Chuyên
gia: Trung Quốc hợp tác quân sự với Lào là "mối đe doạ an ninh nghiêm trọng"
đối với Việt Nam
RFA
2023.05.10
Việt Nam cần
cảnh giác với quan hệ song phương đang phát triển mạnh mẽ giữa Trung Quốc và
Lào, bao gồm cả hợp tác quân sự, tránh việc Viêng Chăn bị sử dụng như bàn đạp để
cắt đôi đất nước từ phía Tây cùng lúc tấn công từ phía Bắc, theo một nhà nghiên
cứu đến từ Đại học Boston, Hoa Kỳ.
Thiếu tướng Chanthong
Soneta-ath, Tham mưu trưởng Các
lực lượng vũ trang Lào nói chuyện với Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng
Trung Quốc Ngụy Phương Hòa bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 tháng
6/2022. REUTERS/Caroline
Chia
200 binh sĩ thuộc Chiến khu Nam bộ của quân đội
Trung Quốc bắt đầu một cuộc tập trận quân sự chung với 700 quân nhân Lào từ
ngày 9/5 đến 28/5 mang tên “Lá chắn hữu nghị 2023” (Friendship Shield 2023), để
đối trọng với các cuộc tập trận khác của Mỹ với các nước khác trong khu vực.
Cuộc diễn tập mô phỏng các cuộc tấn công vào
các nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Đây là cuộc diễn tập quân sự thứ hai trong
vài năm trở lại đây giữa hai quốc gia đều có chung đường biên giới với Việt
Nam. Trước đó, trong năm 2019, Bắc Kinh và Viêng Chăn đã tổ chức tập huấn cứu hộ
y tế nhân đạo chung mang tên "Đoàn tàu Hòa bình."
“Việt Nam cần duy trì Lào trong quỹ đạo của mình”
Từ Đại học Boston (Boston College), nơi ông
đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành An ninh quốc tế, ông Vũ
Xuân Khang khẳng định với RFA qua email:
“Việt Nam cần phải nhìn nhận sức ảnh hưởng của Trung
Quốc đối với Lào là mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng hơn nhiều so với
các hành động gây hấn trên biển Đông do các hòn đảo không có ảnh hưởng trực tiếp
đến tồn vong của Việt Nam như Lào.”
Quan hệ Việt-Lào được cho là nồng ấm như anh
em trong một nhà cùng chia sẻ ý thức hệ cộng sản. Việt Nam trợ giúp Lào trong mọi
lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, với việc đa số cán bộ và sỹ quan cao
trung cấp được đào tạo trong các trường dân sự và quân sự ở Hà Nội.
Việc ông Võ Văn Thưởng chọn Lào là nước đầu
tiên ông này công du (10-11/4/2023) trên cương vị Chủ tịch nước được xem là Thể
hiện chính sách nhất quán của Hà Nội là "luôn coi trọng và dành ưu tiên
cao nhất cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn
diện Việt Nam - Lào," theo Bộ trưởng Ngoại giao
Bùi Thanh Sơn nhận định.
Tuy nhiên bên cạnh đó, Lào cũng tăng cường hợp
tác đa phương với Trung Quốc.
Theo học giả này, trước năm 1991, Việt Nam là
đối tác quân sự cũng như kinh tế quan trọng nhất của Lào. Nhưng sau thời điểm
đó, Trung Quốc bình thường hoá quan hệ với hai quốc gia phía nam, Hoa Lục dần
vượt qua Việt Nam trở thành đối tác kinh tế lớn thứ hai của Lào chỉ sau Thái
Lan.
Trung Quốc dễ dàng có thể làm suy yếu ảnh hưởng
của Việt Nam tại Lào qua các dự án đầu tư kinh tế như đường ray nối thủ đô
Viêng Chăn tới biên giới Lào-Trung Quốc, hay phân nửa các khoản nợ nước ngoài của
Lào là do Trung Quốc nắm giữ, ông nói.
“Quan hệ Việt-Lào do vậy chỉ còn lại trụ cột chính
là quân sự do hai nước vẫn là đồng minh quân sự chính thức theo Hiệp định Hữu
nghị và Hợp tác 1977.
Việt Nam cần duy trì Lào trong quỹ đạo của mình để
tránh việc Trung Quốc có thể sử dụng Lào làm bàn đạp để cắt đôi Việt Nam từ
phía Tây cùng lúc tấn công từ phía Bắc,” ông
nhấn mạnh.
Theo ông Khang, việc tập trận chung giữa Trung
Quốc và Lào có thể sẽ tạo tiền đề để Trung Quốc dần kéo Lào vào quỹ đạo ảnh hưởng
của mình, và cũng như quan hệ kinh tế "Việc Trung Quốc tăng cường hợp
tác quân sự với Lào sẽ làm suy yếu quan hệ quân sự Việt-Lào,” ông nói.
Một
nhà sư ban phước lành cho một đoàn tàu trước lễ bàn giao dự án đường sắt cao tốc
nối thành phố Côn Minh phía tây nam Trung Quốc với Viêng Chăn -Lào hồi tháng
12/20211. Ảnh: REUTERS/Phoonsab Thevongsa
Một cựu giảng viên của Đại học Kinh tế Quốc
dân Hà Nội, bình luận với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh, đồng ý
với nhận định ảnh hưởng của Việt Nam lên Lào đang suy giảm trong khi quan hệ
Trung-Lào đang đi theo chiều ngược lại.
“Trung Quốc từ lâu đã tung tiền ra để gây ảnh hưởng
chính trị ở Châu Phi, Lào, Campuchia.
Ở Lào, Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ các tập đoàn kinh
tế của người Hoa làm ăn, mua đất lập đặc khu ở Lào. Những khu vực của người Hoa
ở Lào như một quốc gia riêng, ngay cả nhân viên an ninh Lào cũng không được
phép thâm nhập.”
Ông nói Chính phủ Việt Nam vẫn cho tình báo
quân đội sang Lào hoạt động dưới vỏ bọc làm kinh tế, tuy nhiên, họ chỉ tìm cách
kiếm ăn qua việc buôn lậu và khai thác trộm gỗ rừng. RFA không thể kiểm chứng độc
lập thông tin này.
Một nhà quan sát chính trị ở Hà Nội không nêu
tên cho rằng, quan hệ quân sự Trung-Lào, thông qua tập trận chung, nằm trong kế
hoạch của Trung Quốc để tăng ảnh hưởng lên Lào. Họ đã làm thành công với
Campuchia, một quốc gia từng là sân sau của Việt Nam.
Việc Bắc Kinh gây ảnh hưởng lên hai quốc gia từng
được xem là "phên dậu" của Việt Nam ở phía Tây có thể là sự đáp trả
việc nước này tăng cường quan hệ bang giao với Hoa Kỳ, người này nói.
“Không có gì bất thường”
Giáo sư
Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc, nhìn sự việc không
quá nghiêm trọng như ba người Việt ở trên. Theo ông, hai nước có quan hệ song
phương đặc biệt và không bị ảnh hưởng bởi cuộc tập trận quân sự đang diễn ra.
“Không có gì bất thường về những trao đổi quân sự
này giữa Trung Quốc và các nước láng giềng phía nam, Lào và Việt Nam,” ông nói trong email gửi RFA ngày 10/5 đồng thời khẳng định
nó "không báo hiệu bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong quan hệ song
phương hiện có" và "Không có lý do gì phải chấm dứt
các hoạt động quân sự này ngay bây giờ hoặc trong tương lai.”
Theo ông, cuộc tập trận này không phải là mối
đe dọa trực tiếp đến an ninh của Việt Nam. Trên thực tế, nó hoàn toàn ngược lại
vì nó giúp xây dựng năng lực của quân đội Lào để đảm bảo an ninh ở phía biên giới
Lào-Việt.
Tuy nhiên, theo ông, cuộc tập trận Lào-Trung
cùng với các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc với Campuchia và Singapore là
đối trọng với hoạt động quân sự chung giữa Hoa Kỳ với Indonesia, Thái Lan và
Philippines.
Ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng,
một nhóm trí thức thường lên tiếng phản biện về các vấn đề xã hội, cũng có cái
nhìn lạc quan về quan hệ tay ba Việt-Lào-Trung.
Chia sẻ với RFA, ông cho rằng Lào có quan hệ
khăng khít với Việt Nam từ xưa nên sẽ không cho phép Trung Quốc sử dụng mình
như một bàn đạp để tấn công Việt Nam.
Phóng viên có gửi email cho Bộ Ngoại giao và Bộ
Quốc phòng của Việt Nam để đề nghị bình luận về cuộc tập trận chung Lào-Trung
Quốc nhưng chưa nhận được phản hồi.
No comments:
Post a Comment