Wednesday, December 3, 2008

HỌ RỚT LẠI TỪ NHỮNG CUỘC VUI

Họ rớt lại từ những cuộc vui
Lao Động số 281 Ngày 04/12/2008 Cập nhật: 10:34 PM, 03/12/2008
http://www.laodong.com.vn/Home/Ho-rot-lai-tu-nhung-cuoc-vui/200812/117227.laodong
(LĐ) - Năm 2000 là cầu Mỹ Thuận, nay là cầu Rạch Miễu, hơn 1 năm nữa là cầu Cần Thơ... Những cây cầu trong mơ lần lượt ra đời, giúp đồng bằng cất cánh. Họ - những người dân mua bán, làm dịch vụ sống quanh bến phà - không có mặt trong số hàng triệu người hả hê qua lại trên những cây cầu lộng gió.
Họ phải vật lộn với cuộc mưu sinh đang trở nên nghiệt ngã hơn từ khi bến phà ngưng hoạt động. Họ là những người rớt lại từ những cuộc vui!

Mỗi tháng đôi lần tôi đi lại giữa Cần Thơ - Long An bằng xe khách. Mỗi lần xe vút nhanh qua cầu Mỹ Thuận, tôi luôn có cảm giác phơi phới khi liên tưởng tới cảnh qua phà ngột ngạt trước kia. Vừa rồi, lần đầu tiên đi ngang Mỹ Thuận bằng xe gắn máy, tôi thử ghé lại bến phà xưa. Tôi đã sững sờ trước cảnh đìu hiu trên đoạn đường nhộn nhịp ngày trước. Đợi đến gần 5 phút mới có người đi qua, tôi đón lại để hỏi thăm 1 người “quen”.

Gặp lại người hùng
Năm 1991, trong một lần qua phà Mỹ Thuận, có một chuyện làm tôi nhớ mãi. Phà tách bến, tôi đang đứng miên man nghĩ ngợi về dự án cầu Mỹ Thuận, bỗng nghe tiếng la thất thanh: “Cứu... cứu con tôi...”. Có người bị ngã xuống sông, đang chấp chới giữa dòng nước cuộn chảy. Ngay tức thì, bóng một chiếc áo xanh lao theo. Chỉ một thoáng, nạn nhân đã được tóm nhấc đầu lên khỏi mặt nước... Chiếc phà tiếp tục cuộc hành trình vào bến, nhiều người xúm quanh chăm sóc nạn nhân đã tỉnh táo, còn người cứu thì trở về vị trí làm việc với nguyên bộ đồ ướt, chăm chú cho mõ bàn phà tiếp bến thật êm. Những người bán hàng rong tranh nhau kể về “người hùng”, rằng anh đã 3 - 4 lần cứu người, được tặng nhiều bằng khen, hình anh được triển lãm ở tỉnh...

Tôi không mấy khó khăn tìm nhà anh - căn nhà xiêu vẹo trong hẻm nhỏ cạnh bến phà, thuộc khóm 2 - ấp Mỹ Thuận. Không còn chút dấu vết của người thủy thủ vạm vỡ ngày nào. Ở tuổi 45 mà anh tiều tụy như thể 60. Không biết anh nhậu từ lúc nào, mà mới 10 giờ sáng đã “quắc cần câu”. “Sáng đi làm mướn, không có việc, anh em lai rai...” - anh lè nhè giải thích. Anh kể chuyện đời mình: Tên Nguyễn Văn Dũng, tự Dũng Lác, lớn lên bằng nghề lưới cá. Ba của anh từng là công nhân phà. Sau khi ba mất (năm 1983), anh xuống phà tiếp nối nghề cha. Khi có cầu Mỹ Thuận, anh được bố trí công việc ở trạm thu phí. Cả đời gắn bó với sông nước, giờ “lên bờ”, anh thấy tù túng, khó khăn. Anh xin “giám định” nghỉ mất sức để nhường suất công nhân trạm cho đứa con trai. Thế nhưng, nó ít học, thiếu trọng lượng, sau mấy tháng thử việc đã không được nhận, trở về nhà đi làm mướn với anh. Không còn phà, người thất nghiệp nhiều, việc làm khan hiếm, ngày nào không ai mướn thì anh “nhậu cho quên” - quên cái nghề công nhân phà “cha truyền con nối”. Anh than: “Bây giờ tui bịnh thiệt rồi chứ không phải giả bộ như hồi đi “giám định”. Tui còn đỡ, chứ bạn bè chết nhiều...”.

Mất bến phà - hụt hẫng - nhậu nhiều - bệnh (và chết)... Đó không phải là chuyện của riêng anh Dũng. Ngay sát nhà anh, bà Lê Thị Hai (68 tuổi) đang sống trong cảnh cô đơn. Ngày còn phà, bà và đứa con trai bán hàng rong, “sống được”. Dẹp phà, bà thất nghiệp, con đi làm mướn. Công việc bấp bênh, anh ta đâm nhậu nhiều, mới bệnh chết. Cách nhà bà Hai 4 căn là nhà chị Bùi Thị Ngọc Lệ. Chồng chị - anh Lý Thanh Tùng - từng là xung kích bến phà, không được bố trí sang trạm thu phí. Làm mướn bấp bênh, anh ghiền rượu, bị xơ gan mất năm 2005. Cùng góa bụa như chị Lệ là chị Nguyễn Ngọc Cảnh (30 tuổi) ở ấp Tân Hưng, xã Tân Hòa. Chồng chị cũng rơi vào cảnh thất nghiệp, rồi bị bệnh sưng phổi chết có nguyên nhân do rượu... Họ chết vì không thích nghi được chuyện “mất phà”, tìm quên cảm giác “ra rìa” trong men rượu. Nhưng cũng có nhiều người không hề bị hất ra lề cuộc sống mà vẫn chết từ khi có cầu. Tài xế xe tải Nguyễn Ngọc Minh (SN 1956, khóm 2 - ấp Mỹ Thuận) đã tử nạn dưới chân cầu Mỹ Thuận khi đi làm về bằng xe gắn máy. Cháu ruột của anh Minh mới 27 tuổi cũng chết vì TNGT ngay chân cầu. Đối diện nhà anh Minh là nhà anh Phan Minh Huệ, công tác ở Ban Tôn giáo tỉnh. Cách đây 4 tháng anh Huệ bị 1 chiếc xe tải đụng chết ngay chân cầu. Cách nhà anh Huệ 2 căn là nhà cô giáo Phan Thị Yến Thu. Chỉ trong 1 năm, cô Thu phải chịu 2 cái tang (chồng và anh ruột), đều bị TNGT ở đầu cầu Mỹ Thuận. Trước là bến phà xe nhích chậm từng mét, nay là chiếc cầu cao mút mắt, xe lao với tốc độ kinh hồn, dưới chân cầu đường sá chằng chịt, chồng chéo đến hoa mắt... Người dân Mỹ Thuận đã trả giá bằng rất nhiều sinh mạng để cây cầu quen dần với người đồng bằng.

"Nhớ người vợ nhỏ..."
Tôi xuống đò ngang qua sông Mỹ Thuận để tìm lại cảm giác qua phà. Những gì còn lại bây giờ là bến phà “dự phòng” vắng tanh với cầu dẫn đã mục nát. Tôi bao cả chuyến đò qua sông, với giá rẻ đến không ngờ - 10 ngàn đồng. Người đưa đò - anh Nguyễn Văn Xinh - cho biết, đưa đò là nghề phụ của anh, mỗi ngày dăm ba chuyến. Chiếc đò cũ nát, máy Kô-le lịch xịch không nổ, anh Xinh phải chèo tay. Anh bỗng nổi hứng cất tiếng hát trích đoạn trong vở cải lương Tuyệt tình ca: “Nhớ người vợ nhỏ chèo xuồng qua sông Mỹ Thuận đưa tôi rời tỉnh Long Hồ... Chiều đã xuống mặt trường giang bát ngát, mà bóng người thương dần khuất giữa sông đầy...”. Thời trước làm ăn được, anh cũng từng “đèo bòng”, nên tâm trạng giống na ná với tích tuồng Tuyệt tình ca. Nay cuộc sống khó khăn, anh đã dẹp “những râu ria”, quần quật cùng lúc 2 - 3 nghề mới nuôi nổi vợ con. “Không biết bây giờ người ấy ra sao, còn sống hay đã chết...” - anh hát tiếp, giọng càng buồn. Chia tay người đưa đò, tôi ghé vào quán nước ngay cổng bến phà. Chủ quán - ông Nguyễn Ngọc Hạ - nói: “Bán cho vui chứ có mấy người uống. Ngày trước làm ăn được, tui mua đất lập vườn ở Cai Lậy. Giờ bả với mấy đứa nhỏ về trỏng làm vườn, tui ở lại đây giữ nhà”. Tôi lại bất ngờ khi chủ quán tính tiền ly càphê đá chỉ 3 ngàn đồng (ở nơi khác 5 - 6 ngàn). “Người nghèo không, bán mắc ai uống” - ông Hạ nói. Ông cho biết, quán chỉ có khách lúc sáng sớm và chiều tối, là lúc người người túa đi làm mướn và quay trở về nhà. Còn lại cả ngày “vắng như chùa bà Đanh”.

Theo Phó Chủ tịch HĐND xã Tân Hội (bờ nam bến phà) - ông Trần Văn Giao, người dân khu vực bến phà hầu như không đất sản xuất. Khi không còn phà, nhiều người bán nhà đi xứ khác làm ăn, số còn lại tỏa đi làm mướn khắp nơi. Hiện ở đây đang chuẩn bị triển khai dự án nhà máy đông lạnh. Ông Giao hy vọng nhà máy sẽ giải quyết được việc làm cho bà con. Còn ông Nguyễn Trường Khá - Phó Bí thư xã Hòa Hưng (bờ bắc) - cho biết, tỉnh Tiền Giang đang kêu gọi đầu tư cụm công nghiệp ở đây. Trong những năm qua, ấp Khu Phố (khu vực bến phà) luôn được chính quyền ưu tiên “xóa đói giảm nghèo”, hàng chục căn nhà “đại đoàn kết” đã được xây dựng. Từng là “khu phố” sầm uất nhất xã Hòa Hưng và huyện Cái Bè, nay nó rớt xuống thành nơi nghèo nhất xã!

Từ Mỹ Thuận nhìn về Rạch Miễu, Cần Thơ
Chiều thứ bảy, đoạn đường QL1A từ thị trấn Cái Vồn đến bến phà Cần Thơ thật nhộn nhịp. Tôi thấy chạnh lòng khi liên tưởng đến cảnh đìu hiu ở đây khi cầu Cần Thơ thông xe. Câu chuyện về “thông cầu - dẹp phà” được bàn tán nhiều ở bến phà. Chủ quán nước Phong Thái ngay cổng phà ra vẻ bất cần khi nói: “Tới đâu tính tới đó, hổng lẽ chết đói”. Đối diện bên kia đường là nhóm xe ôm sôi động đón khách phà vừa cập bến. Tổ trưởng Nguyễn Thanh Long (48 tuổi) cho biết, tổ của anh có hơn 50 xe, tính chung cả bến phà có khoảng 300. Các anh đã được lập danh sách cho việc “chuyển nghề” nào đó. Nhưng nghề gì? Anh Long nghĩ ngợi một lúc rồi nói: “Mấy anh em trẻ còn đỡ, già như tui... chắc thua”! Trong số khoảng 200 người bán hàng rong ở phà Cần Thơ, có vài chục người “dạt” từ Mỹ Thuận xuống. Chị Út Em - một người trong số họ - cho biết, có người “sáng đi chiều về” (nhà ở Mỹ Thuận), có người mướn nhà trọ ở lại. Khi được hỏi các chị tính sao khi “hết phà”, chị Út nói: “Chắc về quê cắm câu”! Tôi chợt nhớ, trong ngày “hợp long” cầu Rạch Miễu vừa qua, có 1 phụ nữ bán bánh bông lan trên bến phà Rạch Miễu đã nói đại ý: Chính quyền có hứa dạy nghề, chuyển họ sang làm công nhân, nhưng cả đời buôn bán theo xe, ngồi 1 chỗ ít giờ là “muốn bịnh”, nói chi làm công nhân! Cũng trong ngày ấy, tôi để ý thấy hàng loạt căn nhà 2 bên phà Rạch Miễu treo biển “Bán nhà, ĐT...”. Tôi thử điện vào 1 số, người bán cho biết “giá này chỉ bằng một nửa so với trước”. Nhưng giá nào rồi họ cũng bán, nếu không muốn chịu cảnh “rớt lại sau cuộc vui” khi cầu Rạch Miễu thông xe vào tháng 1.2009.
Kỳ Quan

No comments: