư lớn nhất, các đại sứ, hơn một trăm nhà báo, phóng viên phát thanh, vô tuyến truyền hình, ông buồn rầu và cứng rắn tuyên bố - như cho nổ một "quả bom": "Chính phủ chúng tôi quyết định đình chỉ các dự án ODA đang tiến hành ở Việt Nam".
Đây là một "quả bom", bởi nhiều lẽ:
1-/ Nhật bản là nước cung cấp viện trợ phát triển ODA lớn nhất cho Việt Nam;
2-/ Các dự án đang được xây dựng và chuẩn bị xây dựng có ý nghĩa lớn cho nền kinh tế và đời sống xã hội ở Việt Nam, đã bị treo lại, đặc biệt là : dự án xây dựng hành lang Đông - Tây của Sài gòn; dự án vệ sinh môi trường đô thị của Sài gòn; công trình thoát nước của thành phố Hà Nội (giai đoạn 2); công trình vệ sinh thành phố Hải phòng; đường tàu điện Métro của thủ đô Hà Nội. Các công trình trên đây ước tính trị giá hơn 900 triệu US đôla; xin nhớ số tiền này càng lớn giữa cơn khủng hoảng tài chính hiện tại;
3-/ Sau các cơn lụt, lũ, úng ngập ở Hà Nội và Sàigòn vừa qua, các công trình trên càng trở nên cấp bách, nay bị đình lại, treo giò chưa biết đến bao giờ, sẽ tai hại cho cuộc sống hàng ngày vốn đang cơ cực của đồng bào lao động ta;
4-/ Chính phủ và Toà đại sứ Nhật phải bực mình, giận dữ lắm mới xử sự quyết liệt cả về nội dung và cung cách như vậy: đột nhiên tuyên bố giữa cuộc họp chính thức lớn nhất hàng năm, kết thúc một năm và mở đầu một năm mới, không hé ra thông báo trước , cũng không tiết lộ trước cho báo chí Nhật về quyết định hệ trọng này;
5-/ Ngay sau đó, đại sứ Nhật ra về, trước khi tuyên bố và trả lời các nhà báo quốc tế và Việt Nam, rằng: "đúng, nhân dân Nhật không hài lòng về vấn đề vốn ODA không được sử dụng tốt ở Việt Nam; đúng, nhân dân Nhật rất thất vọng về vụ PCI không được giải quyết nhanh chóng và minh bạch...".
Lẽ ra phía Việt Nam phải giật mình, tỉnh hẳn ra trước "quả bom cảnh cáo" nghiêm khắc và rất thoả đáng này. Nhưng không phải vậy.
Khuyết điểm phản ứng chậm chạp, lờ đờ, thiếu trách nhiệm của chính quyền Việt Nam các cấp rõ rệt như vậy, nhưng ông thủ tướng Dũng không có một lời xin lỗi phía Nhật Bản. Hình như danh từ "xin lỗi" không có trong từ điển của nhóm lãnh đạo cộng sản.
Đã vậy, bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc lẽ ra phải nhận ra nhiều sai lầm của mình trước quá nhiều ca thán của các nhà đầu tư trong cuộc họp này, trong đó có vụ PCI, thì không, ông ta vẫn nhâng nháo một cách vô duyên trước các nhà báo quốc tế rằng: "Tôi hy vọng rằng chuyện này chỉ là chuyện tạm thời thôi, chúng tôi - tôi và ngài đại sứ (Nhật Bản) - rồi sẽ sớm ký công hàm ODA 2009 " (!). Lẽ ra đúng theo ngôn ngữ lịch sự, ngọai giao thì phải nói "chúng tôi - ngài đại sứ và tôi..." , chứ không phải "...tôi và ngài đại sứ ...". Trước công luận, ông bộ trưởng - thật đáng tiếc - tỏ ra hơi bị coi là mất dạy.
Cũng đúng vào ngày hôm nay 5-12, đại sứ Nguyễn Phú Bình ở Tokyo phát biểu đại thể:
Nhật bản là nước giàu nhất ở châu Á, có nghĩa vụ (!) giúp đỡ các nước chậm phát triển như Việt Nam. Cũng là một kiểu nhâng nháo vô duyên, không đúng lúc. Lẽ ra phải khiêm tốn, giữ im lặng, nếu không có gan tỏ lời công khai "đáng tiếc". Yêu cầu được trợ giúp lớn, sử dụng trợ giúp mờ ám, khuất tất, lại còn vỗ ngực: anh có nghĩa vụ giúp tôi đấy nhé. Vừa vô duyên, lại vô lễ với người dân mình mắc ơn.
Vẫn chưa hết. Cũng đúng chiều hôm nay, ở Sàigòn, ông phó chủ tịch thành phố Lê Thành Tài, người được giao trách nhiệm trực tiếp xử lý vụ PCI tuyên bố: "chúng tôi vẫn còn chờ bằng chứng (!), phía Nhật Bản đến hôm nay vẫn chưa thông báo cho chúng tôi một bằng chứng nào cả !".
Trời đất ơi! Lời khai có tuyên thệ trước cơ quan điều tra, lời thú nhận trước Toà án Tokyô, trước cả Hội đồng xử án, về đưa tiền cho Huỳnh Ngọc Sỹ bao nhiêu lần, ở chỗ nào, ngày giờ nào, mỗi lần bao nhiêu, với mục đích gì, đối cung của 4 bị cáo khớp với nhau, mọi lời khai đều sớm chuyển cho phía Việt Nam, đó không là bằng chứng ư ? Ông Tài đã hỏi Huỳnh Ngọc Sỹ về chuyện này ra sao rồi? Ông Sỹ khai sơ bộ ra sao? Bác bỏ hay thú nhận, hay không nói gì? Các tài liệu, kế toán, thu chi về các dự án này đã được thu giữ chưa? Những nhân viên kế toán, kế hoạch, ngân hàng liên quan đã được khai thác đến đâu rồi? Sao ông lại bất động, rồi ăn nói dại dột, ngu ngơ như thế !
May mà vụ án lớn này không thể "khoanh" lại và ỉm đi vì dính đến Chính phủ Nhật, đến luật pháp và nền văn minh - văn hoá quốc tế. Thế nhưng nó vẫn chưa thức tỉnh nổi những quan chức cầm quyền, từ bộ chính trị, chính phủ, đến những viên chức then chốt ở bộ ngoại giao, bộ kế hoạch đầu tư, ủy ban phòng chống tham nhũng, ban thanh tra chính phủ, ban kiểm tra trung ương, viện kiểm sát và toà án nhân dân tối cao.
Vụ PCI do đó sẽ còn kéo dài dai dẳng, gây nên những hậu quả tệ hại khôn lường. Nhiều nước khác, nhiều nhà đầu tư sẽ giảm chi viện, rút đầu tư, chờ đợi, chăm chú xem xét hành động của phía chính quyền Việt Nam đã tỏ ra biết điều đến đâu, trưởng thành đến mức nào, hoà nhập thế giới văn minh đến mức nào. Họ chỉ đánh giá qua việc làm, không phải qua những lời hứa hão. Thái độ ù lỳ, kênh kiêu ngỗ ngược chỉ phơi bày sự kém cỏi, lạc hậu của một chế độ chính trị độc đoán khó chơi trước thế giới. Họ chỉ làm khổ dân, tự chuốc lấy sự oán hận, ghét bỏ và khinh thị của nhân dân khắp nơi.
Paris 5-12-2008
Bùi Tín
No comments:
Post a Comment