Sunday, December 14, 2008

CHUYỆN Ở XÓM TRỌ NGHĨA TRANG

Chuyện chỉ có ở xóm trọ trong... nghĩa trang
08:09' 14/12/2008 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/giaoduc/2008/12/818488/
Có 1 xóm trọ, hàng trăm đang SV phải sống giữa các nấm mộ ở nghĩa trang và sử dụng nước ô nhiễm. Ngõ 77, Bùi Xương Trạch (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được SV trong xóm gọi vui là "xóm trọ nghĩa trang".

Nước ăn nhiễm... mỡ người?

Lê Thị Phương, SV K50 Khoa Tài nguyên nước, ĐH Thủy lợi lắc đầu khi nhìn nước với những sạn đen, váng màu vàng nổi lềnh phềnh, lẫn cả bùn ở trong nước. Khi muốn rửa mặt, Phương phải chờ 15 phút để nước lắng xuống rồi hớt một ít nước bề mặt.
Phương phải mua bình nước tinh khiết về nấu ăn. Bình quân 3 ngày, 2 người dùng hết một bình. Một tháng, tính riêng tiền nước nấu ăn, 2 SV cũng tốn mất 200 nghìn đồng. Chưa kể 1.200.000 tiền nhà và gần 100 nghìn đồng chi phí điện nước.
Nguyễn Thị Minh, SV K50 Khoa Năng lượng, ĐH Thủy lợi cô bạn cùng xóm trọ 26 này thì thấy rất ức chế khi chỉ có một bể lọc mà thường xuyên cát bị tắc vào vòi. Nước không chảy xuống bể lọc được, mọi hoạt động liên quan đến nước phải ngừng trệ.
Mới là SV năm thứ 1, chân ướt chân ráo lên Hà Nội nên dù băn khoăn sợ phát bệnh vì nước bẩn, Phương vẫn bế tắc “không biết chuyển đi đâu”.
Một SV ở xóm trọ số nhà 96 tâm sự: “Thỉnh thoảng tắm nước rớt vào miệng mà thấy vị khó tả ngai ngái, thum thủm”. Chủ nhà “kín” nước ở nơi khác về ăn. Phận thuê trọ là SV chỉ được dùng nước giếng khoan.
Tìm nhà trọ buổi tối, Mai, SV ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội không biết có ao tù đang bốc mùi kề sát ngay sau nhà. Hôm sau, dọn đến, cô bạn này mới té ngửa người. Mai vẫn phải ngậm ngùi sống chung với cái khổ của hỗn tạp mùi bốc lên từ ao tù nước đọng vì đã đặt cọc tiền nhà từ hôm trước.
Mai đúc kết: “Tìm nhà trọ phải thăm quan nhà vệ sinh và bể nước trước tiên”.
Xóm trọ ở số 61 thì lập kỷ lục về chuyện tích quần áo. Cả 6 phòng, phòng nào cũng tích vào chậu lớn, chậu bé quần áo. Một bạn cạnh phòng Xuyến phải đi ở nhờ nơi khác nửa tháng nay. Một số SV ở lại thì phải đi tắm nhờ ở khu trọ khác.
Mùa thi, nhiều SV gan lỳ, lấy trứng chọi “nước”, ở lại ôn thi cho yên tĩnh. Không có giọt nước nào, SV phải chịu phí cắt cổ 20.000 đồng bình nước sạch một ngày chỉ đủ để rửa mặt, đánh răng và làm vệ sinh cá nhân.
Nước giội nhà vệ sinh cũng không có. Các SV phải chạy sang nhà hàng xóm để xin từng xô nước giếng khoan về giội. Lúc bí quá, Xuyến phải mang cả nước này để nấu cơm ăn.
Bác Đinh Công Sơn, một người dân ở ngách 207 cho biết: “Trạm nước giếng khoan của Nhà nước ngay cạnh những ngôi mộ ở nghĩa trang được bơm qua trạm nước cạnh Trường Mari Qurie. Sau đó, nước đã xử lý lại được chuyển về khu này để dân cư làm nước sinh hoạt”.

Chuyện chỉ có ở "xóm trọ nghĩa trang"

Có những buổi sáng tinh sương, Lê Thị Kim Xuyến, SV K9 Khoa Kế toán, ĐH Ngân hàng Hà Nội chợt rùng mình sởn da gà khi nghe thấy tiếng khóc hờn ai oán của đám ma người chết trẻ, nhạc đám ma tiếng vang vọng lên rồi đứt gãy đột ngột trong không trung.
Chủ nhà ở đây không chịu được cảnh thiếu thốn trăm bề, nên "nhảy dù" chỗ khác và cho SV thuê.
Đường vào khu trọ ngõ 77 phải băng qua những bãi đất hoang, ruộng rau muống, một xưởng đóng than mù mịt bụi và hàng nghìn ngôi mộ ở nghĩa trang Khương Hạ. Những hôm có hội thảo, đêm liên hoan ca nhạc của trường thì các nữ sinh về sau 10h chỉ còn cách duy nhất đứng xa xa tận đầu đường sáng đèn và “alô” để các nam sinh trong xóm ra đón về.
Nguyễn Thị Minh, SV K50 Khoa Năng lượng, ĐH Thủy lợi cho hay, những hôm học tín chỉ vào tiết 11, 12, 7h tối về xóm trọ, cứ nhắm mắt và phóng như bay về nhà trong con ngõ không người qua lại.
Đường rẽ vào xóm trọ này lúc nào cũng mù mịt bụi than bay. Nước ô nhiễm, không khí toàn bụi than. Mai Hương, SV Khoa Anh ĐH Hà Nội ở xóm trọ đầu tiên ngõ 77, phải phơi quần áo ở trong nhà. Hương kể:
“Nếu mang ra sân phơi thì đến chiều cất vào quần áo lấm tấm bụi than. Quần áo lúc nào cũng ẩm ướt thiếu nắng”.
“Có thể ra văn bản nhưng không thể cung cấp nước”
Mang bức xúc về nước và an ninh đến hỏi chính quyền địa phương thì chính những người quản lý cũng đang chịu cảnh tương tự.
Hành động can thiệp và bảo vệ bằng cách duy nhất là đánh liên tục nhiều công văn gửi lên cơ quan có thẩm quyền và ngồi chờ giải quyết.
Ông Đỗ Đức Cảnh, cán bộ quản lý đô thị phường Khương Đình cho biết, trạm cấp nước Khương Trung có thể cung cấp 6.000m3 nước cho 3 vạn dân. Hiện giờ, số dân của phường tăng lên 6 vạn. Trong khi đó, 2 trong 3 giếng nước của trạm lại bị hỏng.
Khi mất nước, thời gian nhanh nhất để có nước trở lại là 7–10 ngày. Đường ống dẫn nước nhỏ, hạn chế nên nếu giờ cao điểm hoặc lúc mất nước, nhà đầu đường ống dùng nước, nhà cuối đường nước phải chờ đợt bơm nước tiếp.
Khi được “chất vấn” về xóm trọ SV không nước máy, không đèn đường, và chỉ san sát nấm mộ nghĩa trang, và khoảng ruộng hoang, ông Dương Đức Khoa, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình nói: “Hiện tại, phường chưa có quy hoạch chi tiết. Từ năm 1990 trở lại đây, một số hộ dân tự ý mua bán trao đổi, xây dựng nhà ở trái phép trên đất sản xuất nông nghiệp”. Lý do phường “bỏ hoang” những khu dân cư trong địa bàn phường mình là nhà cung cấp không thể cung cấp điện, nước cho dân cư xây dựng trái phép”.
Ông Cảnh cho rằng, dân cư gần khu nghĩa trang Khương Hạ có khả năng rơi vào vùng quy hoạch nên phường không thể đầu tư. Nhưng có điều lạ là khi dân xây trái phép thì lại không thấy chính quyền địa phương đến giải tỏa?
Tia hy vọng về nước sạch duy nhất là chủ trương bàn giao dự án cung cấp nước sạch cho Công ty Sông Đà Vinaconex dự kiến vào 1/9/2008. Nhưng đã 1 năm trôi qua, dự án bàn giao vẫn treo.
Hàng nghìn SV ở xóm trọ nghĩa trang vẫn phải đối diện với nguy cơ bệnh tật, và sự sợ hãi vì an ninh không đảm bảo. Đường đến với nước sạch và môi trường trong lành cho SV ở xóm trọ nghèo vẫn còn xa lắc…
Bài và ảnh: Lưu Vân


No comments: