Đại diện Google trả lời RFA về đề nghị kiểm soát blog ở VN
Trà Mi, phóng viên đài RFA
2008-12-07
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-seeks-google-help-to-control-bloggers-interview-with-director-of-policy-communications-for-google-tmi-12062008104209.html
Liệu Google có nhận lời đề nghị hợp tác với Việt Nam để kiểm soát blog hay không? Trà Mi phỏng vấn ông Robert Boorstin, Giám đốc Truyền thông của tập đoàn Google, để đi tìm câu trả lời.
Việt Nam sắp ban hành thêm thông tư giới hạn quyền tự do sử dụng blog, nhấn mạnh quan điểm rằng blog chỉ được sử dụng dưới hình thức nhật ký cá nhân, không được lạm dụng làm phương tiện để phổ biến quan điểm chính trị, tôn giáo, hay xã hội.
Trên tinh thần đó, Bộ Thông tin-Truyền thông cũng thông báo sẽ yêu cầu các đại công ty cung cấp internet, trong đó có Google, hợp tác với nhà nước siết chặt quản lý blog.
Quy tắc Mạng Toàn cầu
Trà Mi: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này. Việt Nam thông báo sẽ nhờ Google và Yahoo! giúp đỡ trong việc quản lý nội dung các trang blog của công dân, khiến nhiều người rất quan tâm vì cho rằng nó đi ngược lại với nhân quyền.
Ông Robert Boorstin: Chúng tôi nghe thông tin này từ báo chí.
Trà Mi: Vâng, Google luôn cam kết bảo vệ quyền tự do bày tỏ ý kiến của người dân, bằng chứng cụ thể là gần đây nhất công ty đã tham gia vào Bản quy tắc Sáng kiến mạng toàn cầu. Vậy câu hỏi chính đang được đặt ra là liệu Google có chấp nhận lời đề nghị cộng tác của chính phủ Việt Nam hay không?
Ông Robert Boorstin: Thật ra tôi nghĩ câu hỏi này còn quá sớm bởi vì chính phủ Việt Nam chưa liên hệ với chúng tôi. Như đã cam kết trong Bản quy tắc Sáng kiến mạng toàn cầu, chúng tôi luôn sẵn sàng thảo luận với các chính phủ trên toàn thế giới về các chính sách đề nghị, miễn là giúp phát huy quyền tự do bày tỏ ý kiến và bảo vệ thông tin cá nhân. Ngay tại thời điểm này, chúng tôi chưa biết chính xác chính quyền Việt Nam muốn gì cơ mà.
Trà Mi: Vâng, thế nhưng Google sẽ phản hồi như thế nào trong trường hợp chính phủ Việt Nam chính thức lên tiếng đề nghị?
Ông Robert Boorstin: Tôi không có câu trả lời cho một câu hỏi giả thuyết. Đơn giản là chúng tôi vẫn chưa nghe chính phủ Việt Nam nói gì. Khi các chính phủ liên hệ yêu cầu chúng tôi giúp truy tìm tội phạm, xóa chặn các hình ảnh khiêu dâm trẻ em trên mạng, chúng tôi thường hợp tác với các yêu cầu như thế.
Hiện giờ chúng tôi chưa nắm chắc yêu cầu của phía Việt Nam như thế nào, cụ thể họ muốn chúng tôi làm những gì, họ muốn chúng tôi hợp tác ra sao. Chúng tôi chưa biết gì cả.
Trà Mi: Nhưng nếu ông cho phép, xin được hỏi trong thực tế Google đã từng bao giờ được chính phủ Việt Nam yêu cầu giúp đỡ kiểm duyệt, ngăn chặn các thông tin trên mạng hoặc đề nghị hợp tác với chính quyền dưới một hình thức nào đó, hay chưa?
Ông Robert Boorstin: Chưa.
Quyền Tự do Thông tin
Trà Mi: Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh rằng các trang blog chỉ được sử dụng dưới hình thức nhật ký cá nhân, không được lạm dụng làm phương tiện phổ biến quan điểm chính trị, tôn giáo, hay xã hội. Ý kiến của Google như thế nào, thưa ông?
Ông Robert Boorstin: Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào quyền tự do bày tỏ ý kiến qua các trang web cá nhân hay các trang blog. Cho nên chúng tôi cho rằng blog là cách thể hiện quan điểm cá nhân của một người, cho dù là về văn hóa, nghệ thuật, đời sống thường nhật, chính trị, hay về bất cứ điều gì anh ta muốn bày tỏ. Chúng tôi không kiểm duyệt dựa trên nội dung của các trang blog và cũng không muốn làm điều đó.
Trà Mi: Lý do nhà nước viện dẫn là hầu tạo cơ sở pháp lý để xử lý những vi phạm trong việc sử dụng blog, ngăn chặn những thông tin “sai sự thật”. Trong khi đó, những người cổ suý nhân quyền thì không chấp nhận việc nhà nước tự cho mình quyền quyết định thông tin nào là phù hợp đối với người dân. Thế quan điểm của Google thì sao ạ?
Ông Robert Boorstin: Quyền tự do bày tỏ ý kiến là tiêu chí căn bản, và tôi không muốn tranh luận khi chưa chính thức nghe phía chính phủ Việt Nam lên tiếng đề nghị. Chúng tôi luôn muốn phát huy tối đa quyền tự do phát biểu của công dân tại mọi quốc gia mà chúng tôi cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, cũng phải nói rõ rằng chúng tôi cũng phải tuân thủ luật lệ của từng quốc gia. Ví dụ như chính phủ Thái Lan đóng cửa Youtube vì đã đăng tải những đoạn video xúc phạm đến nhà vua, vi phạm luật lệ.
Sau các cuộc thảo luận với chúng phủ Thái, chúng tôi quyết định xóa bỏ một số đoạn video vi phạm luật quốc gia Thái về bảo vệ nhà vua và hình ảnh của Ngài.
Thế nhưng khi chính quyền Thái yêu cầu chúng tôi bỏ những đoạn video mang tính chỉ trích nhà nước thì chúng tôi đã không thực hiện. Nghĩa là chúng tôi giải quyết theo từng trường hợp, nhưng luôn luôn ghi nhớ tiêu chí rằng càng nhiều thông tin cho người dân càng tốt, rằng sự tồn tại của chúng tôi là nhằm giúp người dân tiếp cận thông tin từ mọi nguồn.
Trà Mi: Ông nói rằng Google cũng phải tuân thủ luật lệ của từng quốc gia, nhưng nếu như những luật lệ đó vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền căn bản được toàn cầu công nhận thì sao?
Ông Robert Boorstin: Điều này còn tùy, mỗi trường hợp đều khác nhau, tùy thuộc vào thỏa thuận mà chúng tôi đạt được, tùy vào kiểu vi phạm như thế nào. Lấy ví dụ như tại Đức, không ai được phép phơi bày các tài liệu về Đức Quốc Xã.
Điều này theo nhiều người cũng có thể là vi phạm quyền tự do bày tỏ quan điểm, nhưng trong phạm vi hoạt động của chúng tôi tại Đức, chúng tôi không cho phép đưa những hình ảnh đó lên mạng, nhưng bên ngoài nước Đức thì chúng tôi không kiểm soát những hình ảnh đó khi chúng được post lên mạng.
Tóm lại mỗi trường hợp đều khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là phát huy tối đa quyền tự do bày tỏ quan điểm của người dân trong phạm vi có thể.
Trường hợp Việt Nam?
Trà Mi: Nhưng trong trường hợp của Việt Nam thì chính quyền nỗ lực giảm thiểu tối đa hay nói cách khác là siết chặt quyền đó. Nếu Google được yêu cầu hợp tác trong lĩnh vực này, thì sẽ hồi đáp ra sao?
Ông Robert Boorstin: Tại những quốc gia khác có yêu cầu tương tự thì chúng tôi cũng phải tuân thủ luật lệ của họ. Chẳng hạn như Trung Quốc, để duy trì dịch vụ của Google tại đây, chúng tôi phải đồng ý loại bỏ một số kết quả tìm kiếm trên mạng hoặc một số trang web mà chính quyền không muốn người dân truy cập.
Chúng tôi thực hiện điều này một cách bất đắc dĩ. Dĩ nhiên là chúng tôi muốn mọi người truy cập được tất cả mọi thông tin, nhưng chúng tôi không thể hoạt động ở Trung Quốc nếu không tuân thủ những luật lệ của nhà nước họ đề ra.
Khi người sử dụng net tại Trung Quốc muốn truy cập những thông tin bị ngăn cấm, chúng tôi hiện rõ trên màn hình rằng kết quả tìm kiếm bị ngăn chặn để họ biết.
Nhưng mặt khác, Google không cung cấp dịch vụ email mang tên Gmail hoặc dịch vụ blog tại Trung Quốc, vì để làm được điều này, chúng tôi phải đặt cơ sở tại đó. Như vậy thì chính quyền có thể đến yêu cầu chúng tôi cung cấp thông tin cá nhân của người sử dụng net, mà điều này có thể gây rủi ro rất lớn cho khách hàng.
Trà Mi: Tóm lại, Bản quy tắc Sáng kiến mạng toàn cầu không được tuân thủ hoàn toàn trong một số điều kiện nhất định?
Ông Robert Boorstin: Không, không đúng. Trong Bản quy tắc Sáng kiến mạng toàn cầu có nhắc đến cả các luật quốc gia và luật quốc tế.
Trà Mi: Vâng, nhưng trọng tâm của nó vẫn là việc bảo vệ nhân quyền căn bản trên toàn cầu, ông có đồng ý không?
Ông Robert Boorstin: Bản thân tham gia cuộc thương lượng về Bản quy tắc này, tôi có thể nói rằng nó dựa trên cơ sở các nhân quyền căn bản trên toàn cầu mà trong một thế giới hoàn hảo thì chúng ta không cần phải đối diện với những thắc mắc ấy.
Nhưng chúng ta đều biết rằng thế giới không hoàn hảo, những câu hỏi như thế này được đặt ra hằng ngày, và không ai có thể bảo đảm rằng mọi người tại mọi quốc gia đều có thể xem, đọc tất cả những gì mà họ muốn. Quyền lực của các nhà cầm quyền rất lớn. Họ tự cho mình quyền cấm cản một số trang web, không cho phép người dân được xem, đọc một số nội dung.
Vì vậy, nếu chúng tôi muốn duy trì hoạt động trong những quốc gia đó, chúng tôi phải chọn lựa. Một là rút ra khỏi thị trường nước đó, hai là hợp tác với thể chế cầm quyền trong một số lĩnh vực giới hạn nào đó mà họ yêu cầu phải kiểm duyệt.
Bộ phận lọc của Google ít ngăn chặn hơn bất kỳ công cụ tìm kiếm nào trên thế giới, và chúng tôi rất tự hào về điều này. Nhưng chúng tôi biết rõ rằng nếu không tuân thủ luật của quốc gia đó thì chúng tôi sẽ bị đào thải ra khỏi nước họ. Trường hợp này càng tệ hơn, vì người dân sẽ không còn phương tiện để truy cập bất cứ thông tin gì cả.
Nói cách khác dễ hiểu, đó là cơ hội cung cấp cho người dân xứ đó chiếc thẻ thư viện để vào thư viện điện tử của chúng tôi đọc thông tin, với điều kiện họ không được phép đọc 1 hay 2% thông tin bị cấm. Tỷ lệ này dù nhỏ nhưng tôi không nói là nó không quan trọng.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thà cung cấp cho người dân 98-99% thông tin còn hơn là không được cung cấp gì cả. Và đó là sự lựa chọn mà chúng tôi phải đối diện trong rất nhiều trường hợp.
Trà Mi: Nói như vậy cũng có nghĩa không thể làm gì hơn, chỉ hy vọng mọi sự tốt đẹp?
Ông Robert Boorstin: Không đó là ý của cô thôi. Những gì chúng tôi có thể làm và đang làm hàng ngày là phát huy tối đa quyền tự do bày tỏ quan điểm của người dân, đẩy lùi tối đa những giới hạn trong khả năng cho phép mà không phải bị tống cổ ra khỏi quốc gia nào đó.
Trà Mi: Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn ông Robert Boorstin đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt này.
------------------------------------------
Vừa rồi là cuộc trao đổi giữa Trà Mi với ông Robert Boorstin, Giám đốc Truyền thông thuộc đại công ty Google chuyên cung cấp dịch vụ internet toàn cầu, để thăm dò ý kiến tập đoàn này trước ý định của chính quyền Việt Nam yêu cầu hợp tác quản lý blog. Trà Mi cũng cố gắng liên lạc để ghi nhận quan điểm của nhà cung cấp Yahoo!, nhưng họ từ chối trả lời phỏng vấn.
No comments:
Post a Comment