Những quyết định không nên có
Đinh Minh Đạo
Đăng ngày 9-12-2008
http://danchimviet.com/articles/668/1/Nhng-quyt-nh-khong-nen-co/TrangPage1.html
Tin chị Tôn Vân Anh không được Đại Sứ Quán Việt Nam tại Ba Lan (ĐSQVN tại BL) cấp hộ chiếu mới làm chúng tôi bị bất ngờ. Mặc dầu cách đây vài tháng, chúng tôi đã được tin mấy người bạn trong nhóm ”Đàn Chim Việt”, những người Ba Lan gốc Việt 100% đã bị từ chối cấp visa.
Nhiều người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Ba Lan đều biết Tôn Vân Anh là một phụ nữ trẻ, nhiệt tình trong mọi hoạt động xã hội, đã và đang đóng góp cho việc vận động dân chủ cho Việt Nam. Chị đã tìm hiểu, giới thiệu văn hóa, lịch sử và chính trị của Ba Lan, quá trình Ba Lan chuyển đổi từ chế độ độc tài toàn trị sang thể chế tự do dân chủ một cách hòa bình cùng những thành quả mà chế độ mới đã đem lại cho người dân Ba Lan. Tôn Vân Anh còn giúp đỡ một số người Việt Nam tìm hiểu luật pháp của Ba Lan và giúp họ hợp thức hóa giấy tờ di trú tại Ba Lan. Chị đã tham gia quảng bá văn hóa Việt Nam với nhân dân Ba Lan, thông qua các phương tiện truyền thông hay trong các dịp lễ hội của Việt Nam hay Ba Lan.
Trong cộng tác với đài Á Châu Tự Do, chị cũng chỉ phản ảnh trung thực tình hình làm ăn sinh sống của người Việt tại Ba Lan, những đòi hỏi về tự do, dân chủ và công bằng xã hội của người dân tại Việt Nam hay những tin tức về kinh tế, chính trị của xã hội Ba Lan.
Tôn Vân Anh trước ĐSQ CHXHCNVN tại Warsaw. Nguồn: tonvananh.blogspot.com
http://www.danchimviet.com/content_images/tva_dsq.jpg
Những việc làm trên đây của Tôn Vân Anh không hề vi phạm những điều như trong thông báo gửi cho chị của ĐSQVN tại BL đã khẳng định: “Lý do từ chối cấp đổi hộ chiếu mới là do bà đã có những hoạt động đi ngược lại lợi ích của nhà nước, nhân dân Việt Nam và quan hệ truyền thống Việt Nam – Ba Lan”. Đây là cách gán ghép để biện hộ cho một quyết định độc đoán, thiếu công bằng thường thấy ở Việt Nam. Đáng tiếc lần này nó lại xẩy ra tại một cơ quan ngoại giao, đặt tại một quốc gia tự do dân chủ như Ba Lan.
Trong lúc tôi đang ngồi viết những dòng này, Tôn Vân Anh đang tất tưởi chạy đến các cơ quan di trú của Ba Lan để lo giấy tờ. Thẻ tạm cư và hộ chiếu của chị đã hết hạn, muốn gia hạn thẻ tạm cư phải có hộ chiếu. Nếu chị không được cấp thẻ tạm cư, chị sẽ là người nước ngoài sống bất hợp pháp. Những ai đã và đang sống ở nước ngoài đều biết những khó khăn vất vả mà những người không có giấy tờ hợp pháp phải chịu đựng, nhưng cái khó khăn nhất đối với chị là làm sao chị có thể giải thích cho những nhà chức trách của cơ quan di trú Ba Lan hiểu được, rằng tại sao chị - một công dân Việt Nam lương thiện - lại không được sứ quán của mình cấp hộ chiếu?
Đến đây tôi lại nghĩ đến mấy người bạn trong nhóm “Đàn Chim Việt” bị từ chối cấp visa về thăm Việt Nam. Vẫn biết đấy là thẩm quyền của một cơ quan đại diện ngoại giao khi xem xét cấp visa cho những công dân nước ngoài. Nhưng đây là những người Viêt Nam. Tổ quốc của họ vẫn là Việt Nam. Nơi chôn nhau cắt rốn của họ vẫn là Việt Nam. Họ chẳng có lỗi gì ngoài những bài viết, những việc làm vận động dân chủ cho Việt Nam. Tình yêu quê hương đất nước, những điều mắt thấy tai nghe tại Ba Lan đã thúc giục họ viết lên những suy nghĩ của mình, mong sao Việt Nam chóng thay đổi để tiến tới một thể chế dân chủ. Để người dân được tự quyết định lấy vận mệnh của mình, đươc lựa chọn chính quyền đại diên cho mình bằng lá phiếu, để họ có một chính quyền thật sự của dân,do dân, vì dân. Cả hai người bạn bị từ chối visa đều có bố mẹ già ở tuổi “cổ lai hy”. Tuổi già như ngọn nắng chiều, đang ngồi “đong đếm” thời gian còn lại của cuộc đời, mỏi mắt ngóng chờ những đứa con tha hương trở về.
Quyết định không cấp đổi hộ chiếu mới và từ chối cấp visa kể trên là hậu quả của cơ chế “xin – cho”, cơ chế đã hình thành và tồn tại từ nhiều năm nay rất cần được dỡ bỏ. Các cán bộ ĐSQVN tại BL cũng khẳng định đã thực hiện đúng quyết định trong nước đưa ra. Vậy đâu là trách nhiệm của những người đại diện cho nhà nước ở nước ngoài để bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nước mình làm ăn sinh sống ở nước sở tại?
Những quyết định nói trên đem lại những khó khăn trong đời sống cho những người đồng hương mà lẽ ra họ không phải chịu đựng. Nhũng người Việt Nam chúng ta, từ khi lọt lòng mẹ đã được ru bằng câu ca dao:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Chúng ta có thể đồng tình với những quyết định nói trên?
Thế giới loài người đã thay đổi và tiến bộ quá nhiều. Người da đen ở Mỹ, ông cha họ là những nô lệ, nay đã có người trở thành tổng thống. Việt Nam có nên thay đổi hay không? Nếu có, ai sẽ là người phải thay đổi trước tiên, nếu không phải là những người làm công tác ngoại giao - những người đi nhiều, hiểu rộng?
Warszawa 11-2008
---------------------------------------------------------------
Xem blog của Tôn Vân Anh tại tonvananh.blogspot.com
© 2008 www.danchimviet.com
No comments:
Post a Comment