Thursday, December 18, 2008

MẬT và MINH BẠCH

Mật & Minh Bạch
Osin’s blog
Monday December 15, 2008 - 09:22am (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-_Q78P6g5br89WVUa77qC3PG4?p=6766
Có lẽ Danh mục “Mật” của ngành Xây dựng sẽ không gây chú ý nếu như nó không được ban hành chỉ 5 ngày sau khi Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho rằng, muốn chống được tham nhũng thì phải hạn chế bớt những thông tin được cho là “mật”. Có rất ít những vấn đề thuộc về “an ninh quốc gia” được thấy trong danh mục mật này. Trong khi, rất nhiều vấn đề dân cần biết, cần bàn, cần kiểm tra lại được đưa vào diện “Mật”: đề án xây dựng quy hoạch vùng, khu kinh tế đặc thù; hồ sơ, tài liệu kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong nội bộ ngành xây dựng; hồ sơ nhân sự cấp vụ trưởng trở lên; tài liệu xác minh sự cố đối với các công trình xây dựng quan trọng…

Không có gì khó hiểu khi những thông tin có thể dùng làm căn cứ để quy trách nhiệm cho ngành Xây dựng ấy bị đưa vào danh mục mật này. Vì, theo Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ ký danh mục “Mật” theo đề nghị của người đứng đầu ngành Xây dựng. Trên thực tế “mật” đã từng được không ít nơi dùng như một lý do gây khó khăn cho lực lượng đấu tranh chống tham nhũng. Tại cuộc Hội thảo về chiến lược phòng và chống tham nhũng, do Thanh tra Chính phủ tổ chức hôm 18-8-2008, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an Trịnh Văn Chương nói rằng: Một số nơi, danh sách “mật” do thủ trưởng đơn vị quy định đã khiến cho cán bộ thanh tra muốn tiếp cận cũng khó và càng khó hơn vì, không thể đem tài liệu mật ra công khai xử lý (theo báo Pháp Luật Việt Nam).

Ông Trịnh Văn Chương cho biết, có rất nhiều văn bản không hề làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, nhưng vẫn được nhiều cơ quan đóng lên dấu “mật”. Pháp lệnh Bảo vệ bí mật quy định: “bí mật nhà nước” là những thông tin, tài liệu mà nếu “khi tiết lộ thì sẽ gây nguy hại cho nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Nhưng, đọc kỹ danh mục “Mật” do 32 bộ, ngành đưa ra kể từ năm 2003 tới nay, thấy, có rất nhiều vấn đề, chính sự bưng bít chứ không phải “tiết lộ” thông tin mới “gây nguy hại cho đất nước”. Hồ sơ cán bộ từ “cấp vụ trở lên”, hồ sơ xác minh đơn thư tố cáo; tài liệu thanh tra, kiểm tra… lẽ ra phải là những thứ cần được công khai, lại được đa số các bộ, ngành xếp vào “danh mục mật”. Che dấu hồ sơ cán bộ, ém nhẹm đơn thư tố cáo chính là mảnh đất màu mỡ cho nạn “chạy chức, chạy quyền”. Lẽ ra chỉ có hồ sơ cá nhân của các viên chức hành chánh bình thường mới nên được bảo mật, còn cán bộ, càng có chức có quyền, lý lịch của họ, cả về đạo đức, năng lực, tài sản, bồ nhí, vợ con… lại càng phải được công khai cho nhân dân biết.

So với bản danh mục mật của ngành Xây dựng ban hành năm 2004, danh mục mới này tăng thêm 2 nội dung. Trong đó, “hồ sơ, tài liệu xác minh sự cố đối với công trình xây dựng quan trọng” đã được đưa vào danh mục mật. Rất lạ là “danh mục” mới ấy được bổ sung sau “sự cố” sập cầu Cần Thơ, và vụ 4 đốt hầm ngầm qua Thủ Thiêm, thuộc dự án xa lộ Đông Tây, bị nứt. Lẽ ra, sau vụ “cầu Cần Thơ” chính ngành Xây dựng phải thấy rằng, công bố nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây ra “sự cố” không chỉ là trách nhiệm chính trị trước nhân dân mà còn là vấn đề đạo đức và lương tâm trước vong linh của hàng chục người đã chết.

Cho dù có nhiều công trình quan trọng hiện đang được xây dựng có liên quan tới nguồn vốn nước ngoài thì sự bưng bít thông tin không những không giữ được “tình hữu nghị” mà còn làm mất thêm uy tín. Cách ứng xử trong vụ PCI là một bài học cay đắng. Ba tháng trước, khi ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị khai là đã nhận hối lộ từ các quan chức PCI của Nhật, phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, đặc biệt là phát biểu yêu cầu báo chí Nhật không đăng các thông tin liên quan, theo GS Trần Văn Thọ, đã “gây bất bình cho công luận Nhật”. Chính hành vi “giữ trong vòng bí mật” những thông tin về ông Huỳnh Ngọc Sĩ đã làm “nguy hại cho nhà nước Việt Nam” (về uy tín) chứ không phải là, ngay từ đầu, đàng hoàng công khai nó.
“Dự án quy hoạch vùng và khu kinh tế đặc thù”, được coi là “mật” từ năm 2004, lẽ ra sau 4 năm áp dụng phải được loại khỏi danh mục “mật” của ngành Xây dựng. Chính sự thiếu công khai minh bạch trong công tác quy hoạch mới là mảnh đất màu mỡ làm sinh sôi tham nhũng. Khi những dự án quy hoạch bị bí mật với nhân dân, nó sẽ là “ngàn vàng” cho những kẻ đầu cơ địa ốc và những người nắm giữ. Thế nhưng, “quy hoạch”, trong Quyết định mới này, vẫn nằm trong “danh mục Mật”.

Để các bộ, ngành có quyền đề xuất danh mục bí “mật” cho các vấn đề thuộc ngành mình có lẽ là một khiếm khuyết của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước. Bởi, không mấy cơ quan quyền lực tự giác đặt các hoạt động của mình dưới sự giám sát của nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chưa giám sát hữu hiệu tiến trình thi hành Pháp lệnh này, để “bí mật” đã được không ít cơ quan lạm dụng.

Trong thập niên 90, khi thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội than phiền, các tài liệu về ngân sách quốc gia phát cho các đại biểu Quốc hội đều được đóng dấu “tuyệt mật”. Thủ tướng Phan Văn Khải, phát biểu sau đó, đã thừa nhận rằng, hầu hết những thông tin có trong các báo cáo ấy, đều đã được Chính phủ cung cấp cho một số tổ chức quốc tế như IMF và Ngân hàng Thế giới. Cái dấu “mật” vô lý đó không hề còn tác dụng giữ bí mật quốc gia mà chỉ gây khó khăn cho báo chí Việt Nam khi muốn thông tin tới người dân về việc thu chi ngân sách. Tư duy về mật cũng cần được thay đổi so với thời kỳ chiến tranh. Ngay những vấn đề rất sát với an ninh quốc gia như là mua sắm vũ khí, cho dù chính phủ một số nước không thông báo với nhân dân, các thông tin mua bán tàu chiến, máy bay… vẫn rất có thể được tìm thấy rất nhiều trên mạng.

Rất dễ hiểu khi những người đứng đầu các cơ quan quyền lực vẫn đưa vào danh mục mật rất nhiều quy định không ảnh hưởng gì đến an ninh quốc gia. Trong khi, các chuyên gia chống tham nhũng như ông Tổng Thanh tra lại nhận thấy lợi ích của việc “thu hẹp ngay những danh mục mật”. Không thể đấu tranh với tham nhũng nếu không nâng cao tính minh bạch trong mọi hoạt động của các cơ quan công quyền.

Chữ “mật” tùy tiện trên các tài liệu chỉ có tác dụng bưng bít thông tin với nhân dân và đặt các nhà báo, những người đưa tin, trong tình thế có nhiều rủi ro pháp lý.


Huy Đức

No comments: