Dân Chủ và Dân Trí: Thứ Nào Cần Có Trước?
Khuyết Danh’s Blog
Wednesday December 3, 2008 - 02:37am (AST)
http://blog.360.yahoo.com/blog-hli5sBg5br_WkOVlrouYKCekYqLVZw--?cq=1&p=1190&n=28500
Đầu thế kỷ 20, khi tiếp thu những Tư tưởng từ cuộc Cải Cách Minh Trị Duy Tân của Nhật Bản, Cụ Phan Bội Châu, một Nhà Tư tưởng kiệt xuất đã viết:
“Ở nước ta, vài nghìn năm lại, giờ quen theo nết dã man, theo đường gian lận; Chính trị đã không ra gì, còn nói gì đến Giáo dục nữa. Gọi rằng Giáo dục, chẳng qua là một đường Khoa cử văn từ đó thôi; Đến nỗi vì ngu nên yếu, vì nhác nên nghèo, nước mới không nên nước. Học đến lịch sử 2000 năm, mới biết là cái lịch sử không chính trị, không giáo dục vậy !” (trích từ blog Nông Thị Nở)
Trong bài viết Dân Chủ Cần Dân Trí hay Dân Trí Cần Dân Chủ? của Hoàn Nguyên bên trang nhà của DCVOnline.net, tác giả đã dùng một câu hỏi làm tiêu đề và từ đó truy tìm câu trả lời của mình từ thực trạng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN. Đối với tôi, đây là một bài viết hay đáng chú ý vì nhiều lý do: Thứ nhất là vì bài viết được bắt đầu từ một câu hỏi rất hóc búa chẳng khác nào một câu đố; và những câu đố hóc búa thường tiềm ẩn một chân lý dành cho những kẻ có thể hóa giải nan đề trong đó. Thứ nhì bởi vì đây là một nan đề rất thiết thực đối với đời sống xã hội dân sự VN hiện nay và cho tương lai, không thể nào không nghĩ đến, và tác giả đã đi đến một câu trả lời rất thuyết phục. Thứ ba, là vì tôi đã từng đi đến một câu trả lời rất trái ngược trong bài tự luận của mình (Đường Đến Dân Chủ, Kiến Thức, Kiến Thức và Kiến Thức). Thôi thì hãy tìm hiểu thêm về câu hỏi hóc búa này.
Câu trả lời của tác giả Hoàn Nguyên
Tác giả Hoàn Nguyên đã bắt đầu từ việc lãnh đạo CSVN bác bỏ những đòi hỏi quyền lên tiếng và bỏ tù các nhà trí thức như LS Nguyễn Văn Đài, LS Lê Thị Công Nhân, LM Nguyễn Văn Lý, ông Phạm Hồng Sơn, và nhiều nhà đấu tranh dân chủ khác.
“...CSVN thì cứ tiêu diệt quyền dân chủ bằng lý lẽ nghe dường như hợp lý, đó là phải dân chủ từ từ vì dân chủ cần có dân trí nếu không thì sẽ loạn. Nóì như vậy thì lãnh đạo CSVN đã mặc nhiên công nhận là chế độ độc tài CS tồn tại là do dân trí VN thấp kém. Nếu cứ tiếp nối lý luận như thế thì đưa đến kết luận là muốn tiếp tục bảo vệ chế độ CS thì giữ cho dân trí thấp kém.
Tuy nhiên, khi tuyên bố trên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, trong chương trình học chính trị thì đảng lại dạy rằng dân tộc VN là một dân tộc anh hùng, dân tộc cần cù, thông minh, tiến bộ, là đỉnh cao trí tuệ của loài người. Cứ kiểu lý luận như thế thì nước VN đã có dân chủ từ thời Bác Hồ mới rời khỏi hang Pác Pó.
Đảng đã nói dân chủ cần dân trí. Đang ngất ngưởng trên đỉnh cao trí tuệ loài người thì đã quá mức dân trí bình thường...” (Trích từ bài của t/g HN)
và đi đến kết luận “chiêu bài “dân chủ cần dân trí” chỉ là một sản phẩm bịp bợm” với những dẫn chứng như:
“...Đối với những con người tốt nghiệp khoa học bịp từ trường đảng thì ta phải nhìn vào hành động của họ mà phán xét. Nếu chỉ nghe các Tiến Sĩ khoa học bịp nói thì dân chủ chỉ tới khi hồn lìa khỏi xác. ông Phạm Hồng Sơn chỉ dịch một bài Dân Chủ Là Gì từ website của bộ ngoại giao Hoa Kỳ thì đã bị CSVN cho gở 3 cuốn lịch trong tù. Hoa Kỳ là nước dân chủ nhất hoàn cầu mà tài liệu dân chủ của họ bị cấm không cho dân VN đọc thì đã quá rõ ràng như ngày và đêm là CSVN chẳng muốn có dân trí để đi đến dân chủ. Người hoạt động vì dân chủ trong nước thì không được quyền hội họp, không được phát hành báo để truyền bá kiến thức dân chủ tới đại đa số người dân. Những người đòi hỏi quyền dân chủ thì đang ở tù như Ls. Đài và Ls. Công Nhân. Website Báo DCVOnline thì bị tường lửa ngăn chận, chương trình học thì không dạy thế nào là dân chủ mà chỉ dạy thuyết Mác-Lê, ca ngợi Bác, người dân không được quyền ứng cử nếu không được Mặt Trận Dân Tộc Tổ Quốc là một bộ phận của CSVN giới thiệu. Người dân không được quyền bầu Chủ Tịch nước, Thủ Tướng. Công an có quyền cao hơn hiến pháp, báo chí chỉ loan tin do nhà nước cho phép...” (Trích từ bài của t/g HN)
Nhìn từ khía cạnh này, thì tôi phải đồng ý với tác giả rằng những lập luận được đưa ra rất thuyết phục và thiết thực. Và Dân Trí muốn đạt được cần phải có Dân Chủ. Câu hỏi được đặt ra chẳng còn gì để gọi là hóc búa vì sự thật rất hiển nhiên.
Từ một khía cạnh khác
Điều khiến cho câu hỏi trở thành hóc búa chính là sự hiểu biết thực thụ của người dân về khái niệm dân chủ và tình hình chính trị xã hội dưới 40 năm thống trị độc đảng dưới XHCN với một hệ thống giáo dục được thiết lập mấy mươi năm với định hướng Đảng là trên hết. Với trình độ dân trí thực thụ này, thêm vào đó là quyền lực thống trị hiện nay của ĐCSVN, nguyện vọng gỡ bỏ sự độc tài, có được dân chủ nhằm để nâng cao dân trí có thật sự khả thi hay không? Và cho dù có thoát khỏi ách độc tài, có được dân chủ, thì với mức độ dân trí hiện nay, ta sẽ có được xã hội dân chủ gì với hơn 9 hình thức Dân Chủ có thể xảy ra? Với mục đích dùng Dân Chủ để nâng cao Dân Trí trước thực trạng hiện nay? VN cần đến gì để tiến đến hinh thức Dân Chủ Lập Hiến cần có được?
“...Phải làm thế nào? Bắt đầu từ đâu? Nếu thành công (dù đổ nhiều máu), tổ chức bầu cử cho chính quyền mới như thế nào? Ai có thể ứng cử? Với điều kiện gì? Có hệ thống Tam Quyền nào để lập, chấp, và hành pháp? Có điều luật gì sẵn để dùng chưa? Danh sách các chức vụ cần tuyển người trong chính quyền có chưa? Điều kiện nhân tuyển như thế nào? Ai tuyển? Ai nắm quyền tạm thời? Có thể mượn dùng từ các nước Dân Chủ (như Hoa Kỳ chẳng hạn) những gì họ đang có được, nhưng làm thế nào để khỏi rơi vào tình trạng Dân Chủ Vô Chính Phủ hoặc các hình thức Dân Chủ phôi thai và sơ khởi đang gây rối loạn lung tung thí dụ như ở Iraq chẳng hạn?...
....
Nghĩ đến đây, chưa bao giờ tôi nhận rõ được mục tiêu của mình hơn bây giờ. Và mục tiêu này nhỏ nhen lắm. Nó không có gì đáng gọi là tích cực gì. Nó chỉ vỏn vẹn có 6 chữ: Trau Dồi Kiến Thức Tổng Quát (và phải là tổng quát chứ không phải kiến thức một chiều). Tôi sẽ nới rộng Kiến Thức, nếu có ai ngăn cản, tôi sẽ tìm cách lánh né, nếu bức ép quá… tôi sẽ đấu tranh đòi Quyền Trau Dồi Kiến Thức vì có đạo luật nào ngăn cấm nó đâu. Nếu mai này đạo luật được đưa ra và không đề rõ: CẤM TRAU DỒI KIẾN THỨC!!! Thì mục tiêu của tôi vẫn hợp pháp lắm chứ. Mục tiêu kế tiếp của tôi cũng nhỏ nhen không kém, cũng vỏn vẹn 6 chữ: Trao Đổi Kiến Thức Tổng Quát. Nếu có ai hỏi han gì, tôi sẽ phải ngồi xuống giải thích cặn kẽ chứ không trả lời ngang theo kiểu tuyên truyền được. Nếu ai nấy cũng có đầy đủ kiến thức tổng quát, thì có hay không ĐCSVN, xã hội cũng được vững bền. Nếu ai nấy cũng có đầy đủ kiến thức tổng quát, thì có tranh đấu hay không, Độc Tài Đảng Trị cũng không thể trường tồn vì nó gây nguy hại trực tiếp đến kiến thức của người dân...” (Trích từ bài Tự Luận)
Và đây là lập luận khiến tôi đi đến kết luận trái ngược với t/g HN. Tôi đã kết luận rằng Dân Chủ cần đến Dân Trí. Tuy không dám tin rằng lập luận này đầy đủ tính thuyết phục như lập luận của t/g HN, nhưng vì nó, chiêu bài “bịp bợm” kia vẫn còn tính thuyết phục. Thôi thì hãy tìm hiểu thêm.
Chuyện Con Gà và Quả Trứng Gà.
Nan đề này khiến tôi nhớ lại nan đề Con Gà và Quả Trứng Gà đã từng khiến tôi và đám bạn cãi nhau chí choé lúc còn mài đũng quần ở trường. Đề tài này đối với tôi và nhóm bạn không còn hóc búa như trước nữa, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều người mãi lay hoay với nó mà chẳng tìm ra câu trả lời. Số là câu hỏi được đặt ra là giữa con gà và quả trứng gà, thứ nào có trước? Không có trứng gà thì làm gì có được con gà? Và nếu không có con gà thì làm gì có được trứng gà? Và tất nhiên, việc hai thứ đột nhiên cùng xảy ra thật là chuyện hoang tưởng.
Nếu áp dụng phương pháp truy vấn của Socrates để giải đáp nan đề Gà và Trứng thì các câu hỏi đối lại sẽ là: Thế quả trứng đầu tiên của con gà đầu tiên đẻ ra gọi là gì? Quả trứng đầu tiên nở ra con gà đầu tiên gọi là gì? Thế người ta đặt tên GÀ bằng cách nhìn trứng hay nhìn gà? Vậy thì con gì đã đẻ ra quả trứng đầu tiên? Khi chưa nhìn thấy con gà nở ra thì trứng đó gọi là trứng gì?
Những ai am hiểu về thuyết tiến hóa của Darwin chỉ cần 1 phút sẽ nhận ra chân lý để thoát khỏi vòng lẩn quẩn của nan đề này. Thuyết tiến hóa của Darwin là kiến thức tối thiểu để nhận ra rằng nhu cầu đặt tên GÀ thật không có nếu không ai nhìn thấy được cái “quái thú” đầu tiên nở ra. Và nếu “con gì đó” đã đẻ ra quả trứng đầu tiên, thì quả trứng đầu tiên ấy dĩ nhiên sẽ là trứng “con gì đó” nếu chưa có lý do gì để chế ra chữ GÀ. Và chỉ sau khi con “quái thú” đầu tiên đó được gọi là GÀ thì những quả trứng sau đó mới có thể gọi là TRỨNG GÀ.
Chuyện Dân Chủ và Dân Trí
Nan đề Dân Chủ và Dân Trí cũng tương tự như nan đề Con Gà và Quả Trứng Gà. Nói Dân Trí cần Dân Chủ cũng đúng, mà bảo Dân Chủ cần Dân Trí cũng thông. Và muốn bước ra khỏi vòng lẩn quẩn này, chúng ta cần phải có một sự hiểu biết tối thiểu để làm yếu tố xúc tích. Đối với nan đề Gà và Trứng, sự hiểu biết tối thiểu này là thuyết tiến hóa của Darwin. Đối với nan đề Dân Chủ và Dân Trí, sự hiểu biết tối thiểu này là nhận định rõ ràng về ưu điểm và khuyết điểm của khái niệm Dân Chủ nơi người dân. Phải hiểu rõ về khuyết điểm của cái hại, chúng ta mới chối bỏ được những cám dỗ của nó. Phải hiểu rõ về ưu điểm của cái lợi, ta mới có thể tranh đấu để với lấy nó. Với chủ nghĩa Cộng Sản, hiểu rõ thêm về khuyết điểm (điều chẳng mấy ai rõ) sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình dân chủ. Với khái niệm Dân Chủ, hiểu rõ thêm về khuyết điểm và sự đa dạng của nó (điều rất nhiều người ủng hộ DC chưa hiểu thấu) sẽ giúp ta khỏi rơi vào các hình thức xã hội dân chủ phôi thai lợi bất cập hại.
Có lẽ tôi đã lầm lẫn giữa Kiến Thức tối thiểu này và vấn đề Dân Trí. Nhưng theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi mà nói thì trên phương diện Dân Chủ, dân trí của dân ta hôm nay chưa nằm ở mức tối thiểu cần có được để cùng nhau chối bỏ chế độ độc tài, chưa đủ để có thể cùng nhau tiến đến một nền Dân Chủ Lập Hiến (trong an toàn và vững bền) với tam quyền phân lập khi thoát khỏi ách độc tài Đảng trị. Và trong khi chờ đợi một điều gì đó đang đến hoặc sẽ đến, trao dồi chút kiến thức, nâng cao chút dân trí vẫn hơn.
Đây cũng là kết luận thứ nhì mà t/g Hoàn Nguyên đã nêu ra khi viết rằng “dân trí phải song hành với dân chủ.” Cũng như việc một người bạn nêu lên rằng muốn đi từ “con gì đó” đến “con gà” phải có một sự tiến hóa song hành giữa con vật và quả trứng. Tức là từ con gì đó đến trứng con gì đó, đến con gì đó xấu xí, đến trứng con gì đó xấu xí, đến con gì đó quái dị, đến trứng con gì đó quái dị, đến con gà, đến trứng gà.
Nếu khi xưa cô giáo dạy môn sinh bưng bít không cho tiếp cận với thuyết tiến hóa, thì hôm nay tôi và đám bạn vẫn lẩn quẩn cãi nhau với nan đề Gà và Trứng. Nếu hôm nay không tiếp cận được với kiến thức về chính trị xã hội thì vĩnh viễn chúng ta sẽ là những thầy mù sờ voi trong bóng tối với nan đề Dân Chủ và Dân Trí. Và bất kể chiêu bài gì được tung ra, “dân chủ cần dân trí” hay “dân trí cần dân chủ”, khi người nghe không tiếp cận được kiến thức để tự suy, thì tất cả đều là “trò bịp”. Ta gọi “con gì đó quái dị” là GÀ, biết đâu thằng kia sẽ gọi là VỊT. Cứ chỉ vào mà bảo phải gọi là GÀ, thì cái độc tài cũng lộ dần ra.
Việc hóc búa còn lại là làm thế nào để có được kiến thức tối thiểu giữa một xã hội mà trong đó, giáo dục bị gò bó theo định hướng, báo chí bị đàn áp, thông tin bị quản lý, blog cá nhân phải lệ thuộc vào luật thông tin? Câu trả lời là bằng mọi cách thôi vì đó là quyền Trau Dồi Kiến Thức. Không thể nào có được Dân Chủ, dù là loại Dân Chủ tiệm tiến kiểu rùa bò, nếu khái niệm về dân chủ rất hạn hẹp. Không viết blog được thì đọc blog, không đọc được thì suy, không tiếp cận được với cái hay vẫn có thể tự suy và luận từ cái dở. Cần nhất là tin 5 phần, ngờ 5 phần, và bỏ thời gian minh chứng. Ở được xứ tự do cũng vẫn phải học hỏi thêm về khái niệm Dân Chủ. Có thiếu gì người miệng hô hào Dân Chủ nhưng vẫn hành xử theo sự bạo ngược của số đông, và khi hỏi khuyết điểm của Dân Chủ là gì, họ nào có biết đâu. Nếu ước mơ một xã hội Dân Chủ, nhưng không muốn trau dồi kiến thức, chẳng khác nào cầu xin trúng số nhưng không bao giờ mua vé số. Lảm nhảm để mà vui…. kiến thức của tôi cũng chỉ có bấy nhiêu thôi, tức là cũng chẳng có gì đáng kể. Nhưng nếu vì trau dồi kiến thức mà phải vào tù vì cái nghị định 97 chết tiệt này. Thì chuyện Ngu Dân Quốc Nhược mà cụ Phan Bội Châu từng đề cập đến cũng rất kề cận rồi đấy. Trong hay ngoài cũng vậy thôi.
KD.
các bài viết khác:
* Tự Luận - Đường Đến Dân Chủ: Kiến Thức, Kiến Thức, và Kiến Thức (1/2)
* Tự Luận - Đường đến Dân Chủ: Kiến Thức, Kiến Thức, và Kiến Thức (2/2)
No comments:
Post a Comment