Saturday, December 20, 2008

NHÀ BÁO BỊ BẮT NGUỘI Ở TRUNG QUỐC

Nhà báo bị “bắt nguội” ở Trung Quốc
Thứ Sáu, 19/12/2008, 06:00 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=293392&ChannelID=442
TT - Người dân Trung Quốc đang bức xúc vì những vụ bắt giữ các nhà báo theo kiểu không đúng luật.
Trong tháng 12-2008, tại Trung Quốc đã xảy ra nhiều vụ nhà báo bị bắt lặng lẽ. Cáo buộc dành cho họ là nghi ngờ nhận tiền đút lót. Điều gây phẫn nộ là phương thức bắt giữ người kỳ quặc của các cơ quan chức năng địa phương.

Sự kiện Quan Kiện

Ngày 1-12, tòa soạn Báo mạng Bắc Kinh cử phóng viên Quan Kiện đến thành phố Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây) để phỏng vấn một công ty bất động sản bị khiếu kiện vi phạm luật đất đai. Tuy nhiên, từ ngày đó cơ quan và gia đình của Quan Kiện hoàn toàn mất liên lạc với anh.

Theo Tân Hoa xã, người nhà Kiện vì sốt ruột đã đến thành phố Thái Nguyên trình báo với công an địa phương nhờ truy tìm người thân. Công an Thái Nguyên đã lập tổ điều tra và xếp vụ việc vào “chuyên án mất tích”. Sau khi kiểm tra băng ghi hình của nhà trọ nơi Quan Kiện ở khi đến Thái Nguyên, cảnh sát phát hiện lúc 20g ngày 1-12 Quan Kiện đã bị năm người đàn ông khóa tay, áp giải ra xe và đưa đi mất.

Đúng hai tuần sau, văn phòng Tân Hoa xã tại Sơn Tây và gia đình Quan Kiện mới nhận được thông báo từ Công an thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc xác nhận đang giam giữ Quan Kiện vì nghi ngờ nhà báo này nhận tiền hối lộ và không cho biết gì thêm.

Ba ngày sau vụ Quan Kiện (4-12), phóng viên chính trị của đài truyền hình trung ương Trung Quốc Lý Mẫn cũng bị bốn người mặc thường phục tự xưng là nhân viên Viện Kiểm sát quận Hạnh Hoa Lĩnh, thành phố Thái Nguyên ập vào nhà cô ở khu Đông Tam Hoàn, Bắc Kinh bắt đi với nghi án “nhận hối lộ”. Tuy nhiên điều đáng nói là bốn người này giả dạng làm nhân viên sửa ống nước để Mẫn mở cửa cho vào rồi mới tuyên bố là kiểm sát viên đi bắt người. Ông Hà Thư Sinh - viện trưởng Viện Kiểm sát quận Hạnh Hoa Lĩnh, cho biết Lý Mẫn bị bắt do nghi vấn đã nhận hối lộ 220.000 nhân dân tệ (32.141 USD) từ Ngô Hiểu Hoa - em trai của nghi phạm Ngô Hiểu Huy trong vụ án tranh chấp kinh tế do viện kiểm sát quận này đang thụ lý.

Theo Châu Trạch - luật sư của phóng viên Lý Mẫn và ông Dụ Quốc Minh - viện phó Học viện báo chí thuộc ĐH Nhân dân Trung Quốc, luật pháp nước này chỉ quy định tội hối lộ đối với công chức nhà nước, còn nhà báo thuộc dạng phi công chức, việc họ nhận tiền, quà... thuộc phạm trù đạo đức nghề nghiệp nên không thể quy chụp nhận đút lót rồi đến bắt đi một cách không minh bạch, gây hoang mang cho những người hành nghề báo chí và dư luận xã hội.

Người dân phản ứng

Những phóng viên trên có tội hay không vẫn còn phải chờ các cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên cách thức mà Công an thành phố Trương Gia Khẩu và Viện Kiểm sát quận Hạnh Hoa Lĩnh tiến hành bắt người khiến dư luận xã hội phản ứng gay gắt.
Ngày 17-12, trên mạng Tân Hoa xã, bạn đọc Trịnh Quảng Lễ nhận xét: việc Quan Kiện bị bắt khiến người Trung Quốc phải giật mình; phóng viên bị bắt đến 14 ngày sau khi gia đình anh đến Sơn Tây báo án mất tích, Công an Thái Nguyên vào cuộc thì mới vỡ lẽ. Quảng Lễ bức xúc cho rằng quyền được biết thông tin của công dân đã bị vứt sang bên.
Bạn đọc khác tố cáo việc nhân viên công quyền từ địa phương khác đến bắt người mà không có sự hợp tác với cơ quan chức năng địa phương, kiểu bắt người lén lút cũng khiến nhiều người dân nghi ngờ có sự khuất tất trong từng vụ việc.
Trên mạng Sina, Hiểu Tuấn đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra rõ vụ việc để tránh tâm lý sợ hãi trong làng báo. Trong khi đó bạn đọc Ái Binh Khiết đặt câu hỏi: nếu vụ bắt phóng viên Quan Kiện không được tung lên Internet thì liệu Công an thành phố Trương Gia Khẩu có xuất đầu lộ diện để giải thích hay không? Còn rất nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp.
MỸ LOAN
(Theo THX, Sina.com)

No comments: