Monday, December 22, 2008

KÍCH CẦU VÀ BẢO HỘ MẬU DỊCH

Khủng hoảng kinh tế: kích cầu và bảo hộ mậu dịch
Đoàn Hưng Quốc
Đăng ngày 22/12/2008 lúc 03:48:15 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3392

Các nước lớn nhỏ đều chuẩn bị tung những số tiền khổng lồ để kích thích nền kinh tế: tân chính quyền Obama tại Mỹ dự trù khoảng từ 600 đến 850 tỉ đô-la, Trung Quốc 586 tỉ, Khối Thị Trường Chung Âu Châu (EU) khoảng 300 tỉ, và ngay cả Việt Nam cũng có thể bỏ ra 6 tỉ. Các ngân hàng trung ương tại Hoa Kỳ, Nhật đều hạ lãi suất xuống gần 0%, từ Trung Quốc có những tin tức cho biết doanh nghiệp được vay tiền ở mức lời 0%.

Lẽ ra khi ngân sách Mỹ bị thâm thủng nặng nề vì nợ nần chồng chất (lên đến 10 ngàn tỉ mà chưa cộng vào con số kích cầu nói trên) thì đồng đô-la phải xuống giá, thì Bắc Kinh lại rục rịch chuẩn bị phá giá đồng nhân dân tệ nhằm thúc đẩy xuất cảng và tạo công ăn việc làm trong nước. Đây có thể là bước kế tiếp của cuộc khủng hoảng, bắt đầu từ địa ốc sang tài chính rồi đến tín dụng, sau đó tràn lan ra toàn bộ các nền kinh tế với nguy cơ tạo ra nạn thất nghiệp trầm trọng ở nhiều nước. Khi dân chúng mất công ăn việc làm hàng loạt thì khuynh hướng bảo hộ mậu dịch tăng mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi riêng tư của từng quốc gia.

Số tiền từ 600-850 tỉ Mỹ kim mà tân chính quyền Obama dự trù tung ra rất giống với một con số hơn 600 tỉ mà Hoa Kỳ đang thiếu nợ Trung Quốc qua các công phiếu. Đây chẳng khác gì món tiền mà Bắc Kinh cho vay mượn để kích thích nhu cầu tiêu thụ tại Hoa Kỳ trong nhiều năm nay, kết quả đã giúp Trung Quốc phát triển vượt bực từ cuối thập niên 90. Mặc dù không có những liên hệ trực tiếp nhưng chúng ta có thể hình dung số tiền này được tiêu xài như sau:

1. Con số nợ 600 tỉ được toà Bạch Ốc dùng trang trải 615 tỉ (tính đến tháng 12-2008) chi phí chiến tranh tại Iraq. Nói một cách khác, Trung Quốc gián tiếp giúp Hoa Kỳ giữ nguồn tiếp liệu dầu hoả thiết yếu từ Trung Đông vì quyền lợi và nhu cầu kinh tế thiết yếu của chính mình.

2. Một cách nhìn khác, dân chúng Mỹ hiện nợ các công ty tín dụng (credit cards) tổng cọng khoảng 600 tỉ, việc này giống như Bắc Kinh từ nhiều năm nay cho dân Mỹ mượn tiền để mua sắm ti-vi, điện thoại di động, quần áo giày dép v.v… tức là các mặt hàng phần lớn sản xuất từ Trung Quốc.

3. Thêm một cách nhìn khác nữa: nếu không có nguồn tiền dồi dào vay mượn dễ dàng từ Trung Quốc thì tiền lời mua nhà tại Mỹ sẽ tăng khoảng 1.5%. Lấy một thí dụ căn nhà giá 300 trăm ngàn; nếu lời 6.5% trả 2000/tháng, nếu lời 8% trả 2300/tháng. Dân Mỹ nhờ “tiết kiệm” 300 đô nên tha hồ tiêu xài, mà cũng nhờ vậy mà giá nhà tăng liên tục từ năm 2002 đến 2007.

Mậu dịch toàn cầu từ cuối thập niên 90 dẫn đến một hiện tượng rất lạ: các nước Đông-Á nhất là Trung Quốc, Nhật Bản… chẳng những bán hàng mà còn cho vay để dân chúng và chính quyền Mỹ tiêu xài vào hàng hoá hay chiến tranh! Cho vay, một mặt để kích cầu tại Mỹ dẫn đến phát triển nền kinh tế nội địa; mặt khác, tiền phải chuyển ra giữ ở nước ngoài đáng tin hơn trong nuớc! Nước Mỹ trong nhiều năm mang sản xuất ra ngoại quốc để tìm nhân công rẻ, nạn thất nghiệp trong nước được giải quyết nhờ sự tăng trưởng của các dịch vụ tài chính và địa ốc. Đến nay quả bóng địa ốc vỡ, khu vực tài chính tín dụng lộ rỏ đã khuấy nước thành hồ, hoặc trắng trợn lường gạt (Enron 2001, Maddof 2008). Dân Mỹ lo sợ giảm tiêu thụ, các nước Đông-Á cuống cuồng vì hàng hoá không ai mua nên hạ thấp lãi suất hay hối đoái để tài trợ cho xuất khẩu.

Tân chính quyền Obama dự trù ngân khoản từ 600-850 tỉ để tạo 3 triệu công ăn việc làm chưa đủ để bù vào con số thất nghiệp có thể lên đến 4 triệu người. Nhưng điều khó là món tiền khổng lồ này phải mang lại nền tảng lâu dài cho sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ. Nếu không khéo rơi vào tiêu thụ thì chỉ giúp dân chúng tiêu xài phung phí trong 2 năm vào các mặt hàng nhập cảng, nước Mỹ ôm thêm một khoản nợ khổng lồ mà lâu dài thì chỉ Trung Quốc và các nước Đông-Á hưởng lợi vì tạo được công ăn việc làm. Khi Trung Quốc Việt Nam v.v… dự trù phá giá đồng bạc để tài trợ xuất cảng đã gặp những lời cảnh cáo gay gắt từ cả chính quyền chưa nhậm chức Obama hay Quốc Hội Mỹ.

Các nước lớn trong lần đàm phán G-20 vào tháng 11-2008 đều cam kết tôn trọng tự do mậu dịch. Nhưng chỉ trong 1 tháng sau đó thì hệ luỵ nguy hiểm nhất bắt đầu trở nên rõ rệt là việc mất công ăn việc làm hàng loạt tại Âu-Á-Mỹ. Nạn thất nghiệp trầm trọng có thể dẫn đến xáo trộn xã hội, khi đó mỗi chính quyền lo tự cứu mình trước thì vấn đề bảo hộ mậu dịch không phải khó xảy ra. Bước đơn phương của một quốc gia sẽ dẫn đến biện pháp trả đũa. Kinh nghiệm qua hai kỳ khủng hoảng năm 1998 và 2007-08 cho thấy trong thời đại toàn cầu hoá, hậu quả của một cuộc tranh chấp như vậy sẽ lan rộng rất nhanh chóng ra toàn thế giới hay khu vực. Một mặt, điều này cảnh giác các chính quyền tự chế; nhưng mặt khác, với bài học của nước Đức trong cuộc khủng hoảng của thập niên 30 thì tâm lý của quần chúng có thể mang đến những áp lực khó lường lên nhà cầm quyền.

Những năm trước đây nhiều chuyên gia cho rằng trong thời đại hậu công nghiệp nền kinh tế Hoa Kỳ chuyển sang dịch vụ (service economy) trong khi khâu sản xuất mang về khu vực Đông-Á. Điều này đúng hay sai thật khó ai lường được, vì qua lịch sử những cường quốc đều có năng lực sản xuất hùng hậu; dù vậy, kỹ nghệ tin học và làn sóng toàn cầu hoá đã biến chuyển bộ mặt của thế giới theo các hướng không thể ngờ. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ những co thắt của các thay đổi đó, cho dù quả bóng địa ốc và tài chính là những nguyên nhân nổi – nhưng vô cùng quan trọng, trong giai đoạn ban đầu.

Kinh tế suy sụp khiến nhiều người bi quan, nhưng cũng cần phải nhớ trong 18 năm qua tự do mậu dịch và toàn cầu hoá đã mang hơn 1 tỉ người ra khỏi ngưỡng cửa nghèo khó, đồng thời là động cơ chính cho làn sóng dân chủ hoá. Điển hình ai về thăm VN cũng thấy dân chúng không còn rách rưới, một giai cấp trung lưu đang hình thành và mạnh dạn đòi hỏi dân chủ tự do. Nhưng các bước phát triển kinh tế nhảy vọt cũng đã tạo nên hố sâu chênh lệch giàu nghèo và cũng cố thế lực vào một thiểu số các tập đoàn nhà nước hay tư nhân. Trong khi hai lực lượng đang giằng co thì khủng hoảng kinh tế đến, tự do mậu dịch bị giới hạn – riêng Hoa Kỳ là thị trường xuất cảng chính của các nước Đông Á bắt buộc phải giới hạn khả năng tiêu thụ của mình – sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào dân chủ tại các nước đang phát triển. Đây sẽ là một đề tài đáng được mổ xẻ tiếp.
Đoàn Hưng Quốc

No comments: